Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 72/2006/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2006 

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC ĐIỀU TRA CHỐNG BUÔN LẬU THUỘC TỔNG CỤC HẢI QUAN

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH 10 ngày 29/06/2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan ngày 14/06/2005;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma tuý số 23/2000/QH 10 ngày 09/12/2000;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 96/2002/NĐ-CP, ngày 19/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan;
Căn cứ Quyết định số 65/2004/QĐ-TTg ngày 19/04/2004 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động của lực lượng hải quan chuyên trách phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cục Điều tra chống buôn lậu là đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan có chức năng giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị trong ngành Hải quan và trực tiếp tổ chức thực hiện công tác thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan; áp dụng phương pháp quản lý rủi ro; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (gọi chung là kiểm soát hải quan); phòng, chống ma tuý theo quy định của pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ được giao.

Điều 2. Cục Điều tra chống buôn lậu có các nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Chủ trì hoặc phối hợp, tham gia xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn về quy trình, quy chế, biện pháp, thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan; quản lý rủi ro và kiểm soát hải quan.

2. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch (ngắn hạn và dài hạn) về thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan; quản lý rủi ro và kiểm soát hải quan.

3. Giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đối với các Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố (gọi chung là cục Hải quan tỉnh) thực hiện nhiệm vụ thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan và kiểm soát hải quan; áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong quy trình nghiệp vụ hải quan.

4. Chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin nghiệp vụ phục vụ cho quản lý hải quan hiện đại; áp dụng biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan để thu thập, xử lý thông tin từ các nguồn công khai và bí mật, trong nước và nước ngoài liên quan đến hoạt động hải quan.

5. Chủ trì hoặc phối hợp, tham gia xây dựng, triển khai áp dụng phương pháp quản lý rủi ro thực hiện trong quy trình nghiệp vụ hải quan.

6. Tổ chức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan theo quy định của pháp luật để điều tra, phát hiện các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có tổ chức, có đường dây, ổ nhóm liên tỉnh, trọng điểm, các vụ buôn lậu lớn, phức tạp theo phân cấp hoặc theo chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; xử lý hoặc tiến hành khởi tố theo quy định của pháp luật.

7. Tổng kết đánh giá tình hình và kết quả công tác thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan, quản lý rủi ro và kiểm soát hải quan toàn ngành Hải quan; Tổng hợp, phân tích, dự báo và cung cấp thông tin cảnh báo phục vụ công tác chỉ đạo nghiệp vụ; cung cấp thông tin cho các tổ chức liên quan theo quy định của pháp luật và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

8. Tổ chức lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan; quản lý rủi ro và kiểm soát hải quan theo quy định của pháp luật và của Tổng cục Hải quan.

9. Chủ trì hoặc phối hợp, tham gia xây dựng các đề án, phương án tổ chức lực lượng kiểm soát hải quan hiện đại; phối hợp đề xuất bố trí cán bộ, công chức, trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ, vũ khí và kiểm tra việc quản lý, sử dụng của các đơn vị thực hiện nhiệm vụ thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan; quản lý rủi ro và kiểm soát hải quan của ngành Hải quan.

10. Tổ chức nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại trong lĩnh vực thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan; quản lý rủi ro và kiểm soát hải quan.

11. Tổ chức công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan; quản lý rủi ro; kiểm soát hải quan; phòng, chống ma tuý cho cán bộ, công chức hải quan; đào tạo huấn luyện viên chó nghiệp vụ, huấn luyện chó nghiệp vụ phát hiện ma tuý, chất nổ.

Phối hợp xây dựng nội dung, chương trình và tham gia giảng dạy nghiệp vụ thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan; quản lý rủi ro và kiểm soát hải quan tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ hải quan của Tổng cục Hải quan.

12. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công tác thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan; quản lý rủi ro; kiểm soát hải quan; phòng, chống ma tuý theo quy định của pháp luật và sự phân công của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

13. Được yêu cầu các đơn vị trong Ngành Hải quan báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết liên quan đến các hoạt động thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan; quản lý rủi ro; kiểm soát hải quan; phòng, chống ma tuý.

14. Ký các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, giải thích liên quan đến công tác thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan; quản lý rủi ro; kiểm soát hải quan; phòng, chống ma tuý theo quy định của pháp luật và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

15. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và phân công của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Điều 3. Cục Điều tra chống buôn lậu có Cục trưởng và một số Phó Cục trưởng.

Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu có trách nhiệm và quyền hạn:

1- Chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về toàn bộ hoạt động của Cục Điều tra chống buôn lậu.

2- Được quyết định theo phân cấp thẩm quyền hoặc trình Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định các vấn đề về công tác thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan; quản lý rủi ro và kiểm soát hải quan theo quy định của pháp luật.

3- Bố trí, sắp xếp công chức phù hợp với trình độ, năng lực chuyên môn; tổ chức học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho công chức; quản lý tài chính, tài sản được giao theo quy định của Nhà nước và Bộ Tài chính.

Phó Cục trưởng giúp Cục trưởng phụ trách một số lĩnh vực công tác theo phân công của Cục trưởng và chịu trách nhiệm trước pháp luật và Cục trưởng về những nhiệm vụ được phân công.

Điều 4. Cơ cấu tổ chức của Cục Điều tra chống buôn lậu gồm:

1- Phòng Tham mưu tổng hợp (Phòng 1)

2- Phòng Thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan (Phòng 2)

3- Phòng Quản lý rủi ro (Phòng 3)

4- Phòng Tham mưu xử lý vi phạm (Phòng 4)

5- Phòng Kiểm soát ma tuý (Phòng 5)

6- Phòng Hành chính, Quản trị, Tài vụ và Tổ chức (Phòng 6)

7- Đội Kiểm soát hải quan khu vực phía Bắc (Đội 1)

8- Đội Kiểm soát hải quan khu vực phía Nam (Đội 2)

9- Đội Kiểm soát ma tuý (Đội 3)

10- Hải đội Kiểm soát hải quan số 1 (Hải đội 1)

11- Hải đội Kiểm soát hải quan số 2 (Hải đội 2)

12- Hải đội Kiểm soát hải quan số 3 (Hải đội 3)

13- Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ phát hiện ma tuý và chất nổ (đơn vị sự nghiệp).

 Nhiệm vụ cụ thể của các Phòng, Đội, Hải đội; nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ phát hiện ma tuý và chất nổ do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định.

Điều 5. Cục Điều tra chống buôn lậu và Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ phát hiện ma tuý và chất nổ thuộc Cục có tư cách pháp nhân, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước theo quy định của pháp luật.

Đội Kiểm soát hải quan khu vực phía Bắc, Đội Kiểm soát hải quan khu vực phía Nam, Đội kiểm soát ma tuý, Hải đội kiểm soát hải quan số 1, Hải đội kiểm soát hải quan số 2, Hải đội kiểm soát hải quan số 3 có con dấu riêng để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Kinh phí hoạt động của Cục Điều tra chống buôn lậu và Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ phát hiện ma tuý và chất nổ thuộc Cục được cấp từ nguồn kinh phí của Tổng cục Hải quan.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Thay thế Quyết định số 17/2003/QĐ-BTC ngày 10/02/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Điều tra chống buôn lậu; Quyết định số 33/2003/QĐ-BTC ngày 17/03/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thành lập các Đội kiểm soát chống buôn lậu và Hải đội kiểm soát hải quan thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu; Quyết định số 807/QĐ-BTC ngày 16/03/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thành lập Hải đội kiểm soát hải quan số 3 thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan và Quyết định số 03/2006/QĐ-BTC ngày 06/01/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung quyết định số 17/2003/QĐ-BTC ngày 10/02/2003.

Điều 7. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Lãnh đạo Bộ;
- Như Điều 7;
- Cục Kiểm tra VB (Bộ Tư pháp);
- Các Sở Tài chính tỉnh, TP;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Lưu VT, TCCB, TCHQ.

BỘ TRƯỞNG




Vũ Văn Ninh