Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 71/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 15 tháng 01 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ GIAI ĐOẠN 2015 - 2020 CỦA TỈNH VĨNH LONG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử;

Căn cứ Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 - 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Tờ trình số 1845/TTr-SCT, ngày 16/12/2014 về việc đề nghị ban hành Kế hoạch Phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh Vĩnh Long,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này: Kế hoạch Phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh Vĩnh Long.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Công thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch này và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Vĩnh Long, Giám đốc Công an tỉnh, thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Anh Vũ

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ GIAI ĐOẠN 2015 - 2020 CỦA TỈNH VĨNH LONG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 71/QĐ-UBND, ngày 15/01/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

I. TÌNH HÌNH ỨNG DỤNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TẠI ĐỊA PHƯƠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH:

1. Tình hình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh:

- Đến nay, tổng số máy tính trong các cơ quan nhà nước: 4.290, trong đó 90% có kết nối Internet. Số lượng máy tính được trang bị đến thời điểm hiện tại đã đáp ứng 87% cho cán bộ, công chức phục vụ ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin của tỉnh.

- Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh có 14 máy chủ. Hệ thống đường truyền dữ liệu của tỉnh gồm: Kết nối mạng Chính phủ (cáp quang 60 Mbps); kết nối qua VNPT (cáp quang 100Mbps); truy cập Internet (02 line FTTH: 30Mbps, 02 line 50Mbps); kết nối VPN (30 Mbps).

- Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc: Triển khai cài đặt cho 277 đơn vị tham gia nối mạng tin học diện rộng của tỉnh, trong đó: Trực thuộc mạng diện rộng của tỉnh là 54 đơn vị (38 đơn vị mạng LAN, 16 đơn vị mạng WAN) và các đơn vị thuộc sở, ngành, huyện, thành phố là: 223 đơn vị (gồm 109 xã, phường, thị trấn, 116 đơn vị trực thuộc sở, ngành, huyện, thành phố). Phần mềm vận hành ổn định và phát huy hiệu quả của việc tìm kiếm văn bản; thống kê các văn bản theo từng tháng, quý, năm; phục vụ chỉ đạo điều hành và gửi, nhận các văn bản nhanh chóng, giữa cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) và các đơn vị.

- Phần mềm một cửa, một cửa liên thông (Văn phòng 1 cửa điện tử): Đến nay chỉ có 01 đơn vị sử dụng là UBND huyện Trà Ôn, phần mềm một cửa có 12 đơn vị cài đặt nhưng chỉ 8 đơn vị sử dụng, còn lại không sử dụng. Các đơn vị triển khai tốt: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tư pháp, UBND thị xã Bình Minh và UBND huyện Vũng Liêm, UBND huyện Trà Ôn, UBND huyện Tam Bình. Lý do các đơn vị còn ít sử dụng là phần mềm vẫn còn một số lỗi chưa khắc phục được.

- Ứng dụng nguồn mở: Về triển khai Hệ điều hành (HĐH) Ubuntu Server: Các đơn vị đã được cài đặt và đang vận hành HĐH này vẫn hoạt động ổn định, hạn chế virus, tiết kiệm chi phí bản quyền. Về triển khai HĐH Ubuntu Desktop: có 06 đơn vị triển khai cài đặt hơn 200 máy trạm. Điển hình, Sở Nội vụ, Sở TTTT, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Vĩnh Long, UBND huyện Tam Bình, UBND huyện Trà Ôn. Trong đó nổi bật là UBND huyện Trà Ôn với 03 đơn vị: Phòng Văn hóa thông tin, Xã Tích Thiện, xã Hòa Bình cài đặt 100% máy trạm.

- Hệ thống thư điện tử: Đã cấp 5.610 hộp thư cho cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh với mức độ sử dụng thường xuyên: 80%. Hiện tại hệ thống thư điện tử đã lọc Spam, nhưng còn một số hạn chế như vẫn bị thư rác, tốc độ truy cập chậm, dung lượng lưu trữ MailBox vẫn còn thấp, đôi lúc bị gián đoạn với một số hệ thống hộp thư điện tử khác như yahoo, gmail, hostmail…

- Cổng/trang thông tin điện tử: Có 43 Cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị đang vận hành tại Trung tâm tích hợp dữ liệu. Trong đó, 33 trang của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đưa ra môi trường Internet; 05 đơn vị đăng tải các chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo, 09 đơn vị có đăng lịch công tác tuần của lãnh đạo.

- An toàn an ninh thông tin: Nhằm chuẩn bị, tìm các giải pháp phòng, chống các nguy cơ tấn công, xâm nhập hệ thống; ngăn chặn và khắc phục kịp thời các sự cố an toàn thông tin trên mạng máy tính; nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, người dùng về an ninh, an toàn thông tin; Sở Thông tin và Truyền thông kết hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra an toàn an ninh thông tin của các máy chủ sở ngành và Trung tâm tích hợp dữ liệu TTTHDL trong các cơ quan nhà nước; đánh giá tính bảo mật của hệ thống mạng diện rộng và các phần mềm đang hoạt động tại TTTHDL; tham gia cùng Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) diễn tập tác chiến trên hệ thống mạng máy tính quốc gia; tham gia với Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM và nhiều ngành liên quan thực hành diễn tập phòng thủ tác chiến trên hệ thống mạng của Trung tâm dữ liệu Khu Công viên Phần mềm Quang Trung; (Trong năm 2014 tỉnh Vĩnh Long có 20 đơn vị với hơn 120 máy tính (bao gồm 11 sở, ban, ngành tỉnh và 07 huyện/thị/thành phố và 03 đơn vị trực thuộc) bị nhiễm mã độc).

- Triển khai sử dụng văn bản điện tử:

+ Trước khi UBND tỉnh ban hành Công văn 577/UBND-VX ngày 12/3/2014 về triển khai thí điểm gửi văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số thay thế văn bản giấy thì hầu hết các đơn vị ít quan tâm triển khai việc sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số, mặc dù có nhiều đơn vị đăng ký cấp chứng thư số và đã được tập huấn sử dụng chứng thư số.

+ Sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn 577/UBND-VX thì việc trao đổi văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước được quan tâm hơn, đã có nhiều đơn vị xây dựng kế hoạch, ban hành quy định thực hiện tại đơn vị. Cụ thể: Có 7 đơn vị (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Công thương, UBND thành phố Vĩnh Long, UBND huyện Vũng Liêm, UBND huyện Tam Bình) triển khai rộng rãi đến các cơ quan ngành tỉnh và huyện. Riêng Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị thí điểm thực hiện; 04 đơn vị triển khai nội bộ là Sở Tài chính, Trường Chính trị Phạm Hùng, UBND huyện Mang Thít, UBND huyện Trà Ôn.

- Cải cách hành chính: Việc tin học hóa phục vụ cải cách hành chính, chỉ đạo điều hành trong các cơ quan nhà nước đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Một số đơn vị điển hình như Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Vũng Liêm….

- Triển khai các dự án về CNTT: Hoàn thành 25 dự án, 4 dự án trong giai đoạn thực hiện và 5 dự án chuẩn bị đầu tư với tổng số vốn đầu tư là 88,3 tỷ đồng bao gồm vốn Trung ương và địa phương.

- Trong giáo dục: Số trường học có giảng dạy tin học ngày càng tăng, cụ thể: Trường tiểu học và Trung học cơ sở đạt 71%; Trường Trung học phổ thông, Trường cao đẳng và đại học đạt tỷ lệ 100%. Hầu hết các giáo viên, giảng viên sử dụng CNTT vào việc soạn giáo án và giảng dạy.

2. Thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011 - 2015:

a) Kết quả triển khai thực hiện:

- Những năm qua, Thương mại điện tử (TMĐT) trong nước có những bước phát triển mạnh mẽ, không những góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, TMĐT còn giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng tiếp cận được thông tin thị trường, giúp doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch, tiếp thị, phát triển quan hệ tìm kiếm đối tác, giảm chi phí sản xuất giúp thanh toán nhanh gọn. Ngoài ra, TMĐT còn giúp các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt thông tin để chỉ đạo kịp thời.

- Thực hiện theo Quyết định số 1073/QĐ-TTg ngày 12/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương tham mưu, đề xuất việc ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh. Qua thời gian triển khai thực hiện đã đạt được kết quả như sau:

+ Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 31.300 thuê bao Internet băng rộng (ADSL); mật độ Internet bình quân đạt 2 thuê bao/100 dân; số máy tính của doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh khoảng 11.512 máy. Cơ sở hạ tầng ứng dụng TMĐT nhìn chung đã đáp ứng nhu cầu khai thác các tiện ích của dịch vụ Internet như theo dõi tin tức, thông tin thị trường, trao đổi qua thư điện tử….

+ Hầu hết các doanh nghiệp đã có trang bị máy vi tính và có ứng dụng TMĐT ở mức độ khác nhau, 100% doanh nghiệp có kết nối Internet băng rộng; 210 doanh nghiệp có trang Website, việc xây dựng và vận hành trang Website của các doanh nghiệp đã góp phần đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm đến thị trường trong và ngoài nước.

+ Để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các đơn vị, các doanh nghiệp chào bán qua mạng, hiện tại trên địa bàn tỉnh đã có 2 sàn giao dịch: Sàn giao dịch việc làm tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, sàn giao dịch hàng nông sản tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Tuy đạt được một số thành quả nhất định nhưng nhìn chung hoạt động TMĐT của tỉnh còn nhiều hạn chế cần được khắc phục như: Số lượng trang Website của doanh nghiệp còn ít, các trang Web của doanh nghiệp hầu hết chỉ bằng tiếng Việt và đơn thuần chỉ giới thiệu doanh nghiệp và sản phẩm, chưa có chức năng nhận đặt hàng, bán hàng qua mạng. Các doanh nghiệp tham gia các cổng thương mại điện tử như sàn giao dịch điện tử, cổng thương mại điện tử quốc gia,…, chưa nhiều. Doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa có thói quen mua bán hàng hóa qua mạng….

b) Ưu khuyết điểm của thương mại điện tử:

* Ưu điểm:

- Giảm chi phí sản xuất, chi phí tìm kiếm khách hàng, chi phí bán hàng, chi phí tiếp thị.

- Sản phẩm, dịch vụ được giới thiệu trên một Catalogue điện tử phong phú và được cập nhật thường xuyên.

- Giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch. Vì việc nhanh chóng thông tin hàng hóa đến người tiêu dùng (mà không phải qua trung gian) có ý nghĩa sống còn trong cạnh tranh kinh doanh.

- Tạo điều kiện tìm kiếm các bạn hàng mới, cơ hội kinh doanh mới trên bình diện trong nước, khu vực và quốc tế.

- Kích thích sự phát triển của ngành công nghệ thông tin và đóng vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế. Lợi ích này còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các nước đang phát triển, có thể tạo ra một bước nhảy vọt, tiến kịp các nước phát triển trong một thời gian ngắn nhất.

- Thương mại điện tử đưa lại những lợi ích tiềm tàng, giúp doanh nghiệp thu được những thông tin phong phú về thị trường và đối tác, giảm chi phí tiếp thị và giao dịch, rút ngắn chu kỳ sản xuất, tạo dựng và củng cố quan hệ bạn hàng, tạo điều kiện dành thêm phương tiện cho mở rộng quy mô và công nghệ sản xuất.

* Khuyết điểm:

- Công tác quản lý bảo mật, an ninh mạng chưa hoàn thiện do đó an ninh và riêng tư là hai cản trở về tâm lý đối với người tham gia TMĐT.

- Thiếu lòng tin giữa người bán hàng và người mua hàng trong TMĐT do không được gặp trực tiếp. Sự tin cậy đối với môi trường kinh doanh không giấy tờ, không tiếp xúc trực tiếp, giao dịch điện tử và chuyển đổi thói quen, hành vi tiêu dùng từ thực đến ảo cần thời gian.

- Số lượng người tham gia chưa nhiều để đạt lợi thế về quy mô (hòa vốn và có lãi).

- Số lượng gian lận ngày càng tăng do đặc thù của TMĐT.

- Ứng dụng thương mại điện tử hiện nay không chỉ riêng tỉnh ta mà còn cả các địa phương khác còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Đối với nhiều người, nhiều doanh nghiệp, phương thức giao dịch và kinh doanh bằng các phương tiện điện tử còn chưa quen thuộc, độ tin cậy của các phương tiện điện tử cũng như tính pháp lý của các giao dịch điện tử chưa cao. Bên cạnh đó, việc mở rộng giao dịch thương mại qua mạng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, người tiêu dùng hiện nay quen mua sắm trực tiếp tại cửa hàng....

3. Sự cần thiết phải xây dựng kế hoạch phát triển thương mại điện tử:

Thương mại điện tử là hình thái hoạt động thương mại bằng phương pháp điện tử. Hoạt động thương mại điện tử không chỉ là quá trình mua bán thông thường mà còn là dịch vụ khách hàng, kết nối các đối tác kinh doanh, thực hiện các giao dịch điện tử,…. Từ khi Internet hình thành và phát triển, TMĐT trở thành một hình thức quan trọng của các hoạt động thương mại như tìm đối tác kinh doanh, trao đổi qua fax. Email, đặt hàng qua mạng, thanh toán điện tử,….

Thương mại điện tử đem lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội. Trong bối cảnh hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu khi Việt Nam là thành viên WTO, phát triển thương mại điện tử là một nhu cầu cần thiết và cấp bách để kinh tế Vĩnh Long hội nhập và phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đối với doanh nghiệp, TMĐT giúp doanh nghiệp nắm được thông tin phong phú về thị trường và đối tác, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí bán hàng và tiếp thị. Thông qua Internet TMĐT còn giúp cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch, người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ về thông tin sản phẩm, thuận lợi cho việc lựa chọn hàng hóa, dịch vụ và nhà cung cấp. Đối với xã hội, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã làm thay đổi phương thức kinh doanh, giao dịch truyền thống, đem lại những lợi ích to lớn cho xã hội. Bên cạnh đó, TMĐT còn tạo điều kiện cho việc thiết lập và củng cố mối quan hệ giữa các thành phần tham gia vào quá trình thương mại. Đồng thời, tạo điều kiện để sớm tiếp cận nền kinh tế số hóa.

Từ các vấn đề trên cho thấy tính cấp thiết phát triển TMĐT là phải xây dựng kế hoạch cụ thể để từng bước khai thác có hiệu quả hoạt động ứng dụng TMĐT trên địa bàn tỉnh bằng những hoạt động như: Triển khai pháp luật về TMĐT; phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về TMĐT; củng cố tổ chức, xây dựng đội ngũ, nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về thương mại điện tử; cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh; phát triển và ứng dụng công nghệ, dịch vụ thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp về ứng dụng thương mại điện tử.

II. CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2015 - 2020: (Có đính kèm phụ lục).

1. Mục tiêu và phạm vi của chương trình:

a) Mục tiêu chung:

Xây dựng các hạ tầng cơ bản và triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh, đưa thương mại điện tử trở thành một hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

b) Mục tiêu cụ thể:

Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 như sau:

* Về kết cấu hạ tầng thương mại điện tử:

- Tạo điều kiện để thẻ thanh toán được sử dụng rộng rãi nhằm giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt.

- Áp dụng phổ biến chứng thực chữ ký số để đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch thương mại điện tử.

- Các tiêu chuẩn trao đổi thông điệp dữ liệu được sử dụng trong hầu hết các giao dịch thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B).

- 50% doanh nghiệp tiến hành giao dịch TMĐT loại hình doanh nghiệp với người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp với doanh nghiệp, trong đó:

+ 100% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch và trao đổi thông tin.

+ 50% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp.

+ 30% doanh nghiệp tham gia website thương mại điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

+ 10% - 20% doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý sản xuất và kinh doanh.

- Bước đầu hình thành các tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp với người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, trong đó:

+ 70% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng.

+ 50% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán phí dịch vụ của các hộ gia đình qua phương tiện điện tử.

+ 20% cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ như vận tải, văn hóa, thể thao và du lịch phát triển các kênh giao dịch điện tử phục vụ người tiêu dùng.

* Về môi trường ứng dụng thương mại điện tử:

- Mua sắm trực tuyến trở thành hình thức mua hàng phổ biến của người tiêu dùng.

- Doanh nghiệp ứng dụng rộng rãi các loại hình thương mại điện tử như doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B), doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C), doanh nghiệp - Chính phủ (B2G) trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu.

* Về nguồn nhân lực thương mại điện tử:

Trên 50% cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp biết đến lợi ích và được đào tạo về thương mại điện tử.

c) Phạm vi:

Thực hiện trên cơ sở Kế hoạch Thương mại điện tử hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai trên địa bàn tỉnh.

2. Nội dung của Kế hoạch:

a) Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về thương mại điện tử:

- Đối với cán bộ, công chức, viên chức: Tập huấn, phổ biến về TMĐT và nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động TMĐT, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến TMĐT.

- Đối với các doanh nghiệp: Tập huấn, phổ biến cho cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp về kiến thức TMĐT, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thương mại điện tử như: Thanh toán trực tuyến, chứng từ điện tử, các hình thức xử lý vi phạm,…

- Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long xây dựng chuyên đề về TMĐT, tuyên truyền, quảng bá TMĐT trên các phương tiện truyền thông, nội dung bao gồm: Phổ cập kiến thức thương mại điện tử trên truyền hình; quảng bá, tuyên truyền, cung cấp thông tin về tình hình hoạt động, các điển hình về ứng dụng TMĐT, thông tin về giá cả hàng hóa, cơ hội giao thương.

b) Đào tạo kỹ năng về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp:

Tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu về kỹ năng TMĐT cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nội dung tập huấn chủ yếu bao gồm: Lập kế hoạch ứng dụng và triển khai TMĐT cho các doanh nghiệp; các kỹ năng khai thác thông tin trực tuyến, kỹ năng nghiên cứu thị trường, xây dựng và quản trị website điện tử; ứng dụng Marketing trực tuyến… Đào tạo kiến thức, kỹ năng ứng dụng, giao dịch TMĐT, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

c) Cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh:

- Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công thương cung cấp thông tin cập nhật về các mặt hàng mũi nhọn của địa phương, danh sách các nhà xuất khẩu lớn, giá trị xuất nhập khẩu cao lên Cổng thông tin xuất khẩu (www.vnex.com.vn); đồng thời phổ biến, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tìm hiểu thông tin về các thị trường tiềm năng tại Cổng thông tin thị trường nước ngoài (www.ttnn.com.vn) của Bộ Công thương.

- Cung cấp thông tin về các dự án sử dụng vốn nhà nước, thông tin về đấu thầu trong mua sắm công, từng bước tiến hành đấu thầu mua sắm công trực tuyến.

- Quản lý trực tuyến thông tin liên quan tới doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Xây dựng các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp tại địa phương, bao gồm cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp tại địa phương, bao gồm cơ sở dữ liệu về: Đăng ký thành lập, chia tách, sáp nhập, giải thể, phá sản doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu về quản lý thị trường; cơ sở dữ liệu về quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng….

- Kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các sở, ban, ngành địa phương cũng như giữa địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương.

- Mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống máy tính, các thiết bị liên quan đến máy tính.

d) Khảo sát tình hình ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp:

Năm 2015 tiến hành khảo sát tình hình ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở đánh giá và hỗ trợ cho doanh nghiệp.

e) Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử:

- Hỗ trợ phát triển website thương mại điện tử cho doanh nghiệp: Xây dựng hoặc nâng cấp website của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp 50% tổng kinh phí, tối đa không quá 5.000.000 đồng/doanh nghiệp, hàng năm hỗ trợ ít nhất 10 doanh nghiệp.

- Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào cổng thương mại điện tử quốc gia (ECVN): Hỗ trợ thủ tục, kinh phí cho các doanh nghiệp tham gia ECVN, hàng năm hỗ trợ ít nhất 10 doanh nghiệp, tối đa không quá 2 triệu đồng/doanh nghiệp.

- Xây dựng sổ tay thương mại điện tử cho doanh nghiệp với các nội dung: Giới thiệu thương mại điện tử và các hình thức thương mại điện tử, cách lập kế hoạch thương mại điện tử….

f) Nâng cấp và duy trì sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh:

Tiếp tục triển khai thực hiện, xây dựng Cổng thương mại điện tử và nâng cấp sàn giao dịch của tỉnh trên cơ sở kế thừa dự án đã có, nội dung bao gồm:

+ Nâng cấp về mặt kỹ thuật, tích hợp sàn giao dịch vào các cổng thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu.

+ Tổng hợp thông tin của doanh nghiệp, sản phẩm của tỉnh, các chương trình xúc tiến thương mại, cập nhật dữ liệu.

+ Hỗ trợ cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, tạo cơ hội giao thương, thực hiện các giao dịch qua mạng Internet thông qua Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh.

g) Khảo sát học tập kinh nghiệm:

Tổ chức đoàn của tỉnh đi học tập kinh nghiệm các địa phương đã xây dựng và triển khai kế hoạch TMĐT đạt kết quả tốt, khảo sát một số doanh nghiệp ứng dụng thành công.

3. Dự toán kinh phí cho giai đoạn 2015 - 2020:

Tổng kinh phí thực hiện: 1.940.000.000 đ. (Một tỷ chín trăm bốn mươi triệu đồng).

Nguồn kinh phí thực hiện: Được trích từ nguồn ngân sách tỉnh.

Phân kỳ hàng năm:

+ Năm 2015: 210 triệu đồng.

+ Năm 2016: 360 triệu đồng.

+ Năm 2017: 350 triệu đồng.

+ Năm 2018: 340 triệu đồng.

+ Năm 2019: 340 triệu đồng.

+ Năm 2020: 340 triệu đồng.

Bảng tổng hợp kinh phí thực hiện:

(ĐVT: Triệu đồng)

STT

Nội dung

Tổng số

01

Tổ chức phổ biến, tuyên truyền về thương mại điện tử

a. Kinh phí tổ chức phổ biến: (3 lớp/năm)

18 lớp x 10 triệu đồng/lớp = 180 triệu đồng.

360

b. Tuyên truyền, quảng bá TMĐT trên các phương tiện truyền thông (mỗi quý 1 kỳ).

6 x 30.000.000 đồng/năm = 180 triệu đồng.

02

Đào tạo kỹ năng về TMĐT cho các doanh nghiệp (1 lớp/năm).

6 x 20.000.000 đồng/năm = 120 triệu đồng.

120

03

Kinh phí cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh

500

04

Khảo sát tình hình ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

50

05

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển Website (5 triệu đồng/doanh nghiệp, hỗ trợ ít nhất 10 doanh nghiệp/năm)x 6 năm

300

06

Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào cổng thương mại điện tử quốc gia (2 triệu đồng/doanh nghiệp, hỗ trợ ít nhất 10 doanh nghiệp/năm) x 6 năm

120

07

Xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử

250

08

Nâng cấp và duy trì sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh

(30 triệu đồng/năm) x 6 năm

180

09

Khảo sát học tập kinh nghiệm.

60

Cộng

1.940

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Công thương: Là cơ quan chủ trì, có nhiệm vụ phối hợp với các sở ngành chức năng có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Vĩnh Long triển khai thực hiện các nội dung sau:

- Lập kế hoạch phát triển thương mại điện tử hàng năm và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này.

- Xây dựng dự toán kinh phí thực hiện hàng năm gửi Sở Tài chính tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Kế hoạch phát triển thương mại điện tử phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và hướng dẫn của Trung ương.

- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch và định kỳ hàng năm, tổng hợp báo cáo tình hình và kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công thương theo quy định.

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh trong tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động thương mại điện tử về hàng hóa, giá cả, chất lượng, các hoạt động xúc tiến thương mại….

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Phối hợp với Sở Công thương và các sở, ngành chức năng có liên quan trong công tác tổ chức thực hiện Kế hoạch này.

- Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối và phân bổ, bố trí kinh phí ngân sách hàng năm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

3. Sở Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh để đảm bảo kinh phí hàng năm cho việc thực hiện kế hoạch.

- Phối hợp với Sở Công thương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch này.

4. Sở Thông tin Truyền thông:

- Triển khai thực hiện tốt việc phát triển hạ tầng mạng phục vụ phát triển thương mại điện tử;

- Phối hợp với Sở Công thương trong việc phổ biến, tuyên truyền về thương mại điện tử, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử, đào tạo các kỹ năng và tư vấn cho doanh nghiệp về các nội dung liên quan đến công nghệ thông tin - thương mại điện tử.

- Phối hợp với Công an tỉnh và các sở ngành tỉnh liên quan trong đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động thương mại điện tử.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với các sở ngành liên quan ứng dụng thương mại điện tử trong quảng bá và xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Khoa học Công nghệ: Phối hợp với Sở Công thương và các sở ngành chức năng có liên quan triển khai đồng bộ Kế hoạch này với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, gắn kết sự phát triển thương mại điện tử với Chính phủ điện tử.

7. Công an tỉnh:

- Phối hợp với các sở, ngành chức năng đẩy mạnh ứng dụng phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

- Kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an toàn, an ninh trong thương mại điện tử.

8. Các sở, ngành khác có liên quan: Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Công thương xây dựng chương trình triển khai thực hiện tốt Kế hoạch này. Định kỳ hàng năm sơ kết, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Công thương để tổng hợp báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công thương.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Căn cứ nội dung Kế hoạch, phối hợp với Sở Công thương xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, phối hợp đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

10. Các Ngân hàng trên địa bàn tỉnh: Đề nghị phối hợp các sở, ngành chức năng có liên quan tham gia xây dựng Kế hoạch phối hợp thực hiện.

11. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh:

- Triển khai ứng dụng Thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh để tiết giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và mang lại hiệu quả cao nhất.

- Phối hợp với các sở ngành có liên quan tham gia Kế hoạch này.

Các cơ quan, đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch trên địa bàn và định kỳ báo cáo kế hoạch thực hiện hàng năm về Sở Công thương để tổng hợp báo cáo về Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền cho phép, Sở Công thương phối hợp với các ngành, các đơn vị có liên quan tham mưu, đề xuất trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo kịp thời./.

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIÊN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ GIAI ĐOẠN 2015 - 2020 CỦA TỈNH VĨNH LONG

TT

Tên chương trình

Nội dung thực hiện

Cơ quan thực hiện

Thời gian thực hiện

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

1

Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về thương mại điện tử

- Tập huấn, phổ biến về TMĐT và nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động TMĐT, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến TMĐT cho CBCCVC hoạt động quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực TMĐT

- Tập huấn, phổ biến cho cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp về kiến thức TMĐT, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến TMĐT như: Thanh toán trực tuyến, chứng từ điện tử, các hình thức xử lý vi phạm,…

- Xây dựng chuyên đề về TMĐT, tuyên truyền, quảng bá TMĐT trên các phương tiện truyền thông

Sở Công thương

Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thành phố, thị xã, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Hàng năm, từ năm 2015 đến năm 2020

2

Đào tạo kỹ năng về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp

Tập huấn chuyên sâu về kỹ năng TMĐT cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bao gồm: Lập kế hoạch ứng dụng và triển khai TMĐT cho các doanh nghiệp; các kỹ năng khai thác thông tin trực tuyến, nghiên cứu thị trường, xây dựng và quản trị website điện tử; ứng dụng Marketing trực tuyến… Đào tạo kiến thức, kỹ năng ứng dụng, giao dịch TMĐT, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Sở Công thương

Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thành phố, thị xã, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Hàng năm, từ năm 2015 đến năm 2020

3

Cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh

- Cung cấp thông tin cập nhật về các mặt hàng mũi nhọn của địa phương, danh sách các nhà xuất khẩu lớn, giá trị xuất nhập khẩu cao, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tìm hiểu thông tin về các thị trường tiềm năng, thông tin về các dự án sử dụng vốn nhà nước, thông tin về đấu thầu trong mua sắm công và từng bước tiến hành đấu thầu mua sắm công trực tuyến;

Sở Công thương

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công thương, Sở Tài chính, Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, các doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Từ năm 2015 đến năm 2020

 

 

- Quản lý trực tuyến thông tin liên quan tới doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh;

- Xây dựng các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp tại địa phương. Kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các sở, ban, ngành địa phương cũng như giữa địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương.

 

 

 

4

Khảo sát tình hình ứng dụng TMĐT của các doanh nghiệp

Khảo sát tình hình ứng dụng TMĐT của các DN trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở đánh giá và hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Sở Công thương

Sở Thông tin - Truyền thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan

Năm 2015

5

Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử

- Hỗ trợ phát triển website thương mại điện tử cho doanh nghiệp

- Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào cổng thương mại điện tử quốc gia (ECVN)

- Xây dựng sổ tay thương mại điện tử cho doanh nghiệp

Sở Công thương

Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Khoa học - Công nghệ và các cơ quan, đơn vị có liên quan

Hàng năm, từ năm 2015 đến năm 2020

6

Nâng cấp và duy trì sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh

- Xây dựng sàn giao dịch TMĐT

- Nâng cấp và duy trì sàn giao dịch TMĐT của tỉnh.

Sở Công thương, Sở Thông tin - Truyền thông

Sở Tài chính, Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, các doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Hàng năm, từ năm 2015 đến năm 2020

7

Khảo sát học tập kinh nghiệm

Tổ chức học tập kinh nghiệm các địa phương đã xây dựng và triển khai kế hoạch TMĐT đạt kết quả tốt, khảo sát một số doanh nghiệp ứng dụng thành công.

Sở Công thương

Sở Thông tin - Truyền thông, các doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Năm 2015