Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7172/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NĂM 2016 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ các Nghị định: số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/06/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/05/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội tại Tờ trình số 3767/TTr-STP ngày 15 tháng 12 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính năm 2016 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Tư pháp và Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành thuộc thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Cục kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp);
- Thường trực TU, HĐND TP;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- VPUBND TP: CVP, PCVP; p.CV, NC, TH, HCTC;
- Cổng giao tiếp điện tử TP Hà Nội;
- Trung tâm Tin học - Công báo TP;
- Lưu: VT, STP, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Sơn

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NĂM 2016 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 7172/QĐ-UBND ngày 28/12/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích:

a) Phát hiện loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp lý, trái quy định của pháp luật, trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ thủ tục hành chính không phù hợp.

b) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả và sự minh bạch của bộ máy hành chính, cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, người đứng đầu trong kiểm soát thủ tục hành chính.

2. Yêu cầu

a) Hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính phải được thực hiện thường xuyên, liên tục với các biện pháp và cách thức thích hợp. Bảo đảm một thủ tục hành chính được thực hiện là cần thiết, hợp lý, hợp pháp, với chi phí thực hiện là thấp nhất, lợi ích đạt được là cao nhất.

b) Thực hiện triển khai một cách đồng bộ và có hiệu quả từ việc cho ý kiến kiểm soát thủ tục hành chính, thẩm định quy định thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát việc trình công bố thủ tục hành chính đến việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính, kiểm tra hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính của cơ quan, chủ thể có thẩm quyền.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác xây dựng văn bản để bảo đảm thực hiện việc kiểm soát thủ tục hành chính:

Xây dựng, ban hành các Kế hoạch năm trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2016: Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính; Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính, Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về kiểm soát thủ tục hành chính; Kế hoạch kiểm tra công tác kiểm soát thủ tục hành chính.

2. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính:

a) Kiểm soát chặt chẽ thủ tục hành chính quy định trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội do các Sở, Ngành, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố chủ trì soạn thảo.

b) Xây dựng và thực hiện kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính đối với các thủ tục tục hành chính trên một số lĩnh vực đang thực hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

c) Kiểm soát thủ tục hành chính đối với dự thảo Quyết định công bố thủ tục hành chính do Sở, Ban, ngành trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố công bố theo thẩm quyền.

d) Thực hiện việc kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính của Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.

đ) Thực hiện việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính theo quy định của Chính phủ và của Ủy ban nhân dân Thành phố.

e) Thực hiện đối thoại với tổ chức, người dân về thủ tục hành chính.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phương thức tiến hành và thời gian thực hiện:

a) Thực hiện hoàn thành xây dựng các văn bản liên quan đến công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại Khoản 1 Mục II kế hoạch này trước 31 tháng 12 năm 2015.

b) Đánh giá tác động của thủ tục hành chính được quy định trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện theo quy trình, cách thức được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ Tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn thực hiện (thường xuyên).

c) Thực hiện cho ý kiến, thẩm định đối với thủ tục hành chính được quy định trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Ủy ban nhân dân Thành phố (thường xuyên).

d) Các Sở, Ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm xây dựng dự thảo quyết định công bố thủ tục hành chính mới ban hành hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định công bố theo quy định của pháp luật (thường xuyên). Dự thảo quyết định công bố được cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính có ý kiến tham gia trước khi trình công bố.

đ) Các đơn vị được giao nhiệm vụ rà soát, đánh giá thủ tục hành chính phải bảo đảm chính xác, khách quan, có phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính tối ưu (theo kế hoạch). Dự thảo báo cáo rà soát, đánh giá được gửi đến cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính để xem xét, đánh giá chất lượng trước khi trình UBND Thành phố.

e) Trong năm 2016 Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức đoàn kiểm tra để kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính tại một số, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; xã phường, thị trấn (tiến độ theo kế hoạch).

g) Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị bảo đảm đúng quy trình theo quy định của pháp luật. Thực hiện tốt việc thông tin, tuyên truyền về kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định (thường xuyên, theo kế hoạch).

h) Thực hiện đối thoại với tổ chức, người dân về thủ tục hành chính theo Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 25 tháng 9 năm 2015 về việc Triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính.

2. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:

a) Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở, thủ trưởng Ban, ngành thuộc thành phố Hà Nội; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn chỉ đạo việc kiểm soát thủ tục hành chính trong cơ quan, ngành mình và có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính có liên quan đến ngành, cấp mình bảo đảm việc kiểm soát thủ tục hành chính thông suốt, hiệu quả.

Các Sở, Ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm xây dựng dự thảo quyết định công bố thủ tục hành chính mới ban hành hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ gửi lấy ý kiến của Sở Tư pháp và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định công bố theo quy định của pháp luật; tổ chức đánh giá tác động của thủ tục hành chính quy định trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Ủy ban nhân Thành phố; thực hiện việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính đúng tiến độ, nội dung theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố.

Các Sở, Ban, ngành; Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của cơ quan tiếp nhận phản ánh, kiến nghị có trách nhiệm báo cáo, làm rõ các nội dung thuộc trách nhiệm.

b) Sở Tư pháp chủ trì xây dựng các văn bản liên quan đến công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại Khoản 1 Mục II và theo tiến độ tại Khoản 1 mục III Kế hoạch này; thực hiện cho ý kiến, thẩm định, đánh chất lượng theo nội dung nêu tại điểm c, điểm d, điểm đ Khoản 1 phần III Kế hoạch này.

Ủy ban nhân dân thành phố quyết định (có thể Ủy quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp) thành lập Đoàn kiểm tra, ban hành kế hoạch để kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính tại một số Sở, Ban, ngành; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Thành phần đoàn kiểm tra bao gồm Sở Tư pháp (chủ trì), Sở Nội vụ, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố và một số Sở, Ngành khác. Nội dung và thời gian kiểm tra cụ thể theo thông báo của Sở Tư pháp. Nhận được thông báo kiểm tra của Giám đốc Sở Tư pháp, các Sở, Ban, ngành thuộc thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chuẩn bị nội dung theo yêu cầu; bố trí lãnh đạo, thời gian làm việc và tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn kiểm tra hoàn thành nhiệm vụ.

c) Sở Tài chính bố trí đủ kinh phí cho Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành liên quan để thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính theo đúng quy định tại Thông tư số 167/2012/TT-BTC ngày 10/10/2012 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện các hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, bảo đảm đúng tiến độ đề ra.

d) Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành thuộc Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch này, tổ chức thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính năm 2015 của ngành, địa phương mình.

Giao Giám đốc Sở Tư pháp theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này. Kịp thời tổng hợp, báo cáo kết quả, khó khăn, vướng mắc về Ủy ban nhân dân Thành phố để xem xét, giải quyết./.