Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 697/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 20 tháng 4 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HỌC DÂN GIAN CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2023 - 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 3875/QĐ-UBND ngày 30/12/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành quy định về nguyên tắc phân bổ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 và hằng năm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn;

Căn cứ Kế hoạch số 432/KH-UBND ngày 07/7/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025;

Theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 19/TTr- SVHTTDL ngày 12 tháng 4 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số giai đoạn 2023 - 2030” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính; Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2 (t/h);
- CT, PCT UBND tỉnh (Ô. Hưng);
- PCVP (Ô. Minh);
- Lưu: VT, Nhung.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Duy Hưng

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HỌC DÂN GIAN CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2023 - 2030”
(Kèm theo Quyết định số 697/QĐ-UBND ngày 20/4/2023 của UBND tỉnh Bắc Kạn)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 3875/QĐ- BVHTTDL ngày 30/12/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030”, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương, các ngành liên quan và Nhân dân trong việc lưu giữ, phát huy các giá trị văn học dân gian của dân tộc.

2. Việc triển khai các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số phải phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời gắn kết chặt chẽ với việc bảo tồn, phát huy các thành tố văn hóa khác như: Phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết, trang phục, dân ca, dân vũ, dân nhạc...và với các ngành, lĩnh vực khác có liên quan (giáo dục, thông tin và truyền thông…).

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Phạm vi: Triển khai thực hiện trên địa bàn 08 huyện, thành phố.

2. Đối tượng thực hiện:

- Các thể loại văn học dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó phát huy các tác phẩm có giá trị tiêu biểu và hiện đang sử dụng thường xuyên; bảo tồn, lưu giữ các tác phẩm có nguy cơ bị mai một và nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các tác phẩm đã mất.

- Đồng bào các dân tộc thiểu số, văn nghệ sĩ, nghệ nhân người dân tộc thiểu số.

3. Thời gian thực hiện:

- Từ năm 2023 đến năm 2030, chia làm 02 giai đoạn:

+ Giai đoạn I: Từ năm 2023 đến 2026.

+ Giai đoạn II: Từ năm 2027 đến 2030.

- Việc sơ kết đánh giá thực hiện Kế hoạch sẽ tổ chức vào quý IV năm 2026 để xem xét, điều chỉnh cho giai đoạn sau.

- Việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch vào quý IV năm 2030 theo lộ trình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

III. NỘI DUNG

1. Khảo sát, sưu tầm, kiểm kê và lập danh mục thể loại văn học dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số

- Thời gian thực hiện: Năm 2024 - 2025.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Đơn vị phối hợp: Hội Văn học nghệ thuật và UBND các huyện, thành phố.

- Dự kinh phí thực hiện khoảng 190 triệu đồng.

2. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm kê, sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc thiểu số

- Số lượng lớp: 02 lớp (dự kiến 60 học viên/lớp).

- Thời gian thực hiện: Năm 2024.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Đơn vị phối hợp: UBND các huyện, thành phố.

- Dự kiến kinh phí thực hiện khoảng 60 triệu đồng.

3. Tổ chức các trại sáng tác về văn học dân gian các dân tộc

- Số lượng trại sáng tác: 03 trại.

- Thời gian thực hiện: Năm 2025, 2026, 2027.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.

- Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND các huyện, thành phố.

- Dự kiến kinh phí thực hiện khoảng 240 triệu đồng.

4. Xuất bản/tái bản ấn phẩm về các thể loại văn học dân gian các dân tộc thiểu số phục vụ công tác lưu giữ, truyền dạy, phổ biến

- Số lượng, hình thức ấn phẩm: 03 cuốn sách (200 trang/cuốn).

- Thời gian thực hiện: Năm 2025, 2026, 2027.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Hội Văn học nghệ thuật tỉnh

- Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Thông tin và Truyền thông.

- Dự kiến kinh phí thực hiện khoảng 180 triệu đồng.

5. Tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các tác phẩm văn học dân gian

- Hình thức: Tuyên truyền phổ biến, giới thiệu các tác phẩm văn học dân gian trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thành phố.

6. Đưa các tác phẩm văn học dân gian tiêu biểu của các dân tộc thiểu số vào hoạt động giảng dạy và giáo dục ngoại khóa tại trường học

- Thời gian thực hiện: Năm 2028.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Đơn vị phối hợp: Hội Văn học nghệ thuật; UBND các huyện, thành phố.

7. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Đơn vị phối hợp: Hội Văn học nghệ thuật; Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện: Khoảng 670 triệu đồng.

2. Kinh phí thực hiện Kế hoạch bố trí từ nguồn ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và nguồn vốn Trung ương hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án liên quan triển khai trên địa bàn tỉnh; nguồn đóng góp, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn huy động hợp pháp khác theo quy định.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Trên cơ sở Kế hoạch này, hằng năm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả.

- Chủ động phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc lồng ghép với nội dung các chương trình, đề án khác liên quan trong quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch này.

- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch và tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

- Vận động và tìm nguồn tài trợ, xã hội hóa phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành.

- Chỉ đạo các cơ quan báo chí của tỉnh tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền về Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Kế hoạch triển khai Đề án của UBND tỉnh; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nội dung được giao tại Kế hoạch này; quan tâm chỉ đạo các Trường trực thuộc, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số cho học sinh, sinh viên.

- Phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh lựa chọn các tác phẩm văn học dân gian tiêu biểu của dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh để giảng dạy, chuyển thể thành các tiết mục văn hóa, văn nghệ và tích hợp các hoạt động thực hành/thực tập, trình diễn tại các cơ sở giáo dục; chủ động lồng ghép với các chương trình, đề án khác liên quan thuộc lĩnh vực quản lý được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường phối hợp với Thư viện, Bảo tàng tỉnh tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động tuyên truyền, giáo dục tại Bảo tàng tỉnh và thực hiện trưng bày, giới thiệu các tài liệu, sách và ấn phẩm về văn học dân gian của các dân tộc thiểu tại một số trường học thuộc địa bàn quản lý.

4. Sở Tài chính

Căn cứ khả năng ngân sách của tỉnh, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các nội dung đề ra tại Kế hoạch này theo từng năm, giai đoạn đảm bảo đúng quy định.

5. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nội dung được giao tại Kế hoạch này.

- Quan tâm, vận động các Chi hội thành viên, các hội viên tích cực nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác, xuất bản, phát hành các ấn phẩm liên quan đến văn học dân gian của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

6. UBND các huyện, thành phố

- Chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch này.

- Lồng ghép việc thực hiện Kế hoạch với quá trình triển khai thực hiện các chương trình, đề án khác liên quan tại địa phương.

- Thường xuyên tổ chức các lễ hội, ngày hội và các hội thi, hội diễn trên địa bàn gắn với việc chuyển thể các tác phẩm văn học dân gian trở thành các tiết mục văn hoá, văn nghệ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian cũng như các loại hình di sản văn hoá khác của dân tộc. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo vệ, trao truyền, phát huy giá trị văn học dân gian của dân tộc.

- Kiểm tra, giám sát và định kỳ báo cáo triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số giai đoạn 2023 -2030”, các đơn vị, địa phương phối hợp, triển khai thực hiện và định kỳ gửi báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trước ngày 20/11 hằng năm để tổng hợp, báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định./.