Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 71/2005/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 4 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 71/2005/QĐ-TTG NGÀY 05 THÁNG 4 NĂM 2005 VỀ CƠ CHẾ QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH VỐN CHO VAY CỦA QUỸ QUỐC GIA VỀ VIỆC LÀM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm;
Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm (gọi là Quỹ cho vay giải quyết việc làm) được dùng để cho vay hỗ trợ các dự án nhỏ nhằm tạo thêm việc làm, được quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Điều 2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Chương trình giải quyết việc làm và Quỹ cho vay giải quyết việc làm (sau đây gọi là Quỹ); phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ nguồn vốn, và giao chỉ tiêu thực hiện cho Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân tỉnh) và cơ quan trung ương của các tổ chức đoàn thể: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam và Bộ Quốc phòng (sau đây gọi chung là cơ quan trung ương thực hiện Chương trình).

Điều 3. Uỷ ban nhân dân tỉnh và cơ quan trung ương thực hiện Chương trình được giao nhiệm vụ quản lý và sử dụng nguồn vốn từ Quỹ theo quy định tại Quyết định này.

Điều 4. Quỹ cho vay giải quyết việc làm được đặt tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội có nhiệm vụ quản lý và cho vay theo các quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và Quyết định này.

Chương 2:

QUY ĐỊNH CHO VAY VỐN CỦA QUỸ CHO VAY GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM

Điều 5. Đối tượng được vay vốn

1. Hộ kinh doanh cá thể; tổ hợp sản xuất; hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã; cơ sở sản xuất kinh doanh của người tàn tật; doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; chủ trang trại; Trung tâm Giáo dục Lao động - Xã hội (sau đây gọi chung là cơ sở sản xuất, kinh doanh).

2. Hộ gia đình.

Điều 6. Điều kiện được vay vốn

1. Đối với các đối tượng nêu tại khoản 1 Điều 5:

a) Phải có dự án vay vốn khả thi, phù hợp với ngành nghề sản xuất kinh doanh, tạo việc làm mới, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định;

b) Dự án phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án;

c) Có tài sản thế chấp, cầm cố theo quy định của pháp luật.

2. Đối tượng vay vốn nêu tại khoản 2 Điều 5:

a) Phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi vay vốn thực hiện dự án;

b) Phải đảm bảo tạo thêm tối thiểu 01 chỗ làm việc mới;

c) Dự án phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án.

Điều 7. Vốn vay được sử dụng vào các việc sau

1. Mua sắm vật tư, máy móc, thiết bị, mở rộng nhà xưởng; phương tiện vận tải, phương tiện đánh bắt thuỷ hải sản, nhằm mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh.

2. Mua sắm nguyên liệu, giống cây trồng, vật nuôi, thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Điều 8. Mức vốn, thời hạn và lãi suất vay

1. Mức vốn vay:

a) Đối với các đối tượng nêu tại khoản 1 Điều 5, mức vay tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án;

b) Đối với đối tượng nêu tại khoản 2 Điều 5, mức vay tối đa không quá 20 triệu đồng/hộ gia đình.

2. Thời hạn vay vốn:

a) Thời hạn tối đa 12 tháng áp dụng đối với:

- Chăn nuôi gia súc, gia cầm;

- Trồng cây lương thực, hoa màu có thời gian sinh trưởng dưới 12 tháng;

- Dịch vụ, kinh doanh nhỏ.

b) Thời hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng áp dụng đối với:

- Trồng cây công nghiệp ngắn ngày, cây hoa màu có thời gian sinh trưởng trên 12 tháng;

- Nuôi thủy, hải sản, con đặc sản;

- Chăn nuôi gia súc sinh sản, đại gia súc lấy thịt;

- Sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chế biến (nông, lâm, thổ, hải sản).

c) Thời hạn từ trên 24 tháng đến 36 tháng áp dụng đối với:

- Chăn nuôi đại gia súc sinh sản, lấy sữa, lấy lông, lấy sừng;

- Đầu tư mua thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, phương tiện vận tải thủy bộ loại vừa và nhỏ, ngư cụ nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản;

- Chăm sóc cải tạo vườn cây ăn trái, cây công nghiệp.

d) Thời hạn từ trên 36 tháng đến 60 tháng áp dụng đối với:

Trồng mới cây ăn quả, cây nguyên liệu, cây công nghiệp dài ngày.

3. Về lãi suất cho vay:

Lãi suất cho vay là 0,5%/tháng; riêng các đối tượng vay vốn là người tàn tật là 0,35%/tháng. Khi lãi suất thị trường thay đổi từ 15% trở lên, Bộ trưởng Bộ Tài chính tham khảo ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh lãi suất cho vay.

Điều 9. Xây dựng dự án, thẩm định dự án và quyết định cho vay

1. Xây dựng dự án:

Các đối tượng vay vốn quy định tại Điều 5, khi có nhu cầu vay vốn phải xây dựng dự án, lập hồ sơ vay vốn theo hướng dẫn của cơ quan Lao động -Thương binh và Xã hội hoặc tổ chức thực hiện chương trình ở địa phương.

2. Thẩm định dự án:

Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc tổ chức thực hiện chương trình ở địa phương theo sự phân cấp của cấp trên, chủ trì, phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (sau đây gọi chung là Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương) tổ chức thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án.

3. Thẩm quyền phê duyệt dự án:

a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và Thủ trưởng cơ quan thực hiện Chương trình các cấp ra quyết định phê duyệt các dự án vay vốn từ Quỹ.

b) Uỷ ban nhân dân tỉnh và cơ quan trung ương thực hiện Chương trình, thực hiện phân cấp cho cơ quan cấp dưới ra quyết định phê duyệt các dự án, bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi cho các đối tượng vay vốn.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì cùng Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi chung là liên Bộ) chịu trách nhiệm hướng dẫn việc xây dựng dự án, phân cấp thẩm định và phê duyệt dự án; quy định rõ thời hạn các cơ quan thẩm định, phê duyệt dự án phải hoàn thành công việc và trả lời đối tượng vay vốn.

Điều 10. Tổ chức chuyển vốn và giải ngân

1. Hàng quý, căn cứ dự toán nguồn vốn mới được bổ sung cho Quỹ và đề nghị chuyển vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ Tài chính làm thủ tục cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định hiện hành. Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển vốn về Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương để tổ chức giải ngân kịp thời theo dự án đã được duyệt.

2. Đối với các dự án đã được phê duyệt cho vay nhưng không giải ngân được, Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương phải báo cáo rõ lý do và hướng xử lý với cơ quan ra quyết định phê duyệt dự án xem xét, giải quyết.

Điều 11. Thu hồi và sử dụng vốn thu hồi

1. Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương xây dựng kế hoạch thu nợ và tiến hành thu hồi nợ đến hạn; người vay có thể trả vốn trước hạn. Trong quá trình cho vay, Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương kiểm tra nếu phát hiện người vay sử dụng vốn vay không đúng mục đích thì báo cáo với cơ quan phê duyệt dự án ra quyết định thu hồi nợ trước thời hạn.

Đối với các dự án đến hạn trả nợ, nhưng do nguyên nhân khách quan gặp khó khăn về tài chính dẫn đến người vay chưa có khả năng trả nợ, người vay có nhu cầu gia hạn, phải làm đơn giải trình rõ nguyên nhân và biện pháp khắc phục gửi đến Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương nơi cho vay để xem xét, giải quyết. Căn cứ đơn xin gia hạn nợ, Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương phối hợp với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, tổ chức thực hiện chương trình ở địa phương tiến hành kiểm tra và giải quyết gia hạn nợ theo quy định.

2. Ngân hàng Chính sách xã hội sử dụng vốn thu hồi để cho vay các dự án đã được phê duyệt, không được để vốn tồn đọng ở Ngân hàng.

3. Trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh nguồn vốn cho vay giữa các địa phương, các cơ quan trung ương thực hiện Chương trình hoặc thu hồi về Trung ương, Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để có quyết định xử lý. Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm chuyển vốn theo quyết định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 12. Việc xử lý nợ bị rủi ro đối với các dự án được thực hiện theo Quyết định số 69/2005/QĐ-TTg ngày 4 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế xử lý nợ bị rủi ro của Ngân hàng Chính sách xã hội và theo các quy định có liên quan tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Chương 3:

KINH PHÍ QUẢN LÝ

Điều 13. Kinh phí quản lí Quỹ cho vay giải quyết việc làm của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp được bố trí trong dự toán chi quản lý hành chính hàng năm của các cơ quan theo phân cấp ngân sách hiện hành. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể các khoản, mục chi, định mức chi để làm căn cứ cho các cơ quan lập và xét duyệt dự toán.

Riêng năm 2005, mức chi và nguồn chi trả thực hiện theo Quyết định số 97/2001/QĐ-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế phân phối và sử dụng tiền lãi cho vay từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm.

Điều 14. Các cơ quan thực hiện Chương trình (trung ương và địa phương) được hưởng phí do Ngân hàng Chính sách xã hội chi trả. Mức chi trả và cơ chế chi trả áp dụng thống nhất như ủy thác cho vay đối với hộ nghèo.

Chương 4:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch giải quyết việc làm hàng năm và 5 năm, kế hoạch bổ sung ngân sách hàng năm cho Quỹ để Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định.

2. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo quy định của Quyết định này. Thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả sử dụng Quỹ, định kỳ 6 tháng, năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 16. Bộ Tài chính

1. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch bổ sung ngân sách hàng năm cho Quỹ, tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước để Chính phủ xem xét và trình Quốc hội quyết định.

2. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo quy định của Quyết định này. Quy định nội dung chi và định mức chi quản lý Quỹ; kiểm tra, giám sát sử dụng kinh phí quản lý Quỹ theo quy định.

Điều 17. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch bổ sung ngân sách hàng năm cho Quỹ, báo cáo Chính phủ xem xét và trình Quốc hội quyết định.

2. Tổng hợp việc phân bổ kế hoạch cấp mới hàng năm cho từng địa phương, cơ quan quản lý vốn ở Trung ương, trình Chính phủ xem xét và giao kế hoạch.

3. Tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch theo đúng mục tiêu của Chương trình.

Điều 18. Các cơ quan Trung ương thực hiện Chương trình

1. Xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm hàng năm và 5 năm, kế hoạch sử dụng Quỹ; tổ chức thực hiện, quản lý và điều hoà nguồn vốn của Quỹ đã được Chính phủ giao.

2. Hướng dẫn cấp dưới xây dựng dự án vay vốn theo quy định; chỉ đạo thực hiện việc phân cấp thẩm định và ra quyết định cho vay các dự án thuộc phạm vi quản lý cho cấp dưới (tỉnh, huyện, xã) theo hướng dẫn của liên Bộ.

3. Chỉ đạo cấp dưới thực hiện đúng cơ chế, chính sách cho vay từ Quỹ; kiểm tra, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện; báo cáo định kỳ quý, 6 tháng và hàng năm theo quy định của liên Bộ.

Điều 19. Ngân hàng Chính sách xã hội

1. Chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cấp dưới xem xét, đánh giá về phương diện tài chính của dự án để làm cơ sở cho Uỷ ban nhân dân và cơ quan thực hiện Chương trình các cấp xem xét khi thẩm định và ra quyết định cho vay theo thẩm quyền.

2. Tham gia thẩm định dự án và thực hiện giải ngân dự án, thu hồi nợ; hướng dẫn quy trình, thủ tục giải ngân, thu hồi vốn, xử lý nợ đảm bảo chặt chẽ, đơn giản, tránh phiền hà cho người vay. Thực hiện việc giám sát quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng.

3. Báo cáo định kỳ tháng, quý, 6 tháng và năm về tình hình và kết quả thực hiện cho vay từ Quỹ theo quy định của liên Bộ.

Điều 20. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm hàng năm và 5 năm, kế hoạch sử dụng Quỹ; tổ chức thực hiện, quản lý và điều hoà Quỹ đã được Chính phủ giao; chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn xây dựng dự án vay vốn theo quy định; quyết định phê duyệt và phân cấp phê duyệt dự án; đồng thời chịu trách nhiệm về tính hiệu quả của dự án vay vốn Quỹ cho vay giải quyết việc làm.

2. Chỉ đạo các cơ quan chức năng, các cơ quan thực hiện chương trình và Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương thực hiện đúng cơ chế, chính sách cho vay từ Quỹ; kiểm tra, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện; báo cáo định kỳ quý, 6 tháng và năm theo quy định của liên Bộ.

Điều 21. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và bãi bỏ Thông tư liên tịch số 08/1999/TT-LT ngày 15 tháng 3 năm 1999, Thông tư liên tịch số 16/2000/TT-LT ngày 05 tháng 7 năm 2000 và Thông tư liên tịch số 06/2002/TT-LT ngày 10 tháng 4 năm 2002 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quyết định của Bộ Tài chính số 97/2001/QĐ-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2001 về việc ban hành Quy chế phân phối và sử dụng tiền lãi cho vay từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, trừ trường hợp quy định tại Điều 13 Quyết định này.

Điều 22. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan quản lý vốn ở Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)