Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 641/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 31 tháng 05 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;

Căn cứ Quyết định số 1941/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh phân công Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đứng đầu tổ chức phối hợp liên ngành;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh (sau đây gọi tắt là Hội đồng) trên cơ sở Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia để tham mưu và tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh. Cơ quan thường trực của Hội đồng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Điều 2. Nhiệm vụ của Hội đồng

1. Tham mưu, tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo:

a) Xây dựng và thực hiện chiến lược, chính sách, các chương trình, nhiệm vụ và hoạt động về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh; các giải pháp nhằm thực hiện phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh; giám sát đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam theo Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; giám sát đánh giá việc thực hiện các chương trình, nhiệm vụ và hoạt động về nâng cao năng lực cạnh tranh; tổng kết thực hiện phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh ở Việt Nam;

b) Những hoạt động liên quan đến những cam kết của Chính phủ Việt Nam với Liên hợp quốc và quốc tế trong khuôn khổ hoạt động của thập kỷ giáo dục vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc (giai đoạn 2005 - 2014);

c) Xây dựng báo cáo quốc gia về phát triển bền vững, báo cáo quốc gia về năng lực cạnh tranh; tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững, Hội nghị toàn quốc về nâng cao năng lực cạnh tranh.

2. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các báo cáo tư vấn, kiến nghị của Hội đồng về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.

3. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Điều 3. Cơ cấu thành viên của Hội đồng

1. Chủ tịch Hội đồng: Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân.

2. Phó Chủ tịch Thường trực: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

3. Phó Chủ tịch: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Phó Chủ tịch: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5. Phó Chủ tịch: Lãnh đạo Bộ Ngoại giao.

Các Ủy viên Hội đồng:

6. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy viên Thường trực;

7. Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ;

8. Lãnh đạo Bộ Tài chính;

9. Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ;

10. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo;

11. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

12. Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông;

13. Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

14. Lãnh đạo Bộ Y tế;

15. Lãnh đạo Bộ Xây dựng;

16. Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải;

17. Lãnh đạo Bộ Công Thương;

18. Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương;

19. Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội;

20. Lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội;

21. Lãnh đạo Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội;

22. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

23. Lãnh đạo Viện Khoa học Xã hội Việt Nam;

24. Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam;

25. Lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam;

26. Lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam;

27. Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam;

28. Lãnh đạo Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;

29. Lãnh đạo Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

30. Lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam;

31. Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;

32. Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam;

33. Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam;

34. Lãnh đạo Công ty cổ phần FPT;

35. Lãnh đạo Hội Xã hội học Việt Nam;

36. Lãnh đạo Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam;

37. Lãnh đạo Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam;

38. Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam;

39. Ông Nguyễn Bá Ân, Chuyên viên cao cấp Vụ Thư ký - Biên tập

Văn phòng Chính phủ, Tổng Thư ký Hội đồng;

40. Ông Trương Đình Tuyển, Chuyên gia, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại;

41. Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia, nguyên Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Điều 4. Tổ chức, hoạt động, con dấu và cơ quan giúp việc của Hội đồng

1. Tổ chức của Hội đồng

Hội đồng có 4 Ủy ban chuyên môn, bao gồm:

a) Ủy ban Phát triển bền vững về kinh tế và Nâng cao năng lực cạnh tranh do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì;

b) Ủy ban Phát triển bền vững về xã hội do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì;

c) Ủy ban Phát triển bền vững về tài nguyên và môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì;

d) Ủy ban về Thập kỷ giáo dục vì sự Phát triển bền vững của Việt Nam do Lãnh đạo Bộ Ngoại giao chủ trì.

2. Hoạt động của Hội đồng

Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tham mưu, tư vấn, thực hiện theo kết luận của Chủ tịch Hội đồng. Các thành viên của Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Quy chế hoạt động của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng ban hành. Trong quy chế hoạt động của Hội đồng có Quy chế hoạt động và cơ cấu tổ chức của các Ủy ban chuyên môn.

3. Con dấu của Hội đồng

Chủ tịch Hội đồng sử dụng con dấu Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Thường trực và Phó Chủ tịch Hội đồng sử dụng con dấu của Bộ chủ trì các Ủy ban chuyên môn của Hội đồng.

4. Cơ quan giúp việc của Hội đồng và các Ủy ban chuyên môn

Hội đồng có cơ quan giúp việc là Văn phòng Phát triển bền vững, đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Văn phòng Phát triển bền vững có con dấu và tài khoản riêng. Chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của Văn phòng Phát triển bền vững do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định.

Kinh phí hoạt động của Văn phòng Phát triển bền vững do Ngân sách nhà nước đảm bảo, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và được sử dụng theo quy định tài chính hiện hành.

Các Ủy ban chuyên môn của Hội đồng có tổ chuyên viên giúp việc đặt tại Bộ chủ trì Ủy ban.

Điều 5. Kinh phí hoạt động của Hội đồng và các Ủy ban chuyên môn

Kinh phí hoạt động của Hội đồng do Ngân sách nhà nước đảm bảo, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của Văn phòng Phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và được sử dụng theo quy định tài chính hiện hành.

Kinh phí hoạt động của các Ủy ban chuyên môn do Ngân sách nhà nước đảm bảo, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của Bộ chủ trì Ủy ban đó và được sử dụng theo quy định tài chính hiện hành.

Điều 6. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Thay thế Quyết định số 248/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia và Quyết định số 663/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách thành viên của Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực, các cơ quan, tổ chức có thành phần tham gia Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh báo cáo nhân sự cụ thể về cơ quan thường trực của Hội đồng để trình phê duyệt.

5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các thành viên của Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ, Cục, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KGVX (3b)

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng