UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6566/QĐ-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 12 năm 2005 |
VỀ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT KHU TRUNG TÂM ĐÔ THỊ MỚI THỦ THIÊM TỶ LỆ 1/2000
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP, ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế quản lý quy hoạch;
Căn cứ quy hoạch tổng mặt bằng thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 1998;
Căn cứ Quyết định số 367/TTg ngày 04 tháng 6 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung Khu đô thị Thủ Thiêm và Quyết định số 6565/QĐ-UB, ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc phê duyệt quy hoạch chung Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm;
Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1642/CP-CN, ngày 24 tháng 11 năm 2003 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Thủ Thiêm;
Căn cứ Quyết định số 81/2004/QĐ-UB, ngày 05 tháng 4 năm 2004 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm;
Căn cứ ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng tại Công văn số 2005/BXD-KTQH, ngày 07 tháng 12 năm 2004 về việc thoả thuận điều chỉnh Quy hoạch chung và Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm;
Xét đề nghị của Ban Quản lý Khu Thủ Thiêm tại Tờ trình số 28/TTr-BQL-QH, ngày 03 tháng 6 năm 2005; Báo cáo số 80/BC-BQL-QH ngày 19 tháng 12 năm 2005.
Xét đề nghị của Sở Quy hoạch - Kiến trúc tại Tờ trình số 1817/QHKT- ĐB2, ngày 18 tháng 8 năm 2005; số 3233/QHKT.ĐB2 ngày 27 tháng 12 năm 2005 ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Duyệt quy hoạch chi tiết Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/2000, do Công ty Sasaki Associates kết hợp với Viện Quy hoạch xây dựng thành phố lập, với các nội dung chủ yếu như sau:
Phạm vi phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm bao gồm toàn bộ đất tự nhiên của các phường: An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông và một phần phường Bình An, Bình Khánh, thuộc quận 2. Tổng diện tích khu đất: 657 ha.
Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm có ranh giới như sau:
+ Phía Bắc giáp sông Sài Gòn và phần còn lại của phường Bình An, Bình Khánh quận 2.
+ Phía Nam giáp Sông Sài Gòn qua quận 4, quận 7.
+ Phía Tây giáp sông Sài Gòn qua quận 1.
+ Phía Đông giáp sông Sài Gòn qua quận 7 và giáp rạch Cá Trê nhỏ.
Đô thị mới Thủ Thiêm là khu trung tâm mới hiện đại, mở rộng của Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, với chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố, khu vực và có vị trí quốc tế; là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí; đảm nhiệm một số chức năng mà Trung tâm thành phố hiện hữu còn thiếu và hạn chế phát triển.
3. Nội dung quy hoạch chi tiết và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu:
Với diện tích khu vực quy hoạch là 657 ha, Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch với các chỉ tiêu cụ thể:
- Tổng số dân định cư: 110.000 đến 120.000 người.
- Tổng số người lao động làm việc tại Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm: 350.000 người/ngày.
- Khách vãng lai : 1.000.000 người/ngày
- Tổng diện tích sàn xây dựng : khoảng 5.400.000 m2 sàn
Trong đó:
+ Tổng diện tích sàn nhà ở : khoảng 3.050.000 m2 sàn
+ Tổng diện tích sàn văn phòng : khoảng 1.550.000 m2 sàn
+ Tổng diện tích sàn thương mại : khoảng 800.000 m2 sàn
- Hệ số sử dụng đất trung bình toàn khu: 4,2.
Cơ cấu sử dụng đất các khu vực chức năng được xác định theo bố cục quy hoạch chung Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm trong phạm vi 657 ha như sau:
+ Đất xây dựng trung tâm thương mại 46,6 ha chiếm 7,09%
+ Đất khu thương mại, đa năng 22,0 ha chiếm 3,35%
+ Đất khu dân cư đa chức năng 23,2 ha chiếm 3,54%
+ Đất khu dân cư mật độ cao 45,3 ha chiếm 6,89%
+ Đất khu dân cư mật độ trung bình 4,7 ha chiếm 0,72%
+ Đất khu dân cư mật độ thấp 24,0 ha chiếm 3,65%
+ Đất xây dựng công trình công cộng 17,1 ha chiếm 2,60%
+ Đất xây dựng công trình văn hóa, cơ sở tôn giáo 23,4 ha chiếm 3,57%
+ Đất xây dựng trường học 14,6 ha chiếm 2,23%
+ Đất công viên công cộng 86,1 ha chiếm 13,11 %
+ Đất xây dựng khu nghỉ ngơi giải trí, giáo dục 27,3 ha chiếm 4,15%
1- Đất khu vực đầm lầy sinh thái 105,3 ha chiếm 6,02%
+ Đất ao hồ mặt nước 65,2 ha chiếm 9,91%
+ Đất xây dựng đường giao thông 152,2 ha chiếm 23,17%.
Quy hoạch chi tiết cơ cấu sử dụng đất cần khai thác, vận dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể trong quá trình phát triển, đáp ứng các nhu cầu của thành phố trong tương lai.
4. Quy hoạch chi tiết các khu vực chức năng đô thị:
Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm được chia thành năm (5) khu vực: Khu Lõi Trung tâm chính, khu Đa chức năng Đại lộ Đông - Tây, Khu dân cư phía Bắc, Khu dân cư phía Đông và Khu Lâm viên sinh thái phía Nam.
4.1 - Khu Lõi trung tâm chính:
Với chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cấp thành phố, khu vực và quốc tế, khu vực này tập trung các toà tháp văn phòng, trung tâm giao dịch, khách sạn mật độ cao, các trung tâm thương mại dịch vụ cao cấp, các công trình đa năng kết hợp với căn hộ nhà ở và các khu vực công cộng rộng lớn. Các cụm công trình Trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế ở phía Bắc; Tháp quan sát và Trung tâm thể thao giải trí ở phía Nam là những điểm nhấn kết thúc khu vực.
- Quy mô dân số : 40.000 người.
- Hệ số sử dụng đất từ 3,3 đến 18,6.
- Chiều cao công trình từ mười (10) đến khoảng bốn mươi (40) tầng.
- Các khu không gian mở chủ yếu gồm: Quảng trường, công viên Vòng cung, Công viên hồ trung tâm, kênh phía bắc Trung tâm Hội nghị Triển lãm quốc tế, kênh phía bắc Trung tâm thể thao giải trí.
4.2- Khu dân cư phía Bắc:
- Chức năng chính là khu vực dân cư mật độ cao kết hợp một số khu vực thương mại dịch vụ đa chức năng dọc theo đại lộ Vòng Cung. Khu vực này xây dựng các chung cư cao tầng kết hợp toà tháp văn phòng các khu siêu thị, cửa hàng bán lẻ.
- Quy mô dân số khu vực: 40.000 người.
- Hệ số sử dụng đất dao động từ 2,7 đến 5,2. Các lô đất dọc Đại lộ Vòng cung cho phép mật độ cao nhất.
- Chiều cao công trình từ mười (10) đến ba mươi hai (32) tầng.
- Các không gian mở chính yếu bao gồm: Bốn (4) kênh đô thị; công viên dọc bờ sông Sài Gòn với chiều rộng trung bình khoảng 120m, dài 1,5 km; công viên trong các khu dân cư, công viên ven rạch Cá Trê lớn.
4.3 Khu đa chức năng Đại lộ Đông Tây:
- Các công trình đa chức năng gồm: Văn phòng, hành chánh, thương mại, dịch vụ, văn hóa, giáo dục, nghiên cứu khoa học và nhà ở. Những Công trình kiến trúc tương đối lớn được bố cục hai bên Đại lộ Đông - Tây có chức năng như là những điểm nhấn kiến trúc, tạo ra cửa ngõ của Khu đô thị mới Thủ Thiêm từ quận 1 và quận 2. Khu dân cư được bố trí chủ yếu ở phía bắc và phía nam đại lộ Đông Tây có mật độ thấp hơn.
- Quy mô dân số khu vực: 25.000 người.
- Hệ số sử dụng đất ở khu dân cư mật độ thấp dao động từ 1,5 đến 3,5 và hệ số sử dụng đất dọc theo Đại lộ Đông Tây từ 2,5 đến 4,5.
- Chiều cao công trình từ 3 đến 16 tầng.
- Các không gian mở chính yếu bao gồm: Hồ trung tâm; Công viên hồ trung tâm kết hợp khu văn hóa bảo tàng, công viên ven rạch Cá Trê lớn, các kênh nối từ rạch Cá Trê lớn đến Lâm viên sinh thái phía Nam.
- Đại lộ Đông Tây là một trong hai đại lộ cảnh quan chính của Thủ Thiêm và là trục hạ tầng kỹ thuật quan trọng của Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm. Tuyến Metro từ quận 1 sang Quảng trường trung tâm sẽ chạy dọc theo đại lộ Đông Tây và kết nối vào ga xe lửa phía Đông thành phố Hồ Chí Minh ở quận 2.
- Khu vực tiếp giáp giữa rạch Cá Trê lớn và sông Sài Gòn được quy hoạch một cụm công trình có kiến trúc tiêu biểu với chức năng là câu lạc bộ du thuyền lớn, kết hợp đầu tư một cảng hành khách đường biển lớn của thành phố.
4.4- Khu dân cư phía Đông:
- Chức năng chính là khu vực dân cư mật độ trung bình chuyển tiếp giữa Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm và quận 2.
- Quy mô dân số khu vực: 15.000 người.
- Hệ số sử dụng đất biến đổi từ 2,3 đến 4,5.
- Chiều cao công trình từ bốn (4) tầng đến mười lăm (15) tầng (tại những lô phố bên trong).
- Không gian mở tạo cảnh quan chính của Khu là cụm công trình du lịch khách sạn và Công viên trên một đảo nhỏ, kết nối trực tiếp với không gian vùng Hồ trung tâm và hệ thống kênh rạch chính của Thủ Thiêm.
4.5- Khu Lâm viên sinh thái phía Nam:
Chức năng chính là khu vực dành cho mục đích bảo vệ môi trường và thoát nước mặt kết hợp nghỉ ngơi, giải trí và giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên như một lâm viên sinh thái rừng ngập nước ngay tại trung tâm thành phố. Khu vực này phần lớn là vùng sinh thái ngập nước, chỉ bố cục ba (3) khu đất xây dựng các công trình du lịch giải trí, dịch vụ thương mại và trung tâm nghiên cứu, có quy mô và kiến trúc hài hòa, mật độ xây dựng thấp để không phá vỡ cảnh quan chung.
5. Quy hoạch hệ thống không gian mở:
Triển khai chi tiết các ý tưởng chủ đạo của hệ thống không gian - mở một chức năng quan trọng của khu Thủ Thiêm, quy hoạch đã xác định 9 loại hình không gian mở đa dạng với các đặc trưng về cảnh quan và chức năng như sau:
5.1 - Công viên ven sông Sài gòn thuộc khu dân cư phía Bắc:
Vị trí: tiếp giáp sông Sài Gòn, khu dân cư phía Bắc và các kênh đô thị. Công viên bờ sông tự nhiên dài khoảng 1,5 km với bề rộng trung bình 120 mét với chức năng chính là khu nghỉ ngơi giải trí.
5.2- Kênh đô thị:
Vị trí: Có bốn (4) kênh đô thị ở Thủ Thiêm. Các kênh này tạo dòng chảy từ sông Sài Gòn nối kết vào hồ trung tâm, có tác dụng trong việc điều tiết nước lũ và nâng cao chất lượng nước trong nội vi Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm. Đường dạo bộ đô thị được thiết kế dọc hai bờ kênh, với nhiều cây bóng mát. Không gian này là nơi nghỉ ngơi giải trí và tổ chức các sinh hoạt đặc thù của kênh rạch vùng Nam bộ.
5.3- Công viên Vòng cung bờ sông Sài Gòn:
Vị trí: Tiếp nối giữa sông Sài Gòn và Khu Lõi trung tâm. Khu công viên này là nơi tổ chức các lễ hội lớn của thành phố. Đầu phía Nam của công viên được quy hoạch với địa hình đặc biệt nối kết với khu ngập nước của lâm viên sinh thái. Đầu phía Bắc Công viên Vòng cung dành cho không gian biểu diễn ngoài trời gắn kết với không gian công trình Trung tâm Hội nghị Triển lãm quốc tế.
5.4- Quảng trường Trung tâm:
Quảng trường Trung tâm là một khoảng không gian rộng lớn phục vụ nhu cầu giao lưu sinh hoạt đa dạng của công chúng, là nơi diễn ra các hoạt động chính trị, văn hóa, lễ hội của thành phố với nhiều sự kiện đa dạng và thường xuyên. Quảng trường có diện tích khoảng 20 ha dài 200m rộng 120m liên kết với các không gian mở lớn của khu vực sông Sài Gòn, Hồ Trung tâm và không gian công cộng của các kiến trúc lớn liền kề, đặc biệt là với đại lộ Vòng cung. Quảng trường cần có thiết kế độc đáo đặc trưng như một biểu tượng về văn hóa kiến trúc thật sự hấp dẫn của thành phố.
5.5- Hồ Trung tâm: Hồ Trung tâm có diện tích khoảng 14 hecta ứng với diện tích công viên cây xanh ven hồ, liên kết với hệ thống cây xanh, mặt nước của Thủ Thiêm, không gian mở này tạo ra một cảnh quan đặc biệt hấp dẫn, phục vụ nhu cầu du lịch, nghỉ ngơi giải trí cho cả thành phố và khu vực. Hồ có chức năng giữ nước tại Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, thu nhận nước từ các kênh rạch. Bờ hồ được thiết kế kết hợp giữa bờ cứng và mềm với những thảm thực vật và không gian mở.
5.6- Rạch tự nhiên:
Phần lớn rạch hiện hữu được giữ lại và tôn tạo. Một số rạch được cải tạo như: Rạch Cá Trê, rạch Cá Trê lớn, rạch Ngọn én. Rạch có chiều rộng khác nhau, từ 35m đến 60 mét.
5.7- Công viên trong các khu ở:
Vị trí: Các công viên được bố trí xen cài trong các khu dân cư. Với kích thước dao động từ 0,5 đến 1,5 hecta. Những công viên này mang đặc trưng là thảm cỏ, mặt nước, cây trồng, sân chơi cho trẻ em, phục vụ nhu cầu giao lưu sinh hoạt, thư giãn hàng ngày của cộng đồng dân cư.
5.8- Bến du thuyền và các bến thuyền: Các không gian này ngoài công năng sử dụng, kiến trúc cảnh quan của nó sẽ tạo cảm nhận về hình ảnh đặc biệt của không gian mở Thủ Thiêm với đặc thù sông nước một cách trực tiếp.
5.9- Khu Lâm viên sinh thái phía Nam: Cảnh quan rừng ngập nước là loại hình cảnh quan chủ đạo tại Thủ Thiêm, thể hiện đặc trưng cảnh quan đồng bằng Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh, với hệ thống sinh thái, thực vật tự nhiên và môi trường sống cho động vật hoang dã. Khu cảnh quan này nằm giữa một đô thị sầm uất sôi động sẽ là một không gian hấp dẫn đặc biệt của thành phố Hồ Chí Minh, cần được nghiên cứu để khai thác hợp lý hiệu quả sử dụng cho nhu cầu nghỉ ngơi giải trí du lịch của đô thị.
6. Quy hoạch kiến trúc cảnh quan:
Kiến trúc của khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm thể hiện một đô thị trật tự và năng động của thế kỷ XXI, được tạo ra bởi những không gian có mối quan hệ bằng những "trục nối" và "các điểm nhấn". Những quy định cụ thể và chi tiết về các trục đô thị, hệ thống không gian mở, khu vực bán lẻ, vị trí tháp cao tầng, và các điểm nhấn kiến trúc được thể hiện trong bản đồ thiết kế đô thị và hướng dẫn thiết kế.
Các công trình điểm nhấn là những công trình có yêu cầu kiến trúc thẩm mỹ và nghệ thuật, kỹ thuật cao. Khi đi vào dự án cụ thể, các công trình này cần phải có sự xem xét và quyết định theo Quy chế quản lý đầu tư xây dựng được Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành. Các công trình điểm nhấn được xác định là các công trình sau:
Khu Lõi trung tâm chính: Trung tâm Du khách, Trung tâm Hội nghị, Sân vận động ngoài trời, Nhà thi đấu đa năng, Tháp quan sát, Trung tâm thể thao giải trí, Hệ thống bến phà và bến taxi thủy, Nhà ga metro, các kiến trúc lớn dọc Quảng trường và đại lộ Vòng Cung.
Khu Đa chức năng Đại lộ Đông - Tây: Những cao ốc trên trục đại lộ Đông Tây, Viện Bảo tàng nằm ven Hồ Trung tâm, Viện nghiên cứu, các nhà ga metro, Khu dân cư mật độ thấp phía nam, Bến du thuyền.
Khu Dân cư phía Bắc: Những công trình thương mại - dịch vụ đa chức năng dọc theo Đại lộ Vòng cung; công trình văn hóa đặc biệt nhìn sang Trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế, các cụm nhà ở căn phố và cửa hàng dọc theo những con kênh.
Hệ thống các cầu kết nối và bên trong Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm.
7. Quy hoạch giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật:
7.1 - Quy hoạch giao thông:
7.1.1 - Giao thông đối ngoại (kết nối với nội thành hiện hữu).
Đô thị mới Thủ Thiêm được kết nối với các quận nội thành hiện hữu qua 5 cầu và 01 đường hầm:
- Cầu nối với quận Bình Thạnh (cầu Thủ Thiêm) tại đường Nguyễn Hữu Cảnh.
- Cầu nối với quận 1 (cầu Ba Son).
- Cầu đi bộ nối với quận 1.
- Cầu nối với quận 4.
- Cầu nối với quận 7.
- Đường hầm Thủ Thiêm (thuộc dự án xây dựng Đại lộ Đông - Tây đã được Chính phủ phê duyệt).
7.1.2- Giao thông đối nội.
a) Cấp đường: các đường bộ được chia thành 04 cấp
+ Trục đường chính (cấp 1): bao gồm Đại lộ Đông - Tây, đường Bắc - Nam nối Bình Thạnh - Thủ Thiêm - quận 7.
+ Đường cấp 2: Bao gồm Đại lộ Vòng cung, đường ven sông Sài Gòn (đoạn đối diện quận 1), đường Ven hồ trung tâm (nối với xa lộ Hà Nội) và các tuyến đường nối Đại lộ Vòng cung với các cầu qua sông Sài gòn.
+ Đường cấp 3: Bao gồm các tuyến đường giới hạn 5 khu chức năng chính của đô thị Thủ Thiêm và giới hạn khu vực các khu nhà ở.
+ Đường cấp 4: Bao gồm các tuyến đường nội bộ trong các khu chức năng chính và nội bộ các khu nhà ở.
b) Lộ giới các tuyến đường nội vi Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm:
1 - Đại lộ Đông Tây: Đại lộ Đông - Tây được đề xuất với lộ giới 100 mét. Đại lộ Đông -Tây gồm 6 làn xe (3,5 mét mỗi làn), 2 làn đậu xe dọc hai bên, 2 làn ưu tiên xe buýt rộng 3.5m và 2 làn xe gắn máy rộng 6m.
2- Đại lộ Vòng cung lộ giới 45,4m, đoạn đi qua khu dân cư phía Đông lộ giới 38,6m. Đại lộ này có một dải đệm thực vật ở giữa rộng 7m, nối từ Khu Lõi trung tâm chính đến Khu dân cư phía Bắc và chạy dọc theo Khu dân cư phía Đông kết nối với quận 2. Con đường này có 4 làn xe (3,5 mét mỗi làn) với 2 làn đậu xe hai bên.
3- Đường Bắc Nam:
- Đoạn nối cầu Thủ Thiêm (từ giao lộ đường Vòng cung) với đường ven hồ có lộ giới là 30,7m. Đoạn này có 4 làn xe (3,5 mét mỗi làn) với 1 làn đậu xe một bên đường.
- Đoạn nối đường Ven hồ với đại lộ Đông Tây có lộ giới là 25,2m. Đoạn này có 4 làn xe (3,5 mét mỗi làn), không có làn đậu xe.
- Đoạn đi qua khu dân cư phía Nam đại lộ Đông Tây có lộ giới là 36,2m. Đoạn này có 4 làn xe (3,5 mét mỗi làn) với 2 làn đậu xe hai bên đường.
4- Đường nối chân cầu Ba son với đường ven hồ có lộ giới là 36,2m. Đoạn này có 4 làn xe (3,5 mét mỗi làn) với 2 làn đậu xe hai bên đường.
5- Đường nối cầu qua quận 4 với đường ven hồ có lộ giới 29,2m. Đoạn này có 4 làn xe (3,5 mét mỗi làn) với 1 làn đậu xe một bên đường.
6- Đường ven sông Sài Gòn có lộ giới 28,1m. Đoạn này có 2 làn xe (3,5 mét mỗi làn) với 2 làn đậu xe hai bên đường.
7- Đường hai bên quảng trường trung tâm lộ giới 28,1m. Đoạn này có 2 làn xe (3,3 mét mỗi làn) với 1 làn đậu xe một bên đường.
8- Đường ven sông Sài Gòn đoạn đi qua khu dân cư phía Bắc lộ giới 24,1m. Đoạn này có 2 làn xe (3,3 mét mỗi làn) với 1 làn đậu xe một bên đường.
9- Các đường cấp 3: đường vành đai trung tâm, vành đai khu dân cư phía Nam lộ giới 29,6m. Đoạn này có 2 làn xe (3,3 mét mỗi lan) với 2 làn đậu xe hai bên đường.
10. Đường ven công viên kênh phía Đông hồ trung tâm, lộ giới 18,6m. Đoạn này có 2 làn xe (3,3 mét mỗi làn), không có làn đậu xe.
11. Đường nội bộ khu vực trung tâm lộ giới 32,6 m. Đoạn này có 2 làn xe (3,3 mét mỗi làn) với 2 làn đậu xe hai bên đường.
12- Đường trong khu dân cư lộ giới 22,6m. Đoạn này có 2 làn xe (3,3 mét mỗi làn) với 2 làn đậu xe hai bên đường.
13- Đường vùng châu thổ phía Nam đường trên cao rộng 11,6m. Đoạn này có 2 làn xe (3,3 mét mỗi làn) và một làn xe đạp hoặc xe cứu nạn rộng 3m.
7.1.3- Phương tiện vận tải hành khách công cộng:
Bao gồm: Metro, xe buýt, xe điện và phương tiện giao thông công cộng đường thủy.
a) Metro: Một tuyến metro kết nối từ quận 1 sang Thủ Thiêm. Có 03 nhà ga metro ngầm chính sẽ được bố trí tại các vị trí: Quảng trường Trung tâm phía Đông Nam Hồ Trung tâm và Viện Nghiên cứu.
b) Xe buýt:
Tuyến xe buýt chính Thủ Thiêm sẽ bố trí dọc theo Đại lộ Vòng cung kéo dài kết nối Khu Lõi trung tâm chính, Khu dân cư phía Bắc và Khu đa chức năng Đại lộ Đông - Tây. Tuyến này được nối kết với mạng lưới xe buýt của thành phố bố trí trên các trục đường: Đại lộ Đông Tây, đường ven hồ, đường Bắc Nam qua cầu Thủ Thiêm và quận 7, đường nối các cầu Tôn Đức Thắng, cầu qua quận 4.
Trong quá trình triển khai các dự án hạ tầng, các trạm giao thông công cộng trên mặt đất phải được nghiên cứu thiết kế mẫu và đưa vào các dự án hạ tầng, dự án công trình ngay từ đầu.
c) Xe điện: Dự kiến bố trí trên Đại lộ Vòng cung và Đại lộ Đông Tây.
d) Giao thông thủy: Hai hệ thống.
Giao thông thủy sức chở lớn (phương tiện chở hơn 20 người): Có bốn (4) bến đậu tại Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm và các bến đậu khác dọc theo sông Sài Gòn. Các bến đậu tại Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm gồm: Quảng trường Trung tâm, Trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế, Sân vận động, Bến thuyền.
Taxi thủy - sức chở nhỏ hơn 20 người: Có mười (10) bến taxi thủy được phân bố dọc theo các kênh phía trong. Các kênh rạch được quy định sử dụng trong mục đích giao thông thủy được thể hiện cụ thể trên bản đồ quy hoạch giao thông.
Trong quá trình thực hiện dự án cần nghiên cứu thêm về quy mô tính chất, phân chia luồng rạch để cụ thể hóa các yêu cầu về thông thuyền, tổ chức giao thông thủy, yêu cầu kỹ thuật thiết kế đường thủy, cảnh quan các không gian mở và bảo vệ an toàn hai bên bờ kênh.
7.1.4- Quy hoạch giao thông cho người đi bộ:
Mạng lưới đường bộ được nối kết với các không gian mở, các trung tâm công cộng chính của thành phố và các không gian công cộng trong công trình.
Vỉa hè đường phố Khu Lõi trung tâm chính, Đại lộ Đông Tây, Đại lộ Vòng cung và những khu có lưu lượng bộ hành cao, được bố trí rộng hơn từ 4m đến 10m. Vỉa hè đường phố khu dân cư, đường phố ngang qua công viên, không gian mở, được bố trí nhỏ hơn từ 2,5m đến 3m. ở khu vực ngập nước phía Nam, một mạng lưới đường đi dạo trên cao lan toả khắp nơi, với lề rộng 2,5m.
Giao thông đi bộ còn được quản lý trong phạm vi tầng trệt và các không gian công cộng trong công trình. Vì vậy, trong bước phê duyệt thiết kế tổng mặt bằng 1/500 và thiết kế cơ sở, cần phải xem xét tính hợp lý của các hàng lang đi bộ kết nối vào hệ thống đi bộ ngoài công trình của Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm.
Cầu bộ hành qua sông Sài Gòn nối trung tâm quận 1 với Quảng trường trung tâm Thủ Thiêm, là công trình có kiến trúc độc đáo mang tính biểu tượng.
7.2- Quy hoạch chi tiết cấp điện và mạng viễn thông:
Nguồn điện: Điện lưới quốc gia.
Tổng nhu cầu điện năng cho khu Thủ Thiêm là 1,35 triệu MWH.
Có 3 trạm biến áp 110 KVA: Trạm điện An Khánh 110 KVA hiện hữu sẽ được giữ lại và nâng cấp. Thêm hai trạm biến điện mới 110KVA sẽ được đặt tại các nút điện tải chính của Đại lộ Đông - Tây và Khu Lõi Trung tâm chính.
Trung tâm viễn thông dự kiến sẽ là một bộ phận của dự án Tháp quan sát.
Cả dây tải điện lẫn cáp viễn thông đều được đặt ngầm dưới đất, trong hệ thống hào kỹ thuật.
7.3 - Quy hoạch chi tiết cấp nước:
+ Chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt cho khu dân cư (130.000 người định cư): 250l/người/ngày/đêm.
+ Chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt cho các khu công trình dân dụng khác (tính bình quân theo số lao động 350.000 người): 350l/người/ngày/đêm.
+ Tổng lưu lượng cấp nước sinh hoạt (bao gồm cả nước tưới cho cây xanh): 155.000 m3/ngày/đêm.
Nguồn nước và điểm đấu nối: Nguồn nước sạch cấp Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm được lấy từ mạng lưới cấp nước chung của thành phố Hồ Chí Minh. Có 3 vị trí kết nối chính vào Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm: ống D=500 trên đường Trần Não; ống D=500 trên đại lộ Vòng cung sang quận 2 ; ống D=500 trên đại lộ Đông Tây sang quận 2.
Mạng lưới cấp nước: được chia thành 2 cấp độ.
Các ống chính: (ống cấp I) nối liền nhau tạo thành một mạng vòng điều hòa nước. Có đường kính ống 500mm. Tổng chiều dài đường ống dự kiến 13.045 m dài.
Các đường ống phân phối: (cấp II) cung cấp nước đến từng lô phố nào tại Thủ Thiêm. Đường kính ống 350mm. Tổng chiều dài đường ống dự kiến 13.665 m dài.
7.4- Quy hoạch chi tiết thoát nước thải và vệ sinh đô thị:
Tổng lưu lượng nước thải mỗi ngày được ước tính là 155.000m3/ngày/đêm.
Nguyên tắc của mạng lưới thu gom nước thải: Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm sẽ không sử dụng hệ thống bể tự hoại cho từng công trình để xử lý nước thải trước khi hòa vào mạng lưới cống chung ngoại trừ 3 khu đất ở khu vực đất ngập nước ở phía Nam sẽ sử dụng bể tự hoại xử lý cục bộ, sau đó thải ra các kênh rạch, thông ra sông Sài Gòn. Tất cả nước thải chưa qua xử lý sẽ được dẫn về nhà máy xử lý nước thải đặt tại phường Thạnh Mỹ Lợi quận 2. Mạng lưới thu gom nước thải gồm:
. ống D 400mm, dài 9.495 m
. ống D 500mm, dài 5.465 m
. ống D 600mm, dài 580 m
. ống D 750mm, dài 3.230 m
. ống D 250mm, dài 2.290 m (có áp lực).
7.5- Quy hoạch chi tiết san nền và thoát nước mưa:
San nền:
Quy hoạch san lấp khu trực phát triển (đường bộ và các lô đất xây dựng công trình) với cao trình tối thiểu 2,5 mét.
Độ dốc thoát nước tự nhiên cho Thủ Thiêm tối thiểu 0,5% và tối đa 3%
Thu gom và thoát nước mưa:
Hệ thống thu gom nước mưa bao gồm một mạng lưới các rạch thoát nước và đường ống thoát nước. Mạng lưới thu gom nước mưa bao gồm các đường ống sau:
. ống D 800 mm, dài 5.645 m
. ống D 1.000 mm, dài 15.200 m
. ống D 1.200 mm, dài 775 m.
Nước mưa được thu gom và cho chảy vào lưu vực thoát nước bao gồm sông Sài Gòn, kênh rạch nội hạt, hồ và Khu rừng ngập nước phía Nam.
Lưu ý: Về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khi lập dự án đầu tư, hồ sơ quy hoạch hệ thống cấp nước, thoát nước và chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng cần được bổ sung theo nội dung văn bản số 2055/BXD-KTQH ngày 07 tháng 12 năm 2003 của Bộ Xây dựng và các quy chuẩn xây dựng hiện hành.
Nội dung phát triển hạ tầng kỹ thuật của khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm có sự kết hợp với các dự án phát triển hạ tầng cấp thành phố đang được triển khai và dự kiến phát triển ở các quận lân cận, đặc biệt trên địa bàn quận 2 và khu vực phía Đông thành phố. Qui hoạch mạng lưới hệ thống hạ tầng kỹ thuật trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm phải cân nhắc đến nhu cầu và yêu cầu phát triển của một vùng rộng lớn hơn, ở cấp toàn thành phố, để Thủ Thiêm được nối kết hài hòa vào trong hệ thống này.
8. Hướng dẫn thiết kế đô thị:
Nguyên tắc chung: Hướng dẫn thiết kế đô thị được quy định cho từng ô phố. Các tiêu chí quản lý xây dựng đô thị cơ bản áp dụng cho từng ô phố bao gồm:
- Chức năng chính
- Diện tích các khu đất
- Hệ số sử dụng đất
- Tỷ trọng giữa: nhà ở /văn phòng/khu thương mại bán lẻ.
- Số tầng cao xây dựng
- Quy mô số lượng xe đậu
- Bãi đậu xe công cộng ngầm/bãi đậu xe trên mặt đất/ bãi đậu xe ngầm
- Đậu xe trên đường phố: một hàng, hai hàng.
- Lộ giới
- Chỉ giới xây dựng
- Khoảng lùi
- Vị trí khối nhà tháp (nhà cao trên 10 tầng)
- Vùng tập trung khách bộ hành và lối vào chính của khách bộ hành.
- Các khu đất đặc biệt cần quan tâm trong thiết kế kiến trúc.
- Đặc tính các loại hình cảnh quan của không gian mở.
Các nội dung được quy định trong hồ sơ hướng dẫn thiết kế đô thị, là một thành phần hồ sơ được phê duyệt cùng với quy hoạch chi tiết 1/2000 (bao gồm thuyết minh, bản vẽ và hồ sơ hướng dẫn thiết kế đô thị) và được xem là nội dung quy định về Quản lý quy hoạch chi tiết xây dựng. Việc áp dụng các quy định về hướng dẫn thiết kế đô thị cần linh hoạt và đảm bảo các yêu cầu của việc đầu tư các dự án nhỏ trong từng ô phố.
Điều 2. Quyết định này thay thế cho Quyết định số 13585/KTST-QH ngày 16 tháng 9 năm 1998 của Kiến trúc sư Trưởng thành phố.
Căn cứ nội dung Quyết định này, Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm có trách nhiệm tổ chức công khai quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Thủ Thiêm để các tổ chức, cơ quan và nhân dân biết, thực hiện việc cắm mốc ranh giới quy hoạch trên khu vực đất quy hoạch theo quy hoạch chi tiết 1/2000 được phê duyệt. Ban Quản lý Khu Thủ Thiêm phổi hợp cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Uỷ ban nhân dân quận 2 kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch và xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Trong quá trình chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án đầu tư, thực hiện xây dựng các công trình trọng điểm trong đô thị mới Thủ Thiêm, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Khu đô thị Thủ Thiêm căn cứ các chương trình kế hoạch đầu tư được Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt, các dự án xây dựng cụ thể, tổ chức thực hiện đúng theo quy định của Luật Xây dựng và các Nghị định về nhiệm vụ quản lý thực hiện quy hoạch, tổ chức đấu thầu thiết kế, thi công để nâng cao hiệu quả và chất lượng các công trình xây dựng theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt.
Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Giám đốc các Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông - Công chính, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận 2 và các Ban ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
- 1 Quyết định 6565/QĐ-UBND năm 2005 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2 Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng
- 3 Quyết định 81/2004/QĐ-UB phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đồ án điều chỉnh quy hoạch chung 1/5000, quy hoạch chi tiết 1/2000, Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 4 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5 Luật xây dựng 2003
- 6 Quyết định 123/1998/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Quyết định 367/TTg năm 1996 phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, huyện Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh do Thủ tướng Chính phủ ban hành