ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 69/2009/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 18 tháng 05 năm 2009 |
BAN HÀNH QUY CHẾ PHONG TẶNG DANH HIỆU NGHỆ NHÂN HÀ NỘI NGÀNH THỦ CÔNG MỸ NGHỆ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi đua, khen thưởng năm 2005;
Căn cứ Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan;
Căn cứ Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi đua, khen thưởng năm 2005;
Xét Tờ trình số 1094/TTr-SCT ngày 14/4/2009 của Giám đốc Sở Công Thương về việc phê duyệt ban hành “Quy chế phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội ngành thủ công mỹ nghệ”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này là Quy chế phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội ngành thủ công mỹ nghệ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký; các văn bản trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Công thương, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lãnh đạo các Sở, Ban, ngành liên quan của Thành phố; Chủ tịch Liên minh HTX Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thành phố trực thuộc; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHONG TẶNG DANH HIỆU NGHỆ NHÂN HÀ NỘI NGÀNH THỦ CÔNG MỸ NGHỆ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 69/2009/QĐ-UBND ngày 18 tháng 5 năm 2009 của UBND thành phố Hà Nội)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội ngành thủ công mỹ nghệ (sau đây gọi tắt là Nghệ nhân Hà Nội) và một số chế độ khuyến khích đối với người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội.
2. Người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, đang tham gia hoạt động sản xuất trong ngành thủ công mỹ nghệ.
3. Danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội phong tặng, nhằm ghi nhận, biểu dương và tôn vinh công lao đóng góp của những người thợ giỏi đang cống hiến tài năng, trí tuệ, sức lực cho việc khôi phục, giữ gìn và phát triển ngành thủ công mỹ nghệ của Thủ đô.
Điều 2. Nguyên tắc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội
1. Danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội chỉ phong tặng một lần cho một người.
2. Người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội phải là người thợ giỏi tiêu biểu, hội đủ phẩm chất “có đức, có tài và có công” trong hoạt động nghề nghiệp và đối với xã hội.
3. Việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội do Hội đồng xét tặng danh hiệu nghệ nhân thành phố Hà Nội (sau đây gọi tắt là Hội đồng) thẩm định và xét chọn hồ sơ, trình Chủ tịch UBND Thành phố quyết định.
Điều 3. Tiêu chuẩn Nghệ nhân Hà Nội
Người được đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội phải đạt các tiêu chuẩn sau:
1. Chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề, gương mẫu, thực sự là tấm gương sáng cho mọi người và đồng nghiệp noi theo.
2. Là thợ giỏi được đồng nghiệp thừa nhận, có thâm niên trong nghề tối thiểu 10 năm; có trình độ kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp điêu luyện, sáng tác thiết kế được ít nhất 5 mẫu sản phẩm đạt trình độ nghệ thuật cao mà người thợ bình thường không làm được, trực tiếp làm ra ít nhất 10 tác phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật, đáp ứng được một trong các yêu cầu sau:
a. Sản phẩm, tác phẩm đạt giải thưởng vàng, bạc, đồng hoặc tương đương tại các hội chợ triển lãm quốc gia hoặc quốc tế; đạt giải nhất, nhì tại các cuộc thi sản phẩm thủ công do các cơ quan, đơn vị, hiệp hội nghề tổ chức;
b. Sản phẩm, tác phẩm được chọn trưng bày trong các Bảo tàng, công trình văn hóa, phục chế di tích lịch sử;
c. Sản phẩm, tác phẩm được chọn làm mẫu phục vụ công tác giảng dạy tại các trường mỹ thuật, đào tạo nghề;
3. Có thành tích trong việc giữ gìn, phát triển nghề; tham gia đào tạo truyền nghề cho tối thiểu 50 người.
4. Những người do đặc thù của nghề, chưa đủ tiêu chuẩn về đào tạo truyền nghề đủ số người, hay chưa đủ thâm niên nghề theo quy định, vẫn được xem xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội.
QUY TRÌNH, THỦ TỤC VÀ HỒ SƠ XÉT CHỌN
Điều 4. Quy trình xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội
1. Các cá nhân đang hoạt động trong ngành thủ công mỹ nghệ đối chiếu tiêu chuẩn tại Điều 3 Quy chế này, xét thấy đủ điều kiện, kê khai hồ sơ theo Khoản 1 Điều 5 Quy chế này và nộp hồ sơ tại UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú (sau đây gọi tắt là UBND cấp xã).
2. UBND cấp xã hướng dẫn kê khai hồ sơ, xem xét, xác nhận hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ cá nhân, tổng hợp và gửi UBND quận, huyện, thành phố trực thuộc (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện): Danh sách đề nghị xét phong tặng, kèm theo các bộ hồ sơ cá nhân.
3. UBND cấp huyện tiếp nhận hồ sơ; kiểm tra sự đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ; tổng hợp và gửi UBND Thành phố và Sở Công Thương: Công văn đề nghị xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, Danh sách đề nghị xét phong tặng kèm theo các bộ hồ sơ cá nhân.
4. Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội do UBND Thành phố quyết định thành lập, tổ chức xét chọn danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, trình UBND Thành phố quyết định.
Điều 5. Hồ sơ xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội
1. Hồ sơ cá nhân làm thành 4 bộ, gồm:
a) Đơn đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội.
b) Sơ yếu lý lịch của người đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân (có dán ảnh và xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú về việc chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước).
c) Bảng liệt kê các sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật cao, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật (kèm đĩa CD chứa các file ảnh sản phẩm, tác phẩm và các tài liệu chứng minh nguồn gốc liên quan).
d) Các bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận, huy chương, giải thưởng đạt được trong các cuộc thi, triển lãm, hội chợ trong nước hoặc quốc tế, kèm theo ảnh chụp các sản phẩm đoạt giải.
đ) Những người do đặc thù nghề, chưa đủ tiêu chuẩn về đào tạo truyền nghề đủ số người, hay chưa đủ thâm niên nghề theo quy định tại Điều 3 Quy chế này, phải làm đơn trình bày rõ lý do, gửi UBND Thành phố và Hội đồng xem xét, quyết định.
2. Hồ sơ UBND cấp xã đề nghị xét phong tặng nghệ nhân, gửi UBND cấp huyện, mỗi loại 04 bộ, gồm: Danh sách đề nghị xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, kèm theo các bộ hồ sơ cá nhân.
3. Hồ sơ UBND cấp huyện đề nghị xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân, gửi UBND Thành phố và Sở Công Thương, mỗi loại 03 bộ, gồm: Công văn đề nghị xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, danh sách đề nghị xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, kèm theo các bộ hồ sơ cá nhân.
Điều 6. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng
1. Hội đồng gồm đại diện các nhà quản lý có uy tín, chuyên môn phù hợp và các chuyên gia kỹ – mỹ thuật ngành thủ công mỹ nghệ am hiểu lĩnh vực xem xét của Hội đồng. Thành phần Hội đồng do Giám đốc Sở Công Thương đề nghị.
Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng có thể tổ chức mời và lấy ý kiến tư vấn của các nghệ nhân có uy tín, về lĩnh vực cần xem xét của Hội đồng.
2. Hội đồng hoạt động theo nguyên tắc sau:
a) Hội đồng chỉ xem xét các hồ sơ cá nhân được UBND cấp huyện đề nghị.
b) Hội đồng không xem xét các trường hợp: hồ sơ kê khai không đúng mẫu, không đủ hồ sơ hoặc nộp chậm thời hạn quy định.
c) Kỳ họp của Hội đồng phải có ít nhất 3/4 số thành viên Hội đồng tham dự, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng.
d) Mỗi thành viên Hội đồng có trách nhiệm nghiên cứu, nhận xét, lựa chọn các cá nhân đạt tiêu chuẩn để bỏ phiếu tín nhiệm; Hội đồng đánh giá theo nguyên tắc bỏ phiếu kín và thực hiện công bằng, dân chủ, khách quan.
đ) Người được Hội đồng đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội phải đạt ít nhất 3/4 số phiếu đề nghị trên tổng số thành viên Hội đồng tham dự.
e) Hội đồng thông báo công khai kết quả xét chọn trên phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến dư luận trong 07 ngày làm việc, nếu không có ý kiến khác, Hội đồng trình UBND Thành phố quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội.
Điều 7. Thời gian tổ chức xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội
1. UBND Thành phố tổ chức xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân Hà Nội định kỳ hai năm một lần
2. UBND cấp huyện hoàn thành hồ sơ theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Quy chế này, gửi Sở Công Thương trước ngày 30 tháng 4 của năm xét phong tặng.
3. Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội hoàn thành xét chọn danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, trình UBND Thành phố trước ngày 30 tháng 9 của năm xét phong tặng.
Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về kết quả xét chọn danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội. Đơn thư khiếu nại gửi Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Hội đồng và UBND Thành phố xem xét giải quyết theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.
QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGHỆ NHÂN HÀ NỘI
Điều 9. Quyền lợi của Nghệ nhân Hà Nội
1. Người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội được UBND Thành phố cấp Bằng chứng nhận “Nghệ nhân Hà Nội ngành thủ công mỹ nghệ” kèm theo tiền thưởng 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) và huy hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”.
2. Người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội được hưởng các quyền lợi sau:
a) Được tổ chức truyền, dạy nghề trực tiếp và thu tiền học phí của các học viên trên nguyên tắc thỏa thuận theo quy định của pháp luật; được miễn các loại thuế trong hoạt động truyền và dạy nghề, thuế thu nhập khi chuyển nhượng mẫu mã sáng tác cho đơn vị, cá nhân sản xuất;
b) Được hỗ trợ kinh phí thực hiện các đề án đào tạo nghề, truyền nghề, hoạt động nghiên cứu, thiết kế cải tiến mẫu mã sản phẩm, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, đa dạng hóa sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, theo chương trình hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề, chương trình khuyến công được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
c) Được hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ đối với những sản phẩm làm ra theo pháp luật hiện hành;
d) Được hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn trong nước theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
đ) Được tham gia trưng bày giới thiệu miễn phí các sản phẩm do chính Nghệ nhân làm ra khi tham gia hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Được hỗ trợ 50% kinh phí ăn nghỉ, thuê phương tiện đi lại khi tham gia hội chợ triển lãm ở nước ngoài theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 10. Trách nhiệm của Nghệ nhân Hà Nội
1. Tích cực tham gia đào tạo nghề, truyền nghề, phát triển nghề.
2. Cung cấp tài liệu, phổ biến kinh nghiệm sản xuất; tích cực nghiên cứu cải tiến mẫu mã sản phẩm, đầu tư công nghệ sản xuất mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lược, hạ giá thành sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
3. Tích cực tìm tòi, nghiên cứu giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghề truyền thống của dân tộc.
4. Hưởng ứng tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm mới tại các hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế hàng năm.
QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Công Thương là Thường trực Hội đồng, có trách nhiệm:
- Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Quy chế này.
- Giới thiệu danh sách thành viên Hội đồng xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, trình UBND Thành phố quyết định thành lập Hội đồng cho mỗi đợt xét phong tặng.
- Tiếp nhận hồ sơ đề nghị xét phong tặng của UBND cấp huyện; tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.
- Xây dựng kế hoạch: bồi dưỡng, nâng cao kiến thức kỹ thuật, mỹ thuật cho các nghệ nhân; tổ chức các cuộc thi thợ giỏi để lựa chọn tạo dựng lớp nghệ nhân kế cận; tổ chức hội chợ triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ thường niên; tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm phát triển mẫu mã sản phẩm cho các nghệ nhân.
- Xây dựng kế hoạch tài chính phục vụ hoạt động xét chọn, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội và các quyền lợi, chế độ của Nghệ nhân Hà Nội hàng năm trình UBND Thành phố phê duyệt;
2. Sở Tài chính: Bố trí ngân sách phục vụ công tác tổ chức phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội và giải quyết chế độ của Nghệ nhân theo quy định Quy chế này.
3. Liên minh HTX Thành phố, các Sở, Ban, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Công Thương tuyên truyền, hướng dẫn, giải quyết chế độ của Nghệ nhân Hà Nội theo quy định Quy chế này.
4. UBND cấp huyện chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra UBND cấp xã trong việc tuyên truyền, phổ biến Quy chế, hướng dẫn kê khai hồ sơ. Tiếp nhận hồ sơ của UBND cấp xã, kiểm tra sự đầy đủ và hợp thức của các bộ hồ sơ; tổng hợp, hoàn thành hồ sơ theo quy định, gửi UBND Thành phố, Sở Công Thương.
5. UBND cấp xã hướng dẫn kê khai hồ sơ đăng ký, xem xét, xác nhận hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ đăng ký; tổng hợp, hoàn thành hồ sơ theo quy định, gửi UBND cấp huyện.
6. Các Hội nghề nghiệp có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn các hội viên kê khai hồ sơ cá nhân; phối hợp với UBND các cấp lựa chọn, giới thiệu người đủ tiêu chuẩn đề nghị xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội.
Điều 12. Quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hội nghề nghiệp chịu trách nhiệm về nội dung xác nhận hồ sơ. Cá nhân đăng ký xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội chịu trách nhiệm về tính đúng đắn trong hồ sơ kê khai.
Trường hợp phát hiện có hành vi khai man, bị tước danh hiệu và tùy theo mức độ vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức và cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Quyết định 120/2003/QĐ-UB ban hành Quy chế phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" và một số chế độ đối với Nghệ nhân do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- 2 Quyết định 5745/QĐ-UBND năm 2009 về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành đã hết hiệu lực thi hành do có văn bản thay thế do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 3 Quyết định 5745/QĐ-UBND năm 2009 về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành đã hết hiệu lực thi hành do có văn bản thay thế do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 1 Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan do Quốc hội ban hành
- 2 Quyết định 1474/2007/QĐ-UBND quy chế phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Thừa Thiên Huế
- 3 Nghị định 121/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Luật thi đua, khen thưởng và Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi
- 4 Luật Thi đua, Khen thưởng sửa đổi 2005
- 5 Luật Thi đua, Khen thưởng 2003
- 1 Quyết định 120/2003/QĐ-UB ban hành Quy chế phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" và một số chế độ đối với Nghệ nhân do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- 2 Quyết định 5745/QĐ-UBND năm 2009 về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành đã hết hiệu lực thi hành do có văn bản thay thế do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 3 Quyết định 1474/2007/QĐ-UBND quy chế phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Thừa Thiên Huế