BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 639/QĐ-BGTVT | Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 2006 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐỘI TÀU VẬN TẢI THỦY NỘI ĐỊA ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Quyết định số 16/2000/QĐ-TTg ngày 03 tháng 02 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải Đường sông Việt Nam đến năm 2020;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam tại Tờ trình số 181/TTr-CĐS ngày 26 tháng 1 năm 2006;
Căn cứ đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển đội tàu vận tải thủy nội địa đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải Đường sông Việt Nam đến năm 2020) với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm và mục tiêu phát triển
a. Quan điểm phát triển:
- Phát triển đội tàu vận tải thủy nội địa bảo đảm đủ số lượng, chủng loại, có tính năng kỹ thuật cao, phù hợp với điều kiện luồng lạch từng vùng lãnh thổ nhằm thỏa mãn nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách.
- Nâng cao tốc độ chạy tàu, rút ngắn thời gian quay vòng để có thể cạnh tranh lành mạnh với các phương thức vận tải khác.
- Trang bị hiện đại đối với tàu hàng; tàu khách đảm bảo an toàn, nâng cao năng suất vận tải và ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước.
- Phát triển nguồn nhân lực theo hướng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, thuyền viên để nâng cao hiệu quả quản lý, kinh doanh, mở rộng hoạt động dịch vụ vận tải đường thủy nội địa và xuất khẩu thuyền viên.
b. Mục tiêu phát triển:
- Phát triển đội tàu vận tải thủy nội địa để đủ năng lực đảm nhận khối lượng vận tải của ngành đường sông là:
+ Năm 2010: hàng hóa đạt 83 triệu tấn và 7,855 tỷ tấn.km; hành khách đạt 253,5 triệu khách và 3,32 tỷ khách.km.
+ Năm 2020: hàng hóa đạt 165 triệu tấn và 15,67 tỷ tấn.km; hành khách đạt 438 triệu khách và 5,63 tỷ khách.km.
Trong đó: Thị phần miền Bắc chiếm 44% về tấn hàng và 8 đến 10% về lượt khách, miền nam chiếm 50% về tấn hàng và 80% về lượt khách.
- Nâng cao năng suất, chất lượng và trẻ hóa đội tàu theo từng giai đoạn quy hoạch.
2. Quy hoạch phát triển đội tàu vận tải thủy nội địa đến năm 2010
a. Nhu cầu và cơ cấu đội tàu:
- Tổng trọng tải đội tàu hàng đến năm 2010 là 4.822.400 tấn phương tiện và tàu khách là 362.200 ghế khách; nhu cầu cần đóng mới bổ sung hàng năm từ nay đến năm 2010 là 330.300 tấn phương tiện và 25.000 ghế khách cho mỗi năm;
- Cơ cấu đội tàu vận tải hàng đến năm 2010: Sà lan hàng khô chiếm 35%, sà lan hàng lỏng chiếm 2%, tàu tự hành hàng khô chiếm 60%, tàu tự hành hàng lỏng chiếm 3%.
b. Phương tiện vận tải tối ưu trên tuyến:
- Đối với các tuyến vận tải khu vực miền Bắc:
+ Đoàn tàu kéo đẩy: Sà lan vận tải 1.200 ÷ 2.000 tấn;
+ Tàu tự hành: 300 ÷ 600 tấn, một số tuyến sông cấp I có thể sử dụng tàu từ 800 đến 1.000 tấn, mớn nước có tải ≤ 3m;
+ Tàu chở container sức chở 16, 24 và 32 TEU;
+ Tàu khách thường: loại 100 ÷ 150 ghế;
+ Tàu khách cao tốc: loại 100 ghế;
- Đối với các tuyến vận tải khu vực miền Nam:
+ Các tuyến vận tải liên tỉnh có cự ly < 150 Km: tàu tự hành ≤ 300 tấn;
+ Các tuyến vận tải liên tỉnh có cự ly > 150 km: đoàn tàu kéo đẩy có sà lan vận tải 3 x 400 tấn hoặc 4 x 400 tấn, tàu tự hành 300 ÷ 600 tấn;
+ Tàu chở container sức chở 16, 24 và 32 TEU;
+ Tàu khách cao tốc: loại 100 ghế;
c. Chỉ tiêu khai thác và chất lượng đội tàu:
- Chỉ tiêu khai thác:
+ Đối với các đoàn tàu kéo đẩy: Tốc độ từ 8 đến 10 km/h;
+ Đối với tàu tự hành: Tốc độ từ 15 đến 20 km/h;
+ Đối với tàu khách: Tàu thường: tốc độ 25 km/h; tàu cao tốc: tốc độ từ 45 đến 60 km/h.
- Chất lượng đội tàu:
+ Nâng cao năng suất vận tải theo hướng dùng động cơ có công suất lớn;
+ Nâng cao tính linh hoạt và khả năng hoạt động của tàu. Áp dụng những kỹ thuật tiên tiến trong việc đóng tàu để nâng cao tính năng khai thác vận tải.
d. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển đội tàu giai đoạn đến năm 2010: 6.936 tỷ đồng.
3. Định hướng phát triển đội tàu vận tải thủy nội địa đến năm 2020
a. Nhu cầu và cơ cấu đội tàu đến năm 2020:
- Tổng trọng tải đội tàu hàng là 6.600.000 tấn phương tiện và tàu khách là 515.300 ghế khách;
- Cơ cấu đội tàu vận tải hàng đến năm 2020: Sà lan chở hàng khô chiếm 33%, sà lan chở hàng lỏng chiếm 2%, tàu tự hành chở hàng khô chiếm 62%, tàu tự hành chở hàng lỏng chiếm 3%.
b. Phương tiện vận tải trên tuyến:
- Đoàn sà lan kéo đẩy có trọng tải 1.600 ÷ 2.000 tấn;
- Tàu tự hành trên một số tuyến sông cấp I có thể sử dụng loại 800 ÷ 1.000 tấn, mớn nước có tải ≤ 3m;
- Phát triển tàu chuyên dùng chở xi măng, chở hàng tươi sống;
- Phát triển tàu khách du lịch sinh thái vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
c. Chất lượng đội tàu:
Nâng cao chất lượng và trẻ hóa đội tàu để đến năm 2020 đội tàu có tuổi bình quân từ 5 đến 7 năm tuổi.
d. Nhu cấu vốn đầu tư phát triển đội tàu giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020 là 9.553 tỷ đồng.
4. Một số giải pháp, chính sách chủ yếu
a. Các giải pháp, chính sách tạo vốn:
Thực hiện đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực vận tải thủy nội địa theo hướng cổ phần hóa, hoặc theo mô hình công ty Mẹ - công ty Con. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư ở tất cả các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển đội tàu vận tải thủy nội địa, đồng thời tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển của nước ngoài.
b. Các giải pháp, chính sách phát triển vận tải:
- Tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế đặc biệt là thành phần kinh tế tư nhân, tham gia kinh doanh vận tải đường thủy nội địa. Thành phần kinh tế nhà nước cần chú trọng phát triển để vận tải phục vụ vùng sâu, vùng xa và các nhiệm vụ đột xuất khác. Tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực vận tải thủy nội địa như chất lượng phương tiện, chất lượng dịch vụ, an toàn giao thông.
- Tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng đối với mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải thủy nội địa. Nhà nước có cơ chế chính sách cho tư nhân vay vốn phát triển phương tiện vận tải thủy nội địa để tham gia các dịch vụ vận tải, Nhà nước ưu tiên vốn ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đường thủy nội địa.
- Nâng cao chất lượng vận tải và dịch vụ vận tải như: Đổi mới phương tiện về số lượng và chủng loại phù hợp với yêu cầu vận tải hàng hóa, hành khách trên các thuyền vận tải. Phát triển vận tải đa phương thức tạo điều kiện thuận lợi cho chủ hàng và tiết kiệm chi phí xã hội.
c. Chính sách phát triển nguồn nhân lực:
- Xác định lao động chuyên ngành kỹ thuật phải được đào tạo, có dự báo nhu cầu lao động các loại và đề ra chương trình đào tạo và đào tạo lại đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ.
- Xây dựng tiêu chuẩn các loại ngành nghề chuyên môn, để có chương trình đào tạo bổ túc phù hợp.
- Các cơ sở đào tạo phải đi trước một bước trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật chuyên ngành bằng việc trang bị các phương tiện kỹ thuật mới, học tập kinh nghiệm đào tạo nghề ở các nước có giao thông đường thủy phát triển.
Điều 2. Quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch.
Cục Đường sông Việt Nam quản lý Quy hoạch phát triển đội tàu vận tải thủy nội địa sau khi được phê duyệt. Định kỳ rà soát, cập nhật trình Bộ xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch theo thẩm quyền đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với các quy định hiện hành.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1 Quyết định 4146/QĐ-BGTVT năm 2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển đội tàu vận tải thủy nội địa giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2 Quyết định 4146/QĐ-BGTVT năm 2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển đội tàu vận tải thủy nội địa giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành