ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 69/2017/QĐ-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 25 tháng 8 năm 2017 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;
Căn cứ Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 216/TTr-TNMT-MT ngày 07 tháng 7 năm 2017,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc xây dựng và vận hành hồ chỉ thị sinh học môi trường trong quản lý nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 10/9/2017.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh; Chỉ huy Trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh; Cục trưởng Cục thuế tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ VIỆC XÂY DỰNG VÀ VẬN HÀNH HỒ CHỈ THỊ SINH HỌC MÔI TRƯỜNG TRONG QUẢN LÝ NƯỚC THẢI CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 69/2017/QĐ-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)
Quy định này quy định về việc xây dựng và vận hành hồ chỉ thị sinh học môi trường trong quản lý nước thải công nghiệp trên địa bàn Thừa Thiên Huế.
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài có liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường; xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
1. Sinh vật chỉ thị là những sinh vật có yêu cầu nhất định về điều kiện sinh thái liên quan đến nhu cầu dinh dưỡng, hàm lượng oxy, cũng như khả năng chống chịu một hàm lượng nhất định các yếu tố độc hại trong môi trường sống và khi đó sự hiện diện của chúng biểu thị một tình trạng điều kiện sinh thái của môi trường sống nằm trong giới hạn nhu cầu và khả năng chống chịu của đối tượng sinh vật đó; chỉ thị về độ sạch, độ nhiễm bẩn của thủy vực (gắn liền với độ giàu, nghèo dinh dưỡng), chỉ thị về chất lượng nước: nước cứng, nước mềm, nồng độ muối, độ nhiễm phèn, nhiễm độc....
Sinh vật chỉ thị được hiểu là sinh vật chỉ được phát hiện trong một môi trường có mức ô nhiễm nhất định. Nó phải đặc trưng, không xuất hiện trong "ngưỡng" ô nhiễm khác. Sinh vật chỉ thị thường được dùng là các loại dễ thay đổi về thành phần loài và mật độ cá thể khi môi trường có sự thay đổi.
2. Hồ chỉ thị sinh học môi trường là hồ điều hòa lưu giữ nước thải công nghiệp sau khi đã qua hệ thống xử lý nước thải của cơ sở trong vòng ít nhất 05 ngày theo công suất hệ thống xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường, được giám sát bằng Hồ chỉ thị sinh học để kiểm soát chất lượng nước sau xử lý.
Hồ chỉ thị sinh học môi trường được sử dụng để ứng phó sự cố, điều hòa, lưu giữ nước thải xử lý chưa đạt quy chuẩn trong trường hợp hệ thống xử lý nước thải gặp sự cố.
3. Giám sát của cộng đồng là hoạt động tự nguyện của nhân dân sinh sống trên địa bàn xã, phường, hoặc thị trấn (sau đây gọi chung là xã) theo quy định của pháp luật có liên quan; nhằm theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở, doanh nghiệp trong xây dựng và vận hành hồ chỉ thị sinh học môi trường; quan trắc, phát hiện, kiến nghị với các cơ quan chức năng có thẩm quyền về các hành vi vi phạm các quy định trong quản lý nước thải công nghiệp để kịp thời ngăn chặn và xử lý những việc làm sai quy định, ảnh hưởng đến môi trường, xâm hại lợi ích của nhân dân.
XÂY DỰNG HỒ CHỈ THỊ SINH HỌC MÔI TRƯỜNG
Điều 4. Yêu cầu kỹ thuật và quy định trong đầu tư xây dựng hồ chỉ thị sinh học môi trường
1. Yêu cầu kỹ thuật:
a) Là công trình bổ trợ cho hệ thống xử lý nước thải; giai đoạn cuối cùng lưu giữ nước thải công nghiệp đã xử lý trước khi xả thải ra môi trường. Việc đánh giá nước thải sau xử lý của hệ thống xử lý nước thải đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường được phân tích, lấy mẫu đối với nước thải trước khi vào hồ chỉ thị sinh học môi trường;
b) Nằm sau vị trí lấy mẫu, đặt trạm quan trắc tự động của hệ thống xử lý nước thải công nghiệp (đối với trường hợp phải lắp đặt trạm quan trắc tự động);
c) Dung tích của hồ phải đảm bảo lưu giữ nước thải trước khi xả ra môi trường trong vòng ít nhất 05 ngày theo công suất hệ thống xử lý nước thải;
d) Nền được lót chống thấm;
đ) Vị trí cửa xả thải của hồ được lắp đặt van khóa đóng/mở;
e) Được thiết kế kỹ thuật trong Hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án, hệ thống xử lý nước thải và được cơ quan có thẩm quyền thẩm định;
g) Quy trình vận hành, duy tu bảo dưỡng, phương án xử lý và khắc phục sự cố môi trường của hồ chỉ thị sinh học được xây dựng lồng ghép vào trong Quy trình của hệ thống xử lý nước thải của cơ sở.
2. Quy định về đầu tư và vận hành hồ chỉ thị sinh học môi trường
a) Quy định về đầu tư
- Các cơ sở phải đầu tư xây dựng hồ chỉ thị sinh học môi trường gồm:
+ Các khu công nghiệp;
+ Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm ngoài khu công nghiệp có quy mô xả thải từ 1.000 m3/ngày đêm (không bao gồm nước làm mát);
+ Cơ sở công nghiệp, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô công nghiệp tập trung xả nước thải ra vùng đầu nguồn, vùng cấp nước sinh hoạt.
- Khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ nằm ngoài khu công nghiệp và xả nước thải vào nguồn nước ngoài khu công nghiệp mà có nguy cơ tác hại đến môi trường thực hiện đầu tư xây dựng hồ chỉ thị sinh học môi trường.
b) Vận hành hồ chỉ thị sinh học môi trường:
- Hồ chỉ thị sinh học môi trường thuộc trách nhiệm quản lý, vận hành của chủ cơ sở, doanh nghiệp có xả thải và chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như chính quyền địa phương và sự giám sát của cộng đồng.
- Quy trình hoạt động của hồ như sau:
Nước thải sau khi đã được xử lý tại hệ thống xử lý nước thải của cơ sở được đưa vào hồ chỉ thị sinh học môi trường để lưu giữ trong một khoảng thời gian đủ để quan trắc ít nhất 5 ngày, đánh giá tính an toàn bằng chỉ thị sinh học.
Trường hợp các thông số quan trắc cho thấy nguồn nước trong hồ đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường thì cơ sở được phép xả thải ra môi trường từ cửa xả của hồ chỉ thị sinh học môi trường.
Trường hợp hệ thống xử lý nước thải gặp sự cố hoặc chỉ số quan trắc nước thải trước khi vào hồ chỉ thị sinh học môi trường chưa đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc chỉ số quan trắc tại hồ chỉ chi thị sinh học chưa đảm bảo an toàn, chưa đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường thì chủ cơ sở phải tiến hành đóng van cửa xả của hồ chỉ thị sinh học môi trường, tạm thời ngưng hoặc hạn chế các hoạt động sản xuất có phát sinh nước thải để kiểm tra và khắc phục sự cố. Sau khi kiểm tra, khắc phục sự cố, hệ thống xử lý nước thải đã xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường thì tiến hành bơm nước từ hồ chỉ thị sinh học môi trường trở lại hệ thống xử lý nước thải để xử lý; đến khi thông số quan trắc cho thấy nguồn nước trong hồ đã đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường thì cơ sở được phép xả thải ra môi trường từ cửa xả của hồ chỉ thị sinh học môi trường.
- Sinh vật chỉ thị: chủ đầu tư, vận hành hồ chi thị sinh học môi trường có trách nhiệm thả nuôi sinh vật chỉ thị và tiến hành quan trắc theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Điều 5. Thời điểm xây dựng hồ chỉ thị
1. Hồ chỉ thị sinh học môi trường được xây dựng đồng bộ với hệ thống xử nước thải, là công trình bảo vệ môi trường của Dự án phải được hoàn thành trước khi đưa dự án đi vào thử nghiệm, vận hành.
Khi tiến hành lập Dự án, đánh giá tác động môi trường của Dự án, cơ sở thuộc diện phải đầu tư xây dựng, vận hành hồ chỉ thị sinh học môi trường lồng ghép thiết kế đầu tư xây dựng và vận hành hồ chỉ thị sinh học môi trường vào hệ thống xử lý nước thải của Dự án.
2. Các cơ sở đã hoạt động trước thời điểm Quy định này có hiệu lực, thì trong thời hạn tối đa 18 (mười tám) tháng, kể từ ngày Quy định này có hiệu lực phải xây dựng hồ chỉ thị và đưa vào vận hành theo quy định.
3. Hồ chỉ thị sinh học môi trường của cơ sở đã xây dựng phải được thiết kế, xây dựng lại khi có sự thay đổi loại hình sản xuất, công nghệ, công suất làm tăng lượng nước thải phát sinh mà sức chứa của hồ chỉ thị hiện tại không đáp ứng đủ điều kiện cho việc quản lý nước thải.
4. Trường hợp không thể bố trí được mặt bằng để xây dựng hồ chỉ thị thì chủ cơ sở, doanh nghiệp phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để xem xét, quyết định.
Điều 6. Hoạt động giám sát cộng đồng
1. Trách nhiệm của nhóm/tổ giám sát cộng đồng
a) Yêu cầu chủ cơ sở, doanh nghiệp báo cáo, giải trình, cung cấp thông tin làm rõ những vấn đề mà cộng đồng có ý kiến.
b) Tổng hợp ý kiến của cộng đồng, các cơ quan quản lý có liên quan và yêu cầu chủ cơ sở, doanh nghiệp báo cáo và thực hiện các biện pháp giải quyết những vấn đề mà cộng đồng có ý kiến, kiến nghị trong hoạt động quản lý nước thải công nghiệp.
c) Thông báo cho cộng đồng và các cơ quan liên quan kết quả hoạt động của nhóm/tổ giám sát cộng đồng và các biện pháp của chủ cơ sở, doanh nghiệp thực hiện để giải quyết những vấn đề mà cộng đồng có ý kiến.
2. Yêu cầu đối với hoạt động giám sát của cộng đồng
a) Thực hiện giám sát đúng đối tượng, phạm vi và nội dung giám sát theo quy định.
b) Không gây cản trở công việc của các chủ cơ sở, doanh nghiệp chịu sự giám sát của nhóm/tổ giám sát cộng đồng.
3. Trách nhiệm của các cơ sở, doanh nghiệp
a) Công khai quy trình, quy phạm kỹ thuật liên quan đến quá trình xây dựng và vận hành các hồ chỉ thị sinh học môi trường.
b) Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan quản lý, các tổ chức giám sát độc lập, nhóm/tổ giám sát cộng đồng thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
c) Trả lời, giải trình, cung cấp các thông tin về Quy trình vận hành hồ chỉ thị sinh học môi trường theo quy định của pháp luật khi cơ quan quản lý, nhóm/tổ giám sát cộng đồng yêu cầu.
d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin đã cung cấp.
Điều 7. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp xây dựng hồ sơ thiết kế kỹ thuật và giám sát quá trình vận hành hồ chỉ thị theo Quy định này.
2. Phổ biến, hướng dẫn triển khai thực hiện Quy định này trên địa bàn toàn tỉnh.
3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đôn đốc đối với công tác quản lý và vận hành hồ chỉ thị của các cơ sở, doanh nghiệp.
4. Định kỳ hàng năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Quy định này về UBND tỉnh trước ngày 31/12.
Điều 8. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành liên quan
1. Triển khai thực hiện Quy định này trong phạm vi quản lý ngành.
2. Tham gia góp ý phương án thiết kế, xây dựng và quy trình vận hành hồ chỉ thị của các cơ sở, doanh nghiệp.
3. Giám sát việc xây dựng, vận hành hồ chỉ thị trong phạm vi quản lý của ngành.
4. Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc quản lý và vận hành hồ chỉ thị của các cơ sở, doanh nghiệp.
Điều 9. Trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố, thị xã
1. Tham gia góp ý phương án thiết kế, xây dựng và quy trình vận hành hồ chỉ thị.
2. Hướng dẫn thành lập nhóm/tổ giám sát của cộng đồng đối với hoạt động của hồ chỉ thị tại các cơ sở, doanh nghiệp.
3. Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đôn đốc và quản lý, giám sát việc vận hành hồ chỉ thị tại các cơ sở, doanh nghiệp.
Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã
1. Hướng dẫn, động viên nhân dân tích cực tham gia và thực hiện việc giám sát của nhóm/tổ giám sát cộng đồng đối với hoạt động của hồ chỉ thị.
2. Tổ chức thành lập nhóm/tổ giám sát của cộng đồng
3. Hướng dẫn nhóm/tổ giám sát của cộng đồng xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát theo quy định của pháp luật; hỗ trợ nhóm/tổ giám sát của cộng đồng trong việc thông tin liên lạc, lập và gửi Báo cáo giám sát của cộng đồng cho các cơ quan liên quan khi cần thiết.
4. Tổ chức thực hiện giám sát của cộng đồng theo chương trình, kế hoạch đã đề ra; tiếp nhận các thông tin do nhân dân phản ánh và gửi tới các cơ quan quản lý theo quy định; tiếp nhận và thông tin cho nhân dân biết ý kiến trả lời của chủ cơ sở, doanh nghiệp về những kiến nghị của cộng đồng.
5. Xác nhận các văn bản báo cáo của nhóm/tổ giám sát cộng đồng trước khi gửi các cơ quan có thẩm quyền.
Điều 11. Trách nhiệm của các cơ sở, doanh nghiệp
1. Đầu tư xây dựng và vận hành hồ chỉ thị sinh học môi trường theo các nội dung của Quy định này.
2. Lồng ghép vào nội dung của hệ thống xử lý nước thải để trình cơ quan chức năng thẩm định đánh giá tác động môi trường, thiết kế cơ sở theo quy định.
3. Trường hợp sau khi đánh giá tác động môi trường được duyệt mà có sự thay đổi phương án thiết kế, thi công xây dựng, vận hành hồ chỉ thị, cơ sở, doanh nghiệp phải báo cáo cho cơ quan thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường và chỉ được thực hiện những thay đổi đó sau khi có văn bản chấp thuận.
4. Ngoài hoạt động quan trắc chất lượng nước của hệ thống xử lý nước thải theo quy định, chủ cơ sở, doanh nghiệp phải quan trắc hoạt động của hồ chỉ thị thông qua chỉ thị sinh học.
5. Kịp thời báo cáo sự cố xảy ra tại hồ chỉ thị; định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và các ngành liên quan.
Điều 12. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2017. Giám đốc các sở, ban ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBTU MTTQ Việt Nam các phường, xã, thị trấn; Thủ trưởng các tổ chức chính trị xã hội; Giám đốc các cơ sở, doanh nghiệp và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quy định này.
Điều 13. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Quy định này trên địa bàn tỉnh. Hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện báo cáo UBND tỉnh.
Điều 14. Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ sở, doanh nghiệp và các cá nhân có liên quan kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) tổng hợp để xem xét, giải quyết./.
- 1 Quyết định 36/2018/QĐ-UBND sửa đổi Khoản 1, Khoản 2, Điều 1 Quyết định 35/2015/QĐ-UBND về phân vùng môi trường tiếp nhận nước thải và khí thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 2 Quyết định 58/2017/QĐ-UBND về sửa đổi Quy định quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế kèm theo Quyết định 71/2014/QĐ-UBND
- 3 Quyết định 55/2017/QĐ-UBND Quy định quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 4 Quyết định 03/2017/QĐ-UBND Quy định quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải do thành phố Cần Thơ ban hành
- 5 Thông tư 35/2015/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao do Bộ trường Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 6 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 7 Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu
- 8 Nghị định 19/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
- 9 Luật bảo vệ môi trường 2014
- 1 Quyết định 03/2017/QĐ-UBND Quy định quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải do thành phố Cần Thơ ban hành
- 2 Quyết định 55/2017/QĐ-UBND Quy định quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 3 Quyết định 58/2017/QĐ-UBND về sửa đổi Quy định quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế kèm theo Quyết định 71/2014/QĐ-UBND
- 4 Quyết định 36/2018/QĐ-UBND sửa đổi Khoản 1, Khoản 2, Điều 1 Quyết định 35/2015/QĐ-UBND về phân vùng môi trường tiếp nhận nước thải và khí thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai