Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

 Số:  63/2001/QĐ-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 07 năm 2001 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XỬ LÝ RÁC.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ Chỉ thị số 02/2001/CT-UB ngày 16 tháng 3 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai tổ chức thực hiện 12 chương trình và công trình trọng điểm của thành phố trong giai đoạn 2001 - 2005 và kế hoạch thực hiện “Năm trật tự đô thị” trong năm 2001 ;
Thực hiện Thông báo số 119-TB/TU ngày 28 tháng 5 năm 2001 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc triển khai thực hiện Chương trình xử lý rác và Chương trình chống ngập nội thị trong mùa mưa ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông công chánh tại công văn số 172/GT-TCCB ngày 18 tháng 6 năm 2001 về việc trình duyệt dự thảo kế hoạch thực hiện các Chương trình chống ngập nội thị trong mùa mưa và Chương trình xử lý rác ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nay ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình xử lý rác giai đoạn 2001 - 2005 nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước để giữ gìn vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị, nâng cao ý thức của nhân dân trên toàn địa bàn thành phố.

Điều 2.- Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố căn cứ theo nhiệm vụ, tình hình của đơn vị và nội dung kế hoạch thực hiện Chương trình xử lý rác giai đoạn 2001 - 2005 nêu tại Điều 1 để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực tham gia thực hiện kế hoạch chung nhằm đảm bảo đạt kết quả cao nhất đối với chương trình trọng điểm này của thành phố.

Điều 3.- Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở-Ban-Ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, phường-xã, Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

Nơi nhận :  
- Như điều 3   
- Thường trực Thành ủy  
- Thường trực HĐND. TP
- Thường trực UBND. TP
- Ủy ban MTTQ Việt Nam TP
- Các Báo, Đài (để tuyên truyền)
- VPHĐ-UB : PVP/ĐT, các Tổ NCTH
- Tổ ĐT (3b)
- Lưu (ĐT).  

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Vũ Hùng Việt

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

 

TP.Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 07 năm 2001 

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XỬ LÝ RÁC 2001-2005.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 63 /2001/QĐ-UB ngày 23 tháng 7 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ VII và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố kỳ họp thứ 4, khóa VI về 12 chương trình, công trình trọng điểm và “Năm trật tự đô thị 2001", Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo việc xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện cụ thể ở các ngành, các cấp có liên quan và tổng hợp thành nội dung công tác chính để lập thành kế hoạch chung của thành phố, bao gồm những mục tiêu và nhiệm vụ cần tập trung thực hiện cho Chương trình xử lý rác giai đoạn 2001 - 2005, tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, làm tiền đề cho việc tổ chức thực hiện lâu dài như sau :

I.- MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH XỬ LÝ RÁC GIAI ĐOẠN 2001 - 2005 :

- Ngăn chặn ngay tình trạng xả rác bừa bãi và cải thiện một bước cơ bản công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chỉnh trang đô thị, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, đảm bảo thành phố Xanh, Sạch, Đẹp. Nâng cao ý thức của nhân dân trong việc giữ gìn vệ vinh môi trường đô thị.

- Khẩn trương thực hiện việc phân công, phân cấp và giao nhiệm vụ cho các quận-huyện quản lý, tổ chức lực lượng quét dọn, thu gom rác trên địa bàn của quận-huyện và vận chuyển rác tới địa điểm xử lý rác của thành phố, thực hiện từng bước việc xã hội hoá công tác đầu tư và dịch vụ công cộng trong lĩnh vực vệ sinh môi trường thành phố, các đơn vị vệ sinh môi trường thành phố làm nhiệm vụ xử lý rác và quản lý Nhà nước về vệ sinh môi trường.

- Hiện đại hóa, cơ giới hóa với trang bị đầy đủ xe máy, thiết bị, ứng dụng công nghệ mới, phù hợp trong việc xử lý rác và thu gom, vận chuyển rác, đảm bảo tiêu chuẩn mỹ quan và vệ sinh.

- Vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường thành phố.

II.- CÁC GIẢI PHÁP VÀ NHIỆM VỤ CỤ THỂ CỦA TỪNG ĐƠN VỊ :

A- Các giải pháp :

1. Vận động mọi tầng lớp nhân dân thông suốt chủ trương thực hiện Chương trình xử lý rác giai đoạn 2001 - 2005. Vận động nhân dân, cán bộ công chức, công nhân, học sinh, sinh viên, các tổ chức kinh tế-xã hội và cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố tích cực hưởng ứng, cùng tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

2. Thực hiện hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể chuyên ngành vệ sinh môi trường, có biện pháp quản lý và xử lý triệt để các loại rác, chất thải trên địa bàn thành phố theo công nghệ phù hợp. Hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, hiệu quả của các dự án vệ sinh môi trường đã được phê duyệt và đang triển khai thực hiện. Nâng cao năng lực quản lý chuyên ngành, tăng cường chế độ trách nhiệm bằng cơ chế quản lý đổi mới, tăng cường phân công phân cấp, xây dựng chế độ quan hệ dịch vụ qua hợp đồng để xác định trách nhiệm rõ ràng cho các đơn vị có liên quan. Xây dựng chính sách, quy chế quản lý, qui trình chuyên ngành vệ sinh môi trường từ các khâu : Phân loại rác, quét dọn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác, trên cơ sở đó sẽ đẩy mạnh xã hội hóa dần từng khâu trong qui trình (kèm chính sách thưởng phạt, giáo dục cộng đồng, biện pháp đảm bảo chống ô nhiễm môi trường căn cơ, cụ thể ... ).

3. Trong năm 2001 và 2002, ngành và Ủy ban nhân dân các quận-huyện chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoàn chỉnh việc củng cố các tổ chức thu gom rác dân lập thực hiện việc thay thế các xe ba-gác đẩy tay chở rác thô sơ chưa đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh và mỹ quan đô thị bằng loại xe có thùng nhựa đựng rác có nắp đậy, không để nước rác và rác rơi xuống đường phố.

4. Từng bước tiến hành giải tỏa, xóa các điểm hẹn, các trạm trung chuyển rác và bô rác ép kín ở nội thành bằng việc đầu tư các xe ép rác thu gom rác và vận chuyển trực tiếp đến địa điểm xử lý rác. Năm 2001 đầu tư khoảng 50 xe, năm 2002 đầu tư 100 xe, năm 2003 đầu tư khoảng 150 xe ép rác có trọng tải từ 7 đến 10 tấn đảm bảo đến đầu năm 2004 giải tỏa hết các điểm hẹn và trạm trung chuyển rác trong thành phố. Đẩy mạnh xã hội hoá việc đầu tư này.

5. Thực hiện phân loại rác từ nguồn (tại nhà dân, tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, bệnh viện, rác chợ, sông rạch, bãi biển, khu dịch vụ... ). Thí điểm phân loại rác tại nguồn trong năm 2001 - 2002 ở Quận 10 và huyện Bình Chánh, tiến đến áp dụng cho những địa bàn khác. Mở rộng địa bàn thu gom rác ở các khu đô thị mới, kết hợp tổ chức lực lượng vớt rác trên toàn hệ thống kênh rạch thành phố. Thực hiện việc thu tiền rác với giá thống nhất cho các hộ dân sống ở thành phố, trên đất liền cũng như sống trên kênh rạch.

6. Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới trong việc xử lý rác. Ngoài phương pháp chôn rác không gây ô nhiễm môi trường nhờ có lót đáy hố chôn rác, có hệ thống thu, xử lý nước rác và khí độc, cần nghiên cứu ứng dụng các công nghệ hiện đại để xử lý rác như : Đốt rác thu điện năng; xử lý rác bằng vi sinh có định hướng để sản xuất phân hữu cơ tổng hợp cao và thu khí biogas để chạy máy phát điện …

7. Xây dựng thêm các địa điểm xử lý rác tại các khu vực phù hợp quy hoạch của thành phố ở khu vực vành đai của thành phố.

8. Tăng cường tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm hành chính về vệ sinh môi trường trên toàn địa bàn thành phố. Thành lập lực lượng Cảnh sát trật tự đô thị trên cơ sở hợp nhất các lực lượng kiểm tra xử phạt chuyên ngành ; áp dụng mức phạt, hình thức thu phạt phù hợp điều kiện thành phố.

Các giải pháp nêu trên mang tính chiến lược nhưng cấp bách, đòi hỏi phải có kế hoạch dài hạn, đồng bộ và khoa học, cần được chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra liên tục, đặc biệt phải có sự tham gia thiết thực của chính quyền địa phương, của các tổ chức đoàn thể quần chúng và mọi tầng lớp nhân dân. Do vậy, phải nâng cao ý thức tự giác của người dân và tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội. Phải có những giải pháp kỹ thuật, đầu tư có khoa học và hiệu quả gắn liền với các biện pháp hành chính quản lý của các địa phương, các ngành trong thành phố để đảm bảo duy trì, bảo vệ kết quả đạt được trong từng giai đoạn thực hiện, tránh tái phát sinh các điểm ô nhiễm môi trường đã được giải quyết.

B.- Nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị :

1. Giám đốc Sở Giao thông công chánh, Công ty Môi trường đô thị, Công ty Xử lý chất thải thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng các Chương trình hành động cụ thể về giải quyết những vấn đề rác đô thị ở từng đơn vị, từng địa phương. Kế hoạch và chương trình hành động của các đơn vị phải thiết thực, thực tiễn, đúng tình hình và có biện pháp cụ thể khắc phục các nguyên nhân tồn tại một cách cơ bản, khả thi và đồng bộ, phù hợp với điều kiện và khả năng tổ chức thực hiện của từng ngành, từng cấp trong năm 2001 và những năm tiếp theo.

Sở Giao thông công chánh phối hợp Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường xây dựng những chiến lược xử lý rác đô thị (có thể phối hợp với các địa phương lân cận) không chỉ đến 2005 mà cả đến 2010 và lâu dài ; nghiên cứu, đề xuất những văn bản pháp quy cụ thể để tăng cường, nâng cao năng lực quản lý và đầu tư phát triển ngành vệ sinh môi trường.

Các đơn vị được phân công xây dựng kế hoạch và tiến độ thực hiện các giải pháp và từng việc cụ thể, phù hợp với tiến độ chung của thành phố, tham gia thực hiện tích cực với nhận thức tư tưởng sâu sắc trên tinh thần nỗ lực cao nhất để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đã đề ra.

2. Công tác quét dọn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, là một việc nhạy cảm và mang tính xã hội rất cao, cần phải được sự đồng tình và hưởng ứng của các tổ chức đoàn thể quần chúng và mọi tầng lớp nhân dân.

Sở Văn hóa và Thông tin phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, các quận-huyện, các Sở ban ngành liên quan, các tổ chức đoàn thể quần chúng, các cơ quan thông tin đại chúng và Ủy ban nhân dân các cấp của thành phố đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền thường xuyên và sâu rộng trên các phương tiện để đưa thông tin đến quần chúng và mọi nơi. Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh, sinh viên trong trường học ; vận động mọi tầng lớp nhân dân tự giác chấp hành quy định, bảo đảm vệ sinh đô thị ; phát động phong trào nhân dân toàn thành phố hưởng ứng giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao nhận thức cộng đồng. Nội dung thông tin sinh động, thiết thực, dễ tiếp thu, phù hợp với mọi đối tượng mọi tầng lớp nhân dân và hướng dẫn dư luận xã hội đi vào các vấn đề cấp bách cần quan tâm trong lĩnh vực đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Các chương trình thông tin, truyền hình cần được thực hiện thường xuyên và có chất lượng để vận động người dân tập thói quen thực hiện nghiêm các quy định giữ gìn vệ sinh theo nề nếp của một đô thị văn minh, sạch đẹp, an toàn.

3. Công an thành phố phối hợp với Sở Giao thông công chánh, Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường xây dựng qui chế xử phạt các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường ; lập kế hoạch triển khai các biện pháp tăng cường kiểm tra, xử phạt các vi phạm hành chính về vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

4. Sở Giao thông công chánh lập kế hoạch phối hợp với Sở Khoa học- Công nghệ và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kiến trúc sư Trưởng thành phố, Sở Địa chính-Nhà đất, Sở Y tế, Viện Kinh tế thành phố, Ủy ban nhân dân các quận-huyện và các trường Đại học, các Viện nghiên cứu để thực hiện các giải pháp nêu trên, đặc biệt đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm ngành vệ sinh môi trường.

5. Sở Công nghiệp chủ trì lập kế hoạch phối hợp với Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông công chánh đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xử lý, giải quyết rác công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh.

6. Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Giao thông công chánh, Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan khác có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị liên quan giải quyết nhanh các thủ tục chuẩn bị đầu tư và tổ chức thi công xây dựng đối với những dự án, công trình, công việc thuộc Chương trình xử lý rác của thành phố, báo cáo và đề xuất kịp thời các trở ngại để Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết.

III.- BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN :

1. Sở Giao thông công chánh là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm chính tổng hợp, báo cáo tình hình và tham mưu cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố quyết định các vấn đề có liên quan, phối hợp với Sở Khoa học- Công nghệ và Môi trường, Ủy ban nhân dân các quận-huyện và các đơn vị liên quan lập kế hoạch chi tiết ở từng đơn vị, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện, tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả định kỳ và đề xuất biện pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giải quyết.

Các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các quận-huyện thành lập Ban chỉ đạo để theo dõi và đánh giá kết quả hoạt động, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố các biện pháp, chính sách hỗ trợ cần thiết cho Chương trình xử lý rác. Ban chỉ đạo quận-huyện có nhiệm vụ tổ chức khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện định kỳ hoặc đột xuất để kịp thời ghi nhận các kết quả đạt được, cũng như các tồn tại cần phải chấn chỉnh khắc phục ngay. Báo cáo thường kỳ cho bộ phận thường trực cấp thành phố nắm tình hình và đề xuất các biện pháp giải quyết.

3. Hàng quý, Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì họp giao ban kiểm điểm sơ kết tình hình thực hiện và hàng năm cần tổng hợp tình hình chung báo cáo Thành ủy và Hội đồng nhân dân thành phố.

Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở Ban Ngành liên quan, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, phường-xã căn cứ theo nhiệm vụ, tình hình của đơn vị và nội dung Kế hoạch này để xây dựng chương trình hành động và kế hoạch thực hiện cụ thể để phối hợp với Chương trình Xử lý rác của thành phố, chịu trách nhiệm tổ chức và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của đơn vị mình, báo cáo tình hình định kỳ và chịu trách nhiệm về hiệu quả công việc trước Ủy ban nhân dân thành phố.

( Đính kèm là danh mục, tiến độ và ước toán kinh phí thực hiện các dự án thuộc Chương trình xử lý rác giai đoạn 2001 - 2005 )./.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.