Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 56 /2006/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN TẠI CÁC ĐƠN VỊ TRONG NGÀNH TÀI CHÍNH

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo số 09/1998/QH10 ngày 02 tháng 12 năm 1998;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo số 26//2004/QH11 ngày 15 tháng 06 năm 2004;
Căn cứ Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo số 58/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ - CP ngày 01/07/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 53/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 04 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo và Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo;
Xét đề nghị của Chánh thanh tra Bộ Tài chính
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tạm thời về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại các đơn vị trong ngành Tài chính.

Điều 2: Quy chế này thay thế Điều 6, Điều 7 của Quy chế tiếp công dân, nhận và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân tại các đơn vị trong ngành Tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 155/2002/QĐ-BTC ngày 20/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, Chánh văn phòng Bộ Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Như điều 3
- website chính phủ
- Công báo;
- Lưu: VT (2b)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Tá

 

BỘ TÀI CHÍNH

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2006

 
QUY CHẾ TẠM THỜI

VỀ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN TẠI CÁC ĐƠN VỊ TRONG NGÀNH TÀI CHÍNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số56/2006/QĐ-BTC ngày 18 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

Ngày 29/11/2005, Quốc hội ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo (có hiệu lực từ ngày 1/6/2006) sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo ban hành ngày 15/6/2004 và Luật Khiếu nại, tố cáo 1998.

Để đáp ứng các yêu cầu đặt ra đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các đơn vị trong ngành Tài chính, Bộ Tài chính hướng dẫn tạm thời về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành Tài chính như sau:

Điều 1. Thẩm quyền giải quyết đơn khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính.

1. Quy định chung về thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính:

Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cấp nào thì thủ trưởng đơn vị cấp đó có trách nhiệm giải quyết lần đầu.

Khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì thủ trưởng cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết.

Không xem xét giải quyết đối với những vụ khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai và những vụ khiếu nại đã được tòa án thụ lý để giải quyết.

2. Quy định cụ thể về thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với các đơn vị trong ngành Tài chính:

- Bộ trưởng Bộ Tài chính giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp; Giải quyết khiếu nại mà thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại; Giải quyết khiếu nại có nội dung thuộc quyền quản lý Nhà nước của Bộ trưởng Bộ Tài chính mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết lần đầu; Giải quyết khiếu nại có nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý tài chính mà Giám đốc Sở Tài chính đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại.

- Thủ trưởng các cơ quan thuộc Bộ (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Cục Dự trữ quốc gia, Kho bạc Nhà nước, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước...) có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức thuộc cấp mình quản lý; Giải quyết lần hai đối với các khiếu nại mà thủ trưởng các tổ chức chuyên ngành cấp tỉnh hoặc khu vực đã giải quyết nhưng còn khiếu nại.

- Thủ trưởng các tổ chức chuyên ngành cấp tỉnh (Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Cục Hải quan khu vực, Dự trữ quốc gia khu vực,...) giải quyết lần đầu đối với các khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cấp mình và cán bộ do mình quản lý; Giải quyết lần hai đối với các khiếu nại mà thủ trưởng cấp dưới trực tiếp đã giải quyết nhưng còn khiếu nại.

- Thủ trưởng các tổ chức chuyên ngành cấp huyện (Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước cấp huyện...) hoặc cấp tương đương (Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh; Đội kiểm soát chống buôn lậu; Hải đội kiểm soát trên biển) giải quyết lần đầu khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình của cán bộ, công chức thuộc cấp mình quản lý.

- Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ (Học viện Tài chính, các trường cao đẳng, trung học, nghiệp vụ ...) giải quyết lần đầu đối với khiếu nại liên quan đến lĩnh vực quản lý và của cán bộ thuộc quyền quản lý của mình; giải quyết lần hai đối với các khiếu nại mà thủ trưởng các đơn vị cấp dưới đã giải quyết nhưng còn khiếu nại.

- Thủ trưởng các đơn vị thuộc các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ giải quyết lần đầu đối với khiếu nại liên quan đến lĩnh vực quản lý và của cán bộ thuộc quyền quản lý của mình.

- Tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp thuộc Bộ giải quyết lần đầu đối với khiếu nại liên quan đến các quyết định mang tính hành chính, hành vi mang tính hành chính của mình; Giải quyết lần hai đối với các khiếu nại mà thủ trưởng các đơn vị cấp dưới trực tiếp đã giải quyết nhưng còn khiếu nại.

- Giám đốc các công ty thành viên hạch toán độc lập giải quyết lần đầu đối với khiếu nại liên quan đến các quyết định mang tính hành chính, hành vi mang tính hành chính của mình, và giải quyết lần hai đối với các khiếu nại mà giám đốc các công ty thành viên hạch toán phụ thuộc đã giải quyết nhưng còn khiếu nại. Giám đốc các công ty thành viên hạch toán phụ thuộc giải quyết khiếu nại liên quan đến quyết định mang tính hành chính, hành vi mang tính hành chính của mình.

3. Trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong việc giúp thủ trưởng cơ quan cùng cấp thực hiện giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc thẩm quyền:

- Thủ trưởng các đơn vị có chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực nào, có trách nhiệm thẩm tra, xác minh, và tham mưu giúp thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp giải quyết đơn khiếu nại ở lĩnh vực đó.

- Trường hợp, thủ trưởng các đơn vị có chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành (tổng cục, cục ... thuộc Bộ, cục, ban ...thuộc tổng cục.v.v.) đã giải quyết lần đầu nhưng công dân vẫn còn khiếu nại, thủ trưởng cùng cấp có trách nhiệm phải giải quyết lần hai, thì Chánh thanh tra cùng cấp (đối với nơi có tổ chức Thanh tra), hoặc người được giao nhiệm vụ quản lý, giải quyết khiếu nại (đối với nơi không có tổ chức Thanh tra) có trách nhiệm thẩm tra, xác minh, và tham mưu giúp thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp giải quyết.

4. Các cơ quan trong ngành Tài chính đã thụ lý đơn khiếu nại trước ngày 1/6/2006 (chưa có quyết định giải quyết cuối cùng) thì tiếp tục giải quyết khiếu nại theo trình tự thủ tục được quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo ban hành ngày 15/6/2004 và Luật Khiếu nại, tố cáo 1998. Đối với các trường hợp này thì Bộ trưởng Bộ Tài chính là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cuối cùng.

Điều 2. Thẩm quyền giải quyết đơn khiếu nại quyết định kỷ luật.

1. Quy định chung về thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật

Khiếu nại đối với quyết định kỷ luật của thủ trưởng cơ quan nào thì thủ trưởng cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết; trong trường hợp còn khiếu nại tiếp thì thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết.

2. Quy định cụ thể về thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật đối với các đơn vị trong ngành Tài chính

- Bộ trưởng Bộ Tài chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật do mình ban hành; Giải quyết lần hai đối với khiếu nại quyết định kỷ luật mà thủ trưởng cơ quan thuộc Bộ đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại.

- Thủ trưởng các cơ quan thuộc Bộ (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Cục Dự trữ quốc gia, Kho bạc Nhà nước, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước...) có trách nhiệm giải quyết các khiếu nại quyết định kỷ luật mà mình đã ban hành; Giải quyết lần hai đối với khiếu nại kỷ luật cán bộ mà tổ chức chuyên ngành cấp tỉnh hoặc khu vực đã giải quyết nhưng còn khiếu nại,

- Thủ trưởng các tổ chức chuyên ngành cấp tỉnh ( Cục Thuế, Cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Dự trữ quốc gia khu vực ...) giải quyết lần đầu các khiếu nại quyết định kỷ luật của mình ban hành.

- Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ (Học viện Tài chính, các trường cao đẳng, trung học ...) giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật mà mình đã ban hành.

- Tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp thuộc Bộ giải quyết khiếu nại liên quan đến các quyết định kỷ luật mà mình đã ban hành và giải quyết lần hai đối với khiếu nại về quyết định kỷ luật cán bộ mà thủ trưởng các đơn vị cấp dưới trực tiếp đã giải quyết nhưng còn khiếu nại.

- Giám đốc các công ty thành viên hạch toán độc lập giải quyết lần đầu đối với khiếu nại liên quan đến quyết định kỷ luật mà mình đã ban hành; Giải quyết lần hai đối với khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ mà giám đốc các công ty thành viên hạch toán phụ thuộc đã giải quyết nhưng còn khiếu nại. Giám đốc các công ty thành viên hạch toán phụ thuộc giải quyết khiếu nại liên quan đến quyết định kỷ luật mà mình ban hành.

3. Trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong việc giúp thủ trưởng cơ quan cùng cấp giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật thuộc thẩm quyền:

Thủ trưởng các đơn vị được giao nhiệm vụ giúp thủ trưởng cùng cấp quản lý tổ chức, cán bộ (Vụ trưởng , trưởng ban, trưởng phòng... tổ chức cán bộ) có trách nhiệm giúp thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp thẩm tra, xác minh, và tham mưu giải quyết các khiếu nại về quyết định kỷ luật thuộc thẩm quyền.

Chánh thanh tra giúp thủ trưởng cơ quan cùng cấp giải quyết khiếu nại những trường hợp cần thiết khi được thủ trưởng cơ quan cùng cấp giao.

Điều 3. Thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo

1. Quy định chung về thẩm quyền giải quyết tố cáo.

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của cơ quan nào trong ngành Tài chính thì thủ trưởng cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết.

 Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của cán bộ công chức thuộc quyền quản lý của cơ quan nào trong ngành Tài chính thì thủ trưởng cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết.

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan nào thì thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của đơn vị đó có trách nhiệm giải quyết.

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Tài chính thì do Thủ tướng Chính phủ giải quyết.

Không xem xét, giải quyết những tố cáo dấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký hoặc những tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới.

2. Quy định cụ thể về thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với các đơn vị trong ngành Tài chính

- Bộ trưởng Bộ Tài chính có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của cấp mình; Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức cấp mình và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của thủ trưởng, phó thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ.

- Thủ trưởng các cơ quan thuộc Bộ (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Cục Dự trữ quốc gia, Kho bạc Nhà nước, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, ...) giải quyết tố cáo hành vi, vi phạm pháp luật có nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của cấp mình; Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức cấp mình và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của thủ trưởng, phó thủ trưởng đơn vị cấp dưới trực tiếp.

- Thủ trưởng các tổ chức chuyên ngành cấp tỉnh hoặc tương đương (Cục Thuế, Cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Dự trữ quốc gia khu vực,...) giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của cấp mình; Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức cấp tỉnh và giải quyết tố cáo hành vi, vi phạm pháp luật của thủ trưởng, phó thủ trưởng đơn vị cấp huyện.

- Thủ trưởng các tổ chức chuyên ngành cấp huyện hoặc tương đương (Chi cục Thuế, Chi cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước...) giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của cấp mình; Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức cấp huyện.

- Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ (Học viện Tài chính, các trường cao đẳng, trung học ...) giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của cán bộ thuộc đơn vị mình; giải quyết tố cáo hành vi, vi phạm pháp luật, hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ công vụ của thủ trưởng, phó thủ trưởng các đơn vị cấp dưới trực tiếp.

- Thủ trưởng các đơn vị thuộc các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của cán bộ thuộc đơn vị mình.

- Tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp thuộc Bộ giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của cán bộ thuộc đơn vị minh; giải quyết tố cáo hành vi, vi phạm pháp luật, hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ công vụ của thủ trưởng, phó thủ trưởng, kế toán trưởng các đơn vị cấp dưới trực tiếp.

- Giám đốc các công ty thành viên hạch toán độc lập giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của cán bộ thuộc công ty; Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi vi phạm nhiệm vụ, công vụ của giám đốc, phó giám đốc các công ty hạch toán phụ thuộc. Giám đốc các công ty thành viên hạch toán phụ thuộc giải quyết tố cáo hành vi, vi phạm pháp luật, hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của cán bộ thuộc công ty mình.

- Giám đốc các Sở Tài chính giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của Sở; giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức cấp mình. Tố cáo liên quan đến lãnh đạo Sở Tài chính thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, giải quyết.

3. Trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong việc giúp thủ trưởng cơ quan cùng cấp thực hiện giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền:

- Thủ trưởng các đơn vị có chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực nào, có trách nhiệm giúp thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp thẩm tra, xác minh hoặc thanh tra kết luận để giải quyết đơn tố cáo ở lĩnh vực đó.

- Chánh thanh tra các cấp (đối với nơi có tổ chức Thanh tra), hoặc người được giao nhiệm vụ quản lý, giải quyết khiếu nại (đối với nơi không có tổ chức Thanh tra) có trách nhiệm giúp thủ trưởng cơ quan cùng cấp xem xét, xác minh hoặc thanh tra kết luận để giải quyết nội dung tố cáo có liên quan đến nhiều lĩnh vực; nội dung tố cáo mà thủ trưởng cơ quan cấp dưới đã giải quyết nhưng có vi phạm pháp luật cần phải xem xét giải quyết lại.

Điều 4. Điều khoản thi hành

Quy chế này thay thế Điều 6, Điều 7 của Qui chế tiếp công dân, nhận và giải quyết khiếu nại tố cáo tại các đơn vị trong ngành Tài chính ban hành theo Quyết định số 155/2002/QĐ-BTC ngày 20/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính

Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Tài chính có trách nhiệm thực hiện tốt Quy chế ban hành theo Quyết định số 155/2002/QĐ-BTC ngày 20/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và những điều sửa đổi tại quy chế này./.