Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 699/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 31 tháng 03 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TIÊM PHÒNG VẮC XIN ĐỊNH KỲ CHO GIA SÚC, GIA CẦM NĂM 2016 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19/06/2015;

Căn cứ Quyết định số 63/2005/QĐ-BNN ngày 13/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về tiêm phòng bắt buộc vắc xin cho gia súc, gia cầm;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 07/TTr-SNN ngày 18/01/2016 và ý kiến thẩm định của Sở Tài chính tại Văn bản số 662/STC-HCSN ngày 28/3/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tiêm phòng vắc xin định kỳ cho gia súc, gia cầm năm 2016 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan; UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài chính; Đài Phát thanh - Truyền hình; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc; Thủ trưởng các ngành, đơn vị, đoàn thể có liên quan căn cứ quyết định thi hành từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Thú y;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Trung tâm Công báo;
- LĐVP;
- Lưu: VT, NN, VX3, TC.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm S

 

KẾ HOẠCH

TIÊM PHÒNG VẮC XIN ĐỊNH KỲ CHO GIA SÚC, GIA CẦM NĂM 2016 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 699/QĐ-UBND ngày 31/3/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

I. Mục đích, yêu cầu, lịch triển khai, đối tượng và phạm vi tiêm phòng:

1. Mục đích, yêu cầu:

- Tỷ lệ tiêm phòng toàn tỉnh đạt trên 70% so với tổng đàn.

- Không để dịch bệnh xảy ra hoặc tái phát, đảm bảo an toàn cho người tham gia tiêm phòng, bảo quản và sử dụng vắc xin đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng kỹ thuật, không để hư hỏng và lãng phí vắc xin.

- Tiếp tục khống chế và tiến tới thanh toán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

2. Lịch tiêm phòng: Tổ chức thống nhất trong toàn tỉnh.

a) Tiêm phòng định kỳ gồm 02 đợt chính:

- Đợt 1: Bắt đầu từ tháng 4/2016, kết thúc và thanh quyết toán xong trước 20/4/2016.

- Đợt 2: Bắt đầu từ tháng 9/2016, kết thúc và thanh quyết toán xong trước 30/11/2016.

b) Tiêm phòng bổ sung: Tiêm phòng bổ sung cho những gia súc, gia cầm chưa tiêm phòng trong đợt tiêm chính do chưa đủ điều kiện tiêm phòng (chưa đến tuổi, bị bệnh...) hoặc bỏ sót, mới nhập về; những gia súc mới tiêm phòng lần đầu phải được tiêm nhắc lại.

c) Tiêm phòng khẩn cấp bao vây vùng có ổ dịch mới phát sinh; vùng uy hiếp, vùng đệm theo phạm vi xác định và hướng dẫn của Chi cục Thú y.

3. Đối tượng và loại vắc xin tiêm phòng:

a) Trâu, bò: Tiêm vắc xin lở mồm long móng (LMLM) và vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò.

b) Heo: Tiêm vắc xin dịch tả, tụ huyết trùng và phó thương hàn.

Sử dụng vắc xin có thể kết hợp được khi tiêm để tổ chức tiêm thuận lợi, đạt hiệu quả, chủng loại vắc xin do Chi cục Thú y chọn và hướng dẫn tiêm.

c) Gia cầm: tiêm vắc xin cúm gia cầm H5N1, chủng loại vắc xin do Chi cục Thú y lựa chọn đảm bảo phù hợp với sự lưu hành của virus và đặc điểm dịch tễ tại địa phương.

d) Chó: Tiêm vắc xin dại chó.

đ) Đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung, các trang trại, các đối tượng không được Nhà nước hỗ trợ vắc xin (gọi chung là trang trại) thì áp dụng quy trình tiêm phòng theo lứa tuổi. Chủ trang trại sử dụng các loại vắc xin được phép lưu hành để tiêm theo lứa tuổi và quy trình tiêm của nhà sản xuất mà cơ sở đã chọn vắc xin để phòng bệnh.

4. Phạm vi tiêm phòng:

a) Đối với gia súc: Toàn bộ trâu, bò, heo, chó trong diện tiêm trên địa bàn toàn tỉnh.

b) Đối với gia cầm: Toàn bộ đàn vịt, ngan của tỉnh.

II. Nội dung hoạt động:

1. Công tác tuyên truyền:

Thông qua các phương tiện và hình thức tuyên truyền phù hợp (báo, đài phát thanh truyền hình, xe loa, băng rôn, tài liệu tuyên truyền, họp tổ dân phố) phổ biến quy trình tiêm phòng bắt buộc cho vật nuôi, các loại vắc xin được tiêm phòng miễn phí, tác hại của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để tổ chức, gia đình, người chăn nuôi hiểu, tự giác phối hợp cùng chính quyền và cơ quan chuyên môn thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin đạt tỷ cao, đúng thời gian quy định.

2. Công tác chuẩn bị:

a) UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc (sau đây gọi là UBND cấp huyện) chỉ đạo việc lập và phê duyệt kế hoạch chi tiết (kinh phí, vật tư, nhân lực, tập huấn, tổ chức thực hiện...), kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cấp huyện, xã; giao trách nhiệm cho cơ quan chuyên môn, các cơ quan liên quan, UBND cấp xã và các đoàn thể tại địa phương phối hợp tổ chức thực hiện.

b) Chi cục Thú y tỉnh:

- Lựa chọn các loại vắc xin phù hợp với tình hình dịch tễ của địa phương.

- Cân đối nhu cầu toàn tỉnh để mua vắc xin, vật tư và phân bổ cho các địa phương.

- Phối hợp với UBND cấp huyện để hướng dẫn chuyên môn, tập huấn, chuẩn bị, tổ chức; kiểm tra, giám sát công tác tiêm phòng và các hoạt động phòng chống dịch bệnh.

c) Trung tâm Dự trữ vật tư Thú y - Bảo vệ thực vật của tỉnh:

- Chủ động kế hoạch tiếp nhận nguồn vắc xin của Trung ương; mua, dự trữ, bảo quản và cung ứng đủ, kịp thời vắc xin, vật tư khác (cả nguồn cấp và bán) cho công tác tiêm phòng đúng tiến độ.

- Báo cáo kịp thời Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y về số lượng, chủng loại, quy cách của vắc xin đã xuất, nhập, tồn kho tại đơn vị; luân chuyển vắc xin, tránh trường hợp để vắc xin hết hạn hoặc cận ngày sử dụng; hướng dẫn và thu các chứng từ liên quan đến sử dụng vắc xin từ Trung tâm Nông nghiệp cấp huyện để thực hiện thanh quyết toán các nguồn vắc xin theo quy định.

3. Tiêm phòng và quản lý vắc xin:

a) Tổ chức tiêm phòng: Trung tâm Nông nghiệp cấp huyện là đầu mối tiếp nhận các loại vắc xin từ Trung tâm Dự trữ vật tư Thú y - Bảo vệ thực vật và chịu trách nhiệm bảo quản, quản lý cấp, bán, theo dõi tình hình sử dụng vắc xin các loại trên địa bàn huyện, cụ thể như sau:

- Ký hợp đồng trách nhiệm với cán bộ thú y đi tiêm phòng, thanh lý hợp đồng tiêm phòng theo địa bàn xã. Căn cứ điều kiện thực tế và nhân lực tiêm phòng để tổ chức tiêm theo hình thức phù hợp (đại trà hoặc cuốn chiếu). Khi tiêm phòng có sự giám sát của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cấp xã, trưởng thôn và chủ hộ chăn nuôi.

- Cấp đúng, đủ giấy chứng nhận tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định chung; giám sát và cấp giấy chứng nhận tiêm phòng cho các trang trại tự tiêm. Giấy chứng nhận tiêm phòng là cơ sở để người chăn nuôi xuất bán sản phẩm, hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước (nếu dịch bệnh xảy ra) đồng thời là cơ sở để cơ quan Thú y theo dõi tình hình dịch tễ, kiểm tra giám sát về sau.

- Bán hoặc ủy quyền cho một số cửa hàng (được Chi cục Thú y thẩm định đủ điều kiện, được cấp giấy phép) bán vắc xin cho các cơ sở chăn nuôi tự tổ chức tiêm phòng theo quy định.

- Ghi chép đầy đủ quá trình tiêm phòng theo các biểu mẫu để thanh quyết toán theo quy định.

Những trường hợp chủ gia súc trong diện tiêm cố tình không chấp hành việc tiêm phòng thì Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp xã, nhân viên thú y đi tiêm lập biên bản cụ thể. Chủ gia súc phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc không tiêm phòng trước Pháp luật và không được hỗ trợ (nếu dịch bệnh xảy ra).

b) Quản lý vắc xin: Trung tâm Nông nghiệp cấp huyện chịu trách nhiệm:

- Bảo quản và hạn chế đến mức thấp hao hụt vắc xin khi vận chuyển và tiêm phòng. Trường hợp phát hiện các lọ vắc xin bị nứt, vỡ, mất phẩm chất về vật lý, quá hạn phải lập biên bản có xác nhận của UBND cấp xã, nhân viên thú y; thu giữ số vắc xin trên, báo cáo về Chi cục Thú y để xem xét tiêu hủy theo quy định.

- Thu giữ vỏ lọ vắc xin các loại; cùi giấy chứng nhận tiêm phòng đã cấp phát để đi tiêm và lưu trữ đầy đủ để kiểm tra, theo dõi và tiêu hủy vỏ lọ vắc xin theo hướng dẫn của Chi cục Thú y.

4. Giám sát tiêm phòng:

a) Giám sát chuyên môn, kỹ thuật tiêm phòng; địa bàn và đối tượng tiêm phòng; quản lý, bảo quản vắc xin tiêm phòng; tổ chức thực hiện bảo hộ lao động, nghiệm thu, thanh quyết toán tiêm phòng.

b) Giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các điểm phát bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các trường hợp phản ứng khi tiêm phòng, các ca nhiễm cúm A H5N1 ở người.

c) Giám sát kháng thể sau tiêm phòng: Lấy mẫu máu trên gia súc, gia cầm sau tiêm phòng hoặc đột xuất để kiểm tra hàm lượng kháng thể nhằm đánh giá hiệu quả tiêm phòng đồng thời dự tính, dự báo nguy cơ và đề ra các biện pháp khắc phục.

III. Nhu cầu vắc xin và kinh phí thực hiện:

1. Nhu cầu vắc xin:

a) Vắc xin LMLM: 140.000 liều. Nguồn vắc xin do Trung ương hỗ trợ.

b) Vắc xin dịch tả, vắc xin nhị liên (tụ huyết trùng, phó thương hàn heo): 340.500 liều, trong đó: còn tồn của năm 2015: 13.260 liều; mua thêm năm 2016: 327.240 liều vắc xin nhị liên và 327.240 liều dịch tả.

c) Vắc xin tụ huyết trùng trâu bò: 124.400 liều, trong đó: còn tồn của năm 2015: 125 liều; mua thêm năm 2016: 124.275 liều.

d) Vắc xin cúm gia cầm (H5N1): 690.000 liều, trong đó, còn tồn của năm 2015: 298.000 liều, mua thêm năm 2016 là: 392.000 liều.

đ) Vắc xin dại chó: 52.501 liều, trong đó, còn tồn của năm 2015: 19.021 liều, mua thêm năm 2016 là: 33.480 liều.

Chi tiết tại Phụ lục I đính kèm.

2. Nguồn kinh phí:

a) Ngân sách Trung ương: hỗ trợ vắc xin LMLM.

b) Ngân sách tỉnh:

- Mua vắc xin tụ huyết trùng trâu bò; dịch tả heo, tụ huyết trùng heo, phó thương hàn heo, dại chó và cúm gia cầm cho toàn bộ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh: 2.806,841 triệu đồng; nguồn kinh phí: dự phòng ngân sách tỉnh năm 2016 (Chi tiết tại Phụ lục II đính kèm)

- Sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp năm 2016 đã phân bố cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện các nội dung khác, gồm:

+ Chi cho hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức triển khai, kiểm tra giám sát của cấp tỉnh, lấy mẫu máu để kiểm tra giám sát (huyết thanh và vi rút); tiêu hủy vắc xin, vỏ lọ; tập huấn, hội nghị triển khai, sơ tổng kết tiêm phòng và các chi phí khác ở cấp tỉnh có liên quan.

+ Mua vật tư tiêm phòng (hộp xốp, thùng bảo ôn, bơm tiêm, kim tiêm, bảo hộ lao động và một số vật tư khác) và hóa chất khử trùng tiêu độc.

+ Kinh phí tiếp nhận, cung ứng, dự trữ, bảo quản, vận chuyển vắc xin về tỉnh và từ tỉnh đến huyện, kiểm tra tiêu hủy, thanh quyết toán tiêm phòng và các chi phí khác liên quan.

c) Ngân sách cấp huyện: Chi cho công tác tổ chức tiêm phòng, gồm: tuyên truyền, tập huấn, công tiêm phòng, vật tư phục vụ (dụng cụ, nhiên liệu), vận chuyển, bảo quản vắc xin và các chi phí khác.

d) Đối với các trang trại (theo tiêu chí trang trại quy định tại Quyết định số 05/2006/QĐ-UBND ngày 06/02/2006 của UBND tỉnh Lâm Đồng): tự mua các loại vắc xin cần thiết cho quy trình phòng bệnh của trang trại (nằm trong danh mục được phép lưu hành và có nguồn gốc rõ ràng) và trang trải chi phí tiêm phòng.

đ) Đối với vắc xin tai xanh tiêm phòng cho đàn heo: Trường hợp xảy ra ổ dịch tai xanh, tỉnh sẽ đề nghị Trung ương hỗ trợ hoặc chi từ ngân sách dự phòng của tỉnh để tiêm phòng và thực hiện các biện pháp để bao vây, xử lý ổ dịch.

IV. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các ngành liên quan và UBND các địa phương tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện từng đợt, định kỳ và hàng năm, trong đó:

a) Chỉ đạo Chi cục Thú y hướng dẫn, tập huấn về chuyên môn, kỹ thuật; phân bổ vắc xin cho các địa phương; kiểm tra, giám sát công tác tiêm phòng, lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng; kiểm tra quản lý, sử dụng vắc xin của cấp huyện; tuyên truyền về công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng;

b) Chỉ đạo Trung tâm Dự trữ vật tư Thú y - Bảo vệ thực vật căn cứ lượng vắc xin còn tồn, cân đối các nguồn vắc xin và tổ chức tiếp nhận, mua, dự trữ và cung ứng đủ số lượng vắc xin theo kế hoạch, đúng thời gian theo thông báo của Chi cục Thú y; thanh quyết toán vắc xin từ các nguồn đúng quy định.

2. Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức thực hiện.

3. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Lâm Đồng phối hợp tuyên truyền, phổ biến kế hoạch để tổ chức, hộ gia đình và người chăn nuôi biết, thực hiện.

4. UBND các huyện, thành phố:

a) Chỉ đạo các phòng, cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã và nhân dân triển khai thực hiện kế hoạch tiêm phòng ở địa phương; kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng vắc xin, trốn tránh không tiêm phòng, làm trái các nguyên tắc trong phòng chống dịch.

b) Báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh.

 

PHỤ LỤC I

BẢNG DỰ TRỮ CHI TIẾT LƯỢNG VẮC XIN TIÊM PHÒNG NĂM 2016 TỪ NGUỒN NGÂN SÁCH TỈNH
(Kèm theo Quyết định số 699/QĐ-UBND ngày 31/3/2016 của UBND tỉnh)

Stt

Loại vắc xin

Nhu cầu vắc xin sử dụng trong năm 2016

Số lượng vắc xin còn tồn năm 2015

Số lượng vắc xin cần mua năm 2016

1

Cúm gia cầm H5N1

690.000

298.000

392.000

2

Dịch tả lợn

340.500

13.260

327.240

3

Tụ huyết trùng và phó thương hàn lợn

340.500

13.260

327.240

4

Tụ huyết trùng trâu, bò

124.400

125

124.275

5

Dại chó

52.501

19.021

33.480

 

PHỤ LỤC II:

KINH PHÍ VẮC XIN TIÊM PHÒNG NĂM 2016 TỪ NGUỒN NGÂN SÁCH TỈNH
(Kèm theo Quyết định số 699/QĐ-UBND ngày 31/3/2016 của UBND tỉnh)

Stt

Nội dung chi

Đvt

Số lượng

Đơn giá
(đồng)

Thành tiền
(đồng)

1

Vắc xin Cúm gia cầm (Navet ViFluvac)

liều

392.000

357

139.944.000

2

Vắc xin Nhị liên (Tụ huyết trùng, phó thương hàn heo)

liều

327.240

3.150

1.030.806.000

3

Vắc xin Dịch tả heo

liều

327.240

1.680

549.763.200

4

Vắc xin Tụ huyết trùng Trâu, bò

liều

124.275

5.460

678.541.500

5

Vắc xin Dại chó (Rabisin)

liều

33.480

12.180

407.786.400

 

Tổng cộng

 

 

 

2.806.841.000