BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 642/QĐ-TCTHADS | Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH KIỂM TRA VIỆC RA QUYẾT ĐỊNH HOÃN THI HÀNH ÁN, ỦY THÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ NĂM 2014
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Căn cứ Luật Thi hành án dân sự ngày 14/11/2008;
Căn cứ Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công thức làm công tác thi hành án dân sự;
Căn cứ Quyết định số 2999/QĐ-BTP ngày 06/11/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp công bố việc thành lập Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp;
Căn cứ Chương trình công tác năm 2014 của Bộ Tư pháp, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cần tăng cường kiểm tra đối với công tác thi hành án dân sự nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 và Giám đốc Trung tâm Dữ liệu, Thông tin và Thống kê thi hành án dân sự,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch kiểm tra việc ra quyết định hoãn thi hành án, ủy thác thi hành án dân sự đối với các cơ quan thi hành án dân sự năm 2014”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, Chánh văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TỔNG CỤC TRƯỞNG |
KẾ HOẠCH
KIỂM TRA VIỆC RA QUYẾT ĐỊNH HOÃN THI HÀNH ÁN, ỦY THÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ NĂM 2014
(Ban hành kèm theo Quyết định số 642/QĐ-TCTHADS ngày 01 tháng 10 năm 2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự)
Căn cứ Chương trình công tác năm 2014 của Bộ Tư pháp, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cần tăng cường kiểm tra đối với công tác thi hành án dân sự nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội, Tổng cục Thi hành án dân sự xây dựng Kế hoạch kiểm tra việc ra quyết định hoãn thi hành án dân sự, ủy thác thi hành án dân sự đối với các cơ quan thi hành án dân sự năm 2014 trong toàn quốc, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
1. Mục đích
- Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, khuyết điểm trong quá trình ra quyết định hoãn thi hành án dân sự, ủy thác thi hành án dân sự nhằm đảm bảo số liệu báo cáo thống kê thi hành án năm 2014 trung thực, chính xác, kết quả công tác thi hành án dân sự thực chất và bền vững.
- Đánh giá những ưu điểm, nhược điểm; những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để giúp các cơ quan thi hành án dân sự kịp thời khắc phục.
2. Yêu cầu
- Việc kiểm tra phải đầy đủ, chính xác, khách quan, đạt kết quả tốt và không làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện kế hoạch công tác thi hành án dân sự của các cơ quan thi hành án dân sự.
- Kết thúc kiểm tra phải có kết luận kiểm tra. Nội dung kết luận kiểm tra phải chỉ rõ những ưu điểm, khuyết điểm, biện pháp khắc phục và phải cá thể hóa trách nhiệm của từng đơn vị, từng cá nhân để có biện pháp xử lý thích hợp và đúng với mẫu Kết luận kiểm tra do Tổng cục trưởng ban hành (mẫu Kết luận kiểm tra được ban hành kèm theo Quyết định số 302/QĐ–TCTHADS ngày 07/2/2013 của Tổng cục Thi hành án dân sự).
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
1. Phạm vi và nội dung kiểm tra
1.1. Phạm vi kiểm tra
Kiểm tra toàn bộ số hồ sơ thi hành án mà các cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án, quyết định ủy thác thi hành án kể từ ngày 01/10/2013 đến ngày 30/9/2014, trong đó tập trung kiểm tra hồ sơ hoãn thi hành án và hồ sơ ủy thác thi hành án trong các tháng 7, 8 và 9 năm 2014.
1.2. Nội dung kiểm tra
- Việc thụ lý, ra quyết định thi hành án;
- Việc lập hồ sơ thi hành án;
- Về trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án: việc xác minh, phân loại án; căn cứ để ra quyết định hoãn thi hành án, quyết định ủy thác thi hành án;
- Việc thu, chi tiền, xử lý vật chứng, tài sản thi hành án trong hồ sơ hoãn thi hành án, hồ sơ ủy thác thi hành án.
2. Hình thức và phương pháp kiểm tra
2.1. Tự kiểm tra
a) Hình thức kiểm tra
- Chấp hành viên tự kiểm tra hồ sơ thi hành án thuộc trách nhiệm tổ chức thi hành của mình.
- Chi cục Thi hành án dân sự chỉ đạo chấp hành viên tự kiểm tra và tổ chức kiểm tra hồ sơ thi hành án thuộc trách nhiệm tổ chức thi hành của chấp hành viên do Chi cục quản lý;
- Cục Thi hành án dân sự chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc, chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tự kiểm tra và tổ chức kiểm tra hồ sơ thi hành án của chấp hành viên do Cục Thi hành án dân sự quản lý và các Chi cục khi phát hiện có sai phạm hoặc khi cần thiết.
b) Phương pháp tự kiểm tra
- Quá trình kiểm tra, chấp hành viên, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự căn cứ vào Hồ sơ thi hành án dân sự, các quyết định về hoãn thi hành án dân sự, ủy thác thi hành án dân sự; các loại sổ sách, tài liệu có liên quan, đối chiếu với các quy định của pháp luật để kiểm tra, đánh giá.
2.2. Thành lập Đoàn kiểm tra
a) Hình thức thành lập Đoàn kiểm tra
- Chi cục Thi hành án dân sự thành lập Đoàn kiểm tra để kiểm tra Hồ sơ thi hành án của chấp hành viên thuộc Chi cục quản lý (nếu cần thiết);
- Cục Thi hành án dân sự thành lập Đoàn kiểm tra để kiểm tra Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc và Hồ sơ thi hành án của chấp hành viên thuộc Cục quản lý (nếu cần thiết).
- Trên cơ sở báo cáo kết quả công tác năm 2014 của các Cục Thi hành án dân sự, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ tiến hành kiểm tra tại một số cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, nhất là những đơn vị có số việc hoãn và ủy thác thi hành án chiếm tỷ lệ cao để đánh giá chính xác công tác thi hành án dân sự theo các nội dung kiểm tra tại Kế hoạch này.
b) Phương pháp kiểm tra của Đoàn kiểm tra:
- Quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra nghe báo cáo của đơn vị, cá nhân được kiểm tra; Trực tiếp kiểm tra các loại sổ sách, hồ sơ, các báo cáo thống kê kết quả công tác thi hành án của chấp hành viên, của cơ quan Thi hành án dân sự và các tài liệu có liên quan. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm phải yêu cầu báo cáo, giải trình và xác minh làm rõ những vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm tra.
- Trường hợp cần thiết, Đoàn kiểm tra trực tiếp tiến hành xác minh, làm việc với cơ quan, cá nhân, tổ chức liên quan đến nội dung kiểm tra.
- Kết thúc đợt kiểm tra, Đoàn kiểm tra công bố kết luận sơ bộ, sau đó phải có kết luận kiểm tra chính thức và lập, lưu trữ đầy đủ hồ sơ kiểm tra bao gồm các tài liệu sau: Kế hoạch kiểm tra; Quyết định kiểm tra; Kết luận kiểm tra của Đoàn kiểm tra do Trưởng Đoàn kiểm tra ký; Quyết định phê duyệt kết luận kiểm tra của người đã ra quyết định kiểm tra; Báo cáo và tài liệu có liên quan của đơn vị, cá nhân được kiểm tra; Biên bản làm việc giữa Đoàn kiểm tra với đơn vị, cá nhân được kiểm tra và những cơ quan, cá nhân khác có liên quan đến nội dung kiểm tra.
Kết luận kiểm tra phải được công bố công khai, gửi đến đơn vị được kiểm tra, các tổ chức, cá nhân có liên quan để biết, thực hiện.
3. Nguyên tắc xử lý vi phạm
- Đối với tất cả các tổ chức, cá nhân có vi phạm, tùy theo mức độ vi phạm phải xử lý nghiêm túc, triệt để, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, nhất là các cá nhân, đơn vị cố tình vi phạm pháp luật để chạy theo thành tích, báo cáo số liệu không trung thực, không đúng thực chất.
- Các đơn vị tự phát hiện vi phạm và khắc phục các vi phạm sẽ được xem xét, cân nhắc trong việc xử lý trách nhiệm.
4. Tổ chức thực hiện kết luận kiểm tra
- Kết luận kiểm tra phải được đơn vị, cá nhân được kiểm tra và những người có liên quan nghiêm túc thực hiện và phải báo cáo kết quả thực hiện kết luận kiểm tra với người đã ra quyết định kiểm tra và Đoàn kiểm tra.
- Trường hợp cần thiết, người đã ra quyết định kiểm tra có thể thành lập Đoàn phúc tra để kiểm tra việc thực hiện Kết luận kiểm tra.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KIỂM TRA
1. Chấp hành viên
Tự kiểm tra Hồ sơ thi hành án dân sự được giao tổ chức thi hành và báo cáo kết quả kiểm tra cho Chi cục trưởng.
2. Chi cục Thi hành án dân sự
- Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc chấp hành viên thuộc Chi cục tự kiểm tra, rà soát Hồ sơ thi hành án của mỗi chấp hành viên để có biện pháp giải quyết đúng quy định của pháp luật;
- Tổ chức kiểm tra đối với các Chấp hành viên khi thấy cần thiết và chỉ đạo tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch kiểm tra về Cục Thi hành án dân sự để Cục tổng hợp báo cáo Tổng cục Thi hành án dân sự.
3. Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Chỉ đạo các phòng chuyên môn thuộc Cục, Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc và chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tự kiểm tra và tổ chức kiểm tra đối với Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án dân sự, Chấp hành viên thuộc Cục và Chi cục Thi hành án dân sự thuộc phạm vi quản lý nếu thấy việc kiểm tra có sai phạm hoặc xử lý không nghiêm;
- Tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra của địa phương và tổng hợp các vướng mắc trong quá trình thực hiện gửi về Tổng cục để có biện pháp giải quyết.
4. Tổng cục Thi hành án dân sự
- Chỉ đạo, đôn đốc các Cục Thi hành án dân sự thực hiện kế hoạch kiểm tra;
- Lựa chọn, quyết định thành lập Đoàn kiểm tra tại một số địa phương để kiểm tra;
- Xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm liên quan đến nội dung kiểm tra thuộc thẩm quyền xử lý của Tổng cục ;
- Tổng hợp báo cáo của các địa phương, của các Đoàn kiểm tra về kết quả thực hiện kế hoạch kiểm tra, đánh giá những mặt được, chưa được, báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp.
5. Thời gian thực hiện việc kiểm tra
Để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các thiếu sót, khuyết điểm, đánh giá đúng thực chất kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2014, Kế hoạch này phải thực hiện xong trước ngày 15/11/2014, cụ thể:
- Chấp hành viên tự kiểm tra và báo cáo kết quả với Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự trước ngày 10/10/2014;
- Chi cục Thi hành án dân sự tổ chức kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra, tự kiểm tra của Chi cục với Cục Thi hành án dân sự trước ngày 15/10/2014;
- Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự chỉ đạo việc tự kiểm tra tại Cục Thi hành án dân sự; tổ chức kiểm tra đối với Chấp hành viên thuộc Cục, Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án dân sự và Chi cục Thi hành án dân sự và báo cáo kết quả về Tổng cục Thi hành án dân sự trước ngày 25/10/2014;
- Tổng cục Thi hành án dân sự thành lập một số Đoàn kiểm tra để kiểm tra một số địa phương; tổng hợp báo cáo của địa phương, báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp và đề xuất các giải pháp để xử lý, khắc phục vi phạm của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương xong trước ngày 15/11/2014./.
- 1 Quyết định 74/QĐ-TCTHADS năm 2015 về Kế hoạch chỉ đạo, giải quyết việc thi hành án dân sự trọng điểm phức tạp, kéo dài do Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành
- 2 Chỉ thị 01/CT-BTP năm 2014 tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp ban hành
- 3 Thông tư liên tịch 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án và thực hiện phong tỏa, khấu trừ để thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 4 Thông tư liên tịch 265/2013/TTLT-BQP-BCA quy định việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự trong Quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Bộ Công an ban hành
- 5 Quyết định 302/QĐ-TCTHADS năm 2013 về Mẫu Kết luận kiểm tra về công tác thi hành án dân sự do Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành
- 6 Quyết định 2999/QĐ-BTP năm 2009 về việc công bố thành lập Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 7 Nghị định 74/2009/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự về Cơ quan quản lý thi hành án dân sự, Cơ quan thi hành án dân sự và Công chức làm công tác thi hành án dân sự
- 8 Luật thi hành án dân sự 2008
- 1 Quyết định 74/QĐ-TCTHADS năm 2015 về Kế hoạch chỉ đạo, giải quyết việc thi hành án dân sự trọng điểm phức tạp, kéo dài do Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành
- 2 Chỉ thị 01/CT-BTP năm 2014 tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp ban hành
- 3 Thông tư liên tịch 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án và thực hiện phong tỏa, khấu trừ để thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 4 Thông tư liên tịch 265/2013/TTLT-BQP-BCA quy định việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự trong Quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Bộ Công an ban hành