ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 652/QĐ-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 12 năm 1982 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ “QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG LỀ ĐƯỜNG” Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chánh các cấp ngày 27-10-1962 ;
Theo đề nghị của đồng chí Giám đốc Sở Quản lý Nhà đất và Công trình công cộng thành phố.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm quyết định “Quy định tạm thời về quản lý và sử dụng lề đường” ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Sở Quản lý Nhà đất và Công trình công cộng có nhiệm vụ tổ chức và hướng dẫn thực hiện tốt bản quy định tạm thời này trong toàn thành phố.
Điều 3. Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG LỀ ĐƯỜNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Kèm theo Quyết định số 652/QĐ-UB ngày 02-12-1982)
Chương 1.
NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1. Lề đường là công trình công cộng được xây dựng để phục vụ cho sự đi lại an toàn của người đi bộ trên đường phố và kết hợp bố trí một số các công trình kỹ thuật đô thị nổi hoặc ngầm về điện, cây xanh, cấp thoát nước, biển đèn báo hiệu giao thông… Lề đường thuộc quyền sở hữu công cộng và do Nhà nước quản lý thống nhất.
Điều 2. Bề rộng lề đường được tính từ hàng đá vỉa đến lộ giới và được quy định riêng cho từng đường phố. Lộ giới này phụ thuộc và mặt cắt ngang thiết kế của tuyến đường bộ (lộ giới được quy định trong Văn bản số 639/XDCB).
Điều 3.
a) Mọi trường hợp cần thiết sử dụng lề đường, dù là mục đích công hay riêng, kể cả việc thi công lắp đặt các công trình kỹ thuật đô thị trong phạm vi lề đường (nói ở điều 1) đều phải được Sở Quản lý Nhà đất và công trình công cộng cho phép và nộp một khoản lệ phí quy định. Trường hợp đặc biệt phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
b) Các hình thức sử dụng hoặc chiếm dụng lề đường làm cản trở giao thông đi bộ trên đường phố, trái với tinh thần quy định này đều phải giải tỏa.
c) Các chướng ngại vật trên lề đường nếu là diện vô thừa nhận thì Ủy ban nhân dân quận (huyện) có quyền cho giải tỏa, thu hồi và xử lý như những vật dụng phế liệu, phế thải.
Điều 4. Việc xây dựng lề đường phải phối hợp với việc xây dựng các công trình kỹ thuật đô thị nằm trong phạm vi lề đường, đồng thời phải phù hợp với phương hướng cải tạo và qui hoạch chung của thành phố. Phải đảm bảo đúng qui cách kỹ thuật, an toàn và mỹ quan đường phố.
Chương 2.
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỈA HÈ
Điều 5.
a/ Cấm thả rong, làm chuồng nuôi súc vật, buộc gia súc hoặc chăn nuôi, trồng trọt trên lề đường.
b/ Cấm phóng uế, đổ rác, vứt rác, xác súc vật, phân và các thứ dơ bẩn khác ra lề đường.
c/ Cấm tất các các loại xe chạy dọc trên lề đường. Cấm tất cả các loại xe ô tô, xe ba gác, xe 3 bánh có động cơ đậu trên lề đường.
d/ Tại nơi tập trung đông người, tất cả các loại xe phải để đúng vào nơi quy định riêng.
Điều 6.
a/ Cấm không được tùy tiện đào bới lề đường. Cơ quan, tổ chức, tư nhân khi được phép đào lề đường hoặc sử dụng mặt bằng lề đường làm nơi để các thiết bị nguyên vật liệu thi công sửa chữa các công trình kỹ thuật đô thị, phải xếp gọn đúng vào nơi quy định. Hết thời hạn cho phép sử dụng phải bốc dỡ giải tỏa và sửa chữa lề đường lại như cũ.
b/ Trong khi sử dụng lề đường, cần phải có biển đèn báo hiệu nguy hiểm ngày và đêm. Những công trình sửa chữa xây dựng với quy mô lớn cần phải có hàng rào che chắn phạm vi thi công và chỉ dẫn lối đi an toàn cho người đi bộ.
Điều 7.
a/ Cấm tất cả mọi hoạt động sản xuất kinh doanh buôn bán trên lề đường. Trường hợp cần phục vụ nhân dân trong các ngày lễ tết hoặc có yêu cầu đặc biệt, Ủy ban nhân dân quận (huyện) xét cho phép được sử dụng tạm thời trên lề đường ở một số nơi quy định.
b/ Khi được phép, các tổ chức buôn bán chỉ được chưng bày hàng, bán hàng ở đúng nơi cho phép, không được tự ý chiếm chỗ hoặc đổi chỗ làm mất trật tự, vệ sinh trên đường phố.
c/ Các cửa hàng dọc theo lộ giới không được bày bán hàng lấn ra lề đường.
d/ Mọi trường hợp sử dụng, nếu là hư hại lề đường hoặc các công trình kỹ thuật đô thị khác, thì người hoặc cơ quan đơn vị sử dụng phải chịu trách nhiệm bồi thường cho cơ quan quản lý những thiệt hại đã gây ra.
Điều 8. Các công trình kỹ thuật đô thị đặt nối trên lề đường phải được xây dựng chắc chắn, bảo đảm mỹ quan và đúng qui cách. Hàng trào dọc theo lộ giới phải xây dựng chắc chắn, gọn đẹp.
Điều 9.
a/ Nếu sử dụng lề đường không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng không sử dụng đúng chỗ cho phép thì người hoặc cơ quan, đơn vị sử dụng sẽ bị phạt vi cảnh.
b/ Người hoặc cơ quan, đơn vị vi phạm quy định sử dụng lề đường nhiều lần sẽ bị phạt vi cảnh theo hình thức nặng nhất như trong điều 5 của điều lệ phạt vi cảnh ban hành kèm theo Nghị định số 143/CP ngày 27-5-1977 của Hội đồng Chính phủ.
c/ Người hoặc cơ quan, đơn vị đã bị phạt vi cảnh theo hình thức nặng nhất mà vẫn không chịu chấp hành đúng quy định thì cơ quan quản lý lề đường có quyền giải tỏa và thu hồi các chướng ngại, vật dụng.. để trái phép trên lề đường.
d/ Khi tới nhận lại các vật dụng bị thu hồi, người hoặc cơ quan đơn vị vi phạm phải chịu nộp phạt tăng lệ phí gấp 5 (năm) lần mức lệ phí quy định bình thường cho cơ quan quản lý và chịu mọi phí tổn về bốc dỡ, chuyên chở, lưu kho, lưu bãi.
d/ Sau 15 (muời lăm) ngày kể từ ngày thu hồi, nếu không có người hoặc cơ quan đơn vị tới nhận thì cơ quan quản lý được quyền xử lý như các loại vật tư vô chủ.
Chương 3.
XỬ LÝ VI PHẠM VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10.
a/ Mọi công dân đều phải có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh quy định này. Ai vi phạm các điều quy định trên, tùy mức độ nặng nhẹ sẽ bị xử lý thích đáng theo các hình thức :
- Cảnh cáo.
- Phạt vi cảnh.
- Phạt tăng lệ phí và bồi thường thiệt hại vật chất.
- Truy tố trước pháp luật.
Triệt phá không bồi thường các công trình xây dựng trái phép trên lề đường.
b/ Các tổ chức và cá nhân bị thiệt hại có quyền khiếu nại đòi bồi thường thích đáng.
c/ Nếu cơ quan đơn vị vi phạm bị xử phạt thì thủ trưởng cơ quan đơn vị chịu trách nhiệm.
- Nếu người trong gia đình vi phạm thì chủ hộ bị xử phạt.
- Nếu trẻ em dưới 16 tuổi vi phạm thì cha mẹ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bị xử phạt.
Điều 11.
a. Trách nhiệm và quyền hạn của Sở Quản lý Nhà đất và Công trình công cộng.
- Là cơ quan quản lý thống nhất lề đường có thẩm quyền về các mặt sử dụng bảo quản, sửa chữa, xây dựng lề đường.
- Nghiên cứu xây dựng chế độ thu lệ phí sử dụng lề đường trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành và hướng dẫn cấp quận, huyện thi hành thống nhất.
- Cấp giấy phép và thu lệ phí các trường hợp sử dụng tạm thời lề đường vào mục đích ghi ở điểm a, điều 6.
- Ra quyết định phá dỡ những công trình xây dựng trái phép, những công trình xây dựng không đúng qui cách trên lề đường.
- Thông báo và truy tố những trường hợp gây hư hại lề đường và các công trình kỹ thuật đô thị đặt trên lề đường.
- Thành lập các đội quy tắc tham gia xử lý các trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý và sử dụng lề đường.
b/ Trách nhiệm và quyền hạn của Ủy ban nhân dân quận (huyện) :
- Là cơ quan quản lý lãnh thổ về mọi hoạt động kinh tế ở địa phương trrên phạm vi lề đường.
- Cấp giấy phép và thu lệ phí các hình thức hoạt động kinh tế trên phạm vi lề đường như quy định ở điểm a điều 7.
- Quyết định giải tỏa thu hồi phạt tăng lệ phí và xử lý các chướng ngại, vật dùng chiếm trái phép trên phạm vi lề đường.
- Quyết định bắt bồi thường những hư hại lề đường do các hoạt động kinh tế gây ra.
- Trực tiếp xử lý các trường hợp vi phạm quy định tạm thời về quản lý và sử dụng lề đường.
- Tổ chức các đội kiểm tra qui tắc nhằm quản lý sử dụng lề đường theo đúng quy định.
- Quận, huyện, phường, xã được sử dụng 2/3 lệ phí phạt vi cảnh, 1/3 lệ phí còn lại nộp vào ngân sách thành phố,.
c/ Trách nhiệm và quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường (xã).
- Là một đơn vị cơ sở của quận, trực tiếp kiểm tra mọi hoạt động có liên quan đến việc quản lý và sử dụng lề đường.
- Trực tiếp phạt vi cảnh những trường hợp vi phạm.
- Thi hành các quyết định của Ủy ban nhân dân quận (huyện) và của thành phố về giải tỏa lề đường.
- Lập biên bản báo cáo Ủy ban nhân dân quận và thành phố những trường hợp vi phạm nghiêm trọng để cơ quan cấp trên xử lý.
- Trực tiếp điều khiển công tác của Đội qui tắc.
Điều 12. Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Quản lý Nhà đất và Công trình công cộng, Công an thành phố, Sở Tài chánh và Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm triển khai thực hiện quy định này.
Tất cả những quy định trước đây về quản lý và sử dụng lề đường trong thành phố Hồ Chí Minh trái với các điều khoản quy định này đều được hủy bỏ và thay thế bằng bản quy định tạm thời này.
- 1 Quyết định 5985/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý đô thị ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 5985/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý đô thị ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh