Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 621/QĐ-TCLN-VP

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC KIỂM LÂM VÙNG I TRỰC THUỘC CỤC KIỂM LÂM

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP

Căn cứ Quyết định số 59/2014/QĐ-TTg ngày 22 tháng năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Lâm nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 5350/QĐ-BNN-TCCB ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm lâm;

Căn cứ Quyết định số 5664/QĐ-BNN-TCCB ngày 27/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành lập Chi cục Kiểm lâm vùng I trực thuộc Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp;

Theo đề nghị của Chánh văn phòng Tổng cục và Cục trưởng Cục Kiểm lâm;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Chi cục Kiểm lâm vùng I là tổ chức trực thuộc Cục Kiểm lâm, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Cục trưởng Cục Kiểm lâm quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản thuộc phạm vi quản lý của Cục theo phân cấp, ủy quyền của Cục trưởng Cục kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp.

2. Phạm vi hoạt động của Chi cục gồm 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và thành phố Hải Phòng;

3. Chi cục có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.

4. Trụ sở Chi cục Kiểm lâm vùng I đặt tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Tham mưu giúp Cục trưởng

a) Xây dựng chương trình, kế hoạch, dự án, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật về quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản thuộc phạm vi của Chi cục;

b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, chế độ, chính sách về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản;

c) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Chi cục.

d) Kiểm tra, xử lý kịp thời các thông tin tại vùng trọng điểm và các điểm nóng về phá rừng, khai thác, chế biến, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật;

đ) Hoạt động nghiệp vụ phòng, chống tiêu cực và chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của lực lượng Kiểm lâm theo phân công của Cục trưởng.

2. Thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi của Chi cục

a) Về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng:

- Triển khai thực hiện các dự án, phương án về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Thông tin, cảnh báo, dự báo, nguy cơ cháy rừng và theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các hoạt động về phòng cháy, chữa cháy rừng;

- Kiểm tra các hoạt động về bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng;

b) Về phát triển rừng:

- Tham gia kiểm tra việc thực hiện quy chế quản lý giống, kiểm nghiệm chất lượng, khảo cứu, thực nghiệm giống cây lâm nghiệp mới;

- Phối hợp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch phát triển rừng thuộc phạm vi quản lý của Chi cục;

- Phối hợp với cơ quan Bảo vệ thực vật trong vùng thực hiện công tác phòng, trừ sinh vật hại rừng.

c) Về quản lý rừng:

- Hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo về công tác giao rừng, cho thuê rừng và nương rẫy; tham gia theo dõi, cập nhật diễn biến tài nguyên rừng;

- Thống kê, thu thập, quản lý cơ sở dữ liệu về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

d) Xử lý hoặc tham gia xử lý vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật.

3. Phối hợp với Kiểm lâm địa phương thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản;

b) Tham gia kiểm tra, truy quét các trọng điểm, các điểm nóng về phá rừng, khai thác, chế biến, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật theo sự phân công của Cục trưởng hoặc theo đề nghị của Kiểm lâm địa phương;

c) Thường trực về lực lượng, phương tiện, thiết bị chuyên dùng sẵn sàng cơ động chữa cháy rừng thuộc phạm vi quản lý hoặc khi có lệnh điều động của Cục trưởng.

4. Thực hiện huấn luyện nghiệp vụ chuyên ngành

a) Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ chuyên ngành cho lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng cơ sở.

b) Phối hợp với các đơn vị có liên quan và Kiểm lâm địa phương tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cho các chủ rừng và lực lượng bảo vệ rừng cơ sở.

5. Ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ.

a) Thực hiện các đề tài, dự án; ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và quản lý cơ sở dữ liệu về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, quản lý lâm sản và giống cây lâm nghiệp trên địa bàn quản lý;

b) Tham gia các chương trình, dự án do quốc tế tài trợ và các hoạt động hợp tác quốc tế khác theo sự phân công của Cục trưởng.

6. Tổ chức dịch vụ công

a) Tư vấn đầu tư, dịch vụ trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản;

b) Sản xuất, cung ứng giống các loài động vật, thực vật rừng theo quy định;

c) Cung ứng các loại công cụ, trang thiết bị chuyên dùng về bảo vệ rừng.

7. Xây dựng, trình Cục trưởng đề án vị trí việc làm, cơ cấu, số lượng công chức, viên chức; quản lý công chức, viên chức và hồ sơ theo quy định; thực hiện chế độ tiền lương, khen thưởng, kỷ luật theo phân cấp của Cục trưởng và các quy định hiện hành của Nhà nước.

8. Quản lý tài chính, tài sản, phương tiện, trang thiết bị và các nguồn lực khác theo quy định của pháp luật; thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, phòng chống tham nhũng; cải cách hành chính theo quy định của Nhà nước.

9. Tổng hợp, báo cáo định kỳ và đột xuất về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Chi cục.

10. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Cục trưởng.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Lãnh đạo Chi cục

a) Lãnh đạo Chi cục có Chi cục trưởng và các Phó Chi cục trưởng do Cục trưởng bổ nhiệm và miễn nhiệm theo quy định.

b) Chi cục trưởng điều hành toàn bộ hoạt động của Chi cục Kiểm lâm, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Kiểm lâm và trước pháp luật về hoạt động của Chi cục Kiểm lâm.

c) Phó Chi cục trưởng giúp Chi cục trưởng theo dõi, chỉ đạo một số mặt công tác theo sự phân công của Chi cục trưởng và chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng, trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

2. Các phòng và đội nghiệp vụ

a) Phòng nghiệp vụ I;

b) Phòng nghiệp vụ II;

c) Phòng nghiệp vụ III;

d) Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Các phòng, đội quy định tại Khoản 2 Điều này có cấp trưởng (Trưởng phòng, Đội trưởng) và cấp phó (Phó trưởng phòng và Phó Đội trưởng), được bổ nhiệm, miễn nhiệm theo phân cấp của Cục Kiểm lâm và quy định của pháp luật.

3. Chi cục trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng, đội thuộc Chi cục; chỉ đạo xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy chế làm việc của Chi cục; chỉ đạo xây dựng, phê duyệt đề án vị trí việc làm của các phòng, đội thuộc Chi cục; bố trí công chức, viên chức, người lao động phù hợp với chức danh, tiêu chuẩn, bản mô tả công việc và nhiệm vụ được giao.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 537/QĐ-KL-VP ngày 27 tháng 4 năm 2010 của Cục trưởng Cục Kiểm lâm quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kiểm lâm vùng I.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Tổng cục, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng I và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Bộ NN&PTNT (b/c);
- Các PTCT Tổng cục Lâm nghiệp:
- UBND các tỉnh TP trực thuộc TƯ;
- Các Sở NN&PTNT
- Các Chi cục KL; các Vườn quốc gia;
- Lưu: VT, VP.

TỔNG CỤC TRƯỞNG




Hà Công Tuấn