Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/2008/QĐ-UBND

Vĩnh Yên, ngày 27 tháng 11 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM VÀ MỐI QUAN HỆ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY TẠI CÁC KHU, CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31 tháng 3 năm 2004 của Bộ Công an về hướng dẫn thi hành Nghị định số 35/2003/NĐ-CP;

Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc tại Tờ trình số: 1066/TTr-CAT(PV11) ngày 24/10/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp trong công tác phòng cháy chữa cháy tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Công an tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Công thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc, UBND cấp huyện, xã và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Phi

 

QUY ĐỊNH

TRÁCH NHIỆM VÀ MỐI QUAN HỆ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TẠI CÁC KHU, CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành theo Quyết định số 63/2008/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Bản quy định này quy định về trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, tổ chức (cơ sở), cá nhân trong thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh;

2. Việc PCCC trong các khu, cụm công nghiệp tuân theo các quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001, các văn bản hướng dẫn thi hành và bản quy định này.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

Công tác PCCC trong các khu, cụm công nghiệp phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời đảm bảo tính tích cực, chủ động, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ngành, các cấp, các cá nhân, tổ chức liên quan để phòng, chống cháy, nổ xảy ra tại các khu, cụm công nghiệp.

Chương II

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Trách nhiệm của Công an tỉnh

1. Tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác PCCC tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh;

2. Thẩm định, phê duyệt về PCCC các dự án thuộc diện phải thiết kế, thẩm duyệt về thiết kế PCCC tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo phân cấp, đảm bảo đúng thời gian quy định tại Điều 16, Nghị định số 35/2003/NĐ-CP của Chính phủ;

3. Hướng dẫn cơ sở xây dựng phương án chữa cháy có sử dụng lực lượng, phương tiện của nhiều cơ quan, tổ chức ở địa phương và phê duyệt phương án đó. Khi xảy ra cháy huy động lực lượng, phương tiện cần thiết để tham gia chữa cháy.

4. Kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy theo định kỳ; kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu nguy hiểm cháy hoặc vi phạm quy định an toàn PCCC hoặc khi có yêu cầu bảo vệ đặc biệt; kiểm tra việc thực hiện những yêu cầu, quy định về PCCC; kiểm tra thi công và nghiệm thu trước khi đưa công trình vào hoạt động, kiểm định phương tiện PCCC trước khi lắp đặt;

5. Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động khi cơ sở vi phạm quy định PCCC theo điều 29 của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

6. Chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan điều tra làm rõ nguyên nhân cháy;

7. Chủ trì phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng, thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp trong thực hiện công tác PCCC;

8. Huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho các cơ sở.

Điều 4. Trách nhiệm của Sở Xây dựng và Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc.

1. Khi lập dự án quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo đường cho xe chữa cháy hoạt động thuận lợi và tiếp cận được các nguồn nước chữa cháy, đồng thời quy hoạch xây dựng bến, bãi lấy nước chữa cháy, xây dựng mạng lưới trụ cấp nước chữa cháy;

2. Phối hợp với Công an tỉnh phổ biến các quy định hiện hành về an toàn PCCC, hướng dẫn, đôn đốc các nhà đầu tư thực hiện trong quá trình thẩm duyệt kiểm tra thi công, nghiệm thu công trình PCCC;

3. Ngoài thực hiện các nhiệm vụ trên, Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

a) Phối hợp với Công an tỉnh đôn đốc các nhà đầu tư thi công theo đúng thiết kế mà cơ quan PCCC đã thẩm duyệt, có biện pháp tổ chức thi công đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình thi công xây dựng công trình;

b) Có trách nhiệm phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra, giám sát để các cơ sở trong khu, cụm công nghiệp duy trì hệ thống PCCC luôn ở tình trạng hoạt động bình thường.

Điều 5. Trách nhiệm của Sở Công Thương

1. Căn cứ chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền theo quy định của pháp luật, phối hợp với Công an tỉnh tham mưu đề xuất UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác PCCC tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh;

2. Phối hợp với Công an tỉnh hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện các giải pháp về PCCC từ quy trình thẩm duyệt về thiết kế, kiểm tra thi công, nghiệm thu đưa công trình vào hoạt động;

3. Phối hợp với Công an tỉnh quản lý chặt chẽ các loại hóa chất có nguy cơ cháy, nổ cao tại các cơ sở; đôn đốc các nhà đầu tư thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC trong phạm vi, lĩnh vực quản lý.

Điều 6. Báo Vĩnh Phúc, Đài PT và TH tỉnh, Cổng TTĐT tỉnh

Thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh, UBND các cấp và các cơ quan liên quan dành thời lượng đăng tải và thời gian phát sóng phù hợp để thường xuyên tuyên truyền pháp luật về PCCC, tình hình và kết quả thực hiện công tác PCCC trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Điều 7. Trách nhiệm của UBND các huyện, thành, thị

1. Phối hợp với Công an tỉnh thực hiện các giải pháp tăng cường chỉ đạo công tác PCCC tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, tham gia điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy khi có yêu cầu;

2. Khi có cháy, nổ xảy ra trong khu, cụm công nghiệp phải khẩn trương huy động lực lượng phương tiện tham gia chữa cháy theo thẩm quyền; trường hợp vượt quá khả năng của mình, kịp thời báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo.

Điều 8. Trách nhiệm của UBND các xã, phường, thị trấn.

1. Khi có cháy, nổ xảy ra ở các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý khẩn trương huy động lực lượng phương tiện tham gia chữa cháy theo thẩm quyền. Trường hợp vượt quá khả năng của mình, kịp thời báo cáo UBND huyện (thành, thị) xin ý kiến chỉ đạo.

2. Tham gia điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy khi có yêu cầu;

Điều 9. Trách nhiệm của Doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp

1. Phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc, Công an tỉnh phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc các nhà đầu tư thực hiện những quy định pháp luật về an toàn PCCC trong quá trình thẩm duyệt PCCC, kiểm tra thi công và nghiệm thu PCCC đưa công trình vào hoạt động;

2. Phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc, Công an tỉnh kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở để các cơ sở trong khu, cụm công nghiệp duy trì hệ thống PCCC luôn ở tình trạng hoạt động bình thường;

3. Thành lập đội phòng cháy, chữa cháy chuyên trách trong khu, cụm công nghiệp; phối hợp với Công an tỉnh tập huấn kiến thức pháp luật về PCCC phù hợp với tình hình, đặc điểm của đơn vị; đầu tư kinh phí cho hoạt động PCCC;

4. Xây dựng phương án chữa cháy cho toàn khu, cụm công nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, định kỳ tổ chức thực tập phương án chữa cháy theo quy định;

5. Khi xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải xây dựng đường cho xe chữa cháy hoạt động thuận lợi và tiếp cận được các nguồn nước chữa cháy; đồng thời phải xây dựng bến, bãi lấy nước chữa cháy, xây dựng mạng lưới trụ cấp nước chữa cháy.

Điều 10. Trách nhiệm của các nhà đầu tư

1. Làm thủ tục trình cơ quan PCCC thẩm duyệt về thiết kế và thiết bị PCCC trước khi thi công xây dựng các hạng mục công trình thuộc dự án đầu tư. Đối với các công trình cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng, phải thực hiện thủ tục trình thẩm duyệt lại về thiết kế và thiết bị PCCC;

2. Tổ chức thi công hạng mục PCCC đúng thiết kế đã được phê duyệt, nghiệm thu công trình trước khi đưa vào hoạt động;

3. Xây dựng phương án chữa cháy của cơ sở trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực tập, triển khai thực hiện có hiệu quả phương án đó;

4. Đầu tư kinh phí trang bị phương tiện, dụng cụ cần thiết cho công tác PCCC; thành lập, quản lý và duy trì hoạt động của đội PCCC cơ sở; tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức pháp luật về PCCC, huấn luyện về PCCC cho người lao động;

5. Ban hành và tổ chức thực hiện các nội quy, quy định về PCCC, xây dựng bản tin, biển báo về PCCC tại cơ sở;

6. Thường xuyên tổ chức tự kiểm tra tình trạng an toàn PCCC của cơ sở mình.

7. Tổ chức thống kê, báo cáo theo định kỳ về tình hình phòng cháy và chữa cháy; thông báo kịp thời cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trực tiếp quản lý những thay đổi lớn có liên quan đến bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, tổ chức mình;

8. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức và hộ gia đình xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy; không gây nguy hiểm cháy, nổ đối với các cơ quan, tổ chức và hộ gia đình lân cận;

9. Kịp thời tổ chức lực lượng chữa cháy tại chỗ để phối hợp với các lực lượng liên quan nhanh chóng dập tắt đám cháy khi có cháy, nổ xảy ra và giải quyết hậu quả các vụ cháy. Đồng thời có trách nhiệm hỗ trợ về người và phương tiện chữa cháy cho các cơ sở lân cận khi được cấp có thẩm quyền yêu cầu;

10. Chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy ở cơ sở của mình hoặc để cháy lan sang cơ sở lân cận do không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC.

Điều 11. Thông tin báo cháy, tổ chức chữa cháy và điều tra làm rõ nguyên nhân cháy

1. Thông tin báo cháy và tham gia chữa cháy.

Người phát hiện thấy cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất và chữa cháy; cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân gần nơi cháy phải nhanh chóng thông tin và tham gia chữa cháy.

2. Công tác chữa cháy.

a) Khi xảy ra cháy tại cơ sở nào thì đội PCCC của cơ sở đó có trách nhiệm tổ chức cứu chữa ban đầu, tập trung huy động lực lượng, phương tiện kịp thời phục vụ công tác chữa cháy, tổ chức công tác cứu hộ, cứu nạn, di chuyển tài sản, tạo khoảng cách ngăn chặn và chống cháy lan;

b) Các đội PCCC của những cơ sở khác có trách nhiệm tham gia cứu giúp theo đề nghị của người chỉ huy chữa cháy có thẩm quyền;

c) Tổ chức, cá nhân khi nhận được lệnh của người chỉ huy chữa cháy phải chấp hành ngay, nếu không chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

d) Lực lượng Công an có trách nhiệm triển khai công tác chữa cháy theo phương án đã được lập; chỉ huy, điều hành các lực lượng tham gia công tác chữa cháy nhằm đảm bảo kịp thời dập tắt các đám cháy, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra.

3. Công tác điều tra, kết luận nguyên nhân vụ cháy

a) Công an tỉnh có trách nhiệm trưng cầu giám định, khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ cháy;

b) Quá trình điều tra, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp giúp Cơ quan công an điều tra, làm rõ nguyên nhân cháy.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm các Quy định pháp luật về PCCC trong các khu, cụm công nghiệp và bản Quy định này;

Điều 13. Công an tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện bản Quy định này. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh (qua Công an tỉnh) để kịp thời sửa đổi, bổ sung./.