UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 58/2005/QĐ-UBND | Mỹ Tho, ngày 23 tháng 11 năm 2005 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG XUẤT BẢN VÀ PHÁT HÀNH CÔNG BÁO TỈNH TIỀN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 104/2004/NĐ-CP ngày 23/3/2004 của Chính phủ về Công báo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng UBND tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế hoạt động xuất bản và phát hành Công báo tỉnh Tiền Giang”.
Điều 2. Giao Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch quản lý việc giao nhận, in ấn và phát hành Công báo tỉnh Tiền Giang theo quy định.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Trung tâm Lưu trữ; Giám đốc Sở Tư pháp; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
HOẠT ĐỘNG XUẤT BẢN VÀ PHÁT HÀNH CÔNG BÁO TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 58/2005/QĐ-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2005 của UBND tỉnh Tiền Giang)
Nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện Nghị định số 104/2004/NĐ-CP, ngày 23 tháng 3 năm 2004 của Chính phủ về Công báo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Uỷ ban nhân dân tỉnh Tiền Giang quy định về việc xuất bản và phát hành Công báo tỉnh Tiền Giang như sau:
Điều 1. Vị trí, chức năng của Công báo
Công báo là ấn phẩm thông tin pháp lý chính thức của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Chính phủ thống nhất quản lý; có chức năng công bố các văn bản pháp luật và thời điểm có hiệu lực của văn bản đó có theo quy định của pháp luật, các Điều ước quốc tế đã có hiệu lực đối với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ các điều ước quốc tế các bên thỏa thuận không công bố hoặc không được phép công bố theo quyết định của các cơ quan có thẩm quyền; thông tin, phổ biến văn bản pháp luật do các cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành (sau đây gọi tắt là cơ quan có thẩm quyền).
Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng
Quy chế này quy định vị trí, chức năng của Công báo tỉnh Tiền Giang; nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động xuất bản và phát hành Công báo (sau đây gọi tắt là cơ quan Công báo); thủ tục gửi, tiếp nhận và đăng văn bản pháp luật trên Công báo; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với việc đăng văn bản pháp luật trên Công báo.
Quy chế này được áp dụng trong phạm vi tỉnh Tiền Giang: Từ các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang và trong nhân dân.
Điều 3. Nguyên tắc đăng văn bản trên Công báo
1. Công báo đăng toàn văn bản, chính xác, đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
2. Công báo không đăng các văn bản bí mật nhà nước thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Các loại văn bản được đăng trên Công báo và xuất bản
1. Các loại văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ban hành.
2. Các quyết định của cơ quan có thẩm quyền xử lý các văn bản trái pháp luật; các văn bản cá biệt; các văn bản hướng dẫn của Sở, ngành cấp tỉnh; văn bản có giá trị pháp lý khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
3. Đăng lại các văn bản pháp luật đã công bố trên Công báo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương ban hành về địa phương mình.
Điều 5. Giá trị pháp lý và thời điểm có hiệu lực của văn bản đăng trên Công báo
1. Văn bản pháp luật đăng trên Công báo có cùng giá trị với văn bản gốc; là văn bản chính thức duy nhất cùng văn bản gốc dùng để đối chiếu và sử dụng trong mọi trường hợp khi có sự khác biệt giữa văn bản đăng trên Công báo và văn bản có từ các nguồn khác hoặc khi có sự tranh chấp pháp lý.
2. Thời điểm có hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật là thời điểm được quy định tại Điều 51 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004.
3. Đối với văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành để áp dụng các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp thì thời điểm có hiệu lực được quy định tại văn bản đó, không phụ thuộc vào ngày đăng công báo.
4. Thời điểm có hiệu lực của các văn bản cá biệt và các văn bản có giá trị pháp lý khác do cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quyết định ngay tại văn bản đó, không phụ thuộc vào ngày đăng Công báo.
5. Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật đăng trên Công báo không phụ thuộc vào ngày đăng Công báo.
Điều 6. Thời hạn và thủ tục gửi, tiếp nhận, đăng ký văn bản để đăng Công báo
1. Thời hạn gửi văn bản để đăng Công báo:
a) Văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở cấp tỉnh ban hành phải gửi đến cơ quan Công báo chậm nhất là hai ngày; cấp huyện chậm nhất là bốn ngày kể từ ngày ban hành văn bản, để đăng Công báo.
b) Cơ quan Công báo phải tiếp nhận đầy đủ, đúng thủ tục pháp luật các văn bản do các cơ quan ban hành gửi đến theo thời hạn quy định trên để đăng Công báo.
2. Thủ tục gửi, tiếp nhận, đăng ký văn bản để đăng Công báo:
a) Văn bản gửi đăng Công báo phải là văn bản chính.
b) Trường hợp văn bản gửi đăng Công báo là bản sao thì phải đúng với bản chính hoặc được chụp từ bản chính, có dấu và chữ ký xác nhận của người có thẩm quyền đã ký văn bản hoặc người được ủy quyền.
c) Văn bản gửi đăng Công báo là bản in hoặc bản gửi qua mạng điện tử phải có nội dung đúng với bản chính, phần Nơi nhận phải ghi dòng chữ Cơ quan Công báo, hoặc ghi trên phiếu gửi văn bản dòng chữ “Văn bản gửi đăng Công báo”, ghi rõ ngày, tháng, năm gửi. Các file văn bản được gửi qua đường mạng LAN (hộp thư Lotus Notes) với địa chỉ: “Công báo UBND tỉnh Tiền Giang”.
d) Các văn bản gửi đến cơ quan Công báo phải được đăng ký vào “Sổ đăng ký và đối chiếu văn bản đăng Công báo”.
đ) Cơ quan Công báo phải lưu trữ đầy đủ các văn bản pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền gửi đến và phân loại theo hệ thống để tiện việc tra cứu, sử dụng.
1. Cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hoặc cơ quan được cơ quan ban hành văn bản ủy quyền có trách nhiệm gửi đầy đủ, đúng thời hạn các văn bản đã ban hành tới cơ quan Công báo theo quy định tại khoản 1 Điều 6.
2. Người đứng đầu các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hoặc cơ quan được cơ quan ban hành văn bản ủy quyền phải chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc gửi văn bản cho cơ quan Công báo và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của văn bản, về việc không gửi, gửi không đầy đủ hoặc gửi không đúng thời hạn các văn bản để đăng Công báo.
Điều 8. Trách nhiệm của cơ quan Công báo trong việc đăng văn bản
1. Cơ quan Công báo tiếp nhận, vào “Sổ đăng ký và đối chiếu văn bản đăng Công báo” tất cả văn bản do các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hoặc cơ quan được cơ quan ban hành văn bản ủy quyền gửi đến.
2. Công báo đăng các văn bản theo thứ tự từ cấp cấp Trung ương (nếu có), đến cấp tỉnh và huyện; văn bản đến trước đăng trước, đến sau đăng sau theo số thứ tự vào “Sổ đăng ký và đối chiếu văn bản đăng Công báo”.
3. Công báo được in và phát hành vào ngày cuối cùng của mỗi tháng. Riêng các văn bản quy phạm pháp luật của cấp tỉnh, cấp huyện sẽ được lập hàng tuần qua hệ thống mạng của tỉnh.
4. Chịu trách nhiệm về việc không đăng, đăng không đúng, đăng không đầy đủ hoặc đăng chậm những văn bản đã nhận được.
5. Hệ thống, lưu trữ, phổ biến cung cấp các văn bản đã đăng Công báo.
6. Trả lại cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản nếu phát hiện văn bản đó có sai sót về nội dung và thủ tục pháp lý trong việc ban hành và việc gửi văn bản để đăng Công báo.
Điều 9. Đính chính văn bản trên Công báo
1. Nếu sai sót thuộc trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản thì người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của cơ quan đó phải ký văn bản đính chính.
2. Nếu sai sót thuộc trách nhiệm của cơ quan Công báo thì văn bản đính chính do người phụ trách cơ quan Công báo hoặc người được ủy quyền ký văn bản đính chính.
Điều 10. Tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về Công báo
1. Tổ chức của Công báo:
a) Cơ quan Công báo: Trung tâm Lưu trữ thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.
b) Tổ chức cơ quan Công báo do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.
2. Hoạt động xuất bản, phát hành Công báo:
a) Cơ quan Công báo tổ chức xuất bản, phát hành rộng rãi tờ Công báo trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang và trong nhân dân…
b) Ủy ban nhân dân tỉnh bảo đảm kinh phí hàng năm cho hoạt động xuất bản Công báo. Kinh phí được dự toán và cấp phát theo quy định của pháp luật hiện hành.
c) Tờ Công báo được cấp không thu tiền cho một số đối tượng do Chủ tịch tỉnh quyết định.
d) Cơ quan Công báo được phép thu từ hoạt động xuất bản, phát hành ấn phẩm Công báo để bù đắp một phần chi từ ngân sách cho hoạt động này.
đ) Tờ Công báo được phát hành thông qua cơ quan Công báo, doanh nghiệp bưu chính, các đại lý và các cá nhân.
3. Quản lý nhà nước về Công báo:
a) Nội dung quản lý nhà nước về Công báo bao gồm:
- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển Công báo.
- Ban hành văn bản pháp luật làm cơ sở cho hoạt động của Công báo.
- Hướng dẫn kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về hoạt động xuất bản, phát hành Công báo.
- Khen thưởng, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động của Công báo.
b) Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý hoạt động và quyết định việc in ấn, phát hành tờ Công báo.
Giao trách nhiệm Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ, Giám đốc Sở Tư pháp triển khai, kiểm tra, đôn đốc và sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện quy chế này./.
- 1 Quyết định 27/2017/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 20/2011/QĐ-UBND quy định về hoạt động Công báo tỉnh Lào Cai
- 2 Quyết định 88/2014/QĐ-UBND Quy chế quản lý hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- 3 Quyết định 18/2012/QĐ-UBND về Quy chế Quản lý và phát hành Công báo tỉnh Thái Nguyên
- 4 Quyết định 121/2007/QĐ-UBND ban hành Quy chế Quản lý và phát hành Công báo của tỉnh Thái Nguyên
- 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 6 Nghị định 104/2004/NĐ-CP về Công báo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- 7 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 18/2012/QĐ-UBND về Quy chế Quản lý và phát hành Công báo tỉnh Thái Nguyên
- 2 Quyết định 121/2007/QĐ-UBND ban hành Quy chế Quản lý và phát hành Công báo của tỉnh Thái Nguyên
- 3 Quyết định 88/2014/QĐ-UBND Quy chế quản lý hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- 4 Quyết định 27/2017/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 20/2011/QĐ-UBND quy định về hoạt động Công báo tỉnh Lào Cai