Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 66/2006/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 15 tháng 05 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH HIỆU CHỈNH TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, BẢNG ĐIỂM CHUẨN VÀ PHƯƠNG PHÁP TÍNH ĐIỂM ĐỂ XÉT CHỌN SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Quyết định số 6475/QĐ-UB ngày 20/9/2005 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực;
Căn cứ Quyết định số 03/2006/QĐ-UB ngày 03/01/2006 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy chế đánh giá, xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố Hà Nội;
Căn cứ Kế hoạch số 60/KH-UB ngày 10/10/2005 của UBND Thành phố Hà Nội về triển khai Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp Hà Nội - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định tiêu chí đánh giá, bảng điểm chuẩn và phương pháp tính điểm để xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố Hà Nội” gồm có 3 điều.

Điều 2. Ban chỉ đạo Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố Hà Nội có trách nhiệm căn cứ vào Quy định được ban hành kèm theo Quyết định này chỉ đạo tổ chức triển khai lựa chọn, đề xuất danh mục các sản phẩm công nghiệp chủ lực đảm bảo mục tiêu và kế hoạch của Chương trình được Thành phố giao.

Điều 3. Quyết định này thay thế Quyết định số 12/2006/QĐ-UB ngày 08/02/2006 của UBND ban hành Quy định tiêu chí đánh giá, bảng điểm chuẩn và phương pháp tính điểm để xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố Hà Nội và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh văn phòng UBND Thành phố, các thành viên Ban chỉ đạo và các Sở, Ngành tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Chủ tịch UBND TP (để b/c);
- Các đ/c Phó chủ tịch UBND TP;
- Như điều 3;
- V1, V2, CN, KT, TH;
- Lưu

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Quang

 

QUY ĐỊNH

TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, BẢNG ĐIỂM CHUẨN VÀ PHƯƠNG PHÁP TÍNH ĐIỂM ĐỂ XÉT CHỌN SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 66/2006/QĐ-UBND ngày 15/5/2006 của UBND Thành phố Hà Nội)

Điều 1. Quy định chung:

1. Tiêu chí đánh giá lựa chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL) Thành phố Hà Nội bao gồm 10 tiêu chí áp dụng đối với doanh nghiệp đăng ký sản phẩm tham gia chương trình phát triển SPCNCL Thành phố Hà Nội.

2. Tổng điểm tối đa cho 10 tiêu chí là 100 điểm.

3. Phương pháp tính điểm cho 10 tiêu chí gồm 2 nhóm:

- Nhóm tiêu chí định lượng: sử dụng phương pháp chung được nêu trong Quy định này để làm căn cứ tính toán.

- Nhóm tiêu chí định tính: sử dụng phương pháp chuyên gia để chấm điểm.

Điều 2. Quy định cụ thể:

Nội dung cụ thể của 10 tiêu chí đánh giá, bảng điểm chuẩn cho từng tiêu chí và phương pháp tính điểm chung cho 10 tiêu chí được nêu trong bảng dưới đây:

TT

Tiêu chí đánh giá

Bảng điểm chuẩn (điểm tối đa)

Phương pháp tính điểm

1

Tiêu chí 1: Chỉ tiêu tăng trưởng phát triển sản xuất SPCNCL biểu thị bằng tốc độ tăng trưởng GTSXCN của sản phẩm cao và ổn định

10

Lấy mức tăng trưởng chung cả năm của ngành sản xuất của sản phẩm đăng ký làm chuẩn để so sánh (hoặc có thể lấy mức tăng trưởng chung của Thành phố). Nếu mức tăng trưởng của sản phẩm đăng ký bằng chuẩn được tính 0 điểm và cứ cao hơn chuẩn 0,5% được tính cộng thêm 1 điểm

2

Tiêu chí 2: Chỉ tiêu quy mô sản xuất SPCNCL được biểu thị bằng doanh thu do sản phẩm đó tạo ra

20

Lấy mức 200 tỷ đồng/năm làm chuẩn so sánh. Doanh thu của sản phẩm đăng ký đạt 200 tỷ đồng trở lên được tối đa là 20 điểm. Cứ giảm 10 tỷ đồng thì tương đương với hạ 1 điểm

3

Tiêu chí 3: Chỉ tiêu năng suất lao động của SPCNCL được biểu thị bằng tỷ số giữa GTSXCN do sản phẩm đó tạo ra với số lượng lao động tham gia sản xuất sản phẩm đó

10

Lấy tỷ số giữa GTSXCN với số lao động của ngành sản xuất của sản phẩm đăng ký làm chuẩn để so sánh. Nếu chỉ tiêu năng suất lao động của sản phẩm đăng ký bằng chuẩn thì tính 0 điểm và tăng hơn 10% thì được tính cộng thêm 1 điểm

4

Tiêu chí 4: Chỉ tiêu về khả năng xuất khẩu thể hiện bằng tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao và ổn định

5

Lấy mức tăng trưởng chung của kim ngạch xuất khẩu ngành sản xuất của sản phẩm đăng ký trong 1 năm trước đó làm chuẩn so sánh. Nếu mức tăng trưởng của sản phẩm đăng ký bằng mức chung được tính 0 điểm. Cứ cao hơn 1% được tính cộng thêm 1 điểm

5

Tiêu chí 5: Chỉ tiêu đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm được biểu thị bằng số lượng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế

5

- Đối với ngành chế biến lương thực thực phẩm và ngành hóa dược: Nếu đơn vị đã áp dụng HACCP hoặc GMP được tính 2 điểm.

- Đối với các ngành sản xuất công nghiệp khác còn lại: Nếu đã áp dụng ISO 9001:2000 được tính 2 điểm.

- Đối với tất cả các ngành sản xuất công nghiệp: Cứ áp dụng thêm 1 hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế khác (ngoài 3 hệ thống nêu trên) đem lại hiệu quả thiết thực được cộng thêm 1 điểm

6

Tiêu chí 6: Chỉ tiêu về bản quyền đối với sản phẩm (Sở hữu công nghiệp và thương hiệu)

5

- Sản phẩm đã đăng ký bảo hộ trong nước hoặc ngoài nước đối với nhãn hiệu hàng hóa được cộng 1 điểm

- Sản phẩm đã đăng ký kiểu dáng công nghiệp được cộng 1 điểm

- Sản phẩm được bình chọn hoặc đạt giải thưởng chất lượng trong các Hội chợ: cứ đạt 1 giải thưởng có chứng nhận được cộng 1 điểm. Tối đa là 3 điểm

7

Tiêu chí 7: Trình độ thiết bị công nghệ sản xuất SPCNCL

Lưu ý: thiết bị và con người được xét đến trong tiêu chí này phải liên quan trực tiếp đến sản xuất SPCNCL

15

Tiêu chí này được phân ra làm 3 nhóm:

1. Thiết bị công nghệ: 7 điểm

- Giá trị trang thiết bị bình quân trên 1 đầu người tối đa 3 điểm: lớn hơn hoặc bằng 30.000USD đạt điểm tối đa, giảm 5.000USD thì trừ 0,5 điểm, nhỏ hơn 5.000USD không đạt điểm nào.

- Xuất xứ của thiết bị tối đa 2 điểm: nếu trên 50% thiết bị để sản xuất sản phẩm đăng ký có xuất xứ từ các nước công nghiệp phát triển 2 điểm, các nước công nghiệp mới 1 điểm, các nước đang phát triển 0 điểm.

- Chi phí nguyên liệu cho 1 đơn vị sản phẩm tối đa 2 điểm: nếu mức tiêu hao nguyên liệu trên 1 đơn vị sản phẩm nhỏ hơn hoặc bằng mức trung bỉnh tiên tiến thế giới đạt 2 điểm, cao hơn tối đa 20% đạt 1 điểm, cao hơn trên 20% đạt 0 điểm

2. Trình độ nhân lực: 6 điểm

- Tỷ lệ cán bộ, công nhân có trình độ cao đẳng đại học trở lên lớn hơn 15% đạt 3 điểm, trong khoảng lớn hơn 10% đến 15% đạt 2 điểm, trong khoảng lớn hơn 5% đến 10% đạt 1 điểm, từ 5% trở xuống đạt 0 điểm

- Tỷ lệ thợ bậc cao (bậc 5 trở lên) lớn hơn 20% đạt 3 điểm, trong khoảng lớn hơn 15% đến 20% đạt 2 điểm, trong khoảng lớn hơn 10% đến 15% đạt 1 điểm, từ 10% trở xuống đạt 0 điểm

3. Thông tin: 2 điểm

- Có trang bị hệ thống thông tin phục vụ sản xuất đạt 1 điểm

- Có trang bị hệ thống thông tin phục vụ quản lý đạt 1 điểm

8

Tiêu chí 8: Có điều kiện và khả năng đảm bảo phát triển bền vững (không gây ô nhiễm môi trường hoặc có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường)

5

- Trong sản xuất sản phẩm đăng ký không có nước thải hoặc có nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường cho phép theo quy định được 3 điểm

- Không có khí thải hoặc có khí thải nhưng đạt tiêu chuẩn môi trường cho phép được cộng thêm 1 điểm

- Đảm bảo tiếng ồn đạt tiêu chuẩn cho phép được cộng thêm 1 điểm

9

Tiêu chí 9: Có khả năng thúc đẩy ngành kinh tế kỹ thuật khác phát triển hoặc đảm bảo cung ứng để tăng dần tỷ trọng nội địa hóa hoặc tỷ trọng nguyên vật liệu sản xuất trong nước cho các SPCNCL khác

10

Chấm điểm theo phương pháp chuyên gia

10

Tiêu chí 10: Hiệu quả sản xuất - kinh doanh của sản phẩm, được thể hiện thông qua nộp ngân sách, lợi nhuận, thu nhập bình quân của người lao động…

15

Chấm điểm theo phương pháp chuyên gia

Điều 3. Điều khoản thi hành:

1. Các Hội đồng chuyên ngành căn cứ các nội dung được quy định tại Điều 2 của Quy định hiệu chỉnh này có trách nhiệm chi tiết hóa các phương pháp tính điểm của 10 tiêu chí phù hợp với lĩnh vực chuyên ngành của Hội đồng.

2. Các thành viên Ban Chỉ đạo, tổ viên tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo, các Hội đồng chuyên ngành và các doanh nghiệp công nghiệp thuộc Thành phố Hà Nội có trách nhiệm quán triệt và thực hiện đúng các nội dung trong Quy định hiệu chỉnh này.

3. Việc sửa đổi, bổ sung Quy định này do UBND Thành phố quyết định trên cơ sở đề nghị của Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố Hà Nội.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Quang