Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 68/2002/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 6 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 68/2002/QĐ-TTG NGÀY 04 THÁNG 6 NĂM 2002 VỀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 5 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ IX

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 06/2002/NQ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)


CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 5 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ IX VỀ ĐẨY NHANH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN THỜI KỲ 2001 – 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 68 /2002/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ)

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã ban hành Nghị quyết số 15 NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 - 2010. Để thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ xây dựng Chương trình hành động với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

Mục tiêu của Chương trình hành động (Chương trình) là tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương: Đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn nhằm "xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, hiệu quả và bền vững; có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; xây dựng nông thôn ngày càng giầu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển ngày càng hiện đại" (Nghị quyết 15 NQ/TW về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn).

Yêu cầu của Chương trình là trên cơ sở quán triệt đầy đủ quan điểm, mục tiêu và nội dung của Nghị quyết để cụ thể hoá thành các văn bản pháp quy, các chương trình kinh tế-xã hội, các đề án chuyên ngành và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương quán triệt Nghị quyết, xây dựng chương trình hành động của mình và chỉ đạo thực hiện theo Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 08 tháng 4 năm 2002 của Trung ương.

II. NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Tổ chức quán triệt Nghị quyết

- Tổ chức quán triệt sâu rộng trong các ngành, các cấp chính quyền và nhân dân, từ Trung ương đến cơ sở để nhận thức đúng đắn về tính tất yếu và nội dung của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn trong quá trình xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thảo luận dân chủ để làm rõ và cụ thể hoá những chủ trương lớn về phát triển lực lượng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp; phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị hoá nông thôn; xây dựng đời sống văn hoá - xã hội và phát triển nguồn nhân lực trong điều kiện của ngành và địa phương.

- Tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nông dân và các thành phần kinh tế tích cực tham gia thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, chủ động và có hiệu quả. Phát động trong toàn quốc phong trào thi đua lao động vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

2. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội, các đề án chuyên ngành

a) Trên cơ sở nghiên cứu lợi thế của từng vùng và quy hoạch hiện có, từng ngành, địa phương tiến hành rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch. Những ngành, địa phương chưa có quy hoạch hoặc đã có quy hoạch nhưng chưa được phê duyệt cần tập trung lập quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, các phương án quy hoạch phải dựa trên những dự báo về phát triển kinh tế, gắn kết chặt chẽ với an ninh - quốc phòng, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

Chú trọng làm tốt các quy hoạch sau:

- Quy hoạch những vùng sản xuất tập trung các loại nông, lâm, thuỷ sản hàng hoá chủ yếu;

- Quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội;

- Quy hoạch phát triển thị trấn, thị tứ và khu dân cư nông thôn.

b) Căn cứ Nghị quyết Trung ương, các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thành việc xây dựng các Đề án công nghiệp hoá hiện đại hoá chuyên ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện, gồm các nhóm sau:

- Về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, bao gồm các đề án: chuyển dịch cơ cấu nông, lâm nghiệp, thuỷ sản của cả nước và 7 vùng sinh thái; công nghiệp hoá, hiện đại hoá các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thuỷ sản và muối.

- Về phát triển công nghiệp ở nông thôn và công nghiệp phục vụ nông nghiệp, bao gồm: phát triển ngành nghề nông thôn; phát triển các ngành sử dụng nguyên liệu tại chỗ hoặc cần nhiều lao động (sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác mỏ, chế biến nông lâm thuỷ sản, dệt may, da giày, cơ khí lắp ráp sửa chữa...); sắp xếp, bố trí nâng cao năng lực công nghiệp cơ khí, hoá chất phục vụ nông nghiệp.

- Về phát triển kết cấu hạ tầng, bao gồm: phát triển thuỷ lợi và tài nguyên nước; giao thông nông thôn; phát triển điện và năng lượng tái tạo ở nông thôn; phát triển các dịch vụ bưu chính viễn thông cấp xã và phát triển hệ thống thông tin; bố trí lại khu dân cư; xây dựng thị trấn, thị tứ.

- Về phát triển thị trường: lập đề án xây dựng hệ thống chợ và trung tâm thương mại, dịch vụ ở nông thôn.

- Về xây dựng quan hệ sản xuất: Khuyến khích phát triển liên kết kinh tế giữa các thành phần kinh tế trên địa bàn nông thôn. Ngoài chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, về đổi mới doanh nghiệp nhà nước và Nghị quyết Trung ương 5 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân cần xây dựng đề án Đổi mới nông, lâm trường quốc doanh.

- Về xây dựng đời sống văn hoá, xã hội ở nông thôn: Đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, tập trung vào công tác xây dựng làng, thôn, ấp, bản, gia đình văn hoá, xây dựng trung tâm văn hoá làng, xã. Phát triển y tế cộng đồng; đào tạo nguồn nhân lực và phổ cập giáo dục.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến các huyện, xã trên cơ sở quy hoạch chung của cả nước, quy hoạch vùng và các đề án chuyên ngành về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, tiến hành xây dựng quy hoạch và các dự án cụ thể của địa phương mình, đồng thời có kế hoạch tổ chức chỉ đạo thực hiện đạt kết quả. Cùng với việc đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá cần chủ động thực hiện các yêu cầu về xoá đói giảm nghèo, nhất là đối với các vùng cao, vùng sâu, vùng xa để đạt hiệu quả cả về kinh tế và xã hội.

3. Đẩy mạnh việc ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ

- Xây dựng và triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ vào nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, tập trung vào các chương trình ứng dụng công nghệ sinh học như: chương trình phát triển giống cây trồng, vật nuôi; chương trình công nghệ sau thu hoạch, nhất là bảo quản và chế biến nông, lâm, thuỷ sản. Lựa chọn và nhập khẩu các giống mới, các công nghệ tiên tiến từ nước ngoài để đưa nhanh vào sản xuất trên cơ sở khuyến khích và hỗ trợ mọi thành phần kinh tế tham gia tích cực. Phấn đấu đến năm 2010 cơ bản đuổi kịp các nước trong khu vực về trình độ công nghệ trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản.

- Hình thành các trung tâm nghiên cứu hiện đại có năng lực. Tăng cường đầu tư năng lực nghiên cứu cho các trung tân này nhằm tạo ra những đột phá về công nghệ. Tăng cường và đổi mới hệ thống khuyến nông nhất là ở cơ sở.

- Đổi mới cơ chế quản lý khoa học, quản lý khuyến nông, nhất là cơ chế quản lý tài chính, nhân sự, nhằm tăng cường sự gắn kết giữa các cơ quan nghiên cứu và hệ thống khuyến nông cũng như nâng cao hiệu quả nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ.

- Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các Viện nghiên cứu, các Trường đại học, cao đẳng, trung học ở Trung ương và các địa phương. Nghiên cứu thành lập các học viện nông nghiệp, lâm nghiệp nhằm phục vụ hiệu quả việc nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ và việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

4. Điều chỉnh bổ sung các cơ chế, chính sách

- Về đất đai: Điều chỉnh các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho nông dân thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đối với đất đai như: khuyến khích nông dân "dồn điền, đổi thửa"; cho phép nông dân sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn, liên doanh, liên kết sản xuất kinh doanh. Tiến hành tổng kết về chính sách đất đai làm cơ sở để bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai.

- Về đầu tư: Huy động các nguồn vốn để đầu tư thích đáng cho quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Ưu tiên bố trí các nguồn vốn của Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trước hết là: xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn, nhất là thuỷ lợi, giao thông và hệ thống điện; phát triển nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ, phát triển thị trường nông thôn; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh trong nông nghiệp.

- Về tín dụng: Xây dựng cơ chế hoạt động cho phép các Ngân hàng thương mại hoạt động trên địa bàn nông thôn với lãi suất thoả thuận, nhằm khai thác nguồn, tăng khả năng cho vay vốn, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn.

- Về thuế: Trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi luật thuế sử dụng đất nông nghiệp, thực hiện luật thuế sử dụng đất. Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung thuế thu nhập nhằm khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp, nông thôn, trình Quốc hội phê chuẩn.

- Về lao động và việc làm: Xây dựng chính sách đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực và khuyến khích cán bộ phục vụ nông nghiệp, nông thôn, miền núi.

- Về chính sách cán bộ: Xây dựng chính sách và đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

- Về thương mại, hội nhập: Có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh nông sản nâng cao khả năng cạnh tranh của nông, lâm, thuỷ sản hàng hoá; hỗ trợ hợp lý một số ngành hàng thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp còn khó khăn, yếu kém nhưng có triển vọng.

III. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

Theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, Chính phủ tập trung chỉ đạo thường xuyên công tác quy hoạch tổng thể, phân bố lực lượng sản xuất, xây dựng các chính sách, quản lý các chương trình quốc gia; phân công Phó Thủ tướng chỉ đạo điều hành các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết trung ương về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Các Bộ, ngành chủ trì rà soát quy hoạch ngành, xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án chuyên ngành, tổ chức nghiên cứu, đề xuất đổi mới các chính sách thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành; mỗi Bộ phân công Thứ trưởng phụ trách chỉ đạo công tác này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm tham mưu giúp Chính phủ theo dõi, tổng hợp tình hình, định kỳ báo cáo Chính phủ việc thực hiện Nghị quyết Trung ương về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Tỉnh là địa bàn cơ bản để chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phân công Phó Chủ tịch chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các cơ sở quy hoạch, xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình, dự án của địa phương.

- Các Tổng công ty 90, 91 xây dựng các chương trình hành động cụ thể làm nòng cốt trong việc thực hiện các chủ trương công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thuộc các lĩnh vực có liên quan.

- Tổ chức chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm về công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở cấp tỉnh, thành phố, huyện, xã, tập trung vào việc thí điểm các cơ chế, chính sách. Các tỉnh chủ động xây dựng mô hình các huyện, xã điểm ở địa phương, các Bộ, ngành phối hợp.

- Các Bộ, các địa phương tổ chức sơ kết, tổng kết các chương trình, đề án, dự án của ngành và địa phương mình về gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động hợp lý, thực hiện tốt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.