Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 565/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 15 tháng 03 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH TIÊU CHÍ LỰA CHỌN SÁCH GIÁO KHOA THEO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018 TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT ngày 28/12/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông; Theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 530/TTr-SGD&ĐT ngày 13/3/2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong cơ sở giáo phổ thông trên địa bàn Nghệ An, cụ thể:

Tiêu chí 1. Phù hợp với việc học của học sinh

1. Nội dung, cấu trúc sách giáo khoa (SGK) đảm bảo tính cơ bản, khoa học, hiện đại, thiết thực, dễ hiểu, dễ sử dụng, phù hợp với đối tượng học sinh, đảm bảo các yêu cầu cần đạt của chương trình môn học, hoạt động giáo dục.

2. Nội dung, cấu trúc chủ đề/bài học trong SGK chú trọng đến việc rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự tìm tòi và chiếm lĩnh kiến thức; tạo điều kiện cho học sinh học tập tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

3. Hệ thống câu hỏi, bài tập và yêu cầu hoạt động có tính mở, nhiều mức độ khác nhau phù hợp với đặc điểm, trình độ đối tượng học sinh; có tác dụng và hiệu quả trong việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

4. Sách giáo khoa đảm bảo tính thẩm mỹ. Kênh chữ và kênh hình được trình bày cân đối, hài hoà, phù hợp với đặc trưng môn học và tâm lý lứa tuổi học sinh.

Tiêu chí 2. Thuận lợi đối với giáo viên

1. Các chủ đề/bài học trong SGK chú trọng tới việc thực hiện tích hợp kiến thức nội môn, liên môn; được thiết kế, trình bày phong phú, đa dạng với nhiều hoạt động, tạo điều kiện cho giáo viên linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, giúp giáo viên có thể thực hiện dạy học gắn kết với thực tiễn cuộc sống.

2. Các chủ đề/bài học trong SGK đảm bảo mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh, về đánh giá kết quả giáo dục; đồng thời giúp giáo viên dễ xác định được các mức độ cần đạt cũng như đánh giá được kết quả giáo dục.

3. Các chủ đề/bài học trong SGK tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên linh hoạt, sáng tạo trong quá trình tổ chức các hoạt động học trong và ngoài lớp học.

4. Nội dung, cấu trúc SGK tạo điều kiện để tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với kế hoạch giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Tiêu chí 3. Phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương

1. Nội dung, cấu trúc SGK có tính mở, tính mềm dẻo, tính phân hóa cao, có thể điều chỉnh phù hợp với nhiều nhóm đối tượng học sinh, dễ kết nối hoặc liên hệ, mở rộng với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế của các vùng, miền.

2. Ngữ liệu trong SGK dễ hiểu, phổ biến, gần gũi với cuộc sống; có thể thay đổi phù hợp với thuần phong mĩ tục, văn hóa địa phương.

3. Sách giáo khoa có giá phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương.

Tiêu chí 4. Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông

1. Các chủ đề/bài học trong SGK có thể triển khai phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác của cơ sở giáo dục.

2. Nguồn tài nguyên, học liệu điện tử bổ sung cho SGK đa dạng, phong phú, hữu ích, dễ khai thác sử dụng phù hợp với điều kiện của cơ sở giáo dục.

3. Cấu trúc SGK giúp nhà trường và giáo viên chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo điều kiện của từng trường, từng địa phương dưới sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý giáo dục.

Điều 2. Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục phổ thông căn cứ các tiêu chí nêu tại điều 1 Quyết định này để thực hiện việc lựa chọn SGK đúng quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 571/QĐ-UBND ngày 10/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- PCT VX UBND tỉnh;
- CVC, PVP VX UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX (TP, Đức);

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Đình Long