Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 62/2009/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 18 tháng 9 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT BAN HÀNH QUY ĐỊNH HÀNH LANG BẢO VỆ KÈ, BỜ SÔNG DINH THỊ XÃ LA GI, TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 1535/SNN-XD ngày 07/7/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định hành lang bảo vệ kè, bờ Sông Dinh, thị xã La Gi.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND thị xã La Gi và thủ trưởng các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY ĐỊNH

HÀNH LANG BẢO VỆ KÈ, BỜ SÔNG DINH, THỊ XÃ LA GI, TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 62/2009/QĐ-UBND ngày 18 tháng 9 năm 2009 của UBND tỉnh Bình Thuận)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Giải thích từ ngữ:

a) Bờ Sông Dinh là đoạn chưa được xây dựng;

b) Kè Sông Dinh là đoạn bờ sông đã được xây dựng kết cấu bảo vệ an toàn.

2. Quy định này quy định hành lang bảo vệ kè, bờ sông Dinh đoạn từ đập Đá dựng đến cửa biển La Gi thuộc Sông Dinh, thị xã La Gi.

3. Quy định này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến kè, bờ Sông Dinh, thị xã La Gi.

Chương II

BẢO VỆ VÀ SỬ DỤNG KÈ

Điều 2. Phạm vi bảo vệ

1. Hành lang bảo vệ bờ: từ mép bờ trở ra về phía sông và phía đồng là 20 mét.

2. Hành lang bảo vệ kè: từ chân kè (vị trí xây đúc ngoài cùng của công trình) trở ra phía sông là 20 m và từ mép trong đỉnh kè (vị trí xây đúc trong cùng của đỉnh kè) về phía bờ là 15 m.

3. Trong phạm vi bảo vệ kè, bờ không được xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt quy định tại Luật Đê điều và được UBND tỉnh cấp phép.

Điều 3. Nghiêm cấm những hành vi sau đây

1. Khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản khác, đào ao, giếng và nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ kè.

2. Xây dựng nhà cửa, kho tàng, khách sạn, nhà nghỉ hoặc bất kỳ công trình, vật kiến trúc nào khác trong phạm vi bảo vệ hành lang công trình kè, trừ công trình chuyên dùng được phép xây dựng quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Đê điều.

3. Đổ rác, phóng uế bừa bãi dọc đỉnh và mái kè gây ô nhiễm cảnh quan môi trường xung quanh.

4. Nổ, đào phá, tháo dỡ mái kè hoặc đập phá các kết cấu xây dựng khác gây nguy hại đến an toàn kè.

5. Sử dụng các phương tiện giao thông đi qua kết cấu kè và các công trình phụ trợ của kè gây nguy hại đến an toàn kè, trừ các phương tiện giao thông phục vụ kiểm tra, tu sửa kè được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

6. Trong trường hợp đặc biệt, tổ chức, cá nhân cần tiến hành một trong các hoạt động sau đây phải được UBND tỉnh cho phép:

a) Cắt, xẻ kè để xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ kè;

b) Khoan thăm dò trong phạm vi bảo vệ kè;

c) Xây dựng công trình chuyên dùng phục vụ phòng, chống lụt, bão, giao thông, quốc phòng, an ninh và công trình đặc biệt khác;

d) Sử dụng kè làm nơi neo đậu tàu, thuyền, để vật liệu tạm thời;

e) Các hoạt động gây chấn động liên quan đến an toàn kè.

Điều 4. Khi kè có sự cố do thiên tai, đơn vị quản lý sử dụng, bảo vệ kè phải nhanh chóng báo cáo với Ủy ban nhân dân thị xã La Gi, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, để có các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình, kịp thời đối phó với những tình huống khẩn cấp về sự cố công trình.

Chương III

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BAN, NGÀNH

Điều 5. Phân công trách nhiệm về bảo vệ kè như sau

1. Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn: tổ chức công tác thanh tra chuyên ngành về kè theo Điều 44 của Luật Đê điều, giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ kè, bờ sông Dinh.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường: chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc khai thác cát, đá, sỏi và khoáng sản khác ở lòng sông, nạo vét luồng lạch ngoài phạm vi bảo vệ kè, bờ Sôn Dinh; đồng thời phối hợp với UBND thị xã La Gi kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản, nạo vét luồng lạch trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình kè, bờ Sông Dinh.

3. Sở Giao thông vận tải: chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và Ủy ban nhân dân thị xã La Gi trong việc xây dựng kế hoạch, chuẩn bị phương tiện, vật tư và phương án bảo đảm an toàn giao thông phục vụ công tác cứu hộ kè trong mùa lũ bão.

4. Sở Xây dựng : Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và Ủy ban nhân dân thị xã La Gi hướng dẫn lực lượng công an lập phương án và thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an ninh ở khu vực kè xung yếu trong mùa lũ, bão. Kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp luật về kè.

5. Công an tỉnh: phối hợp với các sở,ban ngành liên quan và Ủy ban nhân dân thị xã La Gi hướng dẫn lực lượng công an lập phương án và thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an ninh ở khu vực kè xung yếu trong mùa lũ, bão. Kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp luật về kè.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 6. Giao cho UBND thị xã La Gi chịu trách nhiệm

1. Quản lý xử dụng và bảo vệ kè sông Dinh đã được Nhà nước đầu tư xây dựng phù hợp với quy định của Luật Đê điều số 79/2006/QH11 ngày 29/11/2006 và các nội dung tại Quy định này.

2. Xây dựng chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy quản lý, bảo vệ kè, bờ Sông Dinh thông qua Sở Nội vụ trình UBND tỉnh xem xét quyết định.

3. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý, sử dụng và bảo vệ kè cho nhân dân trên địa bàn./.