Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 70/2002/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 06 tháng 6 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 70/2002/QĐ-TTG NGÀY 06 THÁNG 6 NĂM 2002 VỀ VIỆC KIỆN TOÀN ỦY BAN QUỐC GIA VỀ HỢP TÁC KINH TẾ QUỐC TẾ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Để thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị số 07/NQ-TW ngày 27 tháng 11 năm 2001 về hội nhập kinh tế quốc tế;
Xét đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế và của Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Kiện toàn Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế gồm các thành viên sau đây:

- Chủ tịch Uỷ ban: Phó Thủ tướng Chính phủ

- Phó Chủ tịch Uỷ ban: Bộ trưởng Bộ Thương mại

- Tổng Thư ký Uỷ ban kiêm Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế - thương mại quốc tế: Thứ trưởng Bộ Thương mại

- Uỷ viên Thường trực: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Các Uỷ viên:

- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Thứ trưởng Bộ Tài chính

- Thứ trưởng Bộ Tư pháp

- Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin

- Thứ trưởng Bộ Công nghiệp

- Thứ trưởng Bộ Công an

- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

- Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường

- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải

- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

- Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

- Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện

- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.

Mời các đại biểu sau đây làm thành viên Uỷ ban:

- Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Bộ phận thường trực của Uỷ ban gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký kiêm Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế - thương mại quốc tế và Uỷ viên thường trực Uỷ ban.

Điều 2. Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế có nhiệm vụ và quyền hạn chủ yếu sau đây:

1. Tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ các chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch, chương trình của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC); về đàm phán để gia nhập và hoạt động trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong các tổ chức kinh tế - thương mại quốc tế, khu vực khác.

2. Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ quyết định các chủ trương và phương án đàm phán chung để làm cơ sở cho việc xây dựng phương án đàm phán của các Bộ, ngành và chỉ đạo các đoàn đàm phán của Chính phủ về kinh tế - thương mại quốc tế và các cuộc đàm phán gia nhập các tổ chức kinh tế - thương mại quốc tế và khu vực.

3. Giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức phối hợp hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch của Chính phủ, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các nghĩa vụ mà nước ta đã cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như việc bảo vệ hiệu quả các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về kinh tế, thương mại trong nước để thích ứng với các định chế của các tổ chức kinh tế - thương mại quốc tế và khu vực mà Việt Nam tham gia.

4. Theo dõi, đánh giá tình hình kinh tế quốc tế và khu vực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề mới về lý luận và thực tiễn trong quan hệ kinh tế quốc tế, những bài học và kinh nghiệm của các nước trong quá trình tham gia các tổ chức kinh tế - thương mại khu vực và quốc tế, đề xuất chủ trương chính sách, cơ chế nhằm mở rộng kinh tế đối ngoại, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại với các nước và các tổ chức quốc tế, thực hiện các cam kết quốc tế về hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.

5. Phối hợp với các Bộ, Ban, ngành hữu quan tiếp tục tiến hành rộng rãi công tác tư tưởng, phổ biến, tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế.

6. Thực hiện những nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

Điều 3. Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế là cơ quan thuộc Thủ tướng Chính phủ, có con dấu riêng không mang hình Quốc huy để dùng cho giao dịch hành chính. Kinh phí hoạt động của Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế được cấp từ ngân sách nhà nước thành tài khoản riêng cấp 2 thuộc Văn phòng Chính phủ.

Điều 4. Quy chế làm việc của Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế do Chủ tịch Uỷ ban quyết định.

Điều 5. Bộ máy giúp việc Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế là Văn phòng Uỷ ban.

Văn phòng Uỷ ban có biên chế riêng, có nơi làm việc riêng đặt tại Văn phòng Chính phủ. Chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Uỷ ban do Chủ tịch Uỷ ban quyết định. Biên chế và nhân sự của Văn phòng Uỷ ban do Chủ tịch Uỷ ban quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Tổng Thư ký Uỷ ban.

Chế độ quản lý sinh hoạt chính quyền và sinh hoạt đoàn thể của Văn phòng Uỷ ban được tổ chức thực hiện như đối với một đơn vị của Văn phòng Chính phủ.

Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế - thương mại quốc tế được thành lập theo quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm kiện toàn tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên trách do mình quản lý về các vấn đề liên quan hội nhập kinh tế quốc tế.

Điều 7. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số 31/1998/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế và các quy định trước đây trái với Quyết định này.

Điều 8. Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)