Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 70/2004/QĐ-UB

Tuyên Quang, ngày 24 tháng 9 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI CƠ CHẾ HỖ TRỢ ĐÀO TẠO CÔNG CHỨC DỰ BỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 16/12/2000;

Căn cứ Pháp lệnh công chức được sửa đổi bổ sung năm 2003; Nghị định số: 115/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về chế độ công chức dự bị;

Thực hiện Thông báo số: 18/TB/TU ngày 20/12/2003 của Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 (khóa XIII) và kết luận Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy kỳ 45 tại Kết luận số: 70- KL/TU ngày 26/02/2004;

Căn cứ Nghị quyết số: 73/2004/NQ-HĐND ngày 05/11/9004 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV kỳ họp thử 10 "Về dự toán ngân sách năm 2004'';

Nhằm quản lý chặt chẽ và thực hiện thống nhất, có hiệu quả kinh phí hỗ trợ đào tạo công chức dự bị trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định tạm thời về cơ chế hỗ trợ đào tạo công chức dự bị trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang".

Điều 2. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành, Đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
CHỦ TỊCH




Lê Thị Quang

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ CƠ CHẾ HỖ TRỢ ĐÀO TẠO CÔNG CHỨC DỰ BỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 70/2004/QĐ-UB ngày 24/9/2004 của UBND tỉnh)

1- Đối tượng và phạm vi áp dụng:

Các cơ quan quản lý hành chính; các cơ quan khối Đảng, Đoàn thể; các doanh nghiệp nhà nước; các công ty cổ phần nhà nước giữ cổ phần chi phối và các đơn vị sự nghiệp được UBND tỉnh duyệt kế hoạch tuyển dụng, đào tạo công chức dự bị để tuyển chọn công chức có đủ tiêu chuẩn để thay thế công chức nghỉ chế độ hàng năm hoặc những công chức không đủ điều kiện công tác phải nghỉ việc theo quy định.

Trong thời gian thực hiện, công chức dự bị phải được đào tạo, rèn luyện ở cơ sở, không bố trí công tác ở các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện khi chưa qua đào tạo công chức dự bị ở cơ sở (trường hợp do đặc thù của từng ngành phải được UBND tỉnh xem xét cụ thể).

2- Tiêu chuẩn công chức dự bị:

Những đối tượng được tuyển dụng dự bị công chức phải có trình độ đào tạo từ Đại học trở lên, có kết quả tốt nghiệp từ loại trung bình khá trở lên. Đối với một số đơn vị đặc thù như Đài Phát thanh - Truyền hình: Phát thanh viên có thể không phải trình độ đại học nhưng phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn làm phát thanh viên theo đúng quy định; Đoàn nghệ thuật tuyển chọn diễn viên từ phong trào nghệ thuật quần chúng; các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện ngoài số Bác sỹ có thể tuyển chọn các điều dưỡng viên, kỹ thuật viên theo tỷ lệ quy định của ngành.

3- Chính sách hỗ trợ:

3.1- Mức hỗ trợ và nội dung hỗ trợ kinh phí:

- Tiền lương: Công chức dự bị được hưởng 100% bậc lương khởi điểm của ngạch công chức tuyển dụng.

- Các khoản phụ cấp lương theo quy định;

- Các khoản đóng góp (19%): Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn theo quy định;

- Kinh phí chi thường xuyên: Tùy theo đặc thù của từng ngành để phân bổ hỗ trợ kinh phí chi thường xuyên. Đối với đơn vị quản lý hành chính tối đa không quá 4 triệu đồng/người/năm; đối với các doanh nghiệp tối đa không quá 3 triệu đồng/người/năm (Kinh phí chi thường xuyên nêu trên bao gồm cả phụ cấp trách nhiệm cho đơn vị hướng dẫn công chức dự bị, tính bằng 30% mức lương tối thiểu).

3.2- Thời gian hỗ trợ kinh phí cho một công chức dự bị tối đa không quá 24 tháng. Đơn vị sử dụng công chức dự bị có trách nhiệm bồi dưỡng, giúp đỡ công chức dự bị để có đủ điều kiện tuyển dụng thay thế công chức đủ thời gian nghỉ chế độ hàng năm hoặc những công chức không đủ điều kiện công tác.

4- Quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tuyển dụng, đào tạo cán bộ công chức dự bị.

Thành lập Quỹ hỗ trợ kinh phí đào tạo công chức dự bị; Quy chế quản lý, sử dụng và thanh toán, quyết toán Quỹ hỗ trợ kinh phí đào tạo công chức dự bị theo nguyên tắc sau:

- Quỹ hỗ trợ kinh phí đào tạo công chức dự bị hàng năm được hình thành từ nguồn ngân sách Trung ương cấp và được Ngân sách địa phương bổ sung thêm. Sở Tài chính được mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước Tuyên Quang để quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ kinh phí đào tạo công chức dự bị trong toàn tỉnh. Có trách nhiệm xây dựng quy chế sử dụng quỹ, thanh quyết toán hàng năm theo đúng Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước và chỉ đạo của UBND tỉnh.

- Hàng năm, các đơn vị thuộc đối tượng được phân bổ biên chế tuyển dụng, đào tạo cán bộ công chức dự bị lập kế hoạch và dự toán kinh phí tuyển dụng, đào tạo cán bộ công chức dự bị báo cáo UBND tỉnh để xem xét phê duyệt.

- Kinh phí hỗ trợ kinh phí đào tạo công chức dự bị phải được sử dụng đúng mục đích, đúng nội dung tại Qui định này. Công chức dự bị tuyển dụng vào thời điểm nào thì được hưởng kinh phí từ thời điểm đó. Trường hợp không tuyển dụng được công chức dự bị trong năm thì phải hoàn trả quỹ số kinh phí được cấp.

- Các đơn vị được sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo công chức dự bị có trách nhiệm thực hiện công tác kế toán và thanh quyết toán kinh phí theo đúng Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước và các chính sách, chế độ quản lý tài chính hiện hành.

- Sở Tài chính có trách nhiệm thẩm tra quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo công chức dự bị và tổng hợp vào quyết toán ngân sách địa phương hàng năm theo đúng Luật Ngân sách nhà nước.

5- Thời gian thực hiện:

- Quy định tạm thời về cơ chế hỗ trợ đào tạo công chức dự bị trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được thực hiện từ năm 2004.

6- Tổ chức thực hiện:

Giám đốc các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan có trách nhiệm triển khai và tổ chức thực hiện Quy định này; các trưởng hợp vi phạm sẽ được xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh đề điều chỉnh kịp thời.