- 1 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
- 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020
- 4 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 5 Luật Đất đai 2024
- 6 Nghị định 88/2024/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
- 7 Quyết định 12/2024/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi do Thủ tướng Chính phủ ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 61/2024/QĐ-UBND | Kon Tum, ngày 30 tháng 10 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM VÀ ĐÀO TẠO NGHỀ CHO NGƯỜI CÓ ĐẤT THU HỒI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 18 tháng 01 năm 2024;
Căn cứ Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Căn cứ Quyết định số 12/2024/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định mức hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 09 tháng 11 năm 2024.
2. Khi các Văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu để áp dụng tại Quy định ban hành kèm theo Quyết định này được cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội; Tài chính; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kon Tum và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
MỨC HỖ TRỢ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM VÀ ĐÀO TẠO NGHỀ CHO NGƯỜI CÓ ĐẤT THU HỒI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND ngày 30/10/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định mức hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi trên địa bàn tỉnh Kon Tum theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 109 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 ngày 18 tháng 01 năm 2024.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Người có đất thu hồi trên địa bàn tỉnh bao gồm:
1. Người thuộc hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều 109 của Luật Đất đai số 31/2024/QH15 và các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai (sau đây gọi chung là người có đất nông nghiệp thu hồi);
2. Người thuộc hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại khoản 3 Điều 109 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 (sau đây gọi chung là người có đất kinh doanh thu hồi).
Chương II
HỖ TRỢ HỌC NGHỀ
Điều 3. Hỗ trợ đào tạo nghề
Người có đất nông nghiệp thu hồi, người có đất kinh doanh thu hồi tham gia học nghề được hỗ trợ như sau:
1. Hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng
a) Mức hỗ trợ chi phí đào tạo: Mức hỗ trợ bằng với đơn giá đào tạo của nghề mà người có đất nông nghiệp thu hồi, người có đất kinh doanh thu hồi tham gia đào tạo. Đơn giá đào tạo nghề thực hiện theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về đơn giá hoặc định giá cụ thể dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ dưới 03 tháng;
b) Mức hỗ trợ tiền ăn 50.000 đồng/người/ngày thực học;
c) Mức hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên. Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, làng thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: Mức hỗ trợ tiền đi lại 500.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên.
2. Hỗ trợ học phí cho một khóa học trình độ trung cấp, cao đẳng
Mức hỗ trợ chi phí đào tạo: Mức hỗ trợ bằng với đơn giá đào tạo của nghề mà người có đất nông nghiệp thu hồi, người có đất kinh doanh thu hồi tham gia đào tạo. Đơn giá đào tạo nghề thực hiện theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về đơn giá hoặc định giá cụ thể dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng.
3. Người có đất nông nghiệp thu hồi, người có đất kinh doanh thu hồi được hỗ trợ đào tạo nghề một lần theo các mức hỗ trợ quy định tại Điều này.
Chương III
HỖ TRỢ VIỆC LÀM
Điều 4. Hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước
Người có đất nông nghiệp thu hồi, người có đất kinh doanh thu hồi được hỗ trợ:
1. Tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum.
2. Vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Người có đất nông nghiệp thu hồi, người có đất kinh doanh thu hồi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ với mức sau:
1. Hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết:
a) Chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng: Thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 của Quy định này;
b) Chi phí đào tạo ngoại ngữ: Theo mức cụ thể của từng khóa học và thời gian học thực tế nhưng tối đa không quá 3 triệu đồng/người/khóa học;
c) Chi phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết: Theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 530.000 đồng/khóa học;
d) Tiền ăn trong thời gian đào tạo: 40.000 đồng/người/ngày;
đ) Chi phí đi lại (01 lượt đi và về): 200.000 đồng/người/khóa học đối với trường hợp cư trú cách địa điểm đào tạo từ 15 km trở lên; mức 300.000 đồng/người/khóa học đối với trường hợp cư trú tại các vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn và cách địa điểm đào tạo từ 10 km trở lên.
Riêng đối với trường hợp người có đất nông nghiệp bị thu hồi thuộc huyện nghèo còn được hỗ trợ thêm: (1) Tiền ở: 200.000 đồng/người/tháng; (2) Tiền trang cấp đồ dùng cá nhân (quần áo đồng phục, chăn, màn, dày dép và các đồ dùng thiết yếu khác): 400.000 đồng/người.
2. Mức hỗ trợ chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài gồm:
a) Lệ phí làm hộ chiếu: 200.000 đồng/người;
b) Lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp: 200.000 đồng/người;
c) Lệ phí làm thị thực (visa) theo mức quy định hiện hành của nước tiếp nhận lao động;
d) Chi phí khám sức khỏe theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực tế của cơ sở y tế được phép thực hiện khám sức khỏe đối với người có đất nông nghiệp thu hồi đi làm việc ở nước ngoài, mức hỗ trợ tối đa không quá 750.000 đồng/người.
3. Người có đất kinh doanh thu hồi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ như người lao động có đất nông nghiệp thu hồi quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Người có đất nông nghiệp thu hồi, người có đất kinh doanh thu hồi được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng một lần theo các mức hỗ trợ quy định tại Điều này.
Chương IV
HỖ TRỢ VAY VỐN TÍN DỤNG
Điều 6. Hỗ trợ vay vốn tín dụng học sinh, sinh viên
1. Người có đất nông nghiệp thu hồi, người có đất kinh doanh thu hồi tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, trung cấp, cao đẳng được vay vốn tín dụng học sinh, sinh viên.
2. Mức vay vốn: Tối đa là 4.000.000 đồng/tháng.
Điều 7. Hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
1. Người có đất nông nghiệp thu hồi, người có đất kinh doanh thu hồi được vay vốn ưu đãi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
2. Mức vay vốn: Tối đa bằng 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai, kiểm tra thực hiện quy định này.
b) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tổ chức đặt hàng các lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng.
c) Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động.
d) Định kỳ tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người có đất thu hồi.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan triển khai, kiểm tra thực hiện Quy định này.
3. Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Kon Tum: Hướng dẫn quy trình, thủ tục, tổ chức việc cho vay vốn đối với người có đất thu hồi theo quy định tại Quyết định này.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
a) Thực hiện các thủ tục kịp thời để kịp thời chi trả các khoản hỗ trợ cho người có đất thu hồi theo Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
b) Tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, đào tạo trung cấp, cao đẳng nghề đối với người có đất bị thu hồi theo quy định; gắn việc giải quyết việc làm cho người có đất thu hồi trên địa bàn với việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
6. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
Xác nhận, công khai danh sách lao động trong hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quy định này; đăng ký nhu cầu hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ tạo việc làm và vay vốn.
7. Trường Cao đẳng Kon Tum: Phối hợp với các địa phương trong tiếp nhận đặt hàng, tổ chức đào tạo và quản lý người tham gia học nghề theo quy định.
8. Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh: Tổ chức tư vấn, giới thiệu và cung ứng việc làm miễn phí cho người lao động; theo dõi, quản lý người lao động được hỗ trợ, tư vấn và cung ứng tại đơn vị.
Điều 9. Điều khoản thi hành
1. Định kỳ trước ngày 10 tháng 12 hằng năm và khi có yêu cầu, các Sở, ban ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện chính sách này gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc các đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh phù hợp./.
- 1 Quyết định 98/2024/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 45/2024/QĐ-UBND quy định diện tích đất nông nghiệp được sử dụng để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp và mức hỗ trợ bằng hình thức đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người có đất thu hồi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
- 3 Quyết định 65/2024/QĐ-UBND về Quy định hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người có đất thu hồi trên địa bàn tỉnh Bình Định