BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 72/1999/QĐ-BTC | Hà Nội, ngày 09 tháng 7 năm 1999 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ 72/1999/QĐ-BTC NGÀY 9 THÁNG 7 NĂM 1999 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ LẬP, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ QUĨ TÍCH LUỸ TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2/3/1999 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính.
Căn cứ Nghị định số 90/CP ngày 7/11/1998 của Chính phủ ban hành Qui chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài và phê duyệt dự thảo Quy chế Quỹ tích luỹ trả nợ nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 621/CP-QHQT ngày 15/6/1999.
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính đối ngoại, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Tổng cục trưởng Tổng cục đầu tư phát triển.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Qui chế lập, sử dụng và quản lý Quỹ tích luỹ trả nợ nước ngoài.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây của Bộ Tài chính trái với Quy chế này đều bãi bỏ.
Điều 3. Vụ trưởng Vụ Tài chính đối ngoại, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Đầu tư phát triển và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan có trách nhiệm hướng dẫn và thực hiện Quyết định này.
| Nguyễn Sinh Hùng (Đã ký) |
QUY CHẾ
LẬP, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ QUỸ TÍCH LUỸ TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 72/1999/QĐ ngày 9/7/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.- Lập Quỹ tích luỹ trả nợ nước ngoài (dưới đây gọi tắt là Quỹ tích luỹ) để tập trung các khoản thu hồi vốn cho vay lại trong nước từ nguồn vay/viện trợ nước ngoài của Chính phủ và các khoản thu phí bảo lãnh Chính phủ để bảo đảm việc trả nợ nước ngoài các khoản vay của Chính phủ, đồng thời tạo nguồn xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong trường hợp Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng vay nước ngoài.
Điều 2.- Quỹ tích luỹ được mở tài khoản ngoại tệ và tiền Việt Nam tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tài chính uỷ quyền cho lãnh đạo Vụ Tài chính đối ngoại đứng tên chủ tài khoản Quỹ tích luỹ.
Chương 2:
CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3.- Nguồn hình thành quỹ tích luỹ:
1. Các khoản thu hồi vốn cho vay lại bao gồm:
- Nợ gốc, lãi cho vay lại từ nguồn vốn vay nợ, viện trợ nước ngoài của Chính phủ (sau khi trừ phí dịch vụ cho vay lại) theo các kỳ hạn được quy định trong các Hợp đồng hoặc Hiệp định phụ cho vay lại.
- Phí vay phải trả nước ngoài (phí cam kết, phí quản lý...) trong trường hợp Ngân sách Nhà nước trả cho nước ngoài theo Hiệp định vay.
2. Các khoản thu phí bảo lãnh và các khoản thu hồi nợ theo Quy chế bảo lãnh của Chính phủ đối với các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.
3. Lãi tiền gửi và các khoản thu khác từ sử dụng vốn nhàn rỗi của Quỹ tích luỹ.
4. Các nguồn thu khác theo quy định của Chính phủ.
Điều 4.- Thu Quỹ tích luỹ được thực hiện như sau:
Căn cứ vào văn bản cam kết về bảo lãnh, cơ quan cấp bảo lãnh Chính phủ yêu cầu người được bảo lãnh nộp thẳng phí bảo lãnh vào các tài khoản Quỹ tích luỹ mở tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
Căn cứ theo Hiệp định vay phụ, hợp đồng cho vay lại, người vay lại nộp các khoản thu hồi vốn cho vay lại vào các tài khoản của Cơ quan cho vay lại. Căn cứ vào kỳ hạn trả Ngân sách nhà nước theo hợp đồng uỷ nhiệm đã ký với Bộ Tài chính, cơ quan cho vay lại làm thủ tục chuyển trả Ngân sách nhà nước vào các tài khoản của Quỹ tích luỹ mở tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, đồng thời tiến hành thủ tục để giảm nguồn nhận vốn cho vay lại với Ngân sách Nhà nước.
Các Cơ quan cho vay lại, Cơ quan cấp bảo lãnh tập hợp các chứng từ nộp tiền vào Quỹ tích luỹ có xác nhận của Ngân hàng nơi nộp tiền để hạch toán việc thu nộp cho Ngân sách nhà nước. Bản sao các chứng từ nộp tiền nói trên được các Cơ quan cho vay lại, hoặc Cơ quan cấp bảo lãnh gửi cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại) để theo dõi và hạch toán việc thu nộp.
Các khoản thu khác (nếu có) nộp vào Quỹ tích luỹ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Điều 5.- Chi Quỹ tích luỹ thực hiện như sau:
Vụ Tài chính đối ngoại thực hiện việc chi trả nợ nước ngoài của Chính phủ (gồm các khoản vay về cấp phát và vay về cho vay lại) theo các quy định hiện hành, đồng thời có trách nhiệm tách riêng phần trả nợ cho các khoản vay về cho vay lại.
Chậm nhất đến ngày 5 tháng sau, Vụ Tài chính đối ngoại tổng hợp các khoản trả nợ phát sinh trong tháng trước cho các khoản vay về cho vay lại và trên cơ sở đó lập chứng từ ghi chi Quỹ tích luỹ để hoàn trả cho Ngân sách nhà nước theo tỷ giá hạch toán Ngân sách giữa đồng Việt Nam và ngoại tệ vào ngày hoàn trả Ngân sách nhà nước.
Trường hợp trả thay cho các dự án vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, việc chi Quỹ tích luỹ cũng được thực hiện như trên.
Điều 6.- Lập kế hoạch thu, chi Quỹ tích luỹ:
Hàng năm theo tiến độ lập dự toán Ngân sách nhà nước, các Cơ quan cho vay lại có trách nhiệm căn cứ vào các Thoả thuận cho vay lại đã ký với các chủ dự án để lập kế hoạch thu hồi cho vay lại vốn vay nợ và vốn viên trợ nước ngoài của Chính phủ gửi cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại) để tổng hợp kế hoạch thu Quỹ tích luỹ.
Vụ Tài chính đối ngoại căn cứ vào các điều ước quốc tế và các cam kết của Chính phủ hoặc của Nhà nước xác định kế hoạch chi trả nợ nước ngoài hàng năm từ Ngân sách Trung ương, trong đó tách riêng nghĩa vụ chi trả nợ cho các khoản vay về cho vay lại để tổng hợp kế hoạch chi Quỹ tích luỹ.
Kế hoạch chi Quỹ tích luỹ hàng năm là căn cứ để đưa vào dự toán thu chi Ngân sách nhà nước từ nguồn Quỹ tích luỹ. Chênh lệch giữa số thu và chi Quỹ tích luỹ sẽ được sử dụng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Điều 7.- Mở, quản lý các tài khoản Quỹ tích luỹ.
Vụ Tài chính đối ngoại làm thủ tục mở tài khoản tiền gửi cho Quỹ tích luỹ tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam bằng VND và USD (trường hợp có các loại ngoại tệ khác phát sinh Ngân hàng Ngoại thương sẽ tự động mở thêm tài khoản) để theo dõi các nguồn thu sau:
- Thu hồi nợ cho vay lại (bao gồm gốc, lãi, phí ngoài nước),
- Thu phí bảo lãnh Chính phủ,
- Thu khác.
Lãi phát sinh trên các tài khoản tiền gửi của Quỹ tích luỹ được gốc hoá và hạch toán vào tài khoản "thu khác".
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam thực hiện việc hạch toán các nghiệp vụ phát sinh trên các tài khoản liên quan đến quá trình thu, chi Quỹ tích luỹ, định kỳ hàng tháng gửi báo cáo tổng hợp cho Bộ Tài chính biết tổng số thu, chi trong tháng, lãi phát sinh trên tài khoản và số dư chi tiết của các tài khoản tiền gửi kèm theo.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam thông báo cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại) chi tiết về các tài khoản được mở để hướng dẫn cho các đơn vị có liên quan chuyển tiền vào các tài khoản thích hợp.
Điều 8.- Phần chênh lệch giữa thu và chi Quỹ tích luỹ hàng năm có thể được dùng cho các mục đích sau theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính:
- Cho Ngân sách nhà nước vay tạm thời để sử dụng cho các mục đích chi đột xuất và được hưởng lãi suất theo mức tối thiểu để có thể bảo toàn được nguồn vốn trả nợ.
- Cho quỹ hỗ trợ phát triển vay có kỳ hạn.
- Mua các trái phiếu ngoại tệ của các Ngân hàng Thương mại.
Chương 3:
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRONG VIỆC LẬP, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ QUỸ TÍCH LUỸ
Điều 9.- Vụ Tài chính đối ngoại có trách nhiệm:
- Thông báo cho các đơn vị có liên quan số hiệu tài khoản của Quỹ tích luỹ mở tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
- Tổng hợp và lập kế hoạch thu chi Quỹ tích luỹ hàng năm.
- Thực hiện chi Quỹ tích luỹ theo quy định tại Điều 5 quy chế này.
- Xác định số tiền tạm thời nhàn rỗi của Quỹ tích luỹ có thể sử dụng được cho từng thời kỳ, phối hợp với các Vụ, Cục có liên quan lập phương án sử dụng và trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.
- Thực hiện công tác kế toán Quỹ tích luỹ, thường xuyên đối chiếu số thu nộp Quỹ tích luỹ với các Cơ quan cho vay lại và Cơ quan cấp bảo lãnh Chính phủ, tổ chức theo dõi thu hồi các khoản tiền của Quỹ tích luỹ đã sử dụng để cho vay hoặc mua trái phiếu ngoại tệ.
- Hướng dẫn và đôn đốc các đơn vị, tổ chức được Chính phủ bảo lãnh cho vay vốn nước ngoài nộp phí bảo lãnh vào Quỹ tích luỹ.
- Định kỳ hàng tháng báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính số tồn quỹ, hàng năm lập báo cáo quyết toán việc sử dụng Quỹ tích luỹ.
Điều 10.- Vụ Ngân sách Nhà nước có trách nhiệm:
- Phối hợp với Vụ Tài chính đối ngoại đề xuất các phương án sử dụng tiền tạm thời nhàn rỗi của Quỹ tích luỹ từng thời kỳ trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.
- Thực hiện hạch toán thu Ngân sách nhà nước các khoản hoàn trả Ngân sách từ Quỹ tích luỹ căn cứ theo lệnh chi Quỹ tích luỹ do Vụ Tài chính đối ngoại phát hành. Thường xuyên đối chiếu số chi từ Ngân sách nhà nước để trả nợ cho các dự án vay lại hoặc được Chính phủ bảo lãnh với số thu do Quỹ tích luỹ hoàn trả.
Điều 11.- Các cơ quan cho vay lại chịu trách nhiệm:
- Định kỳ hàng quý, năm thông báo cho Vụ Tài chính đối ngoại kế hoạch thu hồi nợ từ các dự án mà đơn vị mình được uỷ nhiệm cho vay lại.
- Tổ chức việc thống kê theo dõi và lập báo cáo định kỳ hàng quý các khoản đã thu hồi vốn cho vay lại và đã nộp vào Quỹ tích luỹ theo từng dự án cho vay lại gửi cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại).
- Hướng dẫn và đôn đốc các đơn vị, tổ chức sử dụng vốn vay lại Chính phủ nộp các khoản thu hồi vốn cho vay lại đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại các Hiệp định phụ, hợp đồng cho vay lại.
- Đối với các Ngân hàng Thương mại được Bộ Tài chính uỷ quyền thu hồi nợ từ chủ dự án và trả nợ trực tiếp cho nước ngoài, sau mỗi kỳ trả nợ cần thông báo ngay cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại) để làm thủ tục ghi chi Quỹ tích luỹ đồng thời ghi thu chi Ngân sách nhà nước.
Điều 12.- Các Cơ quan bảo lãnh Chính phủ chịu trách nhiệm hướng dẫn và đôn đốc các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài nộp đầy đủ và đúng hạn phí bảo lãnh cũng như các khoản thu hồi nợ khác (nếu có) vào Quỹ tích luỹ.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13.- Các Vụ, Tổng cục và các đơn vị có liên quan thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm chấp hành và hướng dẫn các đơn vị, tổ chức vay lại hoặc được Chính phủ bảo lãnh thực hiện nghiêm chỉnh các quy định tại Quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì các cơ quan, đơn vị, tổ chức cần phản ảnh kịp thời cho Bộ Tài chính để sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm bảo đảm sử dụng và quản lý Quỹ tích luỹ có hiệu quả, đúng mục đích.
- 1 Quyết định 10/2006/QĐ-BTC ban hành Quy chế lập, sử dụng và quản lý Quỹ tích luỹ trả nợ nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2 Quyết định 82/2007/QĐ-BTC công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành và liên tịch ban hành đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 nay đã hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3 Quyết định 82/2007/QĐ-BTC công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành và liên tịch ban hành đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 nay đã hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 1 Quyết định 13/2000/QĐ-HĐQL về Quy chế huy động, tiếp nhận và quản lý các nguồn vốn cho đầu tư phát triển của Quỹ hỗ trợ phát triển do Hội đồng quản lý quỹ hỗ trợ phát triển ban hành
- 2 Quyết định 02/2000/QĐ-BTC về Quy chế cho vay lại từ nguồn vay/viện trợ nước ngoài của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3 Nghị định 90/1998/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài