Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6096/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2016-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 1865/TTr-STP ngày 29/9/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch “Kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành Thành phố; Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Tư pháp;
- Thường trực: TU, TT HĐND TP;
- Chủ tịch UBND TP;
- Các PCT UBND TP;
- VPUBTP: CVP, PVP Phạm Chí Công; Các phòng: NC, TKBT, TH;
- Cổng thông tin điện tử TP;
- Trung tâm tin học công báo;
- Lưu: VT, NC(B).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Sơn

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 6096/QĐ-UBND ngày 04 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)

Thực hiện Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Phát hiện những nội dung trái pháp luật của các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản có chứa quy phạm pháp luật do cơ quan, cá nhân ban hành, kịp thời có biện pháp xử lý nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; qua đó xác định trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong công tác soạn thảo, ban hành văn bản trái pháp luật để kịp thời có biện pháp xử lý.

2. Yêu cầu:

Công tác kiểm tra văn bản được tiến hành thường xuyên, kịp thời, đúng quy định. Các văn bản do HĐND, UBND các cấp ban hành phải được kiểm tra, xử lý kịp thời bằng các hình thức và biện pháp phù hợp theo quy định của pháp luật; việc kiểm tra, xử lý văn bản phải tiến hành một cách khách quan, toàn diện, tuân thủ đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra văn bản hàng năm ở địa phương; sơ kết, tổng kết về công tác kiểm tra văn bản và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định;

b) Các điều kiện bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý văn bản bao gồm: việc bố trí cán bộ chuyên trách, tổ chức đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản; các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc và kinh phí hoạt động phục vụ cho công tác kiểm tra văn bản của địa phương; công tác tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra văn bản; tổ chức mạng lưới tiếp nhận thông tin, xây dựng và quản lý hệ cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc kiểm tra văn bản.

2. Công tác tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản có chứa quy phạm pháp luật.

a) Công tác tự kiểm tra được tiến hành thường xuyên đối với toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND các cấp ban hành trong giai đoạn 2016 - 2020 gồm: Quyết định của Ủy ban nhân dân các cấp; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã.

b) Kiểm tra theo thẩm quyền đối với: Các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn ban hành trong giai đoạn 2016 - 2020 gồm: Nghị quyết của HĐND quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn; Quyết định của UBND quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn.

c) Rà soát và tự kiểm tra các văn bản có chứa quy phạm pháp luật của Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành Thành phố; UBND và Chủ tịch UBND các cấp; HĐND và Chủ tịch HĐND cấp huyện, cấp xã; các phòng, ban thuộc UBND quận, huyện, thị xã.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phương thức kiểm tra và thời gian thực hiện

a) Tổ chức tự kiểm tra văn bản.

- Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành Thành phố chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản có chứa quy phạm pháp luật do UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố ban hành liên quan đến lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành ban hành;

- HĐND và UBND quận, huyện, thị xã; xã, phường thị trấn tổ chức tự kiểm tra văn bản do mình ban hành;

- Kết quả kiểm tra văn bản và danh mục các văn bản kiểm tra được tổng hợp gửi Sở Tư pháp theo quy định. Giám đốc Sở Tư pháp giúp UBND Thành phố theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, tổng hợp kết quả kiểm tra và xây dựng báo cáo của UBND Thành phố theo quy định.

b) Kiểm tra theo thẩm quyền

- Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện việc kiểm tra các văn bản do HĐND và UBND gửi đến theo quy định, để kịp thời phát hiện các văn bản đã ban hành trái pháp luật, hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật;

- Hằng năm, UBND Thành phố tổ chức Đoàn kiểm tra:

+ Việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác kiểm tra văn bản và công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND các quận, huyện, thị xã;

Kiểm tra tại các Sổ, ban, ngành về thực hiện nhiệm vụ giúp UBND Thành phố trong công tác rà soát, tự kiểm tra văn bản và tổ chức rà soát kiểm tra các văn bản hành chính (công văn, thông báo, quy chế, điều lệ, chương trình, hướng dẫn nghiệp vụ...) do Giám đốc Sở ban hành có chứa quy phạm pháp luật.

2. Trách nhiệm của các Sở, ngành và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã.

a) Chánh Văn phòng Thành phố, Giám đốc Sở, Thủ trưởng các ban ngành có trách nhiệm và chủ động phối hợp với Sở Tư pháp tự rà soát, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do Thành phố ban hành liên quan đến lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành mình, kịp thời báo cáo UBND Thành phố những văn bản có dấu hiệu trái pháp luật; cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra tại các quận, huyện, thị xã theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.

b) UBND Thành phố ủy quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp thành lập Đoàn kiểm tra theo nội dung quy định tại điểm b khoản 1 mục III Kế hoạch này; thông báo lịch kiểm tra đối với các Sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã được kiểm tra.

c) HĐND và UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tổ chức tự kiểm tra văn bản do mình ban hành theo quy định. UBND quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, chủ động xây dựng Kế hoạch kiểm tra văn bản, chú trọng việc tổ chức tự kiểm tra văn bản do mình ban hành và kiểm tra văn bản theo địa bàn.

d) Sở Tài chính bố trí kinh phí giao Sở Tư Pháp và các Sở, ngành, đơn vị liên quan phục vụ công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn chi, thanh quyết toán theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/8/2011 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã được kiểm tra chuẩn bị các nội dung theo yêu cầu để làm việc với Đoàn kiểm tra và tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn kiểm tra hoàn thành nhiệm vụ.

Giao Sở Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch, kịp thời tổng hợp, báo cáo kết quả và những khó khăn, vướng mắc để Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét./.