Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5669/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH HƯỚNG DẪN NÂNG CAO NĂNG LỰC CHĂM SÓC MẮT TẠI CƠ SỞ Y TẾ TUYẾN HUYỆN

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn nâng cao năng lực chăm sóc mắt tại cơ sở y tế tuyến huyện.

Điều 2. Hướng dẫn nâng cao năng lực chăm sóc mắt được áp dụng tại các cơ sở y tế tuyến huyện.

Điều 3. Giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm đầu mối hướng dẫn, theo dõi các đơn vị có liên quan triển khai “Hướng dẫn nâng cao năng lực chăm sóc mắt tại cơ sở y tế tuyến huyện”.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 5. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Lưu: VT, KCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trường Sơn

 

HƯỚNG DẪN

NÂNG CAO NĂNG LỰC CHĂM SÓC MẮT TẠI CƠ SỞ Y TẾ TUYẾN HUYỆN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5669/QĐ-BYT ngày 12/12/2021)

 

MỤC LỤC

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

II. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

III. MÔ HÌNH TỔ CHỨC CHĂM SÓC MẮT TUYẾN HUYỆN

IV. CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ KHOA MẮT TUYẾN HUYỆN

V. ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN

5.1  Nhân lực của khoa Mắt

5.2  Cơ sở hạ tầng

5.3  Trang thiết bị

5.4  Danh mục kỹ thuật và phạm vi chuyên môn

5.5  Thuốc, vật tư tiêu hao

VI. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH

6.1  Khám chữa mắt cho người bệnh tại cơ sở

6.2  Kiểm soát mù lòa do đục thủy tinh thể (ĐTTT)

6.3  Kiểm soát mù lòa do bệnh Võng mạc đái tháo đường

6.4  Kiểm soát mù lòa do bệnh Glôcôm

6.5  Chăm sóc Tật khúc xạ

6.6  Phòng chống mù lòa ở trẻ em

6.7  Kiểm soát bệnh mắt hột gây mù

6.8  Quản lý các chương trình chăm sóc mắt

6.9  Phối hợp liên ngành trong chăm sóc mắt

6.10  Một số chỉ số đánh giá hoạt động chuyên môn

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

PHỤ LỤC 1. DANH MỤC BỆNH VỀ MẮT THƯỜNG GẶP

PHỤ LỤC 2: DANH MỤC KỸ THUẬT CHUYÊN MÔN TỐI THIỂU CẦN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TẠI CƠ SỞ CHĂM SÓC MẮT TUYẾN HUYỆN

PHỤ LỤC 3. DANH MỤC THUỐC, VẬT TƯ TIÊU HAO TỐI THIỂU CẦN TRANG BỊ CHO CƠ SỞ CHĂM SÓC MẮT TUYẾN HUYỆN

PHỤ LỤC 4. DANH MỤC TRANG THIẾT BỊ Y TẾ TỐI THIỂU CẦN TRANG BỊ CHO CƠ SỞ CHĂM SÓC MẮT TUYẾN HUYỆN

 

HƯỚNG DẪN NÂNG CAO NĂNG LỰC CHĂM SÓC MẮT TẠI CƠ SỞ Y TẾ TUYẾN HUYỆN

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;

- Quyết định số 2560/QĐ-TTg ngày 31/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược quốc gia phòng chống mù lòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

- Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và phòng y tế thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

- Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 của Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Thông tư 07/2021/TT-BYT ngày 27/5/2021 của Bộ Y tế Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương;

- Cam kết của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 05/3/2000 ủng hộ “Sáng kiến toàn cầu về loại trừ mù loà có thể phòng và chữa được” do WHO và Tổ chức Phòng chống mù lòa quốc tế khởi xướng năm 1999 “Chương trình Thị giác 2020 - Quyền được nhìn thấy” hướng tới kiềm chế gia tăng và giảm tỷ lệ mù loà trong cộng đồng, loại trừ các nguyên nhân gây mù có thể phòng tránh vào năm 2020.

II. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

- Hướng dẫn này quy định việc tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của bộ phận chăm sóc Mắt trong cơ sở y tế Nhà nước tuyến huyện.

- Hướng dẫn này áp dụng đối với các cơ sở y tế Nhà nước thuộc tuyến huyện có bộ phận chăm sóc mắt.

III. MÔ HÌNH TỔ CHỨC CHĂM SÓC MẮT TUYẾN HUYỆN

1. Cơ sở y tế tuyến huyện

- Bệnh viện đa khoa tuyến huyện;

- Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (Gọi là Trung tâm y tế huyện).

2. Bộ phận chăm sóc mắt trong TTYT huyện

- Phòng khám mắt trong khoa khám bệnh

- Khoa Mắt trong Trung tâm y tế tuyến huyện

- Liên chuyên khoa có chuyên khoa Mắt trong TTYT huyện

(Sau đây gọi chung là Khoa Mắt).

IV. CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ KHOA MẮT TUYẾN HUYỆN

1. Chức năng

- Là khoa lâm sàng chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Giám đốc TTYT huyện.

- Tham mưu cho Giám đốc TTYT huyện về toàn bộ công tác chăm sóc mắt trong đơn vị, tại cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc mắt, phòng chống mù lòa của người dân trong huyện.

- Có chức năng thực hiện các dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc mắt tại TTYT huyện và triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống mù lòa tại cộng đồng theo phân tuyến chuyên môn kĩ thuật.

2. Nhiệm vụ của khoa Mắt

- Tham mưu cho Ban giám đốc Bệnh viện/TTYT tuyến huyện xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các nhiệm vụ về chăm sóc mắt, phòng chống mù lòa trên cơ sở kế hoạch của tỉnh, thành và tình hình thực tế trên địa bàn quận huyện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về khám, chữa các bệnh mắt theo phân tuyến chuyện môn kỹ thuật của Bộ Y tế, bao gồm:

+ Xử trí cấp cứu do bỏng, do chấn thương và bệnh lý về mắt.

+ Khám, chẩn đoán, điều trị nội, ngoại trú, phẫu thuật các bệnh về mắt ở người lớn và trẻ em và chuyển tuyến khi vượt quá khả năng (danh mục bệnh tại Phụ lục 1).

+ Khám thử thị lực, đo khúc xạ, cấp đơn kính và cung cấp dịch vụ kính điều chỉnh tật khúc xạ.

+ Tham gia khám và quản lý sức khỏe mắt cho học sinh, người cao tuổi

+ Tham gia khám mắt trong quy trình khám sức khỏe cho người lao động, khám giám định, khám tuyển nghĩa vụ quân sự khi được trưng cầu.

+ Phát hiện, giới thiệu người khiếm thị đến các dịch vụ cao cấp hơn khi cần thiết, bao gồm giáo dục tổng quát, giáo dục đặc biệt và phục hồi chức năng cho người mù /thị lực thấp.

+ Thực hiện các hoạt động phòng chống dịch bệnh và tật khúc xạ về mắt ở cộng đồng (dịch đau mắt đỏ, mắt hột, đục thể thủy tinh gây mù, tật khúc xạ...); kiểm soát các nguyên nhân gây mù lòa.

+ Hướng dẫn và giám sát chuyên môn, kỹ thuật về các hoạt động chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa đối với các trạm y tế xã, phường, thị trấn (gọi là y tế xã), các cơ sở y tế trên địa bàn.

- Tham gia đào tạo, đào tạo lại, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ và chăm sóc mắt ban đầu cho cán bộ y tế xã, nhân viên y tế thôn, bản/khóm ấp và các cán bộ khác.

- Tổ chức tuyên truyền giáo dục sức khỏe về phòng chống bệnh mắt và chăm sóc mắt tại cơ sở y tế và tại cộng đồng.

- Tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật về lĩnh vực chăm sóc mắt ở tuyến cơ sở. Tham gia các dự án hợp tác quốc tế khác khi được phân công.

- Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về hoạt động khám chữa bệnh mắt và phòng chống mù lòa tại đơn vị và tại cộng đồng theo quy định của sở y tế, đơn vị chức năng tuyến tỉnh và địa phương.

V. ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN

5.1. Nhân lực của khoa Mắt

- Tối thiểu 01 Bác sĩ có chứng chỉ đào tạo chuyên khoa mắt; 01 Điều dưỡng có trình độ từ cao đẳng trở lên, được đào tạo điều dưỡng chuyên khoa mắt

- Khuyến khích có 1 Kỹ thuật viên Khúc xạ hoặc 1 điều dưỡng chuyên khoa mắt có chứng chỉ khúc xạ; 01 kỹ thuật viên mài lắp kính (Nếu có triển khai dịch vụ kính thuốc)

5.2. Cơ sở hạ tầng:

- Cơ sở chăm sóc mắt tuyến huyện tối thiểu có phòng: 01 phòng khám và đo thị lực; 01 Phòng cấp cứu và thủ thuật mắt.

- Nếu triển khai điều trị nội trú: Tùy điều kiện cơ sở vật chất có thể bố trí phòng riêng hoặc nằm chung trong các liên chuyên khoa.

5.3. Trang thiết bị

- Có đầy đủ trang thiết bị thiết yếu theo quy định tại phụ lục 4.

- Khuyến khích trang bị thêm các trang thiết bị khác theo năng lực chuyên môn và định hướng phát triển của đơn vị.

5.4. Danh mục kỹ thuật và phạm vi chuyên môn

- Đảm bảo thực hiện được 50% danh mục theo phân tuyến kỹ thuật, quy định tại phụ lục 2.

- Khuyến khích phát triển các kỹ thuật theo phân tuyến và vượt tuyến khi có đủ điều kiện và được cơ quan thẩm quyền cho phép.

5.5. Thuốc, vật tư tiêu hao

- Có đầy đủ thuốc, vật tư y tế thiết yếu theo quy định tại phụ lục 3.

- Khuyến khích bổ sung thêm thuốc và VTYT phù hợp với nhu cầu chuyên môn thuộc phạm vi hoạt động được bổ sung trong danh mục kỹ thuật của đơn vị được phê duyệt.

VI. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH

6.1. Khám chữa mắt cho người bệnh tại cơ sở

- Tiếp nhận và xử trí cấp cứu ban đầu các chấn thương, bỏng mắt và các bệnh lý nhiễm trùng mắt thường gặp

- Lấy dị vật kết, giác mạc, khâu vết thương mi đơn giản, xử trí xuất huyết kết mạc, xuất huyết tiền phòng, tổn thương lớp nông giác mạc

- Điều trị các bệnh nhiễm trùng mắt thông thường như viêm kết giác mạc, viêm bờ mi, chắp lẹo, đau mắt đỏ

- Chuyển tuyến các bệnh mắt nặng như: Viêm loét giác mạc, viêm màng bồ đào, viêm mủ nội nhãn, chấn thương mắt nặng, bong võng mạc ....

- Tham gia khám sức khỏe, khám giám định, khám tuyển nghĩa vụ quân sự khi được trưng cầu

6.2. Kiểm soát mù lòa do đục thủy tinh thể (ĐTTT)

- Tiến hành các hoạt động truyền thông về ĐTTT.

- Khám sàng lọc phát hiện ĐTTT tại khoa mắt và tại cộng đồng.

- Chuyển tuyến để phẫu thuật đục thủy tinh thể (Có thể phẫu thuật nếu có đủ điều kiện).

- Chăm sóc hậu phẫu và theo dõi bệnh nhân ĐTTT đã điều trị.

6.3. Kiểm soát mù lòa do bệnh Võng mạc đái tháo đường

- Truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh đái tháo đường về các biến chứng mắt và các dịch vụ chăm sóc mắt điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường.

- Khám mắt định kỳ, soi đáy mắt hoặc chụp đáy mắt (nếu có điều kiện) để phát hiện sớm bệnh võng mạc do đái tháo đường.

- Chuyển người BVMĐTĐ không tăng sinh giai đoạn vừa trở lên hoặc có phù HĐ ở bất kỳ giai đoạn nào lên tuyến trên.

- Theo dõi bệnh võng mạc đái tháo đường sau khi điều trị ở tuyến trên.

6.4. Kiểm soát mù lòa do bệnh Glôcôm

- Truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh glôcôm cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao (phụ nữ, trên 40 tuổi, có tiền sử gia đình, có một mắt đã mắc bệnh glocom) đi khám mắt định kỳ để có thể phát hiện sớm bệnh.

- Đo nhãn áp, khám lâm sàng, phát hiện và điều trị sớm bệnh glôcôm góc mở, chuyển tuyến nếu quá khả năng.

- Cấp cứu và điều trị bệnh glôcôm góc đóng cấp tính chuyển tuyến nếu quá khả năng điều trị.

6.5. Chăm sóc Tật khúc xạ

- Tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe mắt, phòng chống cận thị, chấn thương mắt học đường

- Hỗ trợ khám sàng lọc, đo thị lực và kính lỗ. Đo khúc xạ (khách quan và chủ quan), kê đơn kính

- Phát hiện, giới thiệu chuyển tuyến người khiếm thị (thị lực 2 mắt dưới 3/10, không tăng với kính lỗ).

- Mài lắp kính và tư vấn sử dụng kính.

- Đào tạo cán bộ y tế trường học về chăm sóc mắt học đường: Phòng chống tật khúc xạ, tai nạn thương tích, sơ cấp cứu chấn thương mắt ban đầu.

6.6. Phòng chống mù lòa ở trẻ em

- Truyền thông, giáo dục sức khỏe một số bệnh gây mù lòa trẻ em như: Bệnh võng mạc trẻ đẻ non (ROP), Bệnh ung thư võng mạc (đồng tử trắng); Bệnh đục thể thủy tinh bẩm sinh; Bệnh Glôcôm bẩm sinh (Mắt Trâu); bệnh Lác; Sụp mi và Quặm bẩm sinh.

- Cấp cứu, xử trí ban đầu chấn thương và bỏng mắt.

- Chẩn đoán, điều trị và chuyển tuyến một số bệnh lý mắt ở trẻ em

- Đào tạo cán bộ y tế xã, thôn bản/khóm ấp về chăm sóc mắt ban đầu tại cộng đồng.

6.7. Kiểm soát bệnh mắt hột gây mù

- Giáo dục truyền thông về chiến lược SAFE.

- Khám, phát hiện và điều trị bệnh Mắt hột

- Phẫu thuật biến chứng quặm do mắt hột, chuyển tuyến khi vượt quá khả năng (loại trừ bệnh nhân quặm đã mù, quá già yếu hoặc không muốn mổ quặm).

6.8. Quản lý các chương trình chăm sóc mắt

- Quản lý chương trình chăm sóc mắt trường học lồng ghép với chương trình chăm sóc sức khỏe học đường.

- Quản lý chương trình phòng chống mù lòa, tình hình phẫu thuật đục thủy tinh thể và các bệnh mắt khác, lồng ghép trong chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

- Triển khai lồng ghép dịch vụ CSM với các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, chương trình quản lý các bệnh không lây (đái tháo đường, tăng huyết áp)

- Phối hợp lồng ghép với các cơ sở chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý bác sỹ gia đình, cơ sở CSM tuyến xã và tuyến tỉnh để thiết lập và duy trì mạng lưới giám sát về bệnh võng mạc đái tháo đường.

- Đào tạo tập huấn cho y tế xã phường, thôn ấp và tổ chức các hoạt động chăm sóc mắt ban đầu ở cộng đồng.

6.9. Phối hợp liên ngành trong chăm sóc mắt

- Phối hợp với cơ quan truyền thông đại chúng: Tuyên truyền giáo dục sức khỏe về dịch vụ chăm sóc mắt

- Hội Chữ Thập Đỏ: Huy động nhân lực thực hiện khám chữa bệnh từ thiện tại cộng đồng trong đó có các bệnh về mắt như: sàng lọc và hỗ trợ mổ đục TTT, hỗ trợ học sinh nghèo khám và điều trị tật khúc xạ; vận động hiến giác mạc,...

- Phòng Giáo dục - Đào tạo và các trường phổ thông trên địa bàn: Tuyên truyền về phòng chống tật khúc xạ và tham gia sàng lọc phát hiện sớm học sinh bị tật khúc xạ...

- Hội Người cao tuổi: Tham gia tuyên truyền và vận động người bệnh đái tháo đường khám mắt định kỳ 3-6 tháng/lần; vận động khám sàng lọc phát hiện các trường hợp bị đục TTT trong cộng đồng, vận động hiến giác mạc...

- Các Tổ chức tôn giáo: Hỗ trợ chi phí cho các trường hợp mổ đục TTT có hoàn cảnh khó khăn, vận động hiến giác mạc,...

- Phối hợp với Phòng Y tế: Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh mắt ngoài công lập, các phòng kính thuốc.

6.10  Một số chỉ số đánh giá hoạt động chuyên môn

- Trung bình số lượt khám bệnh.

- Trung bình số lượt điều trị nội trú.

- Trung bình số lượt thực hiện kỹ thuật chuyên khoa.

- Trung bình số lượt khám phát hiện tật khúc xạ học đường.

- Trung bình số lượt khám phát hiện đục thủy tinh thể và chuyển tuyến.

- Số lượt truyền thông giáo dục sức khoẻ cộng đồng.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

7.1. Bộ Y tế

- Cục Quản lý Khám chữa bệnh: Có trách nhiệm quản lý, theo dõi việc thực hiện Hướng dẫn này ở tuyến huyện.

- Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế có trách nhiệm hướng dẫn và chỉ đạo cung cấp các trang thiết bị và vật tư y tế thiết yếu cho công tác chăm sóc mắt ở tuyến huyện;

- Cục Quản lý Dược có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo cung cấp các thuốc thiết yếu cho công tác chăm sóc mắt ở tuyến huyện.

7.2. Giám đốc các Sở Y tế

Chịu trách nhiệm quản lý công tác phòng chống mù lòa và chăm sóc mắt cho nhân dân thuộc phạm vi quản lý; chỉ đạo các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ, bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc thiết yếu phục vụ chăm sóc mắt và tổ chức thực hiện tại địa phương.

7.3. Thủ trưởng các cơ sở y tế

Căn cứ vào đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân ở địa phương, thủ trưởng các cơ sở y tế có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, tạo điều kiện cung cấp trang thiết bị và thuốc thiết yếu cho khám, chữa các bệnh mắt và đào tạo cán bộ chăm sóc mắt cho tuyến huyện ở địa phương.

7.4. Chế độ báo cáo

Các Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo Bộ Y tế (Cục Quản lý khám chữa bệnh) kết quả triển khai công tác phòng chống mù lòa chăm sóc mắt cho nhân dân ở tuyến huyện thuộc đơn vị phụ trách trong năm, kế hoạch cho năm tới. Báo cáo vào cuối tháng 12 hàng năm.

 

PHỤ LỤC 1.

DANH MỤC BỆNH VỀ MẮT THƯỜNG GẶP

TT

Danh mục bệnh thường gặp điều trị tại tuyến huyện

1

Bỏng mắt

2

Chấn thương mắt đụng dập

3

Vết thương mi mắt đơn giản

4

Viêm kết mạc

5

Chắp, lẹo

6

Dị vật kết mạc

7

Dị vật giác mạc

8

Viêm giác mạc

9

Loét giác mạc nông

10

Viêm tắc lệ đạo

11

Viêm bờ mi

12

Khô mắt

13

Đục thủy tinh thể (nội khoa)

14

Glôcôm (nội khoa)

15

Bệnh lý võng mạc ĐTĐ giai đoạn sớm

16

Tật khúc xạ

17

Lác (lé)

18

Sụp mi

19

Mộng thịt

20

Lông Quặm

 

PHỤ LỤC 2:

DANH MỤC KỸ THUẬT CHUYÊN MÔN TỐI THIỂU CẦN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TẠI CƠ SỞ CHĂM SÓC MẮT TUYẾN HUYỆN

STT

Danh mục kỹ thuật

1.

Tra thuốc nhỏ mắt

2.

Thay băng mắt vô khuẩn

3.

Cắt chỉ khâu da mi đơn giản

4.

Khám lâm sàng mắt

5.

Đo thị lực

6.

Lấy dị vật kết mạc

7.

Lấy calci kết mạc (sạn vôi)

8.

Cấp cứu bỏng mắt ban đầu

9.

Thử kính

10.

Xử lý vết thương phần mềm, tổn thương nông vùng mắt

11.

Bơm rửa lệ đạo

12.

Chích chắp, lẹo, nang lông mi; chích áp xe mi, kết mạc

13.

Nặn tuyến bờ mi, đánh bờ mi

14.

Rửa cùng đồ

15.

Đốt lông xiêu, nhổ lông siêu

16.

Bóc giả mạc

17.

Rạch áp xe mi

18.

Cắt chỉ khâu kết mạc

19.

Soi đáy mắt trực tiếp

20.

Khâu da mi đơn giản

21.

Lấy dị vật giác mạc nông

22.

Cắt bỏ chắp có bọc

23.

Bóc sợi giác mạc

24.

Đo nhãn áp (Maclakov, Goldmann, Schiotz...)

25.

Khâu kết mạc

26.

Rạch áp xe túi lệ

27.

Khâu phục hồi bờ mi

28.

Đo khúc xạ máy

29.

Theo dõi nhãn áp 3 ngày

30.

Chích dẫn lưu túi lệ

31.

Cắt u da mi không ghép

32.

Đo sắc giác

33.

Đo khúc xạ khách quan (soi bóng đồng tử - Skiascope)

34.

Phẫu thuật quặm

35.

Khâu cò mi, tháo cò

36.

Đóng lỗ dò đường lệ

37.

Bơm hơi / khí tiền phòng

38.

Soi đáy mắt bằng kính 3 gương

39.

Test phát hiện khô mắt

40.

Đo độ lác

41.

Tiêm dưới kết mạc

42.

Bơm thông lệ đạo

43.

Cắt chỉ khâu giác mạc

44.

Khâu giác mạc

45.

Tiêm cạnh nhãn cầu

46.

Tiêm hậu nhãn cầu

 

PHỤ LỤC 3.

DANH MỤC THUỐC, VẬT TƯ TIÊU HAO TỐI THIỂU CẦN TRANG BỊ CHO CƠ SỞ CHĂM SÓC MẮT TUYẾN HUYỆN

STT

Tên thuốc

1

Thuốc sát khuẩn povidone 5%, 10%

2

Thuốc tra mắt kháng sinh (nước, mỡ)

3

Thuốc tra mắt có chứa corticosteroid

4

Thuốc tra mắt chống viêm non steroid

5

Thuốc tra mắt co đồng tử (pilocarpine 1%)

6

Thuốc tra mắt liệt điều tiết (atropine sulphate 1%, 0,5%)

7

Thuốc dãn nhanh đồng tử (tropicamide 0.5% -Mydrin-P)

8

Nước mắt nhân tạo

9

Nước muối sinh lý

10

Giấy/thuốc nhuộm giác mạc Fluorescein 2%

11

Thuốc gây tê bề mặt nhãn cầu dicain 1%, tetracaine 0.5%

12

Thuốc gây tê dạng tiêm cylocaine 2%, Lidocaine 2%

13

Thuốc hạ nhãn áp uống acetazolamide 250 mg

14

Thuốc hạ nhãn áp dạng tra mắt (Timolol; Betoptic, Prostaglandine)

15

Lưỡi dao mổ N.11, N.15

16

Chỉ phẫu thuật nilon 5.0 - 10.0

17

Chỉ Silk 4.0 - 8.0

18

Chỉ Vicryl 4.0 - 8.0

19

Que tăm bông

20

Gạc băng mắt

 

PHỤ LỤC 4.

DANH MỤC TRANG THIẾT BỊ Y TẾ TỐI THIỂU CẦN TRANG BỊ CHO CƠ SỞ CHĂM SÓC MẮT TUYẾN HUYỆN

STT

Trang thiết bị

1

Đèn pin khám mắt

2

Bảng thị lực (Snellen - logmar - Thập phân (chữ E, chữ cái, chữ C) nhìn xa và nhìn gần

3

Hộp kính kèm gọng thử cho người lớn và trẻ em

4

Kính lúp đeo trán

5

Đèn soi đáy mắt trực tiếp và bóng đèn dự phòng

6

Đèn soi bóng đồng tử và thước Parent

7

Nhãn áp kế Schiotz hoặc Maclakov

8

Vành mi cho người lớn và trẻ em

9

Bộ nong, thông, bơm rửa lệ đạo

11

Bộ tiểu phẫu và hộp đựng (cán dao 11, 15)

12

Bộ mổ quặm và hộp đựng dụng cụ

13

Bộ mổ mộng và hộp đựng dụng cụ

14

Đèn tiểu phẫu

15

Bàn, ghế xoay tiểu phẫu

16

Tủ thuốc và dụng cụ cấp cứu

17

Tủ sấy hấp dụng cụ cho tiểu phẫu

18

Sinh hiển vi khám bệnh

19

Kính VolK soi đáy mắt

20

Bộ rạch chắp lẹo