Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 592/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 24 tháng 02 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 52/2010/QĐ-TTG NGÀY 18/8/2010 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁP LÝ NHẰM NÂNG CAO NHẬN THỨC, HIỂU BIẾT PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI NGHÈO, ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI CÁC HUYỆN NGHÈO TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 2497/QĐ-BTP ngày 01/10/2010 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 09/TTr-STP ngày 23 tháng 01 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014- 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch UBND các huyện: Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Quang

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 52/2010/QĐ-TTG NGÀY 18/8/2010 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁP LÝ NHẰM NÂNG CAO NHẬN THỨC, HIỂU BIẾT PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI NGHÈO, ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI CÁC HUYỆN NGHÈO TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2014 – 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 592 /QĐ-UBND ngày 24 / 02 /2014 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011- 2020; Quyết định số 2497/QĐ-BTP ngày 01/10/2010 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg;

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014 - 2020, nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai thực hiện có hiệu quả thiết thực về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2014-2020 theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý.

2. Yêu cầu

- Bảo đảm đúng mục tiêu, đối tượng và tiến độ trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức, thực hiện có hiệu quả, chất lượng các hoạt động của chính sách hỗ trợ pháp lý; có sự lồng ghép với các dự án, chính sách khác của các Chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam để đảm bảo thực hiện các Chương trình giảm nghèo tiết kiệm, hiệu quả.

- Chế độ chi tiêu tài chính đối với các hoạt động của chính sách hỗ trợ pháp lý phải được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành, theo hướng dẫn quản lý, sử dụng ngân sách cấp cho các Chương trình giảm nghèo và không trùng lắp với các nguồn kinh phí thuộc các Chương trình khác (nếu có).

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Địa phương được đầu tư, hỗ trợ về chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ:

- Huyện Nam Trà My;

- Huyện Phước Sơn;

- Huyện Tây Giang.

2. Các hoạt động hỗ trợ pháp lý trực tiếp cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo:

a) Cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí:

Thực hiện các hình thức TGPL như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức TGPL khác. Phấn đấu 95% đối tượng có nhu cầu TGPL được đáp ứng, từng bước có hiệu quả và chất

b) Tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động:

- Phấn đấu ở mỗi xã thuộc huyện nghèo sẽ được TGPL lưu động 02 đợt/năm, qua đó nhằm giải thích, giải đáp, tuyên truyền pháp luật trên địa bàn.

- Nội dung theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý

c) Kiện toàn lại các Câu lạc bộ TGPL, tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL để giải quyết những vướng mắc pháp luật, cung cấp thông tin pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã thuộc các huyện nghèo.

- Yêu cầu Trung tâm TGPL nhà nước tiếp tục rà soát, củng cố về tổ chức để Câu lạc bộ TGPL hoạt động ngày càng đi vào nề nếp và hiệu quả. Mỗi Câu lạc bộ TGPL sinh hoạt mỗi tháng một lần.

c) Tổ chức sinh hoạt các Tổ hòa giải để giải quyết các tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư.

Yêu cầu kiện toàn lại các Tổ hòa giải ở các thôn ấp, bản, cụm dân cư; hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức hoạt động nhằm giải quyết các mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ nhân dân, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay tại cơ sở, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư và ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật.

đ) In ấn phát hành miễn phí tờ gấp pháp luật và băng cát xét, đĩa CD bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số;

Nội dung của các tờ rơi, tờ gấp pháp luật cần tập trung vào các vấn đề liên quan đến đời sống thiết yếu của đồng bào như: Quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; chế độ xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số; pháp luật về hôn nhân và gia đình; hộ tịch, hộ khẩu; chính sách đối với người có công cách mạng; về vay vốn để phát triển sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số,…

e) Phổ biến, giáo dục và truyền thông pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động: sinh hoạt chuyên đề pháp luật; tổ chức lớp học buổi tối; lồng ghép nội dung pháp luật vào sinh hoạt văn hóa, lễ hội dân tộc và các hoạt động khác phù hợp với phong tục địa phương để nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật cho người được TGPL.

g) Truyền thông về TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc đặt Bảng thông tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý tại tại trụ sở UBND cấp xã và nhà sinh hoạt cộng đồng.

Số lần đặt bảng thông tin, hộp tin về trợ giúp pháp lý: 2 lần/10 năm

h) Tổ chức thực hiện các hoạt động đăng ký khai sinh, chứng thực và các công tác Tư pháp - Hộ tịch khác cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn cấp xã.

Việc thực hiện đăng ký khai sinh, chứng thực và các công tác Tư pháp - Hộ tịch khác cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa bàn cấp xã đảm bảo công tác hộ tịch được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

3. Các hoạt động tăng cường năng lực cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý, Tổ viên Tổ hòa giải và công chức Tư pháp-Hộ tịch cấp xã để thực hiện hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, người dân tộc thiểu số.

a) Mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL để cập nhật kiến thức pháp luật mới và kỹ năng TGPL cho người thực hiện TGPL, thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ TGPL tại địa bàn các huyện nghèo.

- Yêu cầu mỗi năm một đợt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL cho thành viên các CLB TGPL của mỗi huyện nghèo, chú ý bồi dưỡng pháp luật về TGPL, kỹ năng, nội dung sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL và các văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến những vướng mắc thường gặp của nhân dân.

b) Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ người thực hiện TGPL.

c) Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ và cung cấp tài liệu bồi dưỡng cho công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.

d) Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải cho Tổ viên Tổ hòa giải.

e) Biên soạn và cấp phát miễn phí tài liệu pháp luật cho các Tổ hòa giải của các xã tại các huyện nghèo.

Sở Tư pháp tổ chức thực hiện việc biên soạn và cấp phát miễn phí tại liệu pháp luật cho các Tổ hòa giải của các xã tại các huyện nghèo.

g) Hỗ trợ đào tạo cán bộ làm việc tại Chi nhánh của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tại các huyện nghèo, tạo nguồn quy hoạch bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý: Trên cơ sở rà soát đội ngũ cán bộ hiện có tại các Chi nhánh của Trung tâm TGPL ở các huyện nghèo, Sở Tư pháp bố trí đi đào tạo một cách hợp lý các lớp học văn hóa, chuyên môn pháp lý, đào tạo nghề luật sư, tạo nguồn trợ giúp viên pháp lý cho Chi nhánh, ưu tiên đào tạo cán bộ là người dân tộc tại cơ sở, cán bộ trẻ, cán bộ biết tiếng dân tộc thiểu số.

h) Đào tạo Trung cấp luật cho công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã chưa có trình độ Trung cấp luật hoặc đồng bào dân tộc thiểu số trong diện quy hoạch tuyển dụng làm công chức Tư pháp - Hộ tịch.

Sở Tư pháp phối hợp với UBND các huyện nghèo rà soát đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch chưa có trình độ trung cấp luật hoặc đồng bào dân tộc thiểu số trong diện quy hoạch tuyển dụng làm công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đi đào tạo trung cấp luật.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện kế hoạch gồm 02 nguồn: Ngân sách Trung ương hỗ trợ theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 và ngân sách địa phương bảo đảm chi kinh phí hoạt động thường xuyên, biên chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho Chi nhánh của Trung tâm TGPL nhà nước ở các huyện nghèo.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các bước thực hiện

a) Từ nay đến hết năm 2015

- Củng cố, kiện toàn về tổ chức, đào tạo trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tư vấn cho đội ngũ những người thực hiện TGPL đặc biệt là ở các Chi nhánh và Câu lạc bộ TGPL hoạt động có hiệu quả.

- Tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực cho Trung tâm TGPL nhà nước đặc biệt là các Chi nhánh số 01 (Phước Sơn), Chi nhánh số 05 (Bắc Trà My - Nam Trà My) và Chi nhánh số 04 (Đông Giang – Tây Giang), để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động TGPL. Phấn đấu đến hết năm 2015, Chi nhánh trưởng phải là Trợ giúp viên pháp lý và mỗi chi nhánh đảm bảo 03 biên chế theo quy định, không còn chế độ Trưởng phòng Tư pháp kiêm nhiệm Trưởng Chi nhánh TGPL như hiện nay.

b) Từ năm 2016-2020

- Nâng cao năng lực cho người thực hiện TGPL, Tổ viên tổ hòa giải và công chức Tư pháp - Hộ tịch để thực hiện có hiệu quả các hoạt động thuộc chính sách hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên chọn cán bộ tham gia các hoạt động tăng cường năng lực là người đang sinh sống tại địa bàn cơ sở, là đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng cán bộ nữ, người có kinh nghiệm, thu hút già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tham gia làm cộng tác viên TGPL.

- Nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo.

c) Chế độ báo cáo

Sở Tư pháp chủ trì tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch định kỳ 6 tháng, 01 năm, báo cáo sơ kết từng giai đoạn, báo cáo tổng kết khi thực hiện xong Kế hoạch cho UBND tỉnh và Bộ Tư pháp và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thời gian báo cáo: báo cáo 6 tháng, thời hạn gửi trước 15/5 hàng năm; báo cáo năm gửi trước 15/11 hằng năm; báo cáo sơ kết, tổng kết gửi ngay sau khi thực hiện xong việc sơ kết, tổng kết.

2. Trách nhiệm thực hiện

a) Giao Sở Tư pháp làm đầu mối phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch. Hàng năm xây dựng kế hoạch chi tiết, lập dự toán kinh phí và tổ chức triển khai thực hiện. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định, mang lại hiệu quả cao nhất. Định kỳ tổng hợp báo cáo Bộ Tư pháp và UBND tỉnh.

b) Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh bố trí biên chế cho Trung tâm và các Chi nhánh của Trung tâm TGPL một cách hợp lý, phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu công việc.

c) Sở Tài chính phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện đi lại, làm việc; kinh phí thường xuyên cho Trung tâm, Chi nhánh của Trung tâm đặt tại các huyện nghèo và đảm bảo hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, phổ biến giáo dục pháp luật, truyền thông pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

d) Ban Dân tộc tỉnh phối hợp Sở Tư pháp mở các lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ những người thực hiện trợ giúp pháp lý tại các huyện nghèo và chỉ đạo tăng cường quản lý sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động TGPL có hiệu quả.

đ) UBND các huyện nghèo bố trí trụ sở làm việc ổn định cho các Chi nhánh TGPL trên địa bàn; phối hợp với Sở Tư pháp trong việc tổ chức, chỉ đạo các ban, ngành ở địa phương và UBND các xã triển khai tốt các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL, sinh hoạt Tổ hòa giải, đăng ký khai sinh, chứng thực và các hoạt động hỗ trợ pháp lý khác theo quy định của pháp luật./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Quang