Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/2006/QĐ-UBND

Lai Châu, ngày 28 tháng 8 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH MỨC THU VÀ SỬ DỤNG HỌC PHÍ TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Nghị quyết số 67/2006/NQ-HĐND ngày 25 tháng 7 năm 2006 của HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 8 khoá XII về quy định mức thu và sử dụng học phí trong các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập trên địa bàn tỉnh Lai Châu,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định mức thu và sử dụng học phí trong các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

(có quy định chi tiết kèm theo)

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ năm học 2006 - 2007.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, Thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT/CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Văn Thành

 

QUY ĐỊNH

VỀ THU, CHI, QUẢN LÝ TIỀN HỌC PHÍ TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU
(Kèm theo Quýet định số 57/2006/QĐ-UBND ngày 28/8/2006 của UBND tỉnh Lai Châu)

1. Đối tượng thu học phí

Là học sinh, sinh viên đang theo học ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục Quốc dân (trừ các đối tượng được miễn giảm học phí)

2. Miễn học phí cho các đối tượng sau:

- Học sinh là con của liệt sỹ, con của thương binh, con của bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh mất sức lao động từ 61% trở lên, được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

- Học sinh đang học tiểu học.

- Học sinh, sinh viên có cha, mẹ thường trú tại vùng cao miền núi (trừ Thị xã, Thị trấn) và vùng sâu.

- Học sinh, sinh viên bị tàn tật và có khó khăn về kinh tế, khả năng lao động bị suy giảm từ 21% trở lên và được Hội đồng giám định Y khoa xác nhận.

- Học sinh, sinh viên ngành sư phạm.

- Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.

- Học sinh thuộc đối tượng tuyển chọn ở các trường dự bị đại học dân tộc, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dạy nghề cho người tàn tật, trường khuyết tật (thiểu năng).

- Học sinh, sinh viên mà gia đình (gia đình, cha, mẹ hoặc người nuôi dưỡng) được xếp vào diện hộ đói theo quy định của Nhà nước.

- Học sinh là con em dân tộc thiểu số và học sinh ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135.

3. Giảm học phí cho các đối tượng sau:

* Học sinh, sinh viên là con của thương binh; con của bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh bị mất sức lao động từ 21 đến 60% được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

* Giảm 50% học phí cho các đối tượng :

- Học sinh, sinh viên là con cán bộ, công nhân viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động được hưởng trợ cấp thường xuyên.

- Học sinh, sinh viên có gia đình (gia đình, cha, mẹ hoặc người nuôi dưỡng) thuộc diện hộ nghèo theo quy định chung của Nhà nước.

4. Mức học phí áp dụng cho hệ chính quy tập trung ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập quy định như sau:

4.1. Đối với học sinh học ở các cơ sở giáo dục hệ công lập

+ Mẫu giáo : 10.000đ/học sinh/tháng

+ Trung học cơ sở: 4.000đ/học sinh/tháng

+ Trung học phổ thông: 8.000đ/học sinh/tháng

4.2. Đối với học sinh học bổ túc văn hoá tại các TTGDTX tỉnh, huyện không thuộc diện trong chỉ tiêu nhà nước (hệ bán công)

- Bổ túc trung học cơ sở : 60.000đ/học sinh/tháng

- Bổ túc trung học phổ thông: 80.000đ/học sinh/tháng

4.3 Đối với học sinh ở các cơ sở đào tạo thuộc chỉ tiêu của Nhà nước:

- Trung học chuyên nghiệp: 80.000đ/học sinh/tháng

- Cao đẳng: 100.000đ/học sinh/tháng

5. Tổ chức thu, quản lý và sử dụng quỹ học phí

- Cơ sở giáo dục và đào tạo có trách nhiệm tổ chức thu học phí và nộp vào Kho bạc Nhà nước, biên lai thu theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng chứng từ thu tiền học phí, lệ phí.

- Cơ sở giáo dục và đào tạo và cơ quan quản lý giáo dục địa phương được sử dụng toàn bộ học phí thu được vào các việc sau:

+ Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập

+ Bổ sung kinh phí cho các hoạt động sự nghiệp giáo dục và đào tạo kể cả việc hỗ trợ việc tổ chức thi tốt nghiệp.

+ Hỗ trợ cho hoạt động trực tiếp giảng dạy, phục vụ giảng dạy.

+ Hỗ trợ cho công tác điều tiết chung thuộc ngành giáo dục và đào tạo ở địa phương.

6. Tỷ lệ sử dụng học phí được quy định như sau:

6.1. Tỷ lệ học phí dành để tăng cường cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy học tập:

- 35% đối với khối giáo dục

- 45% đối với khối đào tạo

6.2. Bổ sung kinh phí cho các hoạt động sự nghiệp giáo dục và đào tạo kể cả hỗ trợ cho việc tổ chức thi tốt nghiệp

- 35% đối với khối giáo dục

- 25% đối với khối đào tạo

6.3. Hỗ trợ cho hoạt động trực tiếp giảng dạy, phục vụ giảng dạy là 10% đối với cả khối giáo dục và đào tạo.

6.4. Hỗ trợ cho công tác quản lý và điều tiết chung thuộc ngành giáo dục và đào tạo ở địa phương là 20% cho cả khối giáo dục và đào tạo theo chi tiết:

- Chi hỗ trợ công tác quản lý và điều tiết chung của Sở Giáo dục và Đào tạo: 2% và của Phòng Giáo dục là 3% để bảo đảm cho các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ bao gồm: Chi mua sổ sách kế toán, chi lệ phí chuyển tiền, biên lai, ấn chỉ và văn phòng phẩm.

- Chi điều tiết hỗ trợ cho các trường không thu học phí: 15%