BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 627/QĐ-BTM | Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 1999 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM VÀ VIỆC ĐÁNH GIÁ THAM TÁN THƯƠNG MẠI
BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
Căn cứ Nghị định 95/CP ngày 4/12/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thương mại;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về chế độ trách nhiệm và việc đánh giá Tham tán Thương mại.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng các Vụ Chính sách thị trường ngoài nước, Vụ trưởng các Vụ hữu quan và Tham tán thương mại tại các nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
VỀ CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM VÀ VIỆC ĐÁNH GIÁ THAM TÁN THƯƠNG MẠI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 0627/QĐ-BTM ngày 26 tháng 5 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Thương mại)
Nhằm nâng cao vai trò của Cơ quan thường vụ và trách nhiệm cá nhân của Tham tán thương mại trong việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, Bộ quy định chế độ trách nhiệm của Tham tán thương mại, tiêu chuẩn đánh giá, nhận xét Tham tán thương mại như dưới đây:
I.- Trách nhiệm của Tham tán thương mại
1. Tham tán thương mại là người đứng đầu thường vụ - một bộ phận trong Cơ quan Đại diện của Việt Nam - chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Thương mại về các nội dung công việc sau đây:
1.1.- Tổ chức thu thập và xử lý thông tin với yêu cầu cập nhật hàng tháng nhằm cung cấp kịp thời cho Bộ và các doanh nghiệp theo các nội dung:
a.- Chiến lược phát triển kinh tế, chính sách thương mại và đầu tư, các cam kết về mở cửa thị trường về thương mại, dịch vụ, đầu tư của nước sở tại trong các tổ chức thương mại quốc tế và khu vực.
b.- Nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của nước sở tại (bao gồm khối lượng, chất lượng, giá cả từng mặt hàng đặc biệt là các mặt hàng ta đang xuất khẩu và có khả năng phát triển để xuất khẩu, dung lượng thị trường và thị hiếu của khách hàng).
c.- Các đối thủ cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu của ta trên thị trường sở tại.
d.- Chính sách thuế và phi thuế đối với hàng nhập khẩu; chính sách thuế và phi thuế áp dụng đối với hàng có xuất xứ Việt Nam; những ưu đãi mà nước này dành cho các nước khác nhưng không dành cho Việt Nam.
e.- Các tập đoàn giữ vai trò chi phối mặt hàng ta xuất khẩu vào nước sở tại, thị phần của tập đoàn đó và cách tổ chức kênh lưu thông hàng hóa.
1.2.- Trên cơ sở các thông tin thu thập được và các nguồn tư liệu khác, phân tích tình hình thị trường, chính sách quản lý xuất nhập khẩu và các chính sách kinh tế - thương mại nói chung của nước sở tại, phân tích rõ các chính sách tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, tình hình hoạt động xuất nhập khẩu của nước sở tại, đề xuất các chính sách giải pháp, đối sách ta cần thực hiện để đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu, làm báo cáo gửi về Bộ theo định kỳ một quý một lần hoặc khi có tình huống đột xuất.
1.3.- Mở rộng thị trường và phát triển bạn hàng để tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường.
Nhiệm vụ của Tham tán là phải phát triển thị trường và bạn hàng bảo đảm tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Định hướng phấn đấu của mỗi tham tán và thương mại là:
a.- Đối với các nước mà Việt Nam nhập siêu lớn: Các Tham tán phải thực hiện mọi biện pháp tìm kiếm bạn hàng, phối hợp với các doanh nghiệp trong nước để tăng xuất khẩu nhằm giảm nhập siêu: Mức giảm ít nhất là 20%/năm.
b.- Đối với các nước khác: Phải tăng mức xuất khẩu tối thiểu 10%/năm.
Để thực hiện mục tiêu này các Tham tán phải:
- Thiết lập mạng lưới bạn hàng nhập khẩu của Việt Nam, lập hồ sơ thương nhân, hàng hóa kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và bạn hàng của họ. Thường xuyên tìm hiểu nhu cầu của thương nhân về nhập khẩu hàng để giới thiệu với Bộ và các doanh nghiệp trong nước.
- Kịp thời nắm chắc các nhu cầu nhập khẩu đột xuất của nước sở tại để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu của ta.
- Thường xuyên yêu cầu doanh nghiệp trong nước gửi hàng mẫu sang cho Thường vụ để giới thiệu sản phẩm và hàng hóa Việt Nam với các doanh nghiệp nước sở tại; Đề xuất các biện pháp xúc tiến thương mại với Bộ.
- Thông báo nhu cầu và giới thiệu thương nhân nhập khẩu hàng hóa về Bộ và các doanh nghiệp trong nước.
1.4.- Đại diện cho quyền lợi thương mại của Việt Nam ở nước sở tại.
2.- Để thực hiện trách nhiệm trên được đầy đủ, Tham tán thương mại phải:
2.1.- Lập đề án tăng trưởng xuất khẩu hàng năm, các biệp pháp cụ thể của Tham tán sẽ thực hiện, đề xuất với Vụ Thị trường và Thứ trưởng phụ trách các biệp pháp hỗ trợ.
2.2.- Tổ chức công việc của thương vụ Việt Nam trong Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, bảo đảm từng chuyên viên (nếu thương vụ có các chuyên viên) trong thương vụ chịu trách nhiệm cụ thể từng mặt hàng và khu vực thị trường, thương nhân.
2.3.- Xây dựng chương trình công tác hàng năm, sáu tháng và quý về Bộ. Tự mình và chỉ đạo các cán bộ trong thương vụ lập lịch công tác hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, xác định các tác nghiệp và sản phẩm cụ thể nhằm thực hiện chương trình công tác và phương án, đã lập đảm bảo mục tiêu và hiệu quả công việc.
2.4.- Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về Bộ định kỳ quý, 6 tháng, hàng năm), nêu rõ các việc đã làm được, việc đang làm và sẽ làm, kiến nghị các biệp pháp tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại và xin ý kiến chỉ đạo.
II.- Đánh giá kết quả hoạt động của Tham tán:
II.1. Các tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của Tham tán thương mại là:
1.1.- Mức độ tăng trưởng xuất khẩu hàng Việt Nam vào thị trường nước sở tại.
1.2.- Các mặt hàng xuất khẩu mới của Việt Nam vào thị trường và quy mô xuất khẩu các mặt hàng đó, trong đó có vai trò trực tiếp hoặc gián tiếp của thương vụ.
1.3.- Các báo cáo và các giải pháp mà Tham tán đề xuất, các thông tin kinh tế - thương mại do Tham tán cung cấp cho Bộ và các doanh nghiệp, tính cập nhập và chất lượng của các báo cáo và thông tin đó.
1.4.- ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần đoàn kết nội bộ, việc chấp hành các chính sách của Đảng và Nhà nước, pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại.
Ngoài ra các tiêu chuẩn để đánh giá là:
- Kết quả giới thiệu nhu cầu đầu tư và mục tiêu đầu tư của Việt Nam để tăng mức đầu tư của các nước sở tại vào Việt Nam.
- Kết quả tìm các dự án đào tạo cán bộ cho Bộ, nâng cao năng lực của cán bộ ngành thương mại.
Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ căn cứ vào kết quả thực hiện các tiêu chuẩn trên đây để đánh giá hoạt động của Tham tán hàng năm và là cơ sở để bố trí công tác cho Tham tán sau khi hết nhiệm kỳ về nước.
Trường hợp 2 năm liên tục mà kim ngạch xuất khẩu vào thị trường nước sở tại không tăng trưởng, Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ sẽ xem xét các nguyên nhân chủ quan và khách quan để quyết định việc tiếp tục duy trì hoặc không duy trì thương vụ, thay đổi Tham tán.
II.2.- Cách thức đánh giá:
2.1.- Tham tán thương mại và các cán bộ giúp việc thực hiện việc tự nhận xét đánh giá công tác hàng năm theo quy định trong Quyết định số 11/1998-QĐ-TCCP-CCVC ngày 5/12/1998 của ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ và dựa vào các tiêu chuẩn cụ thể ở mục I.1, I.2, và II.1 nêu trên để tự kiểm điểm đánh giá.
Bản tự nhận xét của Tham tán thương mại phải có đánh giá, nhận xét của Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại.
2.2.- Các Vụ Chính sách thị trường ngoài nước chịu trách nhiệm giúp Lãnh đạo Bộ đánh giá, xác định mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ: điểm mạnh, điểm yếu của Thường vụ nói chung, Tham tán thương mại nói riêng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của thương vụ và các tiêu chuẩn đánh giá Tham tán thương mại quy định tại các mục I.1, I.2 và II.1.
2.3- Vụ Tổ chức cán bộ chịu trách nhiệm đánh giá ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần thái độ công tác, ý thức chấp hành luật pháp, tinh thần hợp tác, khả năng tập hợp, đoàn kết và năng lực tổ chức công việc của Tham tán.
2.4.- Trên cơ sở các đánh giá này, Vụ Tổ chức cán bộ cùng Vụ Thị trường ngoài nước đề xuất hình thức khen thưởng, kỷ luật, trong đó có việc triệu hồi các Tham tán thương mại không hoàn thành nhiệm vụ.
1.- Tham tán thương mại chịu trách nhiệm thực hiện sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Thương mại về chuyên môn, nghiệp vụ, định hướng phát triển thị trường, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào nước sở tại, đồng thời chịu sự chỉ đạo về mặt chính trị đối ngoại và sự quản lý của người đứng đầu cơ quan đại diện nhà nước Việt Nam ở nước sở tại. Tham tán thương mại chịu trách nhiệm tổ chức và điều hành hoạt động của Thương vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Đại diện thương mại được ban hành kèm theo Quyết đinh số 347/TM-TCCB ngày 27/3/1995 của Bộ trưởng Bộ Thương mại.
2.- Lãnh đạo Bộ có trách nhiệm định hướng hoạt động, đặt ra yêu cầu công việc cụ thể (hàng năm và theo yêu cầu đột xuất) cho Tham tán, cung cấp thông tin kịp thời và giải quyết các kiến nghị của Tham tán trong khuôn khổ của cơ chế chính sách hiện hành.
Để thực hiện điều này Lãnh đạo Bộ giao cho các Vụ:
- Các Vụ Thị trường ngoài nước có trách nhiệm giúp Lãnh đạo Bộ tăng cường chỉ đạo đối với mọi hoạt động của Tham tán thương mại, thường xuyên đặt ra các yêu cầu chuyên môn cụ thể, các thông tin cần thiết, đôn đốc các Tham tán thực hiện chế độ công tác, chế độ báo cáo định kỳ đúng thời hạn và có chất lượng.
- Văn phòng Bộ có trách nhiệm thường xuyên cung cấp cho Tham tán thương mại các thông tin thời sự chính trị - kinh tế - xã hội trong nước, các chính sách luật pháp mới trong lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư theo yêu cầu một tháng 1 lần trong khoảng thời gian 10 ngày đầu tháng phải gửi đến Tham tán tình hình xuất nhập khẩu và các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách xuất nhập khẩu, đầu tư ban hành trong tháng trước (trừ những văn bản mật phải báo cáo Lãnh đạo Bộ, nếu Lãnh đạo Bộ đồng ý mới được gửi) để Tham tán biết, có cơ sở đề xuất các biện pháp phù hợp với nhu cầu đất nước và cung cấp cho các đối tác bên ngoài.
- Các Vụ Tổ chức cán bộ, Tài chính kế toán theo chức năng của mình có trách nhiệm làm việc và *** chuẩn bị để Lãnh đạo Bộ làm việc với Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Ban Tổ chức cán bộ của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, Ngành hữu quan xác lập cơ chế, tạo điều kiện và phương tiện vật chất, tài chính thuận lợi cho hoạt động của Thương vụ (các Vụ Thị trường có trách nhiệm phản ánh kịp thời các kiến nghị của Tham tán với Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tài chính kế toán và các Thứ trưởng phụ trách).
3.- Nhằm bảo đảm mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu và mở rộng thị trường hàng hóa Việt Nam theo yêu cầu của Bộ Thương mại và để thực hiện quy định này Tham tán thương mại phải:
- Báo cáo với Đại sứ nội dung chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Thương mại hoặc các Vụ trưởng được Lãnh đạo Bộ uỷ quyền và kế hoạch công tác của Tham tán thực hiện yêu cầu đó.
- Xin ý kiến chỉ đạo của Đại sứ nhằm hoàn thiện kế hoạch công tác của Tham tán thực hiện yêu cầu đó.
- Báo cáo Đại sứ về các nguồn lực cần thiết tranh thủ sự hỗ trợ của Đại sứ và cơ quan đại diện.
- Báo cáo kết quả công việc với Đại sứ./.
- 1 Công văn số 2376/VPCP-QHQT về triển khai kết quả Hội nghị Tham tán thương mại 2008 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 11/1998/QĐ-TCCP-CCVC về Quy chế đánh giá công chức hàng năm do Trưởng ban Ban Tổ chức,cán bộ Chính phủ ban hành
- 3 Nghị định 95-CP năm 1993 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thương mại
- 1 Quyết định 0251/2003/QĐ-BTM ban hành Quy chế làm việc của Thương vụ do Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành
- 2 Công văn số 6893/VPCP-QHQT về việc tổ chức Hội nghị Tham tán thương mại 2008 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Công văn số 2376/VPCP-QHQT về triển khai kết quả Hội nghị Tham tán thương mại 2008 do Văn phòng Chính phủ ban hành