- 1 Kế hoạch 466/KH-UBND năm 2024 chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang năm 2025
- 2 Quyết định 2797/QĐ-UBND năm 2024 về Đề án Phát triển hệ thống dữ liệu số phục vụ Chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2030
- 3 Kế hoạch 4444/KH-UBND năm 2024 chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6785/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “MỘT SỐ NHIỆM VỤ ĐỘT PHÁ VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2025”
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 47/2019/QH14 ngày 22/11/2019; Căn cứ Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29/6/2006; Căn cứ Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15 ngày 22/6/2023;
Căn cứ Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;
Căn cứ Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 16/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành địa phương;
Căn cứ Công điện số 133/CĐ-TTg ngày 14/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp triển khai Đề án 06 phục vụ người dân, doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Thành phố về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27/9/2023 của UBND Thành phố về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Theo đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 3830/TTr-STTTT ngày 13/12/2024 về việc phê duyệt Đề án “Một số nhiệm vụ đột phá về chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025”.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Một số nhiệm vụ đột phá về chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025” (có Đề án kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
MỘT SỐ NHIỆM VỤ ĐỘT PHÁ VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 6785/QĐ-UBND ngày 31/12/2024 của UBND thành phố Hà Nội)
I. QUAN ĐIỂM
1. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số.
2. Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số đặt ra tại các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chương trình, Kế hoạch, đề án chuyển đổi số của Thành phố.
3. Chuyển đổi số là một công việc mới, người đứng đầu các cấp phải muốn thực hiện, trực tiếp thực hiện, trực tiếp sử dụng; sự tham gia, dẫn dắt của người đứng đầu đóng vai trò quyết định thành công của chuyển đổi số quốc gia.
4. Phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của chuyển đổi số, người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật những thành quả do chuyển đổi số mang lại theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
5. Công tác tổ chức triển khai, phân công nhiệm vụ chuyển đối số phải cụ thể, rõ việc, rõ trách nhiệm gắn với bố trí nguồn lực phù hợp, gắn với phát huy tinh thần 5 “đẩy mạnh”, 5 “bảo đảm” gắn với 5 “không”[1]; các mục tiêu, chỉ tiêu phải định lượng được, có thể được đánh giá, giám sát bằng công cụ, trực tuyến; tập trung vào 05 “trọng tâm”[2]; phân định rõ trách nhiệm triển khai các nội dung chuyển đổi số giữa bộ ngành và địa phương, đặc biệt là việc triển khai các nền tảng số.
6. Đưa các hoạt động chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố lên môi trường số, thực hiện chỉ đạo, điều hành trực tuyến, dựa trên dữ liệu; hoạt động tham mưu, xử lý công việc của mọi cán bộ, công chức phải được ghi nhận trên môi trường số.
7. Chuyển đổi số phải gắn liền với đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng. Coi đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng là trụ cột quan trọng, là điều kiện tiên quyết, tạo lập niềm tin và sự bền vững của chuyển đổi số.
8. Khuyến khích các mô hình thí điểm về chuyển đổi số, kịp thời phát hiện, tuyên dương, khen thưởng các cá nhân,tổ chức có sáng kiến hiệu quả trong chuyển đổi số.
II. MỤC TIÊU
Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số thành phố Hà Nội, tập trung giải quyết các nhiệm vụ mang tính đột phá trong triển khai chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị của Thành phố nhằm đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu Chính phủ giao Thành phố thực hiện đến năm 2025; tiếp tục phấn đấu tăng chỉ số xếp hạng chuyển đổi số của Thành phố.
III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu được Thành phố giao đến năm 2025 về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27/9/2023.
Cơ quan chủ trì: Văn phòng UBND Thành phố (04 chỉ tiêu), Sở Thông tin và Truyền thông (14 chỉ tiêu), Sở Nội vụ (6 chỉ tiêu), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (03 chỉ tiêu), Sở Công thương (02 chỉ tiêu), Sở Y tế (02 chỉ tiêu), Sở Giáo dục và Đào tạo (03 chỉ tiêu), Sở Xây dựng (01 chỉ tiêu), Sở Kế hoạch và Đầu tư (01 chỉ tiêu), Thanh tra Thành phố (01 chỉ tiêu), Công an Thành phố (03 chỉ tiêu), Cục Thống kê Thành phố (03 chỉ tiêu), Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Thành phố (01 chỉ tiêu), Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố (12 chỉ tiêu).
Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Thời hạn hoàn thành: Năm 2025.
2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách
2.1. Tham mưu xây dựng Kiến trúc chính quyền điện tử Thành phố phiên bản 3.0 bảo đảm phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.
Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã.
Thời hạn hoàn thành: Quý I/2025.
2.2. Tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ công chức, viên chức chuyên trách về CNTT/Chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước thuộc Thành phố (thực hiện khi Chính phủ triển khai áp dụng chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27- NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương về cải cách tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp).
Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã.
Thời hạn hoàn thành: Năm 2025.
2.3. Xây dựng đề án tổng thể tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không sử dụng tiền mặt.
Cơ quan chủ trì: Sở Giao thông - Vận tải.
Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã.
Thời hạn hoàn thành: Năm 2025.
2.4. Tham mưu cơ chế, chính sách đặc thù về trụ sở làm việc, cơ sở vật chất trụ sở chính của Trung tâm hành chính công thành phố, các Chi nhánh, Điểm tiếp nhận theo hướng hiện đại, đồng bộ (ưu tiên đầu tư, phát triển hạ tầng số, các nền tảng, ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp). Tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là trực tuyến toàn trình.
Cơ quan chủ trì: Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố.
Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Thời hạn hoàn thành: 2025.
3. Phát triển hạ tầng số
Khai thác hiệu quả Trung tâm Dữ liệu chính của Thành phố phục vụ triển khai Chính quyền số theo hướng sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn thông tin, có khả năng kết nối, chia sẻ theo quy định.
Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã.
Thời hạn hoàn thành: Năm 2025.
4. Phát triển nền tảng hệ thống
4.1. Triển khai Hệ thống giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) cho các hệ thống thông tin của Thành phố và kết nối, chia sẻ thông tin với Hệ thống đảm bảo an toàn thông tin của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định.
Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Thời hạn hoàn thành: Năm 2025.
4.2. Triển khai hệ thống quản trị công việc tổng thể của Thành phố. Cơ quan chủ trì: Văn phòng UBND Thành phố.
Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Thời hạn hoàn thành: Năm 2025.
4.3. Triển khai thí điểm Nền tảng Hệ thống giám sát, điều hành thông minh (IOC), từng bước triển khai các ứng dụng thành phần hoặc tích hợp, kết nối dữ liệu từ các ứng dụng sẵn có vào nền tảng hình thành Trung tâm giám sát điều hành thông minh tập trung phục vụ công các chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp.
Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Thời hạn hoàn thành: Năm 2025.
5. Phát triển dữ liệu số
5.1. Số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu về hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi tại Sở Tư pháp thành phố Hà Nội.
Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố.
Thời hạn hoàn thành: Trước ngày 30/12/2025.
5.2. Số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu về hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực hộ tịch, nuôi con nuôi tại UBND quận, huyện, thị xã và UBND xã, phường, thị trấn.
Cơ quan chủ trì: UBND quận, huyện, thị xã.
Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ, Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố.
Thời hạn hoàn thành: Trước ngày 30/12/2025.
5.3. Xây dựng Hệ thống Quản lý và khai thác dữ liệu số Sở Công Thương Hà Nội (Giai đoạn 1).
Cơ quan chủ trì: Sở Công Thương.
Cơ quan phối hợp: Các đơn vị có liên quan. Thời hạn hoàn thành: Năm 2025.
5.4. Xây dựng Hệ thống tổng thể hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai Thành phố.
Cơ quan chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường.
Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Thời hạn hoàn thành: Năm 2025.
6. Phát triển ứng dụng, dịch vụ
6.1. Xây dựng, phát triển các ứng dụng chuyên ngành (ứng dụng các công nghệ tiên tiến sử dụng trí tuệ nhân tạo) phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước tại các cấp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin trong và ngoài Thành phố theo quy định.
6.1.1. Xây dựng Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ điện tử tập trung của cơ quan, tổ chức
Cơ quan chủ trì: Sở Nội vụ.
Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND Thành phố, các Sở, ban, ngành thuộc Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã.
Thời hạn hoàn thành: Năm 2025.
6.1.2. Triển khai ứng dụng giám sát và phân tích thông tin trên môi trường mạng (thu thập, tổng hợp, phân loại, thống kê, báo cáo và cảnh báo về thông tin trên báo chí, mạng xã hội, trang tin điện tử, blog cá nhân).
Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Thời hạn hoàn thành: Năm 2025.
6.2. Xây dựng, phát triển các ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
6.2.1. Xây dựng Cổng dữ liệu thành phố Hà Nội và kho dữ liệu dùng chung. Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
Cơ quan phối hợp: Văn phòng UBND Thành phố, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã.
Thời hạn hoàn thành: Năm 2025.
6.2.2. Nâng cấp, phát triển nền tảng ứng dụng “Công dân Thủ đô số” phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Cơ quan chủ trì: Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố.
Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Thời hạn hoàn thành: Năm 2025.
6.2.3. Triển khai Học bạ số dành cho học sinh bậc học Phổ thông.
Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.
Cơ quan phối hợp: Các cơ sở giáo dục có học sinh học Chương trình Giáo dục phổ thông cấp Tiểu học, cấp Trung học cơ sở, cấp Trung học phổ thông.
Thời hạn hoàn thành: Tháng 6/2025.
6.2.4. Triển khai hệ thống Giao thông thông minh giai đoạn 1 trên địa bàn
Thành phố (Hoàn thành việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ CNTT để thực hiện).
Cơ quan chủ trì: Sở Giao thông - Vận tải.
Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã.
Thời hạn hoàn thành: Năm 2025.
6.2.5. Triển khai xây dựng bản đồ quản lý kết cấu hạ tầng giao thông trên nền bản đồ số quốc gia (Hoàn thành việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ CNTT để thực hiện).
Cơ quan chủ trì: Sở Giao thông - Vận tải.
Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành Thành phố. Thời hạn hoàn thành: Năm 2025.
6.2.6. Triển khai thí điểm thực hiện Sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID.
Cơ quan chủ trì: Sở Y tế
Cơ quan phối hợp: Các đơn vị có liên quan. Thời hạn hoàn thành: Năm 2025.
6.2.7. Xây dựng hệ thống "Quản lý rủi ro về theo dõi, giám sát hoạt động và chấp hành pháp luật của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội".
Cơ quan chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã. Thời hạn hoàn thành: Quý II/2025.
6.2.8. Hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; triển khai các ứng dụng số cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên thiết bị di động; số hóa, tạo lập kho dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính; kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân.
Cơ quan chủ trì: Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố.
Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Thời hạn hoàn thành: 2025.
6.2.9. Thí điểm liên thông giải quyết thủ tục hành chính về đất đai giữa cơ quan công chứng - Văn phòng đăng ký đất đai - Thuế.
Cơ quan chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường.
Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Thuế Thành phố, Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố và các đơn vị có liên quan.
Thời hạn hoàn thành: 2025.
7. An toàn thông tin mạng
7.1. Hoàn thành phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
Cơ quan chủ trì: Các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã. Cơ quan phối hợp, hướng dẫn: Sở Thông tin và Truyền thông. Thời hạn hoàn thành: Quý I/2025.
7.2. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình “4 lớp”, đặc biệt nâng cao năng lực của lớp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp.
Cơ quan chủ trì: Các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã. Cơ quan phối hợp, hướng dẫn: Sở Thông tin và Truyền thông. Thời hạn hoàn thành: Năm 2025.
8. Phát triển kinh tế số và xã hội số
8.1. Triển khai Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc diện triển khai (Hoàn thành chỉ tiêu Tổng cục thuế giao hàng năm).
Cơ quan chủ trì: Cục Thuế Thành phố.
Cơ quan phối hợp: Các Sở, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã.
Thời hạn hoàn thành: Năm 2025.
8.2. Triển khai chữ ký số cá nhân cho lãnh đạo tại các doanh nghiệp và chữ ký số cho người lao động tại các doanh nghiệp (có nhu cầu sử dụng).
Cơ quan chủ trì: Ban Quản lý khu công nghiệp và chế xuất.
Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam.
Thời hạn hoàn thành: Năm 2025.
8.3. Triển khai hệ thống vé điện tử liên thông cho giao thông công cộng trên địa bàn Thành phố (Hoàn thành việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ CNTT để thực hiện).
Cơ quan chủ trì: Sở Giao thông - Vận tải.
Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành Thành phố.
Thời hạn hoàn thành: Năm 2025.
8.4. Triển khai giải pháp chuẩn hóa việc đánh số nhà; xây dựng địa chỉ số quốc gia.
Cơ quan chủ trì: Sở Xây dựng.
Cơ quan phối hợp: Các Sở, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã.
Thời hạn hoàn thành: Năm 2025.
8.5. Triển khai giải pháp ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay phục vụ an sinh xã hội.
Cơ quan chủ trì: Công an Thành phố.
Cơ quan phối hợp: Các Sở, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã.
Thời hạn hoàn thành: Năm 2025.
8.6. Thí điểm ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà, căn hộ và dữ liệu dân cư.
Cơ quan chủ trì: Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Cơ quan phối hợp: Công an Thành phố, các Sở, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã.
Thời hạn hoàn thành: Năm 2025.
8.7. Khuyến khích thử nghiệm các mô hình mới, giải pháp mới nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
8.7.1. Triển khai thí điểm ứng dụng chuyển nhận văn bản trực tuyến giữa tổ chức, doanh nghiệp thuộc đối tượng quản lý và Sở Thông tin và Truyền thông.
Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị có liên quan. Thời hạn hoàn thành: Quý II/2025.
8.7.2. Triển khai tạo lập, tích hợp dữ liệu bản đồ phục vụ quản trị đô thị thông minh.
Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị có liên quan. Thời hạn hoàn thành: Quý II/2025.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Các nguồn kinh phí
- Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp Thành phố;
- Nguồn vốn ngân sách cấp huyện;
- Nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Nguyên tắc sử dụng kinh phí: Thực hiện theo quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách của thành phố Hà Nội.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Thông tin và Truyền thông
- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.
- Trên cơ sở đề xuất của các Sở, ban, ngành; rà soát, tổng hợp kinh phí ứng dụng CNTT/chuyển đổi số đảm bảo phù hợp với các nội dung trong Đề án và quy định hiện hành; gửi Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố trình HĐND Thành phố bố trí kinh phí chi thường xuyên để thực hiện theo quy định.
- Chủ trì, xây dựng hướng dẫn khen thưởng, tổng hợp, đánh giá và đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Thành phố trình UBND Thành phố (qua Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố).
2. Sở Tài chính
Trên cơ sở đề xuất của các cơ quan nhà nước Thành phố, tổng hợp của Sở Thông tin và Truyền thông và khả năng cân đối ngân sách; tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố bố trí kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách Thành phố cho các cơ quan, đơn vị để thực hiện Đề án theo quy định.
3. Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng)
Tổng hợp, rà soát đề xuất Chủ tịch UBND Thành phố khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Thành phố đủ điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng theo quy định.
4. Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã
- Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, tăng cường kiểm tra, đôn đốc đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt tiến độ các chỉ tiêu và nhiệm vụ được giao tại Đề án này.
- Xây dựng kế hoạch triển khai hoặc lồng ghép vào Kế hoạch chuyển đổi số năm 2025 của cơ quan, đơn vị và tổ chức triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ bảo đảm gắn kết chặt chẽ cải cách hành chính với ứng dụng CNTT, đạt chất lượng, hiệu quả cao.
- Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo kết quả triển khai các nhiệm vụ được giao theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông./.
[1] 5 “đẩy mạnh" gồm: (1) Đẩy mạnh thống nhất nhận thức và hành động của người lãnh đạo trong chuyển đổi số, phát huy tính tiên phong, nêu gương, đi đầu; (2) Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, để thúc đẩy chuyển đổi số, phù hợp với thông lệ quốc tế; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số; (3) Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng số quốc gia thông suốt, phát triển nền tảng số, dữ liệu số, hệ sinh thái số thuận tiện; (4) Đẩy mạnh an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu, bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa; (5) Đẩy mạnh xây dựng văn hóa số, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và hội nhập thế giới.
5 “bảo đảm" gồm (1) Bảo đảm triển khai chuyển đổi số, Đề án 06 đồng bộ, hiệu quả tại tất cả các bộ, ngành, địa phương, các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng; (2) Bảo đảm nguồn lực cho chuyển đổi số quốc gia, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số, đào tạo nhân lực số; (3) Bảo đảm 100% dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho người dân, tiếp cận dễ dàng, an toàn, tiện lợi, tiết giảm chi phí; (4) Bảo đảm nhân lực cho chuyển đổi số và các ngành kinh tế mới nổi, chú trọng đào tạo kĩ năng số gắn với nhu cầu thị trường; (5) Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững;
5 “không" gồm: (1) Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không bàn lùi, chỉ bàn làm; (2) Không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06; (3) Không tiền mặt, hướng tới mọi giao dịch thông qua phương thức điện tử, phòng chống tham nhũng; (4) Không giấy tờ, hướng tới số hóa toàn diện; (5) Không để người dân, doanh nghiệp mất nhiều thời gian, công sức, chi phí tuân thủ;
[2] 5 “trọng tâm” gồm: (1) Phát triển nhân lực số, công dân số, kỹ năng số, tài năng số; (2) Ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số; (3) Phát triển hạ tầng số toàn diện nhưng phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả; (4) Quản lý, điều hành dựa trên số hóa, thông minh; (5) Khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách về chuyển đổi số theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền; phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp; nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, giảm thủ tục phiền hà, sách nhiễu, xóa cơ chế “xin-cho” và phòng chống tiêu cực, tham nhũng.
- 1 Kế hoạch 466/KH-UBND năm 2024 chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang năm 2025
- 2 Quyết định 2797/QĐ-UBND năm 2024 về Đề án Phát triển hệ thống dữ liệu số phục vụ Chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2030
- 3 Kế hoạch 4444/KH-UBND năm 2024 chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030