HỘI ĐỒNG THI TUYỂN CÔNG CHỨC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số : 67/2005/QĐ-HĐTT | Hà Nội, ngày 10 tháng 05 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG THI TUYỂN CÔNG CHỨC THÀNH PHỐ “VỀ VIỆC BAN HÀNH NỘI QUY THI TUYỂN CÔNG CHỨC THÀNH PHỐ HÀ NỘI"
HỘI ĐỒNG THI TUYỂN CÔNG CHỨC THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ Quyết định số 466/1998/QĐ-TCCP ngày 5 tháng 9 năm 1998 của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức cán bộ Chính phủ ( nay là Bộ Nội vụ) về việc ban hành Quy chế thi tuyển, thi nâng ngạch công chức, nội quy thi tuyển, thi nâng ngạch công chức;
Căn cứ tình hình thực tiễn trong công tác thi tuyển công chức của Thành phố Hà Nội;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Nội quy thi tuyển công chức thành phố Hà Nội.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3: Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố, Hội đồng thi tuyển công chức Thành phố, Ban coi thi, các giám thị coi thi và các thí sinh dự thi tuyển thi hành quyết định này./.
| T/M. HĐTT CÔNG CHỨC THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
NỘI QUY
THI TUYỂN CÔNG CHỨC
( Ban hành kèm theo quyết định số: 67 /QĐ-HĐTT ngày 10 tháng 5 năm 2005 của Hội đồng thi tuyển công chức Thành phố Hà Nội)
Giám thị phòng thi và những người tham gia dự kỳ thi tuyển (gọi là thí sinh) phải tự giác chấp hành các quy định sau:
Điều 1: Thí sinh tham dự kỳ thi phải nghiêm chỉnh thực hiện:
1- Thí sinh phải có mặt trước phòng thi đúng giờ quy định. Khi được giám thị cho phép mới được vào phòng thi và ngồi đúng chỗ theo số báo danh của mình.
2- Chỉ được mang vào phòng thi bút viết mực màu đen hoặc xanh đen, thước kẻ, tẩy cao su. Không được mang vào phòng thi bất cứ tài liệu, vật dụng khác ( Thiết bị truyền, phát thông tin: Điện thoại di động, máy nhắn tin, kim từ điển ...)
3- Thí sinh phải giữ trật tự và không hút thuốc trong phòng thi,
4- Thí sinh phải ghi đầy đủ các mục quy định trong giấy thi. Chỉ được dùng một loại mực quy định tại điểm 2. Không được viết 2 loại mực trong một bài thi, Không được phép sử dụng bút màu khác (bút mực đỏ, bút chì, bút dạ...) không dùng bút phủ xoá.
5- Các thí sinh phải sử dụng loại giấy thi, giấy nháp được phát. Các bài thi làm trên giấy khác đều không có giá trị.
6- Các thí sinh không được trao đổi với bất kỳ ai, không được nhìn và chép bài thi của thí sinh khác, không được trao đổi giấy thi, hoặc có bất kỳ một hành vi vi phạm quy chế thi để đạt được kết quả thi tốt hơn.
7- Nếu thí sinh cần hỏi điều gì, thì phải hỏi công khai giám thị phòng thi. Trường hợp đau ốm bất thường, phải thông báo cho giám thị phòng thi biết để giải quyết.
8- Sau một nửa thời gian làm bài, thi sinh mới được phép xin ra ngoài phòng thi và phải được sự đồng ý của giám thị phòng thi.
9- Khi giám thị tuyên bố hết giờ thi, thí sinh phải ngừng làm bài và nộp bài cho giám thị phòng thi, phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký vào danh sách. Trường hợp không làm được bài, thí sinh cũng phải nộp lại giấy thi.
10- Bài thi, kiểm tra của thí sinh không có chữ ký của giám thị là không hợp lệ.
Điều 2:
1- Những thí sinh có hành động vi phạm nội quy thi đều phải lập biên bản và bị xử lý kỷ luật.
2- Tuỳ theo mức độ nhẹ, nặng sẽ bị xử lý kỷ luật theo các hình thức:
a) Cảnh cáo nhắc nhở, thu hồi tang vật đối với thi sinh vi phạm cất giấu tài liệu mang vào phòng thi bị phát hiện.
b) Cảnh cáo áp dụng đối với thí sinh vi phạm một trong các lỗi:
- Trao đổi, thảo luận với thí sinh khác đã được giám thị nhắc nhở đến lần thứ 3 mà vẫn không chấp hành;
- Giấu tài liệu mang vào phòng thi bị phát hiện đang sử dụng;
- Trao đổi bài thi, giấy nháp cho nhau;
- Chép bài của người khác;
Hình thức kỷ luật cánh cáo do giám thị lập biên bản, thu tang vật và công bố. Thí sinh bị cảnh cáo ở bài thi nào thì sẽ bị trừ 40% kết quả điểm thi của bài đó.
c) Đình chỉ thi: áp dụng đối với thí sinh vi phạm đã bị lập biên bản cảnh cáo nhưng trong buổi thi đó vẫn cố tình vi phạm nội quy và bài thi không được chấm.
d) Huỷ bỏ kết quả thi: Áp dụng đối với các trường hợp sau:
- Thí sinh đánh tráo bài thi hoặc đã bị xử lý kỷ luật ở bài thi trước, nhưng bài thi sau vẫn cố tình vi phạm nội quy đến mức cảnh cáo hoặc cố tình gian lận trong thi.
- Thí sinh nhờ người khác thi hộ; ( Ngoài ra thi sinh này sẽ không được tham dự bất cứ kỳ thi tuyển công chức nào do Thành phố tổ chức trong thời gian ít nhất là 02 năm, kể từ ngày tổ chức kỳ thi này).
Điều 3: Các trường hợp vi phạm nội quy thi giám thị phòng thi lập biên bản thì thí sinh phải ký vào biên bản. Nếu thí sinh không chịu ký vào biên bản thì giám thị coi thi mời thí sinh khác ký vào biên bản để làm chứng và báo cáo với Trưởng ban coi thi xem xét giải quyết.
Điều 4: Nếu thí sinh vi phạm ở mức độ nghiêm trọng, cố ý gây mất an toàn trong phòng thi thì bị buộc ra khỏi phòng thi và có thể sẽ bị truy tố trước pháp luật.
Điều 5: Thí sinh có quyền tố giác những người vi phạm nội quy, quy chế thi với giám thị hoặc với Hội đồng thi.
Điều 6 Giám thị phòng thi có nhiệm vụ, quyền hạn:
1- Giám thị phòng thi phải có mặt tại địa điểm thi trước giờ quy định, chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ: Giấy thi, giấy nháp (có chữ ký), danh sách thí sinh dự thi, quy chế thi...
2- Giám thi phòng thi phải kiểm tra phòng thi và ghi số báo danh vào chỗ ngồi của thí sinh. Sau mỗi buổi thi phải thay đổi vị trí ngồi của thí sinh.
3- Giám thị phòng thi căn cứ vào danh sách thí sinh dự thi gọi thí sinh vào phòng thi theo thứ tự (theo vần a, b, c...), kiểm tra thẻ dự thi.
4- Hướng dẫn và kiểm tra thí sinh khi bước vào phòng thi.
5- Đọc Quy chế đối với thí sinh và giám thi phòng thi.
6- Phát giấy thi, giấy nháp và hướng dẫn cách ghi giấy thi.
7- Đọc đề thi và thu bài làm của thí sinh ngay khi có hiệu lệnh báo hết giờ làm bài.
8- Theo dõi và giám sát khu vực trong và ngoài phòng thi không để cho bất kỳ người nào không có trách nhiệm tới gần phòng thi.
9- Không bỏ vị trí, không tiếp khách trong khi làm nhiệm vụ, không đứng gần thí sinh khi họ làm bài, không được trao đổi với thí sinh trong giờ thi.
10- Lập biên bản đối với những thí sinh dự thi vi phạm quy định của nội quy này trong khi thi.
11- Tổng hợp tình hình thi báo cáo Ban coi thi, Hội đồng thi, thu bài dự thi, danh sách thi sinh dự thi (có chữ ký của thí sinh nộp bài) vào túi dựng bài thi , nộp bài thi, các loại biên bản và giấy tờ khác theo quy định cho Hội đồng thi.
12 - Bảo quản các tài liệu phục vụ kỳ thi theo sự phân công của Trưởng Ban coi thi không để thất lạc, mất mát./.
- 1 Kế hoạch 35/KH-UBND về thi tuyển công chức tỉnh Thái Bình năm 2013
- 2 Quyết định 3367/2004/QĐ-UB về Quy chế, nội quy thi tuyển công chức xã, phường, thị trấn do tỉnh Phú Thọ ban hành
- 3 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4 Quyết định 466/1998/QĐ-TCCP-BCTL về Quy chế thi tuyển, thi nâng ngạch công chức, nội quy thi tuyển, thi nâng ngạch công chức do Bộ trưởng Trưởng Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ ban hành