ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
59/2006/QĐ-UBND | Pleiku, ngày 08 tháng 8 năm 2006 |
BAN HÀNH ĐỀ ÁN ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG DẠY NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI, GIAI ĐOẠN 2006-2010
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/ NQ-CP, ngày 18/4/2005 của Chính phủ, về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao;
Căn cứ Nghị quyết số 16/2006/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh, v/v phê duyệt Đề án đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động giáo dục trên địa bàn tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2006-2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.
| TM. CHỦ TỊCH NHÂN DÂN TỈNH |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| Pleiku, ngày 08 tháng 8 năm 2006 |
ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG DẠY NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI, GIAI ĐOẠN 2006-2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 59/2006/QĐ-UB, ngày 08 tháng 8 năm 2006 của UBND tỉnh )
Thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao; Quyết định số 1000/2005/QĐ-BLĐTBXH ngày 07 tháng 6 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Lao động - TB&XH về việc phê duyệt đề án "Phát triển xã hội hoá dạy nghề đến năm 2010".
Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai xây dựng đề án đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động dạy nghề trên địa bàn tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2006-2010 với những nội dung cụ thể như sau:
I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG DẠY NGHỀ CỦA TỈNH TỪ NĂM 2000 ĐẾN NAY:
1. Những kết quả đạt được.
1.1. Về phát triển mạng lưới dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
- Ngày 26 tháng 11 năm 1999 UBND tỉnh Gia Lai đã ký quyết định số 1524/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch mạng lưới dạy nghề tỉnh Gia Lai đến năm 2010. Trong giai đoạn 2001-2005, tỉnh đã xây dựng mới 02 Trung tâm dạy nghề ở 02 cụm huyện AyunPa và An Khê. đến nay trên địa bàn tỉnh các cơ sở dạy nghề công lập hiện có: Trường Dạy nghề Gia Lai, Trường Dạy nghề số 15-Bộ quốc phòng, Chi nhánh đào tạo nghề thuộc Trường Dạy nghề số 5- Quân khu 5, Trung tâm Dạy nghề An Khê, Trung tâm dạy nghề AyunPa, Trung tâm Dịch vụ việc làm có dạy nghề và Trường TH Y tế có dạy nghề. Các cơ sở dạy nghề ngoài công lập hiện có: Trường đào tạo lái xe, Trung tâm đào tạo lái xe thuộc Công ty Cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai.
1.2 Kết quả đào tạo nghề:
- Trong 5 năm, đã đào tạo 20.107 người, trong đó: Dài hạn 2.300 người, ngắn hạn 17.807 người (hình thức đào tạo ngắn hạn có thu học phí 9.000 người). tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 11,5% năm 2001 lên 18,5% năm 2005 (trong đó đào tạo nghè từ 7% năm 2001 lên 11% năm 2005).
- Việc đa dạng hoá các loại hình cơ sở đào tạo, liên doanh liên kết trong đào tạo, đa dạng hoá trình độ và hình thức đào tạo đã làm cho quy mô tuyển sinh vào học nghề tăng nhanh ( năm 2001 là 2.000 người, năm 2005 là 8.000 người, tăng gấp 4 lần). tỷ lệ học sinh ngoài công lập chiếm trên 45%. Đã xuất hiện nhiều mô hình hoạt động nghề theo định hướng xã hội hoá: Các doanh nghiệp gắn sử dụng lao động, giải quyết việc làm với dạy nghề như các công ty cao su, Binh đoàn 15, các doanh nghiệp chế biến nông lâm sản, sản xuất điện, khai thác chế biến khoáng sản, dịch vụ du lịch…Các Hội đoàn thể các cấp như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã bước đầu tham gia tích cực vào các hoạt động dạy nghể của tỉnh.
1.3 Kinh phí đầu tư cho đào tạo nghề:
Trong giai đoạn 2001-2005, kinh phí đầu tư cho dạy nghề là 75 tỷ đồng. trong đó: từ ngân sách nhà nước là 35,5 tỷ đồng-ĐT chiếm 47%; nguồn ngoài ngân sách là 39,5 tỷ đồng, bằng 53% từ sự đóng góp của các doanh nghiệp và người học.
2. Một số tồn tại và nguyên nhân.
2.1 Tồn tại:
-Tiến độ xã hội hoá hoạt động dạy nghề còn chậm, cơ sở dạy nghề ngoài công lập còn ít, cơ sở vật chất kỹ thuật trang thiết bị dạy nghề còn nghèo nàn, lạc hậu. Đội ngũ cán bộ, giáo viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm.
- Các cơ sở dạy nghề công lập vẫn áp dụng cơ chế quản lý như cơ quan hành chính, chưa áp dụng Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 1 năm 2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp có thu, nên không phát huy được tính năng động, tự chủ và tự chịu trách nhiệm.
- Công tác quản lý dạy nghề triển khai còn chậm và lúng túng, thiếu sự phối hợp giữa các ngành và địa phương, các lực lượng xã hội, chưa được tổ chức và phối hợp tốt để tích cực tham gia vào quá trình xã hội hoá.
- Một số cơ chế chính sách chậm đổi mới, thiếu đồng bộ, chưa phát huy tác dụng trong cuộc sống, chưa phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là chính sách về đất đai, chế độ học phí, học bổng.
2.2 Nguyên nhân:
- Nhận thức của các cấp, các ngành về xã hội hoá dạy nghề chưa đầy đủ, xem xã hội hoá dạy nghề chỉ là biện pháp huy động sự đóng góp của nhân dân trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chưa coi dạy nghề là lĩnh vực ưu tiên của chiến lược phát triển nguồn nhân lực mà đơn thuần là một phúc lợi đầu tư nên còn trông chờ, ỷ lại vào nhà nước.
- Đầu tư cho dạy nghề lớn, khả năng thu hồi vốn chậm nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở dạy nghề ngoài công lập. việc huy động nguồn vốn còn hạn chế, việc quản lý và sử dụng nguồn nhân lực chưa có hiệu quả.
- Thị trường lao động của tỉnh chậm phát triển, thiếu thông tin về quan hệ cung cầu lao động, nhất là lao động kỹ thuật, chưa kết hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo nghề với người sử dụng lao động. Vì vậy, hạn chế đến việc thu hút nguồn vốn ngoài công lập vào phát triển cơ sở dạy nghề.
II. MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN XÃ HỘI HOÁ DẠY NGHỀ ĐẾN NĂM 2010
1. Mục tiêu phát triển xã hội hoá dạy nghề đến năm 2010:
1.1 Mục tiêu tổng quát:
Phấn đấu đến năm 2010 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 27% (trong đó: lao động qua đào tạo nghề đạt 17%). Huy động nguồn lực của xã hội vào phát triển cơ sở dạy nghề, đào tạo nghề theo 3 cấp trình độ: Cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề. Chú trọng thành lập cơ sở dạy nghề ngoài công lập, đến năm 2010 chuyển các cơ sở dạy nghề công lập trên địa bàn của tỉnh sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ, dạy nghề theo đơn đặt hàng, hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế và tài chính. Đa dạng hoá các loại hình đào tạo nghề dài hạn và ngắn hạn, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động. chất lượng lao động có tay nghề cao.
1.2 Mục tiêu cụ thể:
Để đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 17% vào năm 2010 thì trong giai đoạn 2006-2010 phải đào tạo nghề cho trên 45.000 người.
Trong đó:
Đào tạo dài hạn 5.000 người:
+ Đào tạo công lập: 3.500 người
+ Đào tạo ngoài công lập:1.500 người
Đào tạo ngắn hạn 40.000 người:
+ Đào tạo công lập: 19.000 người
+ Đào tạo ngoài công lập:21.000 người
Bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 9.000 người.
Trong đó:
- Đào tạo sơ cấp nghề: 8.000 người
- Đào tạo trình độ trung cấp nghề: 700 người
- Đào tạo trình độ cao đẳng nghề: 300 người
2. Giải pháp thực hiện xã hội hoá dạy nghề đến năm 2010
2.1 Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về xã hội hoá dạy nghề.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và cung cấp thông tin về xã hội hoá dạy nghề để nâng cao nhận thức cho toàn xã hội.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo quản lý của HĐND, UBND các cấp, phát huy vai trò của các tổ chức Công đoàn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên học sinh và các đoàn thể, tổ chức xã hội khác nhằm huy động nguồn lực xã hội tham gia sự nghiệp phát triển dạy nghề. Tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách về xã hội hoá dạy nghề để các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các cơ sở dạy nghề công lập, ngoài công lập và nhân dân có nhận thức đúng, đầy đủ, thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hoá dạy nghề.
Tuyên truyền nhân rộng các mô hình hay, các điển hình tiên tiến về XHHDN.
2.2 Tiếp tục đổi mới chính sách và cơ chế quản lý nhà nước về dạy nghề.
* Đối với các cơ sở dạy nghề công lập: Tỉnh đầu tư, củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo công nhân kỹ thuật và nhân viên nghiệp vụ những ngành nghề thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới dạy nghề của tỉnh gồm các nhóm nghề đào tạo như: Điện- điện tử, cơ khí, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản…Nguồn đầu tư dàn trải, đảm bảo vai trò chủ đạo của trường công lập.
* Đối với các cơ sở dạy nghề ngoài công lập: Áp dụng chính sách khuyến khích tại Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 8 năm 1999, Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao như: Miễn giảm tiền thuế sử dụng đất, thuê đất, đơn giản các thủ tục giao đất, cho thuê đất, chính sách ưu đãi thuế đối với các cơ sở dạy nghề ngoài công lập. thực hiện đơn giản thủ tục hành chính trong việc thành lập các cơ sở dạy nghề ngoài công lập trên cơ sở quy định chặt chẽ, hướng dẫn chi tiết các điều kiện lập, đăng ký hoạt động.
+ Các cơ sở dạy nghề ngoài công lập thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, được phép sử dụng các khoản thu về học phí, các khoản tài trợ, vay, các khoản thu hợp pháp khác để chi cho hoạt động thường xuyên và tăng cường cơ sở vật chất của đơn vị theo pháp luật.
+ Ưu tiên dành quỹ đất cho việc xây dựng các cơ sở dạy nghề ngoài công lập.
+ Thực hiện miễn tiền thuế sử dụng đất, thuê đất cho các cơ sở dạy nghề ngoài công lập hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận.
+ Khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở dạy nghề ngoài công lập đăng ký cơ chế hoạt động phi lợi nhuận.
+ Các cơ sở dạy nghề ngoài công lập được tham gia bình đẳng trong việc nhận thầu các dịch vụ dạy nghề do tỉnh đặt hàng.
+ Đối với giáo viên dạy nghề ở các cơ sở dạy nghề ngoài công lập được hưởng các chế độ ưu đãi như: Chế độ học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, chế độ khen thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước, các danh hiệu tôn vinh các nhà giáo (Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú), được đề bạt làm cán bộ quản lý đối với giáo viên có trình độ năng lực quản lý giáo dục.
* Đối với người học nghề: Ngoài phần kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho người học nghề theo quy định Nhà nước, cần có chế độ ưu tiên cho các đối tượng như: Chính sách trợ cấp học phí, học bổng cho học sinh là đối tượng chính sách, người nghèo, dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng khó khăn học nghề ngắn hạn.
2.3 Quy hoạch phát triển mạng lưới dạy nghề trong giai đoạn 2006-2010
a. Tăng quy mô đào tạo:
Để đạt được mục tiêu tăng số lượng lao động qua đào tạo lên 2,5 lần thì phải tăng quy mô Trường tương ứng từ 2 đến 2,5 lần so với năm 2005. để đạt được chỉ tiêu đào tạo trước hết phải phát triển hệ thống mạng lưới dạy nghề theo hướng xã hội hoá.
Giai đoạn I : 2006-2008
* Đối với các cơ sở dạy nghề công lập:
Tập trung nguồn lực mở rộng và nâng cấp, tăng cường trang thiết bị của các cơ sở dạy nghề công lập hiện có. Cụ thể: Tìm quỹ đất, tiếp nhận nguồn vốn đầu tư theo chương trình mục tiêu của Bộ Lao động-TB&XH về đào tạo nghề để xây dựng và di dời Trường Dạy nghề Gia Lai đến địa điểm mới, chuẩn bị các điều kiện cần có để đến năm 2010 nâng Trường dạy nghề Gia Lai thành Trường Cao đẳng dạy nghề.
Giao cho Trường dạy nghề Gia Lai hợp tác liên kết với các Trường Đại học, Cao đẳng nghề đào tạo một số khoa có trình độ cao đẳng đến 2008-2010, Trường có thể hình thành một số khoa đào tạo theo hệ cao đẳng nghề.
Thực hiện đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc nội trú theo quyết định số 267/2005/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên giai đoạn từ nay đến 2009, giao cho Trường dạy nghề Gia Lai hàng năm đào tạo theo mô hình nội trú chỉ tiêu từ 50 đến 100 em và nâng dần chỉ tiêu đào tạo để đến năm 2010 sẽ hình thành Trường dạy nghề Dân tộc Nội trú hoàn chỉnh( dự kiến lấy cơ sở tại trường dạy nghề hiện nay).
Đối tượng ưu tiên đào tạo: Bộ đội xuất ngũ, lao động dân tộc thiểu số, lao động nông thôn và người tàn tật.
* Đối với các cơ sở dạy nghề ngoài công lập:
Khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, các cá nhân đầu tư xây dựng mới từ 3 đến 5 cơ sở dạy nghề ngoài công lập ở các thị trấn thuộc huyện, thị xã chưa có trung tâm dạy nghề ( cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập đào tạo các nghề chủ yếu: Sửa chữa xe máy, may mặc, chế biến nông lâm sản, các dịch vụ khác, đào tạo nghề cho nông dân trên địa bàn…)
Giai đoạn II: 2009-2010
Dự kiến đầu tư xây dựng một số trung tâm dạy nghề công lập ở các huyện có các cụm công nghiệp tập trung như Chư Sê, ChưPăh…
Khuyến khích các trường, các trung tâm dạy nghề, các trung tâm giáo dục thường xuyên các doanh nghiệp liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo có chật lượng cao ở ngoài tỉnh, thực hiện liên thông trong đào tạo nghề để nâng cao trình độ cho công nhân kỹ thuật.
b. Nâng cao chất lượng dạy nghề.
Xây dựng mới chương trình dạy nghề, đưa chương trình, giáo trình cải tiến vào giảng dạy tại các cơ sở dạy nghề.
c. Xây dựng đội ngũ giáo viên dạy nghề.
Đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng phù hợp với cơ cấu ngành nghề, có khả năng tiếp thu và ứng dụng khoa học công nghệ mới.
2.4 Giải pháp huy động vốn
a. Ngân sách nhà nước
Nâng đầu tư từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2006-2010 tăng 1,5 đến 2 lần so với giai đoạn 2001-2005, dự kiến chiếm 46% tổng chi cho đào tạo nghề (bao gồm ngân sách của tỉnh và ngân sách trung ương từ chương trình mục tiêu). Tập trung đầu tư xây dựng mở rộng và hiện đại hoá thiết bị dạy nghề cho Trường Dạy nghề Gia Lai, Trung tâm dạy nghề của một số cụm huyện. Thực hiện chương trình đào tạo nghề nông dân, đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc nội trú; đào tạo nghề cho lao động tàn tật; thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các nông lâm trường tuyển dụng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 231/2005/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho các doanh nghiệp thuộc đối tượng khuyến khích và hỗ trợ đầu tư ban hành kèm theo quyết định số 451/QĐ-UB ngày 11 tháng 6 năm 2003 của UBND tỉnh Gia Lai.
b. Nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước:
Huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước chiếm khoảng 54% (trong đó xây dựng mới 8 đến 10 cơ sở dạy nghề ngoài công lập, đào tạo nghề cho 22.500 lao động của các doanh nghiệp, các lớp đào tạo theo hình thức kèm cặp tại cơ sở sản xuất kinh doanh). Tranh thủ nguồn vốn tài trợ của nước ngoài phục vụ công tác dạy nghề.
2.5 Tăng cường quản lý nhà nước về xã hội hoá dạy nghề.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra dạy nghề. Thực hiện kiểm định chất lượng dạy nghề và cấp phát văn bằng, chứng chỉ nghề.
Hoàn thiện việc phân cấp quản lý hoạt động dạy nghề theo hướng tăng quyền chủ động và trách nhiệm của các cơ sở dạy nghề. Tạo điều kiện cho các cơ sở dạy nghề thuộc các thành phần kinh tế thực hiện đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của các cơ sở dạy nghề.
Thống nhất quản lý nhà nước đối với các cơ sở dạy nghề công lập và các cơ sở dạy nghề ngoài công lập, các cơ sở kinh doanh dịch vụ có dạy nghề tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở đó phát triển ổn định, lâu dài.
Các ngành, các cấp có trách nhiệm tổ chức học tập và quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ " về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao". Căn cứ vào nội dung của đề án, các Sở, Ban, Ngành của tỉnh theo chức năng nhiệm vụ của mình, tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, tổng hợp các nguồn lực để thực hiện xã hội hoá dạy nghề vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm trình UBND tỉnh quyết định.
Sở Lao động-TB&XH có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban, Ngành, các Hội đoàn thể của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra và định kỳ báo cáo kết quả về thực hiện xã hội hoá dạy nghề theo quy định của Chính phủ.
Các cơ sở dạy nghề trong và ngoài công lập có trách nhiệm nghiêm chỉnh thực hiện các chủ trương chính sách, pháp luật, các quy định của nhà nước về dạy nghề và chủ trương chính sách xã hội hoá về dạy nghề.
Trên đây là đề án đẩy mạnh xã hội hoá công tác dạy nghề đến năm 2010, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp triển khai thực hiện./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1 Quyết định 4448/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Đề án đẩy mạnh xã hội hoá dạy nghề đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
- 2 Quyết định 267/2005/QĐ-TTg về chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 231/2005/QĐ-TTg về việc hỗ trợ doanh nghiệp lâm nghiệp nhà nước, ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp tại các tỉnh Tây Nguyên do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 1000/2005/QĐ-BLĐTBXH phê duyệt đề án "Phát triển xã hội hoá dạy nghề đến năm 2010" do Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành
- 5 Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục, thể thao do Chính Phủ ban hành