ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 627/QĐ-UBND .HC | Đồng Tháp, ngày 02 tháng 08 năm 2012 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 01 năm 2008;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2008; Căn cứ Quyết định số 13/2008/QĐ-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2008 của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt diều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển Giao thông vận tải đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1327/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1581/QĐ-TTg ngày 09 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 638/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1746/QĐ-BGTVT ngày 03 tháng 8 năm 2011 của Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đồng bằng sông Cửu Long (Nhóm 6) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 11/2012/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 76/2012/NQ-HĐND ngày 10 tháng 07 năm 2012 của Hội đồng nhân dân Tỉnh thông qua Quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 18/TTr- SGTVT ngày 12 tháng 01 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Quan điểm phát triển:
a) Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải quốc gia; phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, đồng thời đảm bảo an ninh quốc phòng. Xây dựng hệ thống giao thông liên hoàn, kết nối hợp lý với hệ thống giao thông quốc gia và các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long.
b) Tổ chức phân công luồng tuyến hợp lý, nâng cao chất lượng vận tải đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và nhu cầu đi lại của nhân dân. Đảm bảo lưu thông thông suốt, giảm thiểu tai nạn giao thông và kết nối giữa các tuyến liên tỉnh, tuyến nội tỉnh; phục vụ tốt nhu cầu dân sinh, đảm bảo môi sinh và môi trường bền vững.
2. Mục tiêu phát triển.
a) Mục tiêu tổng quát:
Từng bước tạo ra một hệ thống giao thông vận tải đồng bộ và liên hoàn, có khả năng phát triển bền vững. Đảm bảo lưu thông nhanh chóng, thuận tiện, an toàn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng gia tăng và đa dạng hóa phục vụ chiến lược phát triển về kinh tế - xã hội của Tỉnh, đảm bảo an ninh và quốc phòng.
b) Mục tiêu cụ thể:
Mục tiêu phát triển đến năm 2020:
- Về cơ sở hạ tầng giao thông:
+ Gắn kết mạng lưới giao thông của Tỉnh với mạng lưới giao thông quốc gia, đảm bảo tính liên thông và chuyển tiếp liên tục giữa hệ thống giao thông đối nội (trong Tỉnh) với hệ thống giao thông đối ngoại, tạo điều kiện để tỉnh Đồng Tháp tiếp cận nhanh và trực tiếp với thị trường trong vùng và quốc tế;
+ Xây dựng hoàn chỉnh các trục giao thông đối ngoại của tỉnh, trong đó sớm thi công cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống nhằm kết nối tỉnh Đồng Tháp với các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long;
+ Xây dựng tuyến vòng tránh các khu đô thị trên địa bàn Tỉnh, góp phần chỉnh trang đô thị, đảm bảo an toàn giao thông và môi trường đô thị.
+ Phát triển các trục giao thông đường tỉnh theo các hướng Bắc Nam, Đông Tây; tăng cường sự liên kết giữa các khu vực trong Tỉnh, là cơ sở để phát triển các tuyến đường huyện.
+ Cải tạo, nâng cấp các đầu mối giao thông đảm bảo nhu cầu giao lưu thông suốt. Cần xem xét hoạch định dự trữ quỹ đất để cải tạo các đầu mối trong tương lai.
- Về vận tải:
+ Phát triển các tuyến vận tải hành khách trên cơ sở tổ chức vận tải hợp lý, đáp ứng nhu cầu vận tải, đi lại của người dân với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý, đảm bảo an toàn, tiện lợi; kiềm chế tiến tới giảm tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường; phát huy lợi thế về vận tải đường thủy, tăng khả năng kết nối trực tiếp từ tỉnh Đồng Tháp đến các tỉnh khác có nhu cầu;
+ Về vận tải hành khách nội tỉnh, mở rộng mạng lưới tuyến, chú trọng phục vụ nhu cầu của người dân ở các vùng xa đi về trung tâm. Từng bước đổi mới phương tiện để nâng cao khả năng vận chuyển, đảm bảo tính an toàn và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường;
+ Các chỉ tiêu cụ thể như sau: vận tải hành khách đạt khoảng 33 triệu lượt hành khách/năm; lượng hàng hóa vận chuyển đạt khoảng 79 triệu tấn/năm.
Định hướng phát triển đến năm 2030:
- Thỏa mãn được nhu cầu vận tải và dịch vụ vận tải của xã hội với chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá thành hợp lý và cạnh tranh, nhanh chóng, an toàn; kết nối thuận lợi giữa các phương thức vận tải, giữa các tỉnh, thành phố trong vùng với cả nước và quốc tế.
- Cơ bản hoàn thiện và hiện đại hóa mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Tiếp tục phát triển các công trình kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch.
3. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng.
a) Hạ tầng giao thông đường bộ:
- Quốc lộ và cao tốc: tiếp tục hoàn thành các Dự án nâng cấp Quốc lộ 30, đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự; nâng cấp Quốc lộ 54 đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng; đường Hồ Chí Minh kể cả cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và tuyến nối 2 cầu; khởi động lại Dự án tuyến N1, trong đó có cầu Hồng Ngự và cầu Tân Châu (giai đoạn 1 dùng phà); xây dựng mới tuyến An Hữu - Cao Lãnh kết nối với đường cao tốc Cần Thơ - thành phố Hồ Chí Minh; đầu tư Quốc lộ 30B đoạn đi
qua địa bàn Tỉnh dài 70,6 km, điểm đầu giao đường Huyện lộ 30 tại xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, đi theo hướng tuyến ĐT845 qua ĐT844, đường huyện Kênh Ba Tháp đến ranh tỉnh Tiền Giang (xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười) và nối vào Quốc lộ 1A tại Tiền Giang, trước năm 2020 đạt tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng, sau năm 2020 đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng.
- Đường tỉnh:
+ Tiếp tục hoàn thành Dự án các công trình trọng điểm giai đoạn 2011-2015, gồm: ĐT846, ĐT848, ĐT852B;
+ Các tuyến đường tỉnh nâng cấp đến 2015: tuyến ĐT842 đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, ĐT844 đạt tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng. Giai đoạn 2016-2020 nâng cấp ĐT841 và ĐT854 đạt tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng;
+ Các tuyến đường tỉnh (kéo dài) đến 2015: ĐT855 (đoạn thành phố Cao Lãnh - thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông) đạt cấp III đồng bằng; ĐT843 kéo dài một đoạn 0,5 km từ Quốc lộ 30 đến đường Nguyễn Huệ (thị trấn Thanh Bình) đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng; ĐT845 kéo dài 43,9 km từ ĐT844 về phía bắc đến giao đường Huyện lộ 30 cũ, đồng thời nâng cấp đường Huyện lộ Mỹ An - Phú Điền - Thanh Mỹ (đoạn từ thị trấn Mỹ An đến kênh Nguyễn Văn Tiếp) B nối với đường tỉnh ĐT861 và ĐT863 của tỉnh Tiền Giang, lên thành ĐT845 đạt cấp III đồng bằng; ĐT847 kéo dài tuyến từ điểm giao với ĐT846 về phía bắc dọc theo kênh Đường Thét - Cần Lố đến ĐT844 tại UBND xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, đồng thời từ điểm cuối tuyến tại điểm giao với Quốc lộ 30 kéo dài 1,8 km đến đường ven sông Tiền đạt cấp IV đồng bằng; ĐT850 kéo dài nối liền 2 đoạn tuyến hiện tại tạo sự liên thông trên toàn tuyến đạt cấp IV đồng bằng; ĐT852 chuyển đoạn từ ĐT848 cũ đến ĐT848 mới (rạch ông Hổ) thành đường đô thị, đồng thời kéo dài 22,0 km từ giao ĐT851 đến ĐT854 (xã Hòa Tân) đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng;
+ Các tuyến đường (nâng cấp kéo dài) đến năm 2015 và sau năm 2015: ĐT846 từ cống Tư Tình kéo dài một đoạn 10,0 km sang phía Tây, nối vào Quốc lộ 30 tại huyện Cao Lãnh đạt cấp IV đồng bằng, xây dựng trước năm 2015, sau 2015 nâng cấp thành quốc lộ; ĐT848 chuyển đoạn từ Quốc lộ 80 (Thị xã Sa Đéc) đến Đền Đình, xã Tân Khánh Đông thành đường đô thị, đồng thời mở mới 7,6 km đoạn từ Đền Đình đến đoạn tránh Quốc lộ 80 thị xã Sa Đéc. Mở mới đoạn từ Ủy ban nhân dân xã Tân Mỹ đến rạch ngã Ba Tháp chạy song song với tuyến cách mép bờ sông từ 600-800m, quy hoạch tuyến đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, sau năm 2015 nâng cấp thành Quốc lộ.
+ Sau năm 2015 xây dựng kéo dài các tuyến: ĐT849 kéo dài 8,6 km từ Quốc lộ 80 đến Quốc lộ 54 đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng; ĐT851 kéo dài 11,4 km từ điểm đầu tuyến tại Quốc lộ 80 đến giao ĐT848 tại xã Tân Khánh Đông đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng.
+ Mở mới 5 tuyến đường tỉnh với quy mô đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng gồm: ĐT843B, ĐT848B, ĐT856, ĐT857, đầu tư sau năm 2015. Riêng tuyến ĐT852B đầu tư trước năm 2015.
- Hệ thống đường giao thông nông thôn: chú trọng phát triển các tuyến huyện lộ kết nối với tỉnh lộ, quốc lộ đồng thời kết hợp với việc thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn, trong đó ưu tiên đầu tư các xã đạt tiêu chí nông thôn mới.
- Bến xe khách, hệ thống bến, bãi đỗ xe tải, bãi đỗ xe công cộng: quy hoạch và phát triển hệ thống bến xe khách ở các địa phương đạt tiêu chuẩn theo quy định; quy hoạch và xây dựng các bến xe tải ở các địa phương đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa; quy hoạch và xây dựng các bãi đỗ xe công cộng nhằm đảm bảo an toàn giao thông và tăng khả năng thông qua của đường.
b) Hạ tầng giao thông đường thủy:
- Đường thủy nội địa: thực hiện theo phân cấp quản lý và sẽ quy hoạch lại phù hợp với tình hình từng địa phương.
- Hệ thống cảng: nâng cấp các cảng hiện có và xây dựng mới cảng ở Sông Tiền và Sông Hậu đạt chuẩn cho tàu 10.000 DWT trở lên thông qua.
- Bến thủy nội địa:
+ Quy hoạch hệ thống bến thủy nội địa cấp huyện, thị và các khu cụm công nghiệp như: bến Hồng Ngự, Tam Nông, Mỹ An, Trường Xuân, Lấp Vò, Mỹ Thọ, Tân Hồng, Thanh Bình, Lai Vung, Sa Đéc, Cao Lãnh, có khả năng tiếp nhận tàu - ghe trọng tải nhỏ, các tàu tự hành có tải trọng đến 200 DWT; đoàn sà lan có tải trọng đến 750 DWT;
+ Duy trì hoạt động và ưu tiên đầu tư nâng cấp trước các bến đò có lưu lượng lớn và có ý nghĩa quan trọng về mặt giao thông, cải tạo chỉnh trang tất cả bến đò đúng kỹ thuật an toàn, có đủ trang bị cứu hộ, cứu nạn trên sông. Đầu tư bến phà qua cù lao Tây, huyện Thanh Bình, bến phà Ô Môn - Phong Hòa, huyện Lai Vung.
4. Quy hoạch phát triển vận tải.
- Hàng hóa:
+ Luồng hàng trên địa bàn Tỉnh trong tương lai lưu thông chủ yếu trên các trục chính như: đối với đường bộ (Quốc lộ 30, 80, N1, đường Hồ Chí Minh, ĐT843, ĐT844, ĐT845), đối với đường thủy (sông Hậu, sông Tiền, kênh Đồng Tiến, Nguyễn Văn Tiếp A, Hồng Ngự - Vĩnh Hưng, kênh Sa Đéc - Lấp Vò, kênh Phước Xuyên, 4 Bis);
+ Các luồng hàng lưu thông nội vùng sẽ được phân bố hỗ trợ từ mạng lưới các tuyến đường (bộ và thủy) do tỉnh và huyện quản lý để nối mạng với các hành lang chính trên.
- Hành khách:
+ Các tuyến liên tỉnh: vận tải hành khách liên tỉnh đã có 74 tuyến nối Đồng Tháp với 15 tỉnh, thành phố. Các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh hầu hết do hành lang Quốc lộ 30, Quốc lộ 80, ĐT844 đảm nhận. Ngoài ra trong tương lai, các hướng giao lưu với các tỉnh liền kề như: Kiên Giang, An Giang, Long An, Cần Thơ,… theo các tuyến đường tỉnh sẽ được hình thành khi có nhu cầu đi lại. Từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ trên các tuyến vận tải hành khách đã có nhằm đảm bảo khả năng giao lưu trực tiếp thuận lợi giữa Đồng Tháp với các tỉnh thành trong cả nước;
+ Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, quy hoạch mở một số tuyến chính như: Cửa khẩu Thường Phước - cửa khẩu Dinh Bà; thị trấn Thanh Bình - thị trấn Sa Rài; Trường Xuân - An Long; Bắc Cao Lãnh - Quốc lộ 54; Bắc Vàm Cống - Bắc Bình Minh; Sa Đéc - Phong Hòa; Tân Thành - Sa Đéc;
+ Vận tải hành khách công cộng bằng taxi , định hướng khai thác như sau: có tiêu chuẩn dịch vụ dựa trên các khía cạnh an toàn , sự thoải mái va phù hợp với khả năng thanh toán của người dân; quy định chỗ đỗ xe taxi và hệ thống kiểm soát qua radio, cùng với các vấn đề khác có liên quan.
5. Quy hoạch phát triển công nghiệp giao thông vận tải:
- Cơ khí: trước mắt tập trung củng cố các cơ sở hiện có, đầu tư thay thế những thiết bị cũ bằng thiết bị tiên tiến, hiện đại,… tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động công nghiệp tại địa phương. Khuyến khích đầu tư, trang thiết bị và hoàn thiện công nghệ cho xí nghiệp cơ khí công nông tại các huyện, thị, có khả năng đóng mới và sửa chữa các loại phương tiện giao thông vận tải. Nâng cấp và xây dựng xưởng sửa chữa nhỏ tại mỗi huyện và phục vụ sửa chữa gia công cơ khí nhỏ.
- Kiểm định phương tiện: đảm bảo đủ năng lực hoạt động phục vụ nhu cầu kiểm định phương tiện vận tải đường bộ và đường thủy trên địa bàn Tỉnh.
- Công nghiệp vật liệu xây dựng: phát triển các chủng loại vật liệu xây dựng, trong đó loại vật liệu thô như đá, cát,... phục vụ xây dựng giao thông. Chú trọng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Hướng phát triển là giảm nhịp độ khai thác các loại tài nguyên, sản xuất các loại vật liệu xây dựng mới, chất lượng cao…
- Cơ sở dạy nghề: hình thành các trung tâm phục vụ cho đào tạo nguồn nhân lực điều khiển phương tiện vận tải bộ, thủy, bảo dưỡng sửa chữa các loại phương tiện cơ giới và đào tạo công nhân kỹ thuật cho xây dựng công trình giao thông.
6. Dự kiến nhu cầu sử dụng đất và nguồn vốn thực hiện:
a) Nhu cầu sử dụng đất: dự kiến quỹ đất cho phát triển mạng lưới giao thông vận tải theo quy hoạch giai đoạn từ nay đến 2020 cần thêm khoảng 4.000 ha đất.
b) Nguồn vốn thực hiện:
- Đầu tư đường bộ: Tổng kinh phí đầu tư là 21.540,1 tỷ đồng phân kỳ theo 2 giai đoạn như sau:
Đơn vị tính: tỷ đồng
STT | Hạng mục | Giai đoạn đến 2015 | Giai đoạn 2016-2020 | Tổng | |||||
Nâng cấp | Mở mới | Kinh phí | Nâng cấp | Mở mới | Kinh phí | ||||
1 | Đường tỉnh | Hệ thống đường | 329,3 | 145,4 | 2.973,7 | 87,4 | 93,9 | 852,6 | 3.826,2 |
Hệ thống cầu |
| 2.777,3 | 473,6 |
| 1.348,9 | 233,2 | 706,8 | ||
Duy tu, sửa chữa |
|
| 208,3 |
|
| 59,7 | 267,9 | ||
2 | Đường huyện | Hệ thống đường | 521,4 | 128,6 | 1.991,9 | 292,3 | 224,5 | 1.855,7 | 3.847,5 |
Hệ thống cầu |
| 4.649,5 | 487,8 |
| 2.800,0 | 283,1 | 770,9 | ||
Duy tu, sửa chữa |
|
| 139,4 |
|
| 129,9 | 269,3 | ||
3 | Đường GTNT |
|
| 1.500,0 |
|
| 2.500,0 | 4.000,0 | |
4 | Đường gom và đấu nối |
|
| 231,5 |
|
| 238,1 | 469,6 | |
5 | Hệ thống Bến, bãi (số bến) |
| 9,0 | 30,0 |
| 10 | 40,0 | 70,0 | |
6 | Hệ thống đường thủy | Tỉnh quản lý |
|
| 117,9 |
|
| 80,7 | 198,6 |
Huyện quản lý |
|
| 227,5 |
|
| 372,9 | 600,4 | ||
7 | Hệ thống cảng |
| 4,0 | 70,0 |
| 5,0 | 80,0 | 150,0 | |
8 | Đền bù giải phóng mặt bằng | 3.865.143,0 | 2.319,1 | 6.739.825,1 | 4.043,9 | 6.363,0 | |||
Tổng |
| 10.770,4 |
| 10.769,7 | 21.540,1 |
- Đường thủy: phân cấp đường thủy nội địa thuộc tỉnh, huyện quản lý, kết hợp với nông nghiệp nạo vét thông thoáng luồng lạch và sử dụng vốn sự nghiệp phục vụ cho công tác quản lý. Các bến cảng, bến thủy nội địa, quy hoạch theo tiêu chuẩn quy định kêu gọi đầu tư. Riêng các bến phà qua các xã cù lao huy động từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hoặc kêu gọi đầu tư theo phương thức BOT.
- Luồng tuyến và bến bãi: sử dụng các nguồn thu từ khai thác các tuyến vận tải hàng hóa, hành khách để đầu tư các bến bãi, hạ tầng phục vụ cho các tuyến cố định và các tuyến xe buýt.
7. Một số chính sách chủ yếu và giải pháp thực hiện quy hoạch.
a) Kiến nghị Trung ương tiếp tục đầu tư hệ thống giao thông trên địa bàn; xem xét nâng cấp ĐT846 lên Quốc lộ; nâng cấp ĐT848 lên thành Quốc lộ 80B; triển khai Quốc lộ 30B; bổ sung 02 cảng biển trên sông Hậu và Hồng Ngự vào quy hoạch hệ thống cảng phía nam giai đoạn đến năm 2020; đưa trục kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền vào hệ thống đường thủy quốc gia, cải tạo nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp III đường thủy nội địa.
Tổ chức quản lý và thực hiện tốt Quy hoạch giao thông vận tải của Tỉnh giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến 2030. Đối với hệ thống đường tỉnh, đường huyện, giao thông nông thôn, xác định các tuyến trục kết nối với các quốc lộ, trong đó ưu tiên các tuyến đi qua các khu kinh tế gắn với các trục giao thông quốc gia. Đối với các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ, ưu tiên triển khai hệ thống giao thông ở những nơi kết nối với trục giao thông chính ngắn nhất.
b) Về vốn đầu tư và phân kỳ đầu tư:
Đổi mới công tác chuẩn bị đầu tư và phân kỳ đầu tư trong phát triển hệ thống đường tỉnh, đáp ứng nhịp độ phát triển công nghiệp, dịch vụ của từng khu vực trong Tỉnh. Trong đó, xem xét, ưu tiên tập trung cho các tuyến đường có ý nghĩa chiến lược để thu hút các dự án đầu tư lớn, thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ phát triển.
Đối với việc đầu tư hệ thống bến, bãi đỗ xe tải, xe khách, xe công cộng, trước mắt tập trung đầu tư nâng cấp các bến đò có lưu lượng lớn, từng bước cải tạo, chỉnh trang các bến đò đúng kỹ thuật an toàn, có đủ trang bị cứu hộ, cứu nạn trên sông.
c) Thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bảo đảm đời sống người dân trong vùng dự án.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương trong công tác giải toả, đền bù và giải phóng mặt bằng. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cơ sở trong công tác giám sát cơ quan chức năng, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân trong vùng dự án tích cực hợp tác trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật.
Quan tâm giải quyết hài hòa quyền lợi của người dân bị thu hồi đất để xây dựng các dự án hạ tầng giao thông và những người được hưởng lợi từ dự án bằng những chính sách phù hợp để đời sống bộ phận này sớm ổn định và phát triển.
d) Chú trọng thu hút vốn đầu tư xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển hạ tầng giao thông.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng giao thông với hình thức BT, BOT đối với một số công trình giao thông, vận tải hiệu quả cao.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch và công bằng trong công tác đấu thầu đối với những dự án từ ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư lớn tham gia vào lĩnh vực giao thông để ứng dụng, tiếp thu công nghệ mới, hiện đại, xây dựng các công trình giao thông thu hút lao động tay nghề cao, giải quyết việc làm và đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trên địa bàn Tỉnh.
e) Tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, điều hành, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực giao thông.
Quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực giao thông vận tải có đủ bản lĩnh chính trị, năng lực
công tác, bảo đảm hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, hạn chế tình trạng tiêu cực, lãng phí trong đầu tư. Thường xuyên tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị thi công, bảo đảm hoàn thành công trình đúng tiến độ, đạt chất lượng cao.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát đánh giá tiến độ thực hiện, kịp thời điều chỉnh những công trình, dự án chưa thật sự cần thiết, hiệu quả thấp và kiên quyết xử lý những dự án chậm tiến độ.
8. Tổ chức thực hiện:
a) Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan giúp Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quyết định này, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu như sau:
- Công bố “Quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” và tổ chức theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch theo quy định.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính lập danh mục đầu tư theo từng giai đoạn thực hiện Quy hoạch.
- Rà soát các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Tỉnh liên quan đến đầu tư phát triển giao thông vận tải, trình Ủy ban nhân dân Tỉnh sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy hoạch.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với Sở Giao thông vận tải cân đối, bố trí vốn để thực hiện có hiệu quả theo Quy hoạch.
c) Các Sở, ngành tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung có liên quan đến ngành mình theo quy định của pháp luật.
d) Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đảm bảo đồng bộ với thực hiện Quy hoạch này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Nghị quyết 32/2014/NQ-HĐND về Quy hoạch giao thông vận tải đường bộ thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành
- 2 Quyết định 6770/QĐ.UBND-GT năm 2014 điều chỉnh Quy hoạch giao thông vận tải huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đến năm 2020
- 3 Nghị quyết 15/2012/NQ-HĐND về quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 4 Nghị quyết 76/2012/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 5 Quyết định 11/2012/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Quyết định 1746/QĐ-BGTVT năm 2011 phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đồng bằng sông Cửu Long (Nhóm 6) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 7 Quyết định 638/QĐ-TTg năm 2011 về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Quyết định 470/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9 Quyết định 2190/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10 Quyết định 1581/QĐ-TTg năm 2009 về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11 Quyết định 1327/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12 Luật giao thông đường bộ 2008
- 13 Quyết định 13/2008/QĐ-BGTVT phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thuỷ nội địa Việt Nam đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 14 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004
- 15 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Nghị quyết 32/2014/NQ-HĐND về Quy hoạch giao thông vận tải đường bộ thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành
- 2 Quyết định 6770/QĐ.UBND-GT năm 2014 điều chỉnh Quy hoạch giao thông vận tải huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đến năm 2020
- 3 Nghị quyết 15/2012/NQ-HĐND về quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050