Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 627/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 04 tháng 04 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH BỐ TRÍ VÀ TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC CHUYÊN TRÁCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 1059/QĐ-UBND ngày 05/6/2012 Ban hành chương trình tổng thể Cải cách hành chính Nhà nước tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011 - 2015;

Căn cứ Quyết định số 1333/QĐ-BNV ngày 14/12/2012 của Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực đội ngũ công chức chuyên trách cải cách hành chính giai đoạn 2013 - 2015”;

Căn cứ Công văn số 757/BNV-CCHC ngày 04/3/2013 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1333/QĐ-BNV ngày 14/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 89/TTr-SNV ngày 27 tháng 03 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch bố trí và tăng cường năng lực đội ngũ công chức chuyên trách cải cách hành chính tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013 - 2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nội vụ;
- TTr. Tỉnh ủy;
- TTr. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- Các Sở, Ban, Ngành thuộc tỉnh;
- Các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh;
- Các tổ chức Hội đặc thù;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, SNV, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đàm Văn Bông

 

KẾ HOẠCH

BỐ TRÍ VÀ TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC CHUYÊN TRÁCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2013 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 627/QĐ-UBND ngày 04 tháng 4 năm 2013 của UBND tỉnh Hà Giang)

A. CĂN CỨ PHÁP LÝ, THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020;

- Quyết định số 1333/QĐ-BNV ngày 14/12/2012 của Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực đội ngũ công chức chuyên trách cải cách hành chính giai đoạn 2013 - 2015”;

- Công văn số 757/BNV-CCHC ngày 04/3/2013 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1333/QĐ-BNV ngày 14/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;

- Quyết định số 1059/QĐ-UBND ngày 05/6/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ban hành chương trình tổng thể Cải cách hành chính Nhà nước tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011 - 2015.

II. THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI BỐ TRÍ ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC CHUYÊN TRÁCH TRONG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

1. Thực trạng về số lượng và chất lượng đội ngũ công chức cải cách hành chính

Theo số liệu thống kê, đến thời điểm 01/3/2013 tại cơ quan hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 323 cán bộ thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, bao gồm 111 cán bộ chuyên trách (34%), 212 cán bộ kiêm nhiệm (66%), trong đó:

Về trình độ chuyên môn: Trên Đại học 05 người chiếm 2%; Đại học 160 người chiếm 49 %; Cao đẳng 33 người chiếm 10 %; Trung cấp 125 người chiếm 39%;

Về trình độ lý luận chính trị: Cao cấp 20 người chiếm 6 %. Trung cấp 67 người chiếm 21 %, sơ cấp và chưa qua đào tạo 236 người chiếm 73%.

Về trình độ quản lý nhà nước: chuyên viên chính 28 người chiếm 9 %, chuyên viên 51 người chiếm 16 %, cán sự 8 người chiếm 2%, chưa qua đào tạo, bồi dưỡng 237 người chiếm 73%.

Về trình độ ngoại ngữ, tin học: 239 người (74%) có trình độ tin học văn phòng ở trình độ A trở lên, 153 người (47%) có trình độ Anh A trở lên, còn lại chưa qua đào tạo, bồi dưỡng.

Cụ thể:

- Đối với các cơ quan hành chính cấp tỉnh (23 cơ quan): đã bố trí 68 cán bộ thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, trong đó gồm 5 cán bộ chuyên trách, 63 cán bộ kiêm nhiệm, cán bộ thực hiện nhiệm vụ cải cách được bố trí tại văn phòng (hoặc phòng Tổ chức cán bộ) là 58 người chiếm 85%, bố trí tại các phòng chuyên môn khác thuộc đơn vị là 10 người chiếm 15 %. Trong đó chia ra:

+ Về trình độ chuyên môn: trên đại học 03 người chiếm 4%; đại học 63 người chiếm 93 %; Trung cấp 2 người chiếm 3 %;

+ Về trình độ lý luận chính trị: cao cấp 15 người chiếm 22 %. Trung cấp 17 người chiếm 25 %, sơ cấp 3 chiếm 4 % và chưa qua đào tạo là 33 người chiếm 49 %.

+ Về trình độ quản lý nhà nước: chuyên viên chính 25 người chiếm 37 %, chuyên viên 32 người chiếm 47 % cán sự 2 người chiếm 3 %; Chưa qua đào tạo 9 người chiếm 13 %.

+ Về trình độ ngoại ngữ, tin học: 63 người có trình độ Tin học A trở lên, chưa qua đào tạo 05 người; Ngoại ngữ Anh văn: 56 người có trình độ A trở lên, chưa qua đào tạo 12 người.

(Chi tiết có Phụ lục 01 kèm theo)

- Đối với UBND cấp huyện (11 huyện, thành phố): đã bố trí 54 cán bộ thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, trong đó gồm 3 cán bộ chuyên trách, 51 cán bộ kiêm nhiệm, cán bộ phụ trách công tác cải cách hành chính được bố trí tại phòng Nội vụ là 11 người chiếm 20 %, tại Văn phòng UBND huyện, thành phố và các phòng chuyên môn khác là 43 người chiếm 80 %. Trong đó chia ra:

+ Về trình độ chuyên môn: Sau đại học 1 người chiếm 2 %; Đại học 39 người chiếm 72 %; Cao đẳng 2 người chiếm 4 %; trung cấp 12 người chiếm 22 %.

+ Về trình độ lý luận chính trị cao cấp 4 người chiếm 7 %. Trung cấp 9 người chiếm 17 %, sơ cấp 4 người chiếm 7 % và chưa qua đào tạo là 37 người chiếm 69 %.

+ Về trình độ quản lý nhà nước: chuyên viên chính 2 người chiếm 3 %, chuyên viên 9 người chiếm 17%; Chưa qua đào tạo 43 người chiếm 80 %.

+ Về trình độ ngoại ngữ, tin học: Trình độ tin học văn phòng 45 người có trình độ A trở lên, chưa qua đào tạo 9 người; ngoại ngữ Anh văn 44 người có trình độ A trở lên, chưa qua đào tạo 10 người.

(Chi tiết có Phụ lục 02 kèm theo)

- Đối với UBND cấp xã: Đã bố trí 193 cán bộ thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, cán bộ phụ trách công tác cải cách hành chính tại UBND các xã chủ yếu là công chức phụ trách mảng văn thư lưu trữ và văn phòng thống kê trong đó chia ra:

+ Về trình độ chuyên môn: Sau đại học 1 người chiếm 2 %; Đại học 53 người chiếm 27 %; Cao đẳng 28 người chiếm 14 %; Trung cấp 111 người chiếm 57 %;

+ Về trình độ lý luận chính trị: Trung cấp 38 người chiếm 20 %, sơ cấp 29 người chiếm 15% và chưa qua đào tạo là 126 người chiếm 65%;

+ Về trình độ quản lý nhà nước: chuyên viên 5 người chiếm 3 %, cán sự 5 người chiếm 3 %; Chưa qua đào tạo 183 người chiếm 94 %;

+ Về trình độ ngoại ngữ, tin học: Trình độ tin học văn phòng 120 người có trình độ A trở lên, chưa qua đào tạo 73 người và Trình độ ngoại ngữ anh văn 46 người có trình độ A trở lên, chưa qua đào tạo 147 người.

(Chi tiết có Phụ lục 03 kèm theo)

Bên cạnh đó các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh cũng bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính với 02 cán bộ chuyên trách (chiếm 25 %), 06 cán bộ kiêm nhiệm (chiếm 75 %), đa số được bố trí tại phòng tổ chức hành chính ở các đơn vị (Chi tiết có Phụ lục 04 kèm theo).

* Đánh giá chung:

a) Ưu điểm: Đa số cán bộ được phân công thực hiện công tác tham mưu, theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện Cải cách hành chính ở các đơn vị là các cán bộ có năng lực và tinh thần trách nhiệm cao. Một số cán bộ được phân công phụ trách công tác Cải cách hành chính ở các đơn vị là các đồng chí trưởng thành từ thực tiễn phong trào ở cơ sở, đã qua công tác Đảng, đoàn thể, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, nhiệt tình đối với công việc. Các cán bộ công chức được phân công nhiệm vụ đã đóng vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho lãnh đạo đơn vị thực hiện các chương trình, nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính.

b) Tồn tại, hạn chế:

- Đa số cán bộ cải cách hành chính của tỉnh được bố trí hoạt động kiêm nhiệm (chiếm 66%), thường xuyên có sự thay đổi nên không đảm bảo tính ổn định trong việc theo dõi và tham mưu cho lãnh đạo đơn vị về các nội dung nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính tại đơn vị.

- Kỹ năng xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa nội dung, chương trình nhiệm vụ công tác cải cách hành chính cấp trên gắn với nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn của địa phương và đơn vị của một số cán bộ còn hạn chế.

- Một số công chức mới tham gia công tác thiếu kinh nghiệm, chưa được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản về kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ công tác Cải cách hành chính.

- Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thường xuyên quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức thực hiện công tác cải cách hành chính.

2. Sự cần thiết phải bố trí và tăng cường năng lực đội ngũ công chức chuyên trách cải cách hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Ngày 14/12/2012, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 1333/QĐ-BNV phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực đội ngũ công chức chuyên trách cải cách hành chính giai đoạn 2013 - 2015” với mục tiêu nhằm xây dựng một đội ngũ công chức chuyên trách cải cách hành chính ổn định, có phẩm chất, đạo đức đủ năng lực đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, triển khai cải cách hành chính nhà nước.

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã tập chung chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và thu được những kết quả nhất định, có ý nghĩa góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lãnh đạo các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, bố trí cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ tham mưu, theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện Cải cách hành chính ở đơn vị dưới hình thức bố trí chuyên trách hoặc kiêm nhiệm, tuy nhiên việc xác định rõ chức trách, nhiệm vụ của công chức chuyên trách cải cách hành chính tại các cơ quan cũng như bố trí công chức chuyên trách cải cách hành chính trong các cơ quan hành chính chưa có sự thống nhất trong toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, đội ngũ công chức cải cách hành chính hiện nay chủ yếu hoạt động mang tính kiêm nhiệm, thường xuyên có sự thay đổi nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác tham mưu chỉ đạo triển khai cải cách hành chính đối với lãnh đạo đơn vị.

Từ các lý do trên, để góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình tổng thể Cải cách hành chính Nhà nước tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011 - 2015 và các năm tiếp theo, việc bố trí đội ngũ công chức chuyên trách cải cách hành chính và tăng cường năng lực cho đội ngũ này có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu chỉ đạo và triển khai cải cách hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Giang là hoàn toàn cần thiết và cấp bách, nhằm hình thành đội ngũ công chức phụ trách cải cách hành chính có tính chuyên nghiệp, đủ mạnh để tham mưu giúp người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính tại đơn vị, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao đối với công tác cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay.

B. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng được một đội ngũ công chức chuyên trách cải cách hành chính ổn định, có phẩm chất đạo đức tốt, có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu tham mưu đối với thủ trưởng cơ quan trong công tác lãnh, chỉ đạo, triển khai cải cách hành chính nhà nước tại đơn vị.

2. Mục tiêu cụ thể

- Xác định rõ chức trách, nhiệm vụ của công chức chuyên trách cải cách hành chính;

- Thống nhất việc bố trí công chức chuyên trách cải cách hành chính trong các cơ quan hành chính nhà nước;

- Tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức chuyên trách cải cách hành chính thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng;

- Đến năm 2015, 100% công chức chuyên trách cải cách hành chính có đầy đủ phẩm chất đạo đức, năng lực đáp ứng yêu cầu tham mưu cho lãnh đạo chỉ đạo và triển khai cải cách hành chính.

II. CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ CỦA CÔNG CHỨC CHUYÊN TRÁCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

1. Chức trách

Giúp thủ trưởng cơ quan thực hiện công tác tham mưu, chỉ đạo triển khai cải cách hành chính của cơ quan.

2. Nhiệm vụ:

- Xây dựng kế hoạch cải cách hành chính năm của cơ quan;

- Hướng dẫn cơ quan, tổ chức trực thuộc thực hiện kế hoạch cải cách hành chính của cơ quan;

- Theo dõi, đánh giá việc thực hiện kế hoạch cải cách hành chính, thực hiện các thể chế, chính sách, biện pháp, cơ chế cải cách đã được ban hành trong phạm vi quản lý;

- Xây dựng báo cáo cải cách hành chính của cơ quan theo quy định;

- Đề xuất các biện pháp, sáng kiến nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính;

- Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính.

III. BỐ TRÍ CÔNG CHỨC CHUYÊN TRÁCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

1. Phương án bố trí

1.1. Đối với cấp tỉnh

- Tại Sở Nội vụ: Công chức chuyên trách cải cách hành chính được bố trí tại phòng Cải cách hành chính và Đào tạo. Bố trí 03 công chức chuyên trách cải cách hành chính.

- Tại các Sở và tổ chức tương đương thuộc UBND tỉnh (bao gồm: Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh, Ban Dân tộc, Ban quản lý Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh; Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh; Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh): Bố trí công chức chuyên trách cải cách hành chính trong đơn vị làm công tác tổ chức cán bộ của cơ quan. Bố trí 1 - 2 cán bộ chuyên trách cải cách hành chính/01 đơn vị tùy thuộc khối lượng công việc, nhiệm vụ cụ thể về cải cách hành chính của cơ quan.

1.2. Đối với cấp huyện

Công chức chuyên trách cải cách hành chính được bố trí tại Phòng Nội vụ thuộc UBND cấp huyện. Bố trí 02 cán bộ chuyên trách cải cách hành chính/01 huyện, thành phố.

2. Về biên chế

2.1. Biên chế của công chức chuyên trách cải cách hành chính là biên chế hành chính trong tổng biên chế hành chính của cơ quan được UBND tỉnh giao hàng năm theo quy định của pháp luật.

2.2. Trước mắt (Năm 2013): Các đơn vị bố trí công chức chuyên trách cải cách hành chính trong tổng biên chế hành chính đã được UBND tỉnh giao.

2.3. Các Sở và tổ chức tương đương, UBND cấp huyện có trách nhiệm xây dựng vị trí việc làm công chức chuyên trách cải cách hành chính của cơ quan trong phương án biên chế năm 2014, năm 2015. Phương pháp xây dựng vị trí việc làm công chức chuyên trách cải cách hành chính được thực hiện theo hướng dẫn chung của Chính phủ và của Bộ Nội vụ về xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức.

3. Tiêu chuẩn công chức chuyên trách cải cách hành chính

- Công chức chuyên trách cải cách hành chính phải là công chức từ ngạch chuyên viên và tương đương trở lên, có trình độ cử nhân Luật, Hành chính hoặc các chuyên ngành phù hợp.

- Có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, năng động, sáng tạo và tâm huyết với công việc cải cách hành chính.

IV. ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC CHUYÊN TRÁCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

1. Mục đích, yêu cầu

- Mục đích: Nâng cao nhận thức, cải thiện kỹ năng nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức chuyên trách cải cách hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu công việc.

- Yêu cầu: Đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện thường xuyên, liên tục, mang tính ứng dụng, sát thực tiễn; kết hợp chặt chẽ giữa trang bị kiến thức lý luận và rèn luyện kỹ năng thực hành.

2. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng

Nội dung chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng phải đạt các tiêu chí: Cập nhật thường xuyên, kịp thời, khoa học, thực tiễn, dễ ứng dụng và phải đảm bảo một số nội dung chính sau:

- Về kiến thức:

+ Cung cấp các kiến thức về quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác cải cách hành chính nhà nước;

+ Cung cấp các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; Chương trình tổng thể Cải cách hành chính Nhà nước tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011 - 2015;

- Giới thiệu, hướng dẫn các kỹ năng, nghiệp vụ:

+ Kỹ năng xây dựng kế hoạch cải cách hành chính;

+ Kỹ năng triển khai công tác theo dõi, đánh giá cải cách hành chính;

+ Kỹ năng xây dựng báo cáo cải cách hành chính;

+ Kỹ năng nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính;

+ Kỹ năng điều tra xã hội học, nhất là các vấn đề về điều tra, khảo sát mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

3. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng

Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức chuyên trách cải cách hành chính được xây dựng và là một phần trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức hàng năm của tỉnh Hà Giang.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch, gồm:

- Xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn về bố trí đội ngũ công chức chuyên trách cải cách hành chính;

- Khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng, biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng công chức chuyên trách cải cách hành chính;

- Tổ chức các lớp bồi dưỡng công chức chuyên trách cải cách hành chính, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên;

- Kiểm tra việc tổ chức thực hiện Kế hoạch.

- Sơ, tổng kết đánh giá thực hiện Kế hoạch.

2. Kinh phí triển khai được đảm bảo bằng ngân sách nhà nước. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí cho triển khai Kế hoạch thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước.

Giao cho Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các ngành, đơn vị liên quan dự toán kinh phí, thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, quyết định theo quy định để tổ chức thực hiện Kế hoạch.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ban, ngành và tổ chức tương đương thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm:

Căn cứ vào nội dung Kế hoạch và chức năng, nhiệm vụ cải cách hành chính của đơn vị thực hiện bố trí công chức chuyên trách cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ triển khai cải cách hành chính; Xây dựng vị trí việc làm công chức chuyên trách cải cách hành chính của cơ quan trong phương án biên chế năm 2014, năm 2015. Báo cáo danh sách công chức chuyên trách cải
cách hành chính về Sở Nội vụ theo dõi, tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

- Tạo điều kiện cho công chức chuyên trách cải cách hành chính của đơn vị được tham gia các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ, ngành trung ương và tỉnh tổ chức.

2. Sở Nội vụ có trách nhiệm:

- Thẩm định, tổng hợp và tham mưu cho UBND tỉnh trình Bộ Nội vụ giao biên chế hành chính thực hiện nhiệm vụ chuyên trách cải cách hành chính tại các đơn vị theo quy định.

- Xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt và chủ trì tổ chức thực hiện hoạch bồi dưỡng đội ngũ công chức chuyên trách cải cách hành chính hàng năm. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan xây dựng Chương trình bồi dưỡng đội ngũ công chức chuyên trách cải cách hành chính;

- Hướng dẫn các cơ quan hành chính thực hiện bố trí công chức chuyên trách cải cách hành chính và kiểm tra việc thực hiện;

- Lập dự toán kinh phí cho kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ công chức chuyên trách cải cách hành chính hàng năm gửi Sở Tài chính thẩm định để tổng hợp chung vào dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh theo quy định.

- Sơ, tổng kết đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch.

3. Sở Tài chính có trách nhiệm:

Thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, quyết định kinh phí cho kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ công chức chuyên trách cải cách hành chính hàng năm theo quy định để tổ chức thực hiện Kế hoạch.

Tham mưu, trình UBND tỉnh cấp kinh phí thực hiện Kế hoạch, hướng dẫn sử dụng kinh phí đúng mục đích và có hiệu quả.

Trên đây là Kế hoạch bố trí và tăng cường năng lực đội ngũ công chức chuyên trách cải cách hành chính tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013 - 2015. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) để xử lý, đảm bảo thực hiện đúng Kế hoạch đã đề ra./.