Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 632/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 04 tháng 10 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ, CHẤM ĐIỂM CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 631/QĐ-UBND ngày 04 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kiện toàn Hội đồng kiểm tra, đánh giá, chấm điểm cải cách hành chính nhà nước hằng năm trên địa bàn tỉnh Kon Tum;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế kiểm tra, đánh giá, chấm điểm cải cách hành chính nhà nước đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 589/QĐ-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế kiểm tra, đánh giá, chấm điểm cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Hội đồng kiểm tra, đánh giá, chấm điểm cải cách hành chính nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (đ/b);
- Sở Nội vụ;
- VP UBND tỉnh: CVP;
- Lưu: VT, NCTTTT, TTHG.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Ngọc Tuấn

 

QUY CHẾ

KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ, CHẤM ĐIỂM CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, BAN QUẢN LÝ KHU KINH TẾ TỈNH VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Kèm theo Quyết định số 632/QĐ-UBND ngày 04 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về Hội đồng kiểm tra, đánh giá, chấm điểm công tác cải cách hành chính nhà nước (sau đây gọi là Hội đồng); việc kiểm tra, đánh giá, chấm điểm xác định Chỉ số cải cách hành nhà nước đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Hội đồng kiểm tra, đánh giá, chấm điểm công tác cải cách hành chính nhà nước do Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập.

2. Tổ giúp việc của Hội đồng kiểm tra, đánh giá, chấm điểm công tác cải cách hành chính nhà nước (sau đây gọi là Tổ giúp việc).

3. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (sau đây gọi tắt là các cơ quan, đơn vị) và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc triển khai

1. Công tác kiểm tra, đánh giá, chấm điểm phải được tiến hành công khai, khách quan, công bằng, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; việc kiểm tra không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị là đối tượng kiểm tra; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội đồng, Tổ giúp việc và các cơ quan, đơn vị.

2. Chỉ số cải cách hành chính phải phản ánh chính xác tình hình thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị.

Chương II

KIỂM TRA THỰC TẾ CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC

Điều 4. Nội dung kiểm tra

Các tiêu chí, tiêu chí thành phần được quy định kiểm tra, đánh giá thực tế theo Bộ tiêu chí đánh giá, chấm điểm cải cách hành chính do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

Điều 5. Quy trình kiểm tra

1. Chuẩn bị kiểm tra

a) Xây dựng lịch kiểm tra

- Sở Nội vụ có trách nhiệm xây dựng lịch kiểm tra, trình lãnh đạo Hội đồng ký ban hành.

- Lịch kiểm tra phải được ban hành trước ngày 15 tháng 11 hằng năm và không được điều chỉnh trừ trường hợp thật sự cần thiết.

b) Chuẩn bị tài liệu, phương tiện đi lại, trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác kiểm tra

- Các thành viên Hội đồng và Tổ giúp việc trong phạm vi nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm chuẩn bị tài liệu liên quan, trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác kiểm tra;

- Sở Nội vụ có trách nhiệm bố trí phương tiện đi lại phục vụ công tác kiểm tra.

2. Tiến hành kiểm tra

a) Trước khi tiến hành kiểm tra, Hội đồng, Tổ giúp việc thông báo với cơ quan, đơn vị là đối tượng kiểm tra biết để phối hợp triển khai, thực hiện.

b) Các thành viên Tổ giúp việc tiến hành kiểm tra thực tế, chấm điểm kết quả thực hiện các tiêu chí, tiêu chí thành phần quy định kiểm tra thực tế tại các cơ quan, đơn vị là đối tượng kiểm tra theo nhiệm vụ được phân công.

c) Tổng hợp kết quả kiểm tra

- Sau khi các thành viên Tổ giúp việc hoàn tất nội dung kiểm tra, chấm điểm, Tổ trưởng Tổ giúp việc có trách nhiệm tổng hợp để chuẩn bị kết thúc kiểm tra.

- Các thành viên Tổ giúp việc chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực đối với kết quả kiểm tra, chấm điểm do mình phụ trách.

3. Kết thúc kiểm tra

a) Việc kiểm tra kết thúc thông qua cuộc họp giữa Tổ giúp việc với đại diện cơ quan, đơn vị là đối tượng kiểm tra.

b) Việc kết thúc kiểm tra phải được lập thành biên bản có chữ ký của đại diện lãnh đạo và con dấu của cơ quan, đơn vị là đối tượng kiểm tra và chữ ký của Tổ trưởng Tổ giúp việc. Biên bản nêu rõ điểm số đạt được trên tổng điểm của các tiêu chí, tiêu chí thành phần kiểm tra thực tế.

Điều 6. Kinh phí phục vụ công tác kiểm tra

Kinh phí phục vụ công tác kiểm tra được sử dụng từ nguồn kinh phí cải cách hành chính hằng năm được Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nội vụ quản lý.

Trường hợp phát sinh vượt khả năng kinh phí được giao, Sở Nội vụ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài chính) xem xét, quyết định.

Chương III

TỰ ĐÁNH GIÁ, CHẤM ĐIỂM VÀ THẨM ĐỊNH KẾT QUẢ TỰ ĐÁNH GIÁ, CHẤM ĐIỂM VÀ XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Điều 7. Hội đồng đánh giá, chấm điểm kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị

1. Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh: Hội đồng do Thủ trưởng đơn vị thành lập, có từ 05 đến 07 thành viên, gồm: Lãnh đạo đơn vị làm Chủ tịch Hội đồng; lãnh đạo Văn phòng (hoặc Phòng Tổ chức - Hành chính) làm Thư ký; đại diện Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, Trưởng một số phòng, ban chuyên môn và công chức trực tiếp tham mưu, phụ trách công tác cải cách hành chính của đơn vị làm thành viên.

2. Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Hội đồng tự đánh giá, chấm điểm do Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập, có từ 05 đến 07 thành viên, gồm: Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện làm Chủ tịch Hội đồng, Trưởng Phòng Nội vụ hoặc Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện làm Thư ký, Trưởng một số phòng, ban chuyên môn và công chức trực tiếp tham mưu, phụ trách công tác cải cách hành chính của đơn vị làm thành viên.

Hội đồng của cấp huyện bên cạnh nhiệm vụ tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện tự đánh giá, chấm điểm kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính của đơn vị mình còn thực hiện nhiệm vụ tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định kết quả tự đánh giá, chấm điểm của Ủy ban nhân dân cấp xã và trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, công bố kết quả xếp loại công tác cải cách hành chính đối với Ủy ban nhân dân cấp xã (nếu có).

3. Khi nhân sự của Hội đồng có sự thay đổi, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm kiện toàn Hội đồng theo thẩm quyền.

Điều 8. Phạm vi tự đánh giá, chấm điểm

1. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tự đánh giá, chấm điểm đối với các tiêu chí, tiêu chí thành phần thuộc Bộ tiêu chí xác định chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tự đánh giá, chấm điểm đối với các tiêu chí, tiêu chí thành phần thuộc Bộ tiêu chí xác định chỉ số cải cách hành chính của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Điều 9. Phương pháp tự đánh giá, chấm điểm

1. Dựa vào thang điểm của từng tiêu chí, tiêu chí thành phần, các cơ quan, đơn vị đối chiếu với kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị mình để tự đánh giá, chấm điểm cho từng tiêu chí thành phần và trích dẫn tài liệu kiểm chứng liên quan vào cột “Tài liệu kiểm chứng/Giải trình” của Bảng tổng hợp kết quả tự đánh giá (nêu rõ số, ký hiệu, ngày văn bản - ví dụ: Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 10 tháng 02 năm 2019 của Ủy ban nhân dân…).

2. Đối với các tiêu chí/tiêu chí thành phần không được đánh giá, các cơ quan, đơn vị để trống cột “Điểm tự đánh giá” và nêu rõ lý do vào cột “Tài liệu kiểm chứng/Giải trình” của Bảng tổng hợp kết quả tự đánh giá.

3. Đối với các tiêu chí, tiêu chí thành phần không xác định được tài liệu kiểm chứng, các cơ quan, đơn vị thuyết minh, giải trình cụ thể về phương pháp tự đánh giá, chấm điểm trong Báo cáo tự đánh giá, chấm điểm để Hội đồng của tỉnh có cơ sở xem xét.

Điều 10. Thời gian tổ chức thực hiện công tác tự đánh giá, chấm điểm và gửi hồ sơ Báo cáo kết quả tự đánh giá, chấm điểm

1. Thời gian thực hiện công tác tự đánh giá, chấm điểm phải được bắt đầu sau ngày 01 tháng 11 hằng năm.

2. Trước ngày 20 tháng 11 hằng năm, các cơ quan, đơn vị gửi Báo cáo kết quả tự đánh giá, chấm điểm của cơ quan, đơn vị mình về Sở Nội vụ để tổng hợp, tham mưu Hội đồng kiểm tra, đánh giá, chấm điểm công tác cải cách hành chính nhà nước của tỉnh thẩm định.

Điều 11. Hồ sơ Báo cáo kết quả tự đánh giá, chấm điểm

1. Báo cáo tự đánh giá, chấm điểm của các đơn vị, địa phương kèm theo Bảng tổng hợp kết quả tự đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, tiêu chí thành phần cải cách hành chính (nội dung báo cáo thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan đầu mối là Sở Nội vụ).

2. Tài liệu kiểm chứng

- Tài liệu kiểm chứng đối với từng tiêu chí, tiêu chí thành phần là các văn bản (quyết định, kế hoạch, báo cáo, công văn...) đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành.

- Tài liệu kiểm chứng được đính kèm dưới dạng tệp tin định dạng “.pdf” có đầy đủ con dấu, chữ ký số theo thẩm quyền đính kèm lên Hệ thống phần mềm đánh giá chấm điểm tỉnh tại địa chỉ http://parindex.cchc.kontum.gov.vn.

Điều 12. Thẩm định Báo cáo tự đánh giá, chấm điểm

1. Trên cơ sở Báo cáo tự đánh giá, chấm điểm, tài liệu kiểm chứng; quá trình theo dõi công tác cải cách hành chính đối với các cơ quan, đơn vị, Hội đồng tiến hành thẩm định kết quả tự đánh giá, chấm điểm và xác định điểm đạt được của các cơ quan, đơn vị.

2. Đối với các tiêu chí, tiêu chí thành phần không có tài liệu kiểm chứng gửi kèm và không thuyết minh, giải trình cụ thể thì Hội đồng áp dụng mức điểm thấp nhất đối với tiêu chí, tiêu chí thành phần đó.

Điều 13. Xác định Chỉ số cải cách hành chính và xếp loại cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị

Chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị được tính theo công thức:

 

Tổng điểm đạt được

x 100%

 

Tổng điểm tối đa

Trong đó:

- Tổng điểm tối đa là tổng điểm tối đa của các tiêu chí/tiêu chí thành phần được đánh giá (đối với một số cơ quan, đơn vị, tổng điểm tối đa có thể không phải 100 điểm do không tính các tiêu chí/tiêu chí thành phần không được đánh giá).

- Tổng điểm đạt được là tổng điểm đạt được của các tiêu chí/tiêu chí thành phần sau khi được Hội đồng kiểm tra, đánh giá, chấm điểm công tác cải cách hành chính nhà nước thẩm định hồ sơ hoặc kiểm tra thực tế.

Căn cứ kết quả chỉ số, Hội đồng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kết quả xếp loại như sau:

- Chỉ số đạt từ 90 đến 100 điểm: Xếp loại Xuất sắc.

- Chỉ số đạt từ 80 đến dưới 90 điểm: Xếp loại Tốt.

- Chỉ số đạt từ 65 đến dưới 80 điểm: Xếp loại Khá.

- Chỉ số đạt từ 50 đến dưới 65 điểm: Xếp loại Trung bình.

- Chỉ số đạt dưới 50 điểm: Xếp loại Yếu.

Chương IV

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 14. Khen thưởng

Kết quả đánh giá công tác cải cách hành chính hằng năm là cơ sở để bình xét thi đua, khen thưởng của các cơ quan, đơn vị. Đối với các cơ quan, đơn vị xếp loại Trung bình trở xuống hoặc bị hạ hai bậc xếp loại so với năm trước liền kề thì tập thể và người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó không được xét thi đua, khen thưởng toàn diện trong năm đánh giá.

Các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc được xem xét khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Kỷ luật

Các cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc vi phạm các quy định của pháp luật và nội dung Quy chế này thì tùy theo mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy tố trước pháp luật.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Tổ chức thực hiện

1. Hội đồng kiểm tra, đánh giá, chấm điểm công tác cải cách hành chính nhà nước; Tổ giúp việc của Hội đồng kiểm tra, đánh giá, chấm điểm công tác cải cách hành chính nhà nước; các cơ quan, đơn vị là đối tượng kiểm tra và các cá nhân, tổ chức liên quan có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

2. Sở Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập, kiện toàn, giải thể Hội đồng kiểm tra, đánh giá, chấm điểm công tác cải cách hành chính nhà nước theo quy định.

3. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện cụ thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ban hành Quy chế kiểm tra, đánh giá, chấm điểm công tác cải cách hành chính đối với Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trực thuộc; tổ chức thẩm định, xếp loại kết quả công tác cải cách hành chính của Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trực thuộc và và báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) trong quý I hằng năm để theo dõi.

Điều 17. Sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quy chế

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) xem xét, quyết định. /.