Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 677/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 05 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN HỆ TRI THỨC VIỆT SỐ HÓA”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 11/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ;

Căn cứ Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” (gọi tắt là Đề án) với những nội dung chính sau đây:

Không dân tộc nào, quốc gia nào có thể phát triển bền vững nếu không chú trọng tới khoa học và công nghệ, không phát huy hiệu quả năng lực sáng tạo dựa trên nền tảng tri thức vững chắc của người dân.

Để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất thiết phải tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của mỗi người dân, mỗi tổ chức ở tất cả các ngành, các lĩnh vực.

Việc xây dựng và triển khai Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” sẽ góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện để mọi người dân học tập suốt đời, làm chủ tri thức; tăng cường sáng tạo nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; phát huy sức mạnh trí tuệ của toàn dân, thúc đẩy quá trình phát triển đất nước.

I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa thông qua việc tổng hợp, hệ thống hóa, việt hóa, số hóa, lưu trữ và phổ biến tri thức trong mọi lĩnh vực, trước hết là hỗ trợ cho giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo và các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như pháp luật, y tế, kỹ thuật sản xuất,...

2. Tạo môi trường thuận lợi thu hút mọi người dân và doanh nghiệp tham gia, với vai trò vừa khai thác vừa đóng góp để làm giàu các tài nguyên tri thức số hóa của Việt Nam.

3. Khơi dậy, lan tỏa niềm đam mê khoa học và công nghệ, khát vọng sáng tạo, cống hiến của mọi người, mọi doanh nghiệp, đặc biệt là thế hệ trẻ, đội ngũ trí thức và các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong việc tạo lập, làm giàu và phổ biến tri thức.

4. Từng bước góp phần phát triển công nghiệp nội dung số của Việt Nam, định hướng việc sử dụng tri thức của người dùng trên môi trường mạng.

II. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhà nước tạo cơ chế huy động các doanh nghiệp tham gia thiết lập hạ tầng để lưu trữ, chia sẻ tri thức, phát triển các ứng dụng đồng thời vừa khai thác vừa làm giàu Hệ tri thức Việt số hóa.

Các doanh nghiệp lớn có tiềm lực về công nghệ thông tin và hạ tầng mạng, có khát vọng và nhiệt huyết đóng vai trò nòng cốt trong việc phát triển hạ tầng với các công cụ quản lý, lưu trữ, tìm kiếm, chia sẻ thông tin, tri thức làm nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa.

2. Huy động tất cả các nguồn lực, đặc biệt là thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức trẻ tham gia việt hóa, tổng hợp, thống kê, số hóa các nguồn tri thức chung, tri thức cơ bản từ các hệ tri thức của Việt Nam kết hợp với hệ tri thức của nhân loại như các bách khoa toàn thư, Wikipedia,...thông qua hình thức tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, các đợt phát động, các hoạt động vinh danh cá nhân, tổ chức và cộng đồng. Từng bước đẩy mạnh các hoạt động này thành phong trào toàn dân.

3. Tổ chức hệ thống hỏi đáp, hệ chuyên gia, trí khôn nhân tạo... để thu thập nhu cầu thiết thực về tri thức của người dân, đồng thời tạo ra những kiến thức đã được kiểm chứng hoặc cần được kiểm chứng.

4. Tổng hợp và số hóa các tri thức cơ bản sẵn có và tri thức cộng đồng, tạo thành nội dung của Hệ tri thức Việt số hóa.

Nguồn tri thức cơ bản sẵn có gồm: Pháp luật, chính sách Nhà nước, thông tin công bố công khai của các cơ quan nhà nước; các tri thức trong lĩnh vực giáo dục như sách giáo khoa, giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo, các khóa học khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), học liệu điện tử; các tri thức từ các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, bài báo khoa học, kết quả nghiên cứu và sáng chế, thông tin sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; các kỹ thuật, công nghệ hữu ích, các bài học về ứng dụng thành công khoa học và công nghệ trong sản xuất và đời sống...

Nguồn tri thức cộng đồng được thu thập và liên tục cập nhật gồm: các tri thức khoa học thường thức trong đời sống xã hội như chăm sóc sức khỏe, y tế, phòng chống bệnh dịch, trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi, công nghệ bảo quản, chế biến, công nghệ sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, khoa học đời sống,....

5. Chuẩn hóa tri thức trong một số lĩnh vực quan trọng như pháp luật, sức khỏe,... để bảo đảm chính xác, tin cậy, trong đó huy động sự vào cuộc của các Bộ, ngành, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, các hội, hiệp hội ngành nghề.

6. Tạo điều kiện cho mọi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) được chủ động sử dụng các dữ liệu và công cụ của Hệ tri thức Việt số hóa để phát triển các ứng dụng đa dạng và tổ chức các ứng dụng một cách khoa học, dễ khai thác, dễ sử dụng.

7. Thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng Hệ tri thức Việt số hóa để phát triển các công cụ tìm kiếm, dịch thuật, khai phá dữ liệu, quản lý tri thức, ứng dụng trí khôn nhân tạo, tương tác xã hội... để dần từng bước hướng người Việt Nam, trước hết là lớp trẻ dùng các sản phẩm trên môi trường mạng do Việt Nam phát triển.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tiến độ triển khai:

a) Tháng 7 năm 2017, tập hợp khoảng 20 doanh nghiệp có tiềm lực và khát vọng để thành lập một Nhóm nòng cốt triển khai xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa (Nhóm nòng cốt). Nhóm nòng cốt do một doanh nghiệp chủ trì và thống nhất cơ chế hoạt động theo hướng mở, khuyến khích sự tham gia của mọi doanh nghiệp, tổ chức.

b) Tháng 8 năm 2017, Nhóm nòng cốt phối hợp chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng, xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật của hạ tầng và các công cụ cần thiết để khởi tạo Hệ tri thức Việt số hóa.

Nhóm nòng cốt lên phương án phát động tất cả cộng đồng tham gia đóng góp nội dung tri thức theo các chủ đề, tham gia việt hóa, tổng hợp, thống kê, số hóa các nguồn tri thức.

c) Tháng 9 năm 2017, tổ chức Lễ phát động triển khai Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”.

d) Tháng 12 năm 2017, đưa vào sử dụng một số ứng dụng trong lĩnh vực luật, y tế, giáo dục, nông nghiệp và thử nghiệm mô hình tương tác cộng đồng ở một số địa phương.

đ) Năm 2018, tạo lập và phát triển nội dung đa dạng của Hệ tri thức Việt số hóa. Mở rộng xây dựng các ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực trên quy mô toàn quốc. Đẩy mạnh triển khai Hệ tri thức Việt số hóa trên website, ứng dụng di động, ứng dụng thông minh, Internet vạn vật, tài nguyên giáo dục mở, dịch vụ giá trị gia tăng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông,...

e) Từ năm 2019, tiếp tục phát triển và thúc đẩy khai thác sâu Hệ tri thức Việt số hóa để trở thành một hệ sinh thái số do người Việt làm chủ, có năng lực tích hợp mọi tri thức, thông tin, dữ liệu công cộng, tài nguyên số của Việt Nam và được sử dụng phổ biến trong xã hội.

2. Trách nhiệm thực hiện:

a) Ban chỉ đạo của Đề án

Thành lập Ban chỉ đạo Đề án do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Phó trưởng ban và đại diện Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một số cơ quan, đại diện khối doanh nghiệp và cộng đồng. Ban Chỉ đạo Đề án có nhiệm vụ chỉ đạo, phân công việc tổ chức thực hiện Đề án, đôn đốc, kiểm tra trong quá trình triển khai.

b) Bộ Khoa học và Công nghệ

Điều phối chung việc triển khai Đề án; tổng hợp, theo dõi và đánh giá mức độ phát triển của Hệ tri thức Việt số hóa để tham mưu, kiến nghị các giải pháp hoàn thiện Hệ tri thức Việt số hóa. Thường trực, giúp việc cho Ban chỉ đạo, kết nối các đầu mối của bộ, ngành, địa phương và khối doanh nghiệp, cộng đồng người dùng; hỗ trợ các nhóm chuyên gia trong công tác tư vấn, chuẩn hóa tri thức.

c) Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; các hội ngành nghề và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức triển khai các nội dung của Đề án.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Kinh phí thực hiện Đề án Hệ tri thức Việt số hóa chủ yếu huy động từ nguồn tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và một phần kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó:

1. Nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân dành cho việc phát triển hạ tầng, xây dựng nền tảng hệ thống và các ứng dụng của Hệ tri thức Việt số hóa; tạo lập, thu thập, khảo sát nhu cầu, tổ chức các diễn đàn, sự kiện, phát động các cuộc thi và chuẩn hóa thông tin, tri thức. Khuyến khích việc sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và các quỹ trách nhiệm cộng đồng để phát triển nền tảng hệ thống và các ứng dụng khai thác Hệ tri thức Việt số hóa.

2. Kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ được sử dụng cho việc hỗ trợ tổ chức, hoạt động của Đề án và các sự kiện, hoạt động khác có liên quan.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
-Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT (VINASA), Hội Tin học Việt Nam (VAIP), Hiệp hội ATTT (VNISA);
- VPCP: BTCN; các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: PL, KTTH, CN, NN, QHĐP, QHQT, TKBT, TH;
- Lưu: VT, KGVX (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Đức Đam