Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 70/2000/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 14 tháng 07 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI QUẢN LÝ, KHAI THÁC ĐẤT ĐỒI NÚI, ĐẤT ĐỂ SẢN XUẤT NGÓI VÀ CÁC SẢN PHẨM ĐẤT NUNG; KHAI THÁC CÁT SỎI LÒNG SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH

UBND TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21.6.1994;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20.3.1996 và Nghị định 68/CP ngày 01/11/1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật Khoáng sản;

Căn cứ Luật Đất đai sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 12/2/1998;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định tạm thời quản lý, khai thác đất đồi núi, đất để sản xuất gạch ngói và các sản phẩm đất nung khác; khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Thủ trưởng cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thị xã và các tổ chức cá nhân khai thác đất đồi, núi, đất để sản xuất gạch, ngói và các sản phẩm đất nung; khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

UBND TỈNH BẮC NINH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Đức Trung

 

QUY ĐỊNH

TẠM THỜI QUẢN LÝ, KHAI THÁC ĐẤT ĐỒI, NÚI, ĐẤT ĐỂ SẢN XUẤT GẠCH NGÓI VÀ CÁC SẢN PHẨM ĐẤT NUNG; KHAI THÁC CÁT SỎI LÒNG SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 70/2000/QĐ-UB ngày 14 tháng 7 năm 2000 của UBND tỉnh Bắc Ninh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Quy định này nhằm thống nhất quản lý đối với các hoạt động khai thác đất đồi núi, đất để sản xuất gạch ngói và các sản phẩm đất nung, khai thác cát sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh theo pháp luật và những quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 2: UBND các cấp thực hiện quyền quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản (viết tắt là TNKS) và đất đai trên địa bàn.

Các cơ quan chuyên môn: Công nghiệp, Địa chính, Xây dựng giúp UBND các cấp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về khoáng sản, đất đai theo Luật Khoáng sản, Luật đất đai.

Điều 3: Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác đất đồi núi, đất sản xuất gạch ngói và các sản phẩm đất nung; khai thác cát sỏi lòng sông phải có giấy phép khai thác và quyết định cho thuê đất do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

A- KHAI THÁC ĐẤT ĐỒI NÚI:

Điều 4:

Việc khai thác đất đồi núi nhằm mục đích cung cấp vật liệu san lấp các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng được phép thực hiện trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu sau:

1- Khu vực khai thác nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Luật đất đai.

2- Hoạt động khai thác không gây tác động xấu đến môi trường sinh thái, cảnh quan khu vực, không làm hư hại đến các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng, an ninh quốc phòng, di tích lịch sử văn hoá, không ảnh hưởng đến người sử dụng đất lân cận.

3- Được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác và cho thuê đất.

Điều 5: Nghiêm cấm tổ chức và cá nhân khai thác trái phép đất, đá đồi núi, hạ vườn đồi tùy tiện không theo quy hoạch và không được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 6: Thủ tục cấp giấy phép khai thác đất đồi núi:

Tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép khai thác phải gửi đến Sở Công nghiệp - TTCN 04 bộ hồ sơ, mỗi bộ gồm:

1- Đơn xin phép khai thác theo mẫu quy định.

2- Phương án khai thác. Có bản đồ địa hình khu vực khai thác ( trích lục hoặc trích đo) Tỷ lệ: 1:500 đến 1:2000.

3- ý kiến thống nhất bằng văn bản của UBND huyện, thị xã, xã về vị trí khu vực khai thác.

4- Các văn bản có liên quan: Quyết định phê duyệt đầu tư, quyết định thành lập doanh nghiệp, chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao công chứng nếu có).

Điều 7:

1- Thời hạn thẩm định, cấp giấy phép là 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ: Sở công nghiệp TTCN tổ chức hội nghị thẩm định với các ngành liên quan và trình UBND tỉnh quyết định.

2- Thời hạn của giấy phép tuỳ theo quy mô khai thác, nhưng thời gian dài nhất không qúa 3 năm.

Điều 8: Sau khi được UBND tỉnh cấp giấy phép các tổ chức và cá nhân phải lập 02 bộ hồ sơ xin thuê đất gửi Sở Địa chính. Mỗi bộ hồ sơ gồm: Các thủ tục quy định tại khoản 2,3,4 điều 6 của quy định này và các văn bản sau:

1- Đơn xin thuê đất theo mẫu.

2- Phương án đền bù thiệt hại khi thu hồi đất đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Sở Địa chính thụ lý hồ sơ và trình UBND tỉnh quyết định, thời gian không quá 20 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hơp lệ.

B- KHAI THÁC ĐẤT SẢN XUẤT GẠCH NGÓI VÀ CÁC SẢN PHẨM ĐẤT NUNG:

Điều 9: Đất để sản xuất gạch ngói và các sản phẩm đất nung bao gồm: Đất bãi hoang, đất ven sông, ven ngòi, đất lòng sông, lòng hồ cần khơi sâu theo thiết kế, đất hạ cốt xây dựng hay cải tạo đồng ruộng và phải nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để sản xuất vật liệu xây dựng thông thường đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Khu vực đất được quy hoạch khai thác không vi phạm các trường hợp sau:

1- Đất đã quy hoạch vào khu vực sản xuất nông nghiệp lâm nghiệp ổn định.

2- Đất nằm trong hành lang bảo vệ các công trình kiến trúc, giao thông, thuỷ lợi đê điều.

3- Đất trong phạm vi bảo vệ các khu di tích lịch sử - văn hoá.

4- Đất sử dụng cho mục đích an ninh, quốc phòng.

Điều 10: Việc sử dụng đất để sản xuất gạch ngói và các sản phẩm đất nung phải tuân theo quy định tại Điều 67 của Luật Đất đai, cụ thể là:

1- Có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2- Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường để không gây thiệt hại cho sản xuất, đời sống và ảnh hưởng xấu tới môi trường.

3- Khi sử dụng xong phải cải tạo để có thể sử dụng vào mục đích thích hợp.

Điều 11: Các tổ chức khai thác đất sản xuất gạch ngói và các sản phẩm đất nung mang tính sản xuất công nghiệp phải được UBND tỉnh cấp giấy phép và cho thuê đất. Thời gian cho khai thác và thuê đất lâu nhất không quá 3 năm, hết thời hạn sử dụng đất nếu đơn vị đang khai thác vẫn có nhu cầu tiếp tục khai thác thì được UBND tỉnh xem xét gia hạn, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 2 năm.

Hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác và xin thuê đất, trình tự thẩm định hồ sơ được quy định tại điều 6, điều 7 (khoản 1), điều 8 tại bản quy định này.

Điều 12: UBND tỉnh Bắc Ninh uỷ quyền cho UBND các huyện, thị xã cấp phép khai thác cho các tổ chức, hộ cá nhân sản xuất kinh doanh gạch ngói và các sản phẩm đất nung khác đối với các dự án có quy mô khai thác nhỏ, không tập trung, tổng công suất nhỏ hơn 100.000 viên/lò/năm và vị trí khai thác đung theo quy định tại Điều 9.

Hồ sơ xin khai thác gồm: Đơn xin khai thác và phương án khai thác.

Sau 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ UBND huyện, thị xã xem xét và quyết định cấp phép, thời hạn của một giấy phép không quá 3 năm.

Sáu tháng, một năm UBND các huyện, thị xã phải tổng hợp tình hình khai thác đất sản xuất gạch ngói và các sản phẩm đất nung khác trên địa bàn báo cáo UBND tỉnh.

C- KHAI THÁC CÁT, SỎI LÒNG SÔNG:

Điều 13: Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tiến hành hoạt động khai thác cát, sỏi tại các khu vực chưa được thăm dò, chưa có báo cáo tác động tới dòng chảy, tới đê điều được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 14: Mọi hoạt động khảo sát, thăm dò và khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh của các tổ chức, cá nhân phải tuân theo các quy định phát luật về tài nguyên khoáng sản; Chỉ thị 03/1999/CT - TTg ngày 20/1/1999 của Thủ tướng Chính phủ và đăng ký tại Sở Công nghiệp - TTCN, đồng thời chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền.

Điều 15: Thủ tục cấp giấy phép và thời hạn thẩm định:

1- Hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác ngoài những quy định tại điều 6 còn có:

Văn bản phê duyệt học thẩm định báo cáo thăm dò của cơ quan có thẩm quyền.

Vị trí khu vực chứa cát và đường vận tải.

2- Thời hạn thẩm định hồ sơ như quy định tại khoản 1 điều 7 bản quy định này.

Điều 16: Thời hạn, diện tích và khối lượng khai thác:

1- Thời hạn của 1 giấy phép tuỳ theo quy mô khai thác, nhưng thời gian dài nhất không quá 3 năm.

2- Diện tích và khối lượng khai thác tuỳ theo điều kiện cụ thể ở những điểm khai thác trên địa bàn tỉnh:

Đối với cá nhân diện tích khai thác không quá 1 ha, khối lượng không quá 16.000m3.

Đối với tổ chức diện tích không quá 5 ha, khối lượng không quá 80.000m3.

Điều 17: Giấy phép khai thác được UBND tỉnh gia hạn nhưng các tổ chức, cá nhân phải có đầy đủ các điều kiện sau:

1- Tại thời điểm xin gia hạn, tổ chức, cá nhân được phép khai thác phải hoàn thành các nghĩa vụ theo quy định của Luật Khoáng sản và các quy định khác của pháp luật.

2- Tổ chức, cá nhân được phép khai thác phải có đơn xin gia hạn kèm theo bình đồ hiện trạng mỏ, báo cáo kết quả hoạt động và phương án khai thác tiếp théo trình Sở Công nghiệp - TTCN trước 30 ngày khi giấy phép hết hiệu lực.

Chương III

NGHĨA VỤ CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHI ĐƯỢC CẤP PHÉP KHAI THÁC ĐẤT ĐỒI NÚI, ĐẤT SẢN XUẤT GẠCH, NGÓI VÀ CÁC SẢN PHẨM ĐẤT NUNG, KHAI THÁC CÁT, SỎI LÒNG SÔNG

Điều 18: Các tổ chức, cá nhân khi được cấp phép khai thác phải chấp hành đầy đủ các quy định sau:

1- Nộp lệ phí cấp giấy phép, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế tài nguyên, các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

2- Làm thủ tục thuê đất theo đúng quy định của Luật đất đai và chỉ được tiến hành khai thác khi có Quyết định cho thuê đất của các cấp có thẩm quyền.

3- Đăng ký giấy phép, kế hoạch khai thác tại Sở Công nghiệp - TTCN và các cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định.

4- Thực hiện đầy đủ và nghiêm túc những nội dung quy định của giấy phép khai thác và quyết định cho thuê đất.

5- Trong quá trình khai thác nếu phát hiện thấy khoáng sản mới, khoáng sản có giá trị cao hơn VLXD thông thường và di chỉ khảo cổ văn hoá thì tổ chức, cá nhân phải kịp thời báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xem xét để có biện pháp quản lý, bảo vệ.

6- Khi hết thời hạn thuê đất phải thực hiện việc phục hồi lại khu vực đã khai thác để tiếp tục đưa vào sử dụng theo phương án khai thác đã được duyệt và bàn giao khu vực đã khai thác xong cho địa phương tiếp tục quản lý.

Chương IV

KIỂM TRA, THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 19: Các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện thị xã theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Công nghiệp - TTCN trong việc thanh tra, kiểm tra, quản lý bảo vệ TNKS nói chung, và các hoạt động khai thác đất đồi núi, cát, sỏi lòng sông, khai thác đất sản xuất gạch ngói và các sản phẩm nung khác trên địa bàn.

Điều 20: Thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động khai thác đất đồi núi, cát, sỏi lòng sông, khai thác đất sản xuất gạch ngói và các sản phâm đất nung khác của UBND các cấp và của các cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện theo điều 9, điều 10 của Nghị định 35/NĐ - CP ngày 23/4/1997 của Chính phủ và các quy định tại Nghị định số 04/NĐ - CP ngày 10/01/1998 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Điều 21: Tổ chức, cá nhân nào có hành vi vi phạm Luật Khoáng sản, Luật Đất đai và quy định này thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 22: Sở Công nghiệp - TTCN phối hợp với các Sở, Ban, Ngành có liên quan và UBND các huyện, thị lập quy hoạch, kế hoạch về khai thác sử dụng đất đồi núi, cát, sỏi lòng sông, đất sản xuất gạch ngói và các sản phẩm đất nung khác trên địa bàn trình UBND tỉnh phê duyệt.

Điều 23: UBND tỉnh giao cho Sở Công nghiệp - TTCN chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, Ngành có liên quan và UBND các huyện, thị tổ chức hướng dẫn và thường xuyên, kiểm tra, xử lý các vi phạm việc thực hiện quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Công nghiệp - TTCN để nghiên cứu, tổng hợp trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.