ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 597/QĐ-UBND | Gia Nghĩa, ngày 04 tháng 5 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 161/2006/QĐ-TTg ngày 10/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đăk Nông đến năm 2020;
Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH ngày 26/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển;
Căn cứ Báo cáo thẩm định số 01/BCTĐ ngày 06/4/2009 của Hội đồng thẩm định dự án rà soát, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông đến năm đến năm 2020;
Xét đề nghị của UBND huyện Đăk Mil tại Tờ trình số 48/TTr-UBND ngày 21/4/2009 về việc duyệt dự án rá soát, bổ sung Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội huyện Đăk Mil đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Quan điểm:
- Huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, khắc phục hiệu quả các khó khăn, phát huy tối đa các lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên, nhân lực và kết cấu hạ tầng để phát triển Đăk Mil với tốc độ nhanh, bền vững, hiệu quả và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.
- Phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đăk Mil trong sự hợp tác chặt chẽ với các huyện trong tỉnh Đăk Nông, chủ động trong hội nhập kinh tế và cạnh tranh.
- Đảm bảo phát triển bền vững, phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với phát triển xã hội, gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng, tiến bộ xã hội. Nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân; xóa đói giảm nghèo; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
- Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái. Không làm tổn hại và suy thoái cảnh quan thiên nhiên, các tài nguyên thiên nhiên và nhân văn.
- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng, củng cố hệ thống chính trị, trật tự xã hội và xây dựng nền hành chính vững mạnh, hiệu quả.
2. Mục tiêu:
2.1. Mục tiêu tổng quát:
- Xây dựng huyện Đăk Mil đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội bằng hoặc cao hơn mục tiêu của tỉnh Đăk Nông; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập; cải thiện rõ đời sống nhân dân, xóa bỏ cơ bản tình trạng nghèo, thực hiện từng bước tiến bộ và công bằng xã hội; đảm bảo quốc phòng an ninh vững chắc.
Từ nay đến năm 2020, định hình cơ cấu kinh tế huyện là nông lâm nghiệp - dịch vụ - công nghiệp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và lực lượng sản xuất phát triển, quan hệ sản xuất tiến bộ, đời sống nhân dân ấm no hạnh phúc, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tiến hành quy hoạch và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, thị tứ tạo ra vùng động lực là hạt nhân để phát triển đến các vùng nông thôn, bố trí hợp lý nền kinh tế của huyện theo vùng và lãnh thổ nhằm phát huy sức mạnh tối đa của từng tiểu vùng. Khai thác lợi thế cửa khẩu Đăk Per.
2.2. Mục tiêu phát triển kinh tế:
- Tăng trưởng kinh tế:
Giai đoạn đến năm 2010, tăng trưởng kinh tế trên 10,5%/năm; trong đó Nông lâm nghiệp tăng 7,0%/năm, Công nghiệp - xây dựng tăng 25,0%/năm và Thương mại - dịch vụ tăng 13,5%/năm.
Giai đoạn 2010 - 2015, tăng trưởng kinh tế 12%/năm; trong đó Nông lâm nghiệp tăng 8,5%/năm, Công nghiệp - xây dựng tăng 25,5%/năm và Thương mại - dịch vụ tăng 15,5%/năm
Giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng kinh tế 12,5%/năm; trong đó Nông lâm nghiệp tăng bình quân 9,0%/năm, Công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 26,5%/năm và Thương mại - dịch vụ tăng 18%/năm.
- Cơ cấu kinh tế: Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại dịch vụ, để hình thành cơ cấu kinh tế của huyện là Nông lâm nghiệp - Dịch vụ - Công nghiệp, cụ thể như sau:
Đến năm 2010: Nông lâm nghiệp 55%; công nghiệp - xây dựng 19,0%; thương mại - dịch vụ 26%;
Đến năm 2015: Nông lâm nghiệp 48,5%; công nghiệp - xây dựng 23,5%; thương mại - dịch vụ 28%;
Đến năm 2020: Nông lâm nghiệp 42%; công nghiệp - xây dựng 28%; thương mại - dịch vụ 30%;
Giá trị sản xuất bình quân đầu người: đến năm 2010 đạt 15,1 triệu đồng, năm 2015 đạt 24,11 triệu đồng và đến năm 2020 đạt 39,73 triệu đồng.
2.3. Mục tiêu phát triển xã hội:
- Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1,5%; tỉ lệ dân số thành thị chiếm 17% vào năm 2010, chiếm 25% vào năm 2020 (trong đó Thị xã Đức Lập chiếm 43,94%, huyện Đăk Mil mới 13,33%).
- Đến năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 7,5%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ dưới 15%, đến năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo.
- Đến năm 2010 giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống còn < 20%, 85% dân số được dùng nước sạch; đạt 6 bác sĩ/1vạn dân và 15 giường bệnh/1 vạn dân. Đến năm 2020 giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống còn 10%, trên 95% dân số được dùng nước sạch; đạt 8 bác sĩ/1vạn dân và 16,5 giường bệnh/1 vạn dân.
- Đến năm 2010, 100% xã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở, 65% dân số trong độ tuổi được phổ cập trung học phổ thông, 35-40% trường đạt chuẩn quốc gia, năm 2020 có 85% dân số trong độ tuổi được phổ cập trung học phổ thông và 80% số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.
- Đến năm 2010 có 80% gia đình; 70% thôn, bon; 90% cơ quan, đơn vị và 50% xã đạt tiêu chuẩn văn hóa. Đến năm 2020 có 95% gia đình, 95% thôn, buôn, 100% cơ quan, đơn vị và 75% xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn văn hóa.
- Năm 2010 hoàn thành định canh định cư đối với đồng bào dân tộc tại chỗ, và sắp xếp ổn định 90% dân di cư tự do
- Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn huyện, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với quốc phòng - an ninh, gắn với bảo đảm an ninh biên giới, bảo vệ các công trình phòng thủ quốc gia.
II. LUẬN CHỨNG PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN THEO LÃNH THỔ
1. Dự báo sử dụng không gian lãnh thổ, điều chỉnh địa giới hành chính:
- Đến năm 2010 chưa điều chỉnh địa giới hành chính. Đăk Mil có 10 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 1 thị trấn (mở rộng) và 9 xã.
- Giai đoạn 2011- 2020, điều chỉnh địa giới hành chính theo Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đăk Nông:
Sáp nhập diện tích và dân số thị trấn Đăk Mil, xã Thuận An, xã Đức Minh, một phần xã Đăk Lao, một phần xã Đức Mạnh thành lập Thị xã Đức Lập, quy mô đô thị loại IV gồm 8 đơn vị hành chính: 4 phường, 4 xã.
Thành lập huyện Đăk Mil mới trên cơ sở các xã Đăk Găn, Đăk Săk, Đăk Rla, Đăk N’Drot, Long Sơn, xã Đức Mạnh (còn lại), xã Đăk Lao (còn lại). Huyện Đăk Mil mới gồm 9 đơn vị hành chính xã, thị trấn.
2. Quy hoạch phát triển hệ thống đô thị, các vùng kinh tế và khu dân cư:
2.1. Trước khi thành lập thị xã Đức Lập:
- Tiểu vùng trung tâm: thị trấn Đăk Mil
- Tiểu vùng kinh tế nông - lâm - công nghiệp Bắc Đăk Mil: Đức Mạnh, Đăk Rla, Đăk N’Drot, Đăk Găn, Đăk Lao.
- Tiểu vùng kinh tế nông - lâm nghiệp Đông Nam Đăk Mil: Đức Minh, Đăk Săk, Long Sơn, Thuận An.
2.2. Sau khi thành lập thị xã Đức Lập:
* Thị xã Đức Lập là đô thị loại IV, sẽ phát triển với chức năng là trung tâm kinh tế tiểu vùng phía bắc của tỉnh Đăk Nông.
* Huyện Đăk Mil (mới):
- Tiểu vùng trung tâm: Thị trấn Huyện lỵ (dự kiến là Đăk Gonn) là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của huyện.
- Tiểu vùng kinh tế nông lâm nghiệp phía tây và phía bắc: gồm xã Đăk N’Drót; Đăk Lao (xã Đăk Klau), Đăk Găn và một xã mới (dự kiến là Đăk DJieng Brao).
- Tiểu vùng kinh tế tổng hợp nông nghiệp công nghiệp dịch vụ phía Nam: gồm 4 xã Đăk Rla (còn lại); Đăk Sắk; Long Sơn; Đức Mạnh cũ (Đăk Blak mới).
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH VÀ LĨNH VỰC
1. Quy hoạch phát triển ngành Nông lâm nghiệp:
1.1. Nông nghiệp:
a) Trồng trọt:
- Cây lương thực: Đầu tư thâm canh, sử dụng có hiệu quả đất trồng lúa nước hiện có. Không khuyến khích phát triển cây chất bột lấy củ, cây sắn chỉ phát triển thêm trên đất có độ phì thấp.
- Cây công nghiệp hàng năm: Phát triển loại cây phù hợp với đất đai, trình độ sản xuất và có hiệu quả trên thị trường tại các xã đã có kinh nghiệm.
- Cây công nghiệp lâu năm: Cà phê: điều chỉnh diện tích, hình thành vùng chuyên canh cà phê theo phương thức thâm canh; Cao su: chủ yếu phát triển trên đất chuyển đổi từ rừng nghèo; Cây điều: phát triển trên đất đất xám có rừng nghèo, đất trống đồi trọc, nương rẫy; Hồ tiêu: phát triển hạn chế với các hộ dân có trình độ và điều kiện đầu tư. Cây ăn quả: phát triển trên đất vườn trong khu dân cư và trang trại.
b) Chăn nuôi: Hình thành chăn nuôi đại gia súc đàn dê, bò, tăng quy mô đàn lợn và gia cầm tại các hộ, phát triển thêm vật nuôi khác để đáp ứng nhu cầu tại chỗ tiến tới tạo sản phẩm hàng hóa và thu nhập kinh tế. Đưa tỉ trọng ngành chăn nuôi lên 3,2% vào năm 2010 và tăng lên 7,3% năm 2020.
c) Thuỷ sản: Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản nước ngọt theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm. Tận dụng diện tích mặt nước các công trình thuỷ lợi, hồ. Khuyến khích nuôi trồng trong ao hồ nhỏ, quy mô gia đình theo mô hình VAC, VACR.
1.2. Lâm nghiệp :
- Cân nhắc kỹ việc chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang đất khác để giữ vững diện tích rừng hiện có, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ khu vực biên giới.
- Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, có biện pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng phá rừng. Tiếp tục chuyển diện tích đất kém hiệu quả về địa phương quản lý.
- Trồng rừng tập trung để duy trì diện tích phủ xanh, bảo vệ cân bằng sinh thái các công trình thủy điện, thuỷ lợi, vùng dốc núi cao và sản xuất lâm sản, rừng cảnh quan du lịch.
- Hạn chế khai thác rừng tự nhiên để tái sinh rừng, chỉ khai thác thông qua điều chế rừng, chăm sóc lâm sinh. Với rừng trồng, chỉ khai thác khi đến chu kỳ, không khai thác trắng.
2. Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp - TTCN:
a) Công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm:
- Chế biến cà phê: Ưu tiên đầu tư tại Cụm Công nghiệp - TTCN Thuận An và tại vùng tập trung nhiều diện tích cà phê, đầu tư chế biến rang xay cà phê bột tại Cụm Công nghiệp - TTCN Thuận An và tại thị trấn trung tâm huyện Đăk Mil mới (sau khi tách huyện).
- Chế biến cao su: Đến năm 2010 xây dựng mới nhà máy sơ chế mủ kem. Giai đoạn 2011- 2020 xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su sản phẩm RSSI hoặc TSR20.
- Chế biến điều: Đầu tư chế biến hạt điều nhân xuất khẩu, gắn với vùng nguyên liệu; xây dựng nhà máy chế biến hạt điều nhân gắn với vùng nguyên liệu (trên địa bàn Đăk R’la thuộc huyện Đăk Mil mới sau này) để chế biến sản phẩm điều xuất khẩu.
- Chế biến gỗ và lâm sản: Sản xuất hàng tinh chế xuất khẩu, tập trung chế biến gỗ rừng trồng và một phần gỗ rừng tự nhiên thông qua khai thác từ phương án điều chế rừng hàng năm. Đến năm 2010, chỉ duy trì và mở rộng các cơ sở chế biến gỗ hiện có, sau năm 2010 tiếp tục nâng cấp, mở rộng chế biến gỗ xuất khẩu.
- Chế biến súc sản: Trước năm 2010 chỉ hình thành các cơ sở giết mổ tập trung tại các trung tâm xã và thị trấn để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho tiêu dùng nội huyện. Sau 2010, xây dựng cơ sở chế biến súc sản có dây chuyền giết mổ, kiểm tra thú y, kho lạnh tại Thị xã Đức Lập.
- Chế biến thức ăn gia súc: Đầu tư nâng cấp mở rộng và xây dựng mới để nâng năng lực chế biến thức ăn gia súc cung cấp cho phát triển chăn nuôi trong huyện và tỉnh. Đẩy mạnh chế biến tinh bột ngô, sắn, tận dụng các phế phẩm đậu đỗ chế biến làm thức ăn tạo điều kiện chăn nuôi phát triển.
- Chế biến dầu thực vật: Thu hút xây dựng nhà máy chế biến dầu thực vật 4 vào Cụm Công nghiệp - TTCN Thuận An, sau năm 2010 nâng sản lượng chế biến.
- Xay xát, chế biến lương thực: Phát triển quy mô vừa và nhỏ tại các xã, thị trấn để chế biến hết sản phẩm trong vùng, tạo sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của dân cư tại chỗ.
b) Công nghiệp khai khoáng và vật liệu xây dựng:
- Đá xây dựng: Đến năm 2010 tiến hành điều tra, rà soát và quy hoạch chi tiết các mỏ đá trên địa bàn và hướng các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu và mở rộng.
- Khai thác bauxít: Hỗ trợ Công ty Đông Bắc thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam triển khai dự án khai thác mỏ bauxit tại Thuận An để đến năm 2015 có thể đưa vào và khai thác.
- Ưu tiên công tác khảo sát thăm dò trữ lượng, sớm đưa vào khai thác mỏ đá bán quý tại xã Đăk Lao.
c) Công nghiệp cơ khí:
Nâng cao chất lượng sửa chữa máy móc phục vụ cho cơ giới hóa nông nghiệp, sản xuất cơ khí cho nhu cầu xây dựng trên địa bàn. Sau năm 2010, ưu tiên phát triển công nghiệp cơ khí tại huyện Đăk Mil mới, phát triển công nghiệp cơ khí nhỏ gắn với sản xuất nông nghiệp và tiêu dùng tại chỗ.
d) Công nghiệp sản xuất phân phối nước sạch:
Đến năm 2010, nâng cấp nhà máy nước thị trấn Đăk Mil, xây dựng mới nhà máy cấp nước Cụm Công nghiệp - TTCN Thuận An. Đến năm 2020, xây dựng thêm hoặc nâng cấp mở rộng cấp nước sinh hoạt Thị xã Đức Lập. Tại Huyện Đăk Mil mới xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt đô thị tại trung tâm Huyện.
đ) Công nghiệp sản xuất thủy điện:
Thực hiện quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đăk Nông trên địa bàn Đăk Mil, giai đoạn đến năm 2010, đầu tư thủy điện vừa và nhỏ: Đăk Sôr 1, Đăk Sôr 2. Giai đoạn 2010 - 2020 tiếp tục đầu tư công trình Đăk Sôr 3, Đăk Sôr 4.
e) Phân bố Cụm Công nghiệp - TTCN:
Đến năm 2010, hình thành Cụm Công nghiệp - TTCN tại xã Thuận An. Trong giai đoạn 2011 - 2020, sau khi chia tách huyện Đăk Mil quy hoạch Cụm Công nghiệp -TTCN Huyện Đăk Mil mới.
3. Quy hoạch phát triển ngành Thương mại - Dịch vụ:
a) Thương mại:
- Phát huy tốt lợi thế về giao thông đẩy mạnh lưu thông hàng hóa với thị xã Gia Nghĩa, huyện Cư Jút, Đăk Song, Krông Nô và các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Lăk.
- Phát triển mạng lưới tiêu thụ hàng hóa nông sản, hệ thống bán lẻ, bán buôn.
- Từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại để đủ điều kiện hình thành trung tâm kinh tế tiểu vùng phía Bắc của tỉnh Đăk Nông:
Đến năm 2010, chỉnh trang chợ Trung tâm huyện, xây dựng mới chợ nông thôn ở các xã, phát triển cửa hàng thương mại tại các thôn, bon, quy hoạch và xây dựng chợ đầu mối nông sản.
Đến năm 2020, quy hoạch xây dựng mới chợ Thị xã Đức Lập, xây dựng Chợ đầu mối nông sản và siêu thị (hoặc Trung tâm thương mại). Triển khai đầu tư Chợ biên giới khu kinh tế cửa khẩu Đăk Per. Quy hoạch và đầu tư Chợ trung tâm huyện Đăk Mil mới. Tiếp tục quy hoạch và xây dựng mới chợ nông thôn tại trung tâm các xã mới thành lập.
b) Du lịch:
Đến năm 2010, tiếp tục đầu tư khu du lịch Hồ Tây, chỉnh trang trung tâm thị trấn, phát triển cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, nhà hàng, khu vui chơi giải trí - văn hóa.
Giai đoạn 2010 - 2011, hợp tác du lịch giữa 2 đơn vị hành chính mới để phát triển tuyến du lịch sinh thái dã ngoại kết hợp nghiên cứu khoa học kết nối với chương trình phát triển du lịch Quốc gia. Tại huyện Đăk Mil mới, quy hoạch và đầu tư du lịch để phát huy tài nguyên du lịch văn hóa.
c) Dịch vụ khác:
- Đến năm 2010, chỉnh trang bến xe trung tâm huyện và xây dựng điểm đón trả khách tại một số xã. Sau năm 2010, di dời bến xe trung tâm huyện quy hoạch lại để thành bến xe trung tâm thị xã Đức Lập, quy hoạch bến xe khách trung tâm huyện Đăk Mil mới và xây dựng điểm đỗ xe tại trung tâm một số xã. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải tăng cường năng lực quy mô và chất lượng.
- Đầu tư và phát triển hạ tầng Bưu chính - Viễn thông theo hướng hiện đại, đa dịch vụ. Nâng cấp các điểm Bưu điện văn hóa xã, phát triển đại lý dịch vụ Internet, Bưu điện tới nông thôn. Tạo điều kiện cho ngành ngân hàng lập các chi nhánh tại trung tâm huyện, điểm giao dịch tại các trung tâm xã. Phát triển dich vụ tư vấn về công nghệ, pháp luật tài chính ngân hàng, kiểm toán, bảo hiểm, dịch vụ văn hóa vui chơi giải trí.
4. Phát triển lĩnh vực văn hóa xã hội:
4.1. Dân số và phát triển nguồn nhân lực:
a) Dân số: Duy trì tỷ lệ tăng dân số đến năm 2010 và 2011 - 2015 là 3% và giảm còn 2,7% từ 2011 - 2020, dự báo quy mô dân số đến năm 2010 là 90.442 người, năm 2015 là 105.000 người. Đến năm 2020 là 120.000 người (Thị xã Đức Lập 54.800 người, huyện Đăk Mil mới 65.200 người).
b) Nguồn nhân lực: Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng số lượng và chất lượng lao động phi nông nghiệp, mở rộng đào tạo và nâng cao kĩ năng nghề nghiệp lao động. Tích cực đào tạo lao động, nâng tỷ lệ lao động được đào tạo lên 20% năm 2010, 25% năm 2015 và 30% năm 2020.
4.2. Giáo dục - đào tạo:
- Quy hoạch và bố trí đất trường học đạt chuẩn, đầu tư đủ phòng học kiên cố cho các cấp học, củng cố và phát triển các cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo.
- Đảm bảo về số lượng giáo viên; tiêu chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo quy định; khuyến khích và đào tạo nguồn giáo viên tại địa phương.
- Phát triển các loại hình, cơ sở đào tạo nhân lực phù hợp với yêu cầu của huyện; nhanh chóng phổ cập nghề, phổ cập tin học và ngoại ngữ cho thanh niên trong huyện.
- Thực hiện xã hội hóa giáo dục theo đề án của HĐND tỉnh, huy động mọi nguồn lực của xã hội để phát triển hệ thống nhà trẻ và mẫu giáo dân lập, tư thục tại các xã, đến 2015 thành lập được 1 trường trung học phổ thông dân lập.
- Xây dựng hệ mẫu giáo mầm non ở thôn, bon các xã biên giới, các trường bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số.
4.3. Y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng:
- Mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng.
- Đẩy mạnh xã hội hóa y tế, khuyến khích mở phòng khám tư nhân, bác sĩ gia đình. Kết hợp chữa bệnh bằng đông y và tây y, phát triển và nâng cao chất lượng bảo hiểm y tế, 100% người nghèo được cấp bảo hiểm y tế.
- Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường sống, khống chế kịp thời và đẩy lùi có hiệu quả các dịch bệnh.
- Đến năm 2010, nâng cấp mở rộng bệnh viện huyện Đăk Mil đạt quy mô 100 giường bệnh. Sau năm 2010, xây dựng mới bệnh viện đa khoa Đức Lập thành bệnh viện khu vực tuyến tỉnh có đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị, tăng cường đào tạo y tế chuyên sâu (bác sỹ chuyên khoa II, thạc sỹ y khoa) để thực hiện tốt công tác khám, điều trị, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho công tác y tế dự phòng để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch và thực hiện Chương trình y tế quốc gia.
- Củng cố và tiếp tục phát triển mạng lưới y tế xã và ở các thôn, bon để đáp ứng kịp thời việc khám chữa bệnh của người dân.
4.4. Văn hoá thông tin - Thể dục thể thao:
a) Văn hóa thông tin: Xây dựng thiết chế văn hóa đến cơ sở, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Đẩy mạnh phong trào toàn dân xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, làng văn hóa, xóa bỏ sản phẩm văn hóa độc hại và tệ nạn xã hội. Huy động các nguồn vốn xây dựng các thiết chế văn hóa, phối hợp tốt với ngành văn hóa tỉnh tôn tạo di tích Ngục Đăk Mil. Duy trì các đội cồng chiêng ở các bon làng; các hoạt động lễ hội truyền thống, sưu tầm và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong huyện.
b) Thể dục, thể thao: Xây dựng và phát triển phong trào thể dục - thể thao đến tận cơ sở, đẩy mạnh phong trào thể dục - thể thao quần chúng, kết hợp giao lưu nhằm tăng cường sự đoàn kết giữa các dân tộc. Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục thể chất trong trường học. Đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT, tăng cường công tác xã hội hóa TDTT. Đưa hoạt động thể dục thể thao vào cơ sở, trường học, địa bàn dân cư. Tổ chức tốt các hoạt động TDTT hướng tới các ngày lễ lớn. Tham gia đăng cai tổ chức một số giải cấp tỉnh.
4.5. Các vấn đề xã hội khác: Làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm, thực hiện tốt các chế độ chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước. Tổ chức thực hiện tốt các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”.
5. Quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng:
5.1. Mạng lưới giao thông - vận tải:
a) Đường Quốc lộ:
- Quốc lộ 14: Theo quy hoạch đường Hồ Chí Minh do Trung ương quản lý: Đến năm 2010 nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn cấp III, 2 làn xe; hệ thống cầu, cống đạt tiêu chuẩn H 30, XB 80. Đến năm 2020, giữ cấp, rải lại mặt đường hiện hữu, đồng thời cải tuyến đường Hồ Chí Minh theo tiêu chuẩn đường cao tốc, quy mô 4 - 6 làn xe; hệ thống cầu, cống đạt tiêu chuẩn H 30, XB 80.
- Quốc lộ 14C: Theo quy hoạch giao thông tỉnh Đăk Nông: Đến năm 2010, nâng cấp rải nhựa toàn tuyến. Đến năm 2020, cải tuyến đoạn từ km 70 đến km 100, đạt tiêu chuẩn cấp IV, hệ thống cầu, cống đạt tiêu chuẩn H 30, XB 80.
b) Đường Tỉnh lộ:
- Đường tỉnh 682: Đến năm 2010, giữ cấp, rải lại mặt đường.
- Đường tỉnh 683: Đến năm 2010, nâng cấp từ Quốc lộ 14 - Long Sơn, cấp VI miền núi. Đến năm 2020, nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi.
c) Đường huyện:
Thực hiện theo Quy hoạch phát triển Giao thông huyện Đăk Mil với định hướng chung đến năm 2010 là nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp V và cấp VI miền núi gồm các Tuyến Đăk Gằn - Đăk Sor; Tuyến Quốc lộ 14 - Đăk N’Drót; Tuyến Đăk Gằn - Cư Knia (Cư Jút); Tuyến Đăk R’la - Long Sơn; Tuyến Đăk Lao - Đăk N’Drót; Tuyến Đức Mạnh - Đăk Săk; Tuyến ĐT 683 - Thuận An; Tuyến Đức Minh - Thuận An; Tuyến Đăk Lao (Quốc lộ 14C) - Đức Minh, thành từ đường Quốc lộ 14C và đường ĐT 683 (đã nói ở trên); Tuyến Đức Minh - Đăk Mol; Tuyến Đăk Lao - Thuận An; Tuyến Thuận An - Đăk Per; Tuyến Đồn biên phòng 757 - Cư Knia (Cư Jút), Tuyến Thuận An - Long Sơn.
Đến năm 2020, tiến hành nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn cấp IV, nền 7,5 m, mặt 5,5 m, mặt rải nhựa. Hệ thống cầu, cống đạt tiêu chuẩn H 18, XB 60. Riêng các tuyến Đức Mạnh - Đăk Săk, tuyến Đăk Lao (Quốc lộ 14C) - Đức Minh, tuyến Đồn biên phòng 757 - Cư Knia, đề nghị nâng cấp thành đường tỉnh.
d) Đường đô thị:
Giai đoạn 2007 - 2020 quy hoạch thêm 13 tuyến, phù hợp tiêu chuẩn đường đô thị. Sau khi thành lập Thị xã Đức Lập tiếp tục nâng cấp và mở rộng đến các vùng mới trong thị xã. Tại trung tâm huyện Đăk Mil mới, nâng cấp tuyến Quốc lộ 14 đoạn qua thị trấn và nâng cấp mở rộng các tuyến trục chính tại trung tâm Huyện theo tiêu chuẩn đường đô thị.
đ) Giao thông nông thôn:
- Nâng cấp toàn bộ mạng lưới đường liên xã hiện có đạt GTNT loại A, nhựa hóa các đoạn qua trung tâm dân cư, các thị tứ, đường trục nội thôn bon.
- Mở mới các tuyến giao thông gắn khu dân cư với vùng sản xuất tại các xã.
- Đến năm 2020 nâng cấp các tuyến nội thôn buôn theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại B, có 50% nhựa hóa.
5.2. Mạng lưới cấp điện:
- Lưới trung thế: Theo quy hoạch phát triển điện lực Đăk Nông
- Lưới hạ thế: Đến năm 2010 đầu tư mới tại các thôn bon chưa có điện và lưới hạ thế Cụm Công nghiệp - TTCN Thuận An. Nâng cấp mở rộng tại thị trấn Đăk Mil. Đến năm 2020 mở mới lưới khu vực thị trấn huyện lỵ Đăk Mil mới kết hợp xây dựng hệ thống chiếu sáng đô thị. Nâng cấp lưới trung hạ áp để mở rộng vùng cung cấp điện lưới tại các xã mới thành lập.
5.3. Bưu chính - viễn thông:
Củng cố và phát triển các loại hình dịch vụ truyền thống, phát triển dịch vụ mới. Xây dựng hạ tầng viễn thông để phát triển dịch vụ công cộng tại thị trấn và các trung tâm xã, phổ cập tin học cho thanh niên vùng sâu vùng xa, đưa tin học đến trường học, thôn bon. Cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, đổi mới mô hình Bưu điện văn hóa xã. Sau khi tách huyện Thị xã Đức Lập nâng cấp thành Bưu cục cấp I và Tại trung tâm huyện Đăk Mil mới thành lập Bưu cục cấp II. Xây dựng Bưu điện văn hóa xã ở tất cả các xã dự kiến chia tách. Mở rộng các đại lý đa dịch vụ ở vùng dân cư tập trung và Cụm Công nghiệp - TTCN. Hình thành đầy đủ đường thư cấp III từ huyện xuống các xã đúng hành trình 1chuyến/ngày. Khuyến khích mở dịch vụ điện thoại, đại lý bưu điện, đặc biệt đối với cùng sâu vùng xa. Năm 2010 bình quân 12 máy/100 dân. Năm 2020 đạt 20 máy/100 dân..
5.4. Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường:
a) Cấp nước sinh hoạt:
- Cấp nước đô thị: Đến năm 2010, nâng cấp nhà máy nước thị trấn Đăk Mil, xây dựng mới nhà máy cấp nước Cụm Công nghiệp - TTCN Thuận An. Sau khi thành lập Thị xã Đức Lập, nâng cấp mạng lưới cấp nước và xây dựng công trình cấp nước tập trung tại trung tâm huyện Đăk Mil mới.
- Cấp nước nông thôn: Tiếp tục tục thực hiện dự án nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng các công trình cấp nước tập trung tại trung tâm xã, các thị tứ. Vận động nhân dân xây dựng công trình cấp nước hợp vệ sinh như giếng đào, giếng khoan, bể chứa nước mưa.
b) Vệ sinh môi trường:
Tích cực phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chấm dứt nạn phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép. Trong sản xuất nông nghiệp áp dụng các phương pháp canh tác thích hợp nhằm khắc phục xói mòn, thoái hóa đất. Trong công nghiệp khuyến khích lựa chọn công nghệ sạch, nâng cao ý thức vệ sinh môi trường và vệ sinh công nghiệp. Khai thác tài nguyên theo đúng quy hoạch, kế hoạch và luật pháp quy định không làm suy kiệt, ô nhiễm. Bảo vệ đa dạng sinh học, động thực vật quí hiếm.
Đến năm 2010 đầu tư hệ thống thu gom và xử lý rác thải ở Thị xã Đức Lập và trung tâm huyện Đăk Mil. Mỗi cụm xã (từ 1-3 xã lân cận) quy hoạch 1 điểm xử lý rác thải. Chuyển giao kỹ thuật xây dựng các công trình vệ sinh nông thôn.
5.5. Thủy lợi và quản lý nguồn tài nguyên nước:
Đến năm 2010 chủ động nước tưới cho 65% diện tích cây trồng với định hướng: Tập trung đầu tư các hệ thống thủy lợi hiện có, xây dựng hoàn chỉnh từng hệ thống để phát huy hết năng lực thiết kế, tránh lãng phí. Ưu tiên các công trình Đăk Rla - Đăk Găn; Hồ Đăk Klo Ouk; Hồ Đăk Toung; Yok Lomk, Kênh N1, Kênh E29 Đăk Săk
Huy động người dân kiên cố hóa kênh mương cấp III. Tăng cường công tác quản lý nước mặt và nước ngầm nhằm tránh cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.
6. An ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội:
- Xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, xây dựng thế trận liên hoàn vững chắc, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, bảo đảm an ninh biên giới, bảo vệ các công trình phòng thủ quốc gia.
- Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đấu tranh với thủ đoạn chia rẽ dân tộc, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc. Ngăn chặn kịp thời những âm mưu gây mất ổn định chính trị xã hội. Thường xuyên đấu tranh chống các loại tội phạm, ngăn chặn đẩy lùi tệ nạn xã hội.
IV. LUẬN CHỨNG CÁC TRỌNG ĐIỂM PHÁT TRIỂN VÀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH DỰ ÁN ƯU TIÊN
1. Các trọng điểm phát triển:
- Trọng điểm 1: Phát triển công nghiệp theo hướng khai thác hiệu quả lợi thế nguồn nguyên liệu nông lâm sản tại chỗ để hình thành công nghiệp chế biến. Ưu tiên xây dựng hạ tầng Cụm Công nghiệp - TTCN Thuận An.
- Trọng điểm 2: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Phối hợp với tỉnh quy hoạch, đầu tư Khu Kinh tế Cửa khẩu Đăk Per, hoàn thiện mạng lưới giao thông, thủy lợi, tiếp tục xây dựng mạng lưới điện, cấp nước. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đặc biệt khó khăn.
- Trọng điểm 3: Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đầu tư chiều sâu, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
- Trọng điểm 4: Phát triển du lịch, sớm hình thành các điểm du lịch để kết nối với tuyến du lịch tỉnh và du lịch quốc gia.
- Trọng điểm 5: Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống.
2. Danh mục chương trình và dự án ưu tiên: (Có phụ lục kèm theo)
V. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Giải pháp vốn đầu tư:
- Vốn ngân sách Nhà nước: Là nguồn vốn chính để đầu tư cơ sở hạ tầng. Dự báo đáp ứng 30 - 35% vốn đầu tư toàn xã hội tương đương 3.095 tỷ đồng.
Cần thực hiện tốt công tác quy hoạch và chuẩn bị đầu tư. Công trình đầu tư phải thật sự cần thiết, có hiệu quả cao, phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.
Đề xuất tỉnh ưu tiên ngân sách đầu tư các công trình trọng điểm tại thị trấn Đăk Mil để đủ điều kiện hình thành thị xã thứ 2 của tỉnh: hoàn thiện hạ tầng đô thị, công trình công cộng, cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp - TTCN Thuận An, hạ tầng khu du lịch Hồ Tây.
Đối với nguồn ngân sách huyện, cần triệt để tăng tích luỹ nội bộ, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và có các biện pháp tiết kiệm. Quy hoạch và đầu tư các điểm dân cư, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ để tạo vốn từ quỹ đất.
- Vốn huy động từ dân và doanh nghiệp: Chủ yếu đầu tư phát triển sản xuất và xã hội hóa giáo dục, y tế, thể dục thể thao.
Dự báo có thể huy động dân cư từ 10 - 15% nhu cầu, tương đương 1.314 tỷ, từ các doanh nghiệp từ 25% - 35% nhu cầu, tương đương 2.750 tỷ.
Các giải pháp để huy động: Đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, xây dựng danh mục các dự án kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia thực hiện. Khuyến khích hợp tác liên kết kinh tế giữa Nhà nước và các thành phần kinh tế. Động viên, khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại.
Có chính sách ưu tiên về thuế để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Khuyến khích mở rộng qui mô sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, y tế và các lĩnh vực văn hóa xã hội khác.
- Vốn đầu tư tín dụng: Là kênh huy động vốn phát triển sản xuất và phát triển xã hội, huy động từ nguồn tín dụng ưu đãi hoặc vay từ ngân hàng. Dự báo từ nguồn vốn tín dụng có thể huy động 20% nhu cầu, tương đương 2.030 tỷ đồng.
Tạo điều kiện mở rộng hoạt động tín dụng, ngân hàng, tín dụng nhân dân vùng nông thôn để huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, cho hộ nông dân vay vốn để phát triển sản xuất.
- Thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI: Dự báo đáp ứng khoảng 5 - 10% tổng nhu cầu vốn, tương đương 966 tỷ đồng
Các giải pháp: Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh bình đẳng. Hỗ trợ nhà đầu tư chuẩn bị đầu tư và các thủ tục. Đảm bảo hạ tầng, quỹ đất. Hỗ trợ đào tạo và cung cấp nhân lực.
2. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội:
- Thực hiện tốt giáo dục phổ thông.
- Đẩy mạnh việc phổ cập tri thức khoa học kỹ thuật phổ thông cho người lao động.
- Phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt, thiết thực.
3. Giải pháp nâng cao trình độ khoa học công nghệ:
Đầu tư thích đáng cho việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Tăng cường huấn luyện, chuyển giao công nghệ. Khuyến khích phát triển tài năng, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật.
4. Giải pháp về cơ chế chính sách:
- Nhanh chóng xác lập quyền sử dụng để đưa giá trị đất đai tham gia vốn sản xuất.
- Xác lập và đơn giản hóa các thủ tục pháp lý, tạo điều kiện khuyến khích chuyển đổi phù hợp với điều kiện đặc điểm của từng chủ thể đất đai.
- Có chính sách đặc biệt đối với vùng sâu vùng xa.
- Tăng cường hợp tác kinh tế với các địa phương, hình thành thị trường mở.
- Xây dựng mô hình liên kết giữa sản xuất với thu mua, chế biến, tiêu thụ.
5. Giải pháp hợp tác khu vực:
Hợp tác, liên kết vừa mang tính toàn diện, vừa phải phù hợp với nhu cầu, khả năng của mỗi bên, gắn với quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện và các tỉnh trong vùng, trên tinh thần bình đẳng cùng có lợi và mang tính hỗ trợ lẫn nhau để phát triển bền vững.
Các lĩnh vực hợp tác: Du lịch, thương mại, công nghiệp.
6. Giải pháp tổ chức thực hiện:
- Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, UBND huyện phối hợp với các Ban ngành chức năng của tỉnh và huyện thực hiện các dự án quy hoạch ngành và lĩnh vực.
- Công tác thực hiện đầu tư cần triển khai nhanh chóng, đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng đối tượng và đầu tư có trọng điểm.
- Thường xuyên kiểm tra, đánh giá công tác thực hiện quy hoạch, để có cơ sở tiến hành rà soát, bổ sung cho phù hợp với sự biến động theo từng giai đoạn thực hiện.
Điều 2. Quy hoạch này là định hướng, cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành, các dự án đầu tư trên địa bàn huyện Đăk Mil.
Điều 3. Ủy ban nhân dân huyện Đăk Mil căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong quy hoạch, chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan chỉ đạo việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện theo quy định:
- Quy hoạch đô thị và các điểm dân cư, quy hoạch xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực để bảo đảm sự phát triển tổng thể, đồng bộ;
- Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành một số cơ chế chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của huyện trong từng giai đoạn nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch;
- Lập kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, các chương trình phát triển trọng điểm, các dự án cụ thể để đầu tư tập trung hoặc từng bước bố trí ưu tiên hợp lý;
- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch này kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong từng giai đoạn quy hoạch.
Điều 4. Giao các Sở, ngành có liên quan hỗ trợ Ủy ban nhân dân huyện Đăk Mil nghiên cứu lập các quy hoạch nêu trên; nghiên cứu xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong từng thời kỳ. Đẩy nhanh việc đầu tư các công trình, dự án có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện đã được quyết định đầu tư. Nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch phát triển ngành, kế hoạch đầu tư các công trình, dự án đầu tư trong quy hoạch. Hỗ trợ tìm và bố trí các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để thực hiện quy hoạch.
Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, Ban, ngành trong tỉnh; Chủ tịch UBND huyện Đăk Mil và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Quyết định 1474/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch thực hiện Quyết định 286/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 2 Quyết định 1924/QĐ-UBND năm 2015 về phê duyệt dự án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Tây Hòa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do tỉnh Phú Yên ban hành
- 3 Quyết định 2758/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Chương Mỹ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do thành phố Hà Nội ban hành
- 4 Quyết định 604/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện A Lưới đến năm 2020 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 5 Quyết định 19/2012/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020
- 6 Thông tư 03/2008/TT-BKH hướng dẫn Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quyết định 281/2007/QĐ-BKH ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ yếu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 7 Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 8 Quyết định 281/2007/QĐ-BKH ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch các sản phẩm chủ yếu do Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư ban hành
- 9 Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 10 Quyết định 161/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 1474/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch thực hiện Quyết định 286/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 2 Quyết định 1924/QĐ-UBND năm 2015 về phê duyệt dự án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Tây Hòa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do tỉnh Phú Yên ban hành
- 3 Quyết định 2758/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Chương Mỹ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do thành phố Hà Nội ban hành
- 4 Quyết định 604/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện A Lưới đến năm 2020 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 5 Quyết định 19/2012/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020