Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC HẢI QUAN
CỤC HẢI QUAN
TỈNH LONG AN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 587/QĐ-HQLA

Long An, ngày 08 tháng 9 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN ĐI LẠI, VẬN CHUYỂN TRONG CÁC ĐƠN VỊ THUỘC VÀ TRỰC THUỘC CỤC HẢI QUAN TỈNH LONG AN

CỤC TRƯỞNG CỤC HẢI QUAN TỈNH LONG AN

Căn cứ Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

Căn cứ Thông tư 159/2015/TT-BTC ngày 15/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

Căn cứ Quyết định số 1919/QĐ-BTC ngày 06/9/2016 của Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Quyết định số 790/QĐ-BTC ngày 30/3/2012 của Bộ Tài Chính quy định quy chế quản lý và quy trình nghiệp vụ quản lý, xử lý tài sản tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, các dự án sử dụng vốn nhà nước khi các dự án kết thúc thuộc Bộ Tài Chính;

Căn cứ Quyết định số 2448/QĐ-BTC ngày 05/11/2008 của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng xe ô tô phục vụ công tác trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và các công ty nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 2900/QĐ-TCHQ ngày 01/10/2014 của Tổng Cục Hải quan về việc phân cấp, ủy quyền và tổ chức thực hiện đối với lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng, kiểm tra nội bộ, ứng dụng công nghệ thông tin mua sắm tập trung trong các đơn vị thuộc ngành Hải quan;

Căn cứ Quyết định số 407/QĐ-HQLA ngày 12/6/2017 của Cục Hải quan tỉnh Long An về việc quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô khi đi công tác tại thành phố Tân An, tỉnh Long An;

Xét đề nghị của Chánh Văn phòng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, vận chuyển trong các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Hải quan Long An (đính kèm).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 265/QĐ-HQLA ngày 23/5/2016 của Cục trưởng Cục Hải quan Long An về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng xe ô tô phục vụ công tác trong các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Hải quan Long An. Những nội dung không quy định trong Quy chế này được thực hiện theo quy định của Nhà nước.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- LĐC (để chỉ đạo);
- Vụ TVQT - TCHQ ( b/cáo);
- Lưu: VT, VP.

CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Huân

 

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN ĐI LẠI, VẬN CHUYỂN TRONG CÁC ĐƠN VỊ THUỘC VÀ TRỰC THUỘC CỤC HẢI QUAN TỈNH LONG AN

(Ban hành theo Quyết định số 587/QĐ-HQLA ngày 08 tháng 9 năm 2017 của Cục Hải quan tỉnh Long An)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Quy chế này quy định chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Hải quan tỉnh Long An.

2. Phương tiện đi lại thuộc phạm vi áp dụng của Quy chế này bao gồm: các loại xe ô tô và các loại phương tiện khác được trang bị từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định nhà nước để phục vụ yêu cầu công tác.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, vận chuyển

1. Việc quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, vận chuyển tại đơn vị thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước và các quy định cụ thể trong Quy chế này, đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích, an toàn và tiết kiệm. Tuyệt đối không sử dụng phương tiện đi lại cho mục đích cá nhân.

3. Văn phòng có trách nhiệm kiểm tra việc quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, vận chuyển trong toàn Cục. Các đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng phương tiện đi lại được trang bị theo quy định hiện hành.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô

1. Các trường hợp sử dụng ô tô phục vụ công tác

a. Lãnh đạo Cục đi công tác (đi họp, không đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc) khoảng cách từ trụ sở Cục đến nơi công tác nằm ngoài phạm vi áp dụng Quyết định số 407/QĐ-HQLA ngày 12/6/2017 của Cục Hải quan tỉnh Long An.

b. Các trường hợp do yêu cầu cấp thiết hoặc do yêu cầu phục vụ công tác, Lãnh đạo Cục xem xét, bố trí ô tô của cơ quan cho các trường hợp không đủ tiêu chuẩn sử dụng ô tô khi đi công tác.

2. Khoán kinh phí sử dụng xe ô tô

Đối với các chức danh lãnh đạo có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô phục vụ công tác khi đi công tác theo quy định tại Điều 7 Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ và điểm a khoản 1 Điều 3 Quyết định này thực hiện khoán kinh phí theo Quyết định số 407/QĐ-HQLA ngày 12/6/2017 của Cục Hải quan tỉnh Long An.

3. Quản lý, sử dụng xe ô tô:

3.1. Quản lý, sử dụng xe ô tô tại khối Văn phòng Cục:

a. Quản lý xe ô tô tại khối Văn phòng Cục

- Lãnh đạo Cục ủy quyền cho Văn phòng trực tiếp quản lý, điều xe phục vụ công tác theo quy định hiện hành.

- Trong trường hợp cần thiết mà cơ quan đã bố trí hết xe, Văn phòng đề xuất để Lãnh đạo Cục phê duyệt điều ô tô của các đơn vị trực thuộc Cục hoặc thuê xe bên ngoài.

b. Sử dụng xe ô tô tại khu vực Văn phòng Cục

- Văn phòng sẽ điều xe phục vụ yêu cầu công tác cho Lãnh đạo Cục theo quy định.

- Cá nhân, đơn vị khi có nhu cầu sử dụng ô tô phải làm đề nghị được Lãnh đạo Cục duyệt gửi Lãnh đạo Văn phòng trước ít nhất 01 ngày làm việc, trừ trường hợp đột xuất.

- Người sử dụng phương tiện đi công tác có trách nhiệm sử dụng xe đi đúng mục đích, lộ trình và thời gian được duyệt. Khi có bất kỳ sự thay đổi nào phải thông báo kịp thời cho Lãnh đạo Văn phòng được biết.

3.2. Quản lý, sử dụng xe ô tô tại các đơn vị trực thuộc:

Lãnh đạo Cục ủy quyền cho Lãnh đạo các đơn vị được giao quản lý xe ô tô thực hiện việc điều xe phục vụ công tác theo quy định hiện hành. Phân công nhiệm vụ bằng văn bản cho cá nhân có chuyên môn chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng xe ô tô đúng quy định.

Điều 4. Chế độ quản lý, sử dụng các phương tiện đi lại khác

Quản lý, sử dụng các phương tiện khác là canô, xuồng máy, xe gắn máy 2 bánh giao cho các đơn vị quản lý, sử dụng. Các đơn vị có trách nhiệm quản lý, sử dụng phục vụ yêu cầu công tác đúng quy định hiện hành.

Điều 5. Thủ tục điều và quyết toán nhiên liệu phương tiện đi lại

Thủ tục điều và cấp phát, quyết toán nhiên liệu phương tiện đi lại thực hiện theo chế độ kế toán ban hành theo quyết định số 2345/QĐ-BTC ngày 11/7/2007 của Bộ Tài chính và định mức nhiên liệu đối với phương tiện đi lại, vận chuyển do Cục ban hành tại công văn số 996/HQLA-VP ngày 24/5/2016.

Đơn vị được giao quản lý, sử dụng phương tiện đi lại có trách nhiệm mở sổ theo dõi việc sử dụng nhiên liệu đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Điều 6. Hạch toán, kiểm kê và báo cáo tình hình sử dụng phương tiện đi lại, vận chuyển

- Các đơn vị được giao quản lý, thực hiện việc hạch toán tài sản theo chế độ hiện hành. Phương tiện đi lại, vận chuyển được tính hao mòn theo quy định tại Thông tư số 162/2014/TT-BTC ngày 06/11/2014 và Quyết định số 1940/QĐ-BTC ngày 24/9/2015 của Bộ Tài chính.

- Văn phòng thực hiện việc kiểm kê tài sản: trình tự và thủ tục kiểm kê theo hướng dẫn tại Công văn số 10999/TCHQ-TVQT ngày 09/9/2014 của Tổng cục Hải quan; Tổng hợp báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cấp trên.

Điều 7. Bảo dưỡng và sửa chữa phương tiện đi lại, vận chuyển

- Trong quá trình sử dụng, đơn vị được giao quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, vận chuyển có trách nhiệm đề xuất thực hiện bảo dưỡng theo quy định. Các phương tiện này phải được bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ theo quy định của nhà sản xuất về thời gian và các nội dung cần được bảo dưỡng.

- Khi các phương tiện này bị hỏng, đơn vị được giao quản lý phải tiến hành sửa chữa ngay hoặc đề xuất sửa chữa theo đúng thẩm quyền trong thời gian sớm nhất để đưa phương tiện vào sử dụng, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Điều 8. Trách nhiệm của Văn phòng

- Chịu trách nhiệm trước Cục trưởng trong việc quản lý, sử dụng phương tiện đi lại tại khu vực Văn phòng Cục

- Tham mưu Lãnh đạo Cục ban hành định mức tiêu hao nhiên liệu cho từng loại phương tiện đi lại trong toàn Cục; thường xuyên kiểm tra để sửa đổi, bổ sung định mức cho phù hợp với tình hình thực tế.

- Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trong toàn Cục thực hiện Quy chế này.

Điều 9. Trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị được giao quản lý

- Lãnh đạo các đơn vị chịu trách nhiệm trước pháp luật và Cục trưởng trong việc quản lý, sử dụng phương tiện đi lại của đơn vị.

- Cụ thể hóa quy chế này cho phù hợp với đặc thù của đơn vị để thực hiện

- Quyết toán nhiên liệu theo định mức tiêu hao nhiên liệu đã được Cục ban hành; đảm bảo quy định về chứng từ thanh toán kinh phí sử dụng, về sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng, bảo hiểm, kiểm định và các quy định có liên quan sử dụng phương tiện đi lại, vận chuyển

Điều 10. Trách nhiệm của công chức được giao quản lý, sử dụng phương tiện đi lại

- Có trách nhiệm quản lý, bảo quản và sử dụng ô tô (phương tiện đi lại) được giao đúng quy định; đảm bảo phương tiện đủ điều kiện vận hành an toàn theo quy định pháp luật và luôn sẵn sàng hoạt động.

- Vệ sinh sạch sẽ phương tiện đi lại, chấp hành nghiêm chỉnh Luật An toàn giao thông đường bộ (đường thủy) và các quy định khác của pháp luật về giao thông.

- Chấp hành giờ giấc theo yêu cầu của từng chuyến công tác và nội quy, quy định của đơn vị. Lái xe an toàn, đúng hành trình theo lệnh điều động; Không giao ô tô hoặc phương tiện đi lại cho người khác điều khiển khi chưa có ý kiến của Lãnh đạo Cục hoặc thủ trưởng đơn vị được giao quản lý.

- Thực hiện đúng chế độ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa và kiểm tra kỹ thuật định kỳ theo quy định; bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí. Kiểm tra tình trạng kỹ thuật xe trước khi đi công tác (dầu mỡ, xăng điện, vỏ dự phòng,...)

- Khi ô tô hoặc phương tiện đi lại khác bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn phải kịp thời báo cáo Thủ trưởng đơn vị để xem xét giải quyết; chịu trách nhiệm trước thủ trưởng đơn vị trong trường hợp để phương tiện hư hỏng do lỗi cá nhân gây ra.

- Mở sổ theo dõi tình trạng kỹ thuật phương tiện đi lại (sửa chữa nhỏ, thời gian kiểm định, bảo hiểm, bảo dưỡng). Chịu trách nhiệm đánh giá, báo cáo tình hình hoạt động của phương tiện, đề xuất ý kiến (nếu có) tuần thứ 2 tháng 12 hàng năm.

Chương III

XỬ LÝ VI PHẠM TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN ĐI LẠI, VẬN CHUYỂN

Điều 11. Xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, vận chuyển

1. Các hành vi xử phạt sau:

- Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, vận chuyển thuộc sở hữu Nhà nước.

- Sử dụng phương tiện đi lại, vận chuyển không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức gây lãng phí.

- Thủ trưởng các đơn vị được giao quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, vận chuyển để xảy ra hư hỏng, mất mát nhưng không báo cáo về Cục để có hướng xử lý kịp thời phải chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra.

2. Các đơn vị được giao quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, vận chuyển nếu vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng phương tiện đi lại sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Thủ trưởng các đơn vị được giao quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, vận chuyển chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và pháp luật về các vi phạm của cá nhân thuộc phạm vi quản lý.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị được giao quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, vận chuyển có trách nhiệm thực hiện nghiêm các nội dung tại Quy chế này.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, các đơn vị kịp thời báo cáo bằng văn bản về Cục (Văn phòng) để tổng hợp trình Lãnh đạo Cục điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.