Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 728/QĐ-UBND

Gia Lai, ngày 12 tháng 10 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 05-NQ/TU NGÀY 12/4/2017 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH GIA LAI VỀ GIẢM NHANH VÀ BỀN VỮNG TỶ LỆ HỘ NGHÈO TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2017-2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

- Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

- Căn cứ Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020;

- Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 12/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 12/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Lao động - Thương binh và Xã hội; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 2;
- Bộ LĐ-TB&XH (để b/c);
- T/T Tỉnh ủy; T/T HĐND tỉnh b/c);
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Các tổ chức Chính trị - xã hội;
- Báo Gia Lai; Đài PTTH tỉnh (để tuyên truyền)
- CVP, các PVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KT, TH, KGVX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Ngọc Thành

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 05-NQ/TU NGÀY 12/4/2017 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH GIA LAI VỀ GIẢM NHANH VÀ BỀN VỮNG TỶ LỆ HỘ NGHÈO TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2017-2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 728/QĐ-UBND ngày 12/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai)

Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 12/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025 (gọi tắt là Nghị quyết số 05-NQ/TU); xuất phát từ tình hình thực tế của tỉnh, UBND tỉnh xây dựng Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 12/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025, với các nội dung trọng tâm sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

Giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) theo hướng nhanh và bền vững; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của ĐBDTTS, nhất là ở khu vực biên giới, vùng đặc biệt khó khăn; thu hẹp khoảng cách về điều kiện sông giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bào kinh và ĐBDTTS; tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội ở vùng ĐBDTTS theo tiêu chí nông thôn mới; tạo điều kiện cho người nghèo DTTS tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản; hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 05-NQ/TU đề ra.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Mục tiêu đến năm 2020:

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống dưới 7% vào cuối năm 2020. Các huyện được hưởng cơ chế, chính sách 30a; các huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 30% và các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40% giảm bình quân 4-5%/năm.

- Giảm tỷ lệ hộ DTTS nghèo so với tổng số hộ DTTS toàn tỉnh xuống dưới 15,2% vào cuối năm 2020 (bình quân mỗi năm giảm hơn 5%).

- Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có trên 125 xã/184 xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 7%, đạt tiêu chí hộ nghèo trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

- Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng ĐBDTTS theo tiêu chí nông thôn mới, cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập của người ĐBDTTS.

- Thành phố Pleiku, thị xã An Khê cơ bản không còn hộ DTTS nghèo (tlệ hộ ĐBDTTS nghèo dưới 1% trên tổng số hộ DTTS trên địa bàn).

b) Mục tiêu định hướng đến năm 2025:

Giảm tỷ lệ hộ DTTS nghèo (theo chuẩn đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020) so với tổng số hộ DTTS toàn tỉnh xuống dưới 5% vào cuối năm 2025 (bình quân trong giai đoạn 2021-2025 mỗi năm giảm 2,04%); nâng thu nhập bình quân đầu người của ĐBDTTS cuối năm 2025 gấp 1,5 lần so với năm 2020; hơn 95% ĐBDTTS được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Đối tượng:

Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ ĐBDTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh; người dân thuộc địa bàn các huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn, thôn, làng đặc biệt khó khăn, vùng có đông ĐBDTTS sinh sống; các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn; các tổ chức và cá nhân có liên quan.

2. Phạm vi thực hiện: Chương trình được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

3. Thời gian thực hiện Chương trình: từ năm 2017 đến năm 2025.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Để giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

1. Giao kế hoạch giảm nghèo cho các địa phương và tổ chức cho hộ nghèo đăng ký thoát nghèo:

Hằng năm, UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo cho các huyện, thị xã, thành phố. Căn cứ chỉ tiêu kế hoạch được giao và thực tiễn cơ sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện; đồng thời có trách nhiệm giao chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo cho các xã, phường, thị trấn và chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở số liệu hộ nghèo qua điều tra, rà soát hàng năm, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức, hướng dẫn cho hộ nghèo đăng ký thoát nghèo và thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo ĐBDTTS đã đăng ký thoát nghèo nhằm giúp họ thoát nghèo bền vững. Đồng thời tăng cường thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là ĐBDTTS sản xuất kinh doanh, vươn lên khá giả. UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo số liệu hộ nghèo đăng ký thoát nghèo ở địa phương về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 25/02 hằng năm để tổng hợp chung toàn tỉnh.

2. Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số:

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững trong ĐBDTTS. Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh phân công các thành viên phụ trách công tác giảm nghèo bền vững ở các huyện thị xã thành phố. UBND cấp huyện có trách nhiệm phân công các phòng, ban chuyên môn và các thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện phụ trách giảm nghèo ở các xã, phường, thị trấn. UBND cấp xã có trách nhiệm phân công cán bộ, công chức cấp xã theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc công tác giảm nghèo ở các thôn, làng, tổ dân phố; phân công các đồng chí lãnh đạo cấp ủy chính quyền cấp xã phụ trách công tác giảm nghèo ở các thôn, làng có tỷ lệ hộ DTTS nghèo so với tổng số hộ DTTS trội 50%. Đưa chỉ tiêu kết quả thực hiện giảm nghèo bền vững vào tiêu chí chủ yếu đánh giá cán bộ, công chức và đánh giá xếp loại thi đua, khen thưởng tập thể, cá nhân hằng năm ở các địa phương.

Tổ chức tốt các cuộc điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo để xác định đúng đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo của từng hộ dân để từ đó xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp, chính sách giảm nghèo căn cơ, phù hợp thực tiễn cơ sở, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người nghèo. UBND cấp xã tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ điều tra viên giảm nghèo; kịp thời bổ sung, kiện toàn đội ngũ điều tra viên giảm nghèo. UBND cấp huyện có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí cho điều tra viên giảm nghèo thực hiện nhiệm vụ.

3. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số và cộng đồng xã hội về giảm nghèo bền vững:

Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều và chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 ban hành theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 Thủ tướng Chính phủ; tuyên truyền về mục tiêu và các dự án chương trình thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 05-NQ/TU đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân để thực hiện.

Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, định hướng cho các cơ quan thông tin đại chúng đứng chân trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, vận động nhân dân nhất là ĐBDTTS thực hiện giảm nghèo bền vững; tuyên truyền phát huy truyền thống “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” và các truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta để giúp đỡ ĐBDTTS nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; khơi dậy ý chí chủ động, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng trong ĐBDTTS.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội thành viên triển khai cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong ĐBDTTS đtừng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” và các cuộc vận động khác, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

4. Kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo:

Thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia các cấp. Các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh phải phân công bộ phận hoặc cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo; ở cấp huyện, giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chuyên môn có trách nhiệm tham mưu giúp UBND cấp huyện triển khai các chương trình, chính sách giảm nghèo và thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững; ở cấp xã, công chức Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tham mưu giúp UBND cấp xã triển khai các chương trình, chính sách giảm nghèo và thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững ở địa phương.

UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm bố trí đủ nhân sự cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Dân tộc; bố trí đầy đủ công chức Văn hóa - xã hội phụ trách Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã và bố trí đầy đủ công chức làm công tác dân tộc để thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo trong ĐBDTTS.

Nghiên cứu thành lập mạng lưới cộng tác viên giảm nghèo ở cơ sở từ đội ngũ cán bộ đoàn thể. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các sở, ngành liên quan và các địa phương tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về tổ chức mạng lưới, cơ chế hoạt động, chức năng nhiệm vụ, chế độ đối với đội ngũ cộng tác viên làm công tác giảm nghèo từ nguồn ngân sách địa phương.

Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, chú trọng đến các đối tượng: các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia cấp huyện, cấp xã; cán bộ làm công tác giảm nghèo, công tác dân tộc và công tác thông tin truyền thông ở cấp huyện, cấp xã; già làng, trưởng bản, người có uy tín trong ĐBDTTS và đội ngũ cộng tác viên giảm nghèo.

5. Tập trung thực hiện giảm nghèo đa chiều, xây dựng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù:

a) Tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nghèo đồng bào dân tộc thiểu số:

Các sở, ngành và các địa phương tích cực thực hiện các Chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và các chương trình, dự án giảm nghèo khác trên địa bàn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đầu tư nói chung và các chính sách hỗ trợ đầu tư áp dụng tại địa bàn tỉnh được ban hành theo Quyết định số 26/2016/QĐ-UBND ngày 23/5/2016 của UBND tỉnh Gia Lai; nghiên cứu, đề xuất bổ sung cơ chế thu hút, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở vùng ĐBDTTS, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng lao động DTTS tại chỗ vào làm việc.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc cân đối bố trí kinh phí hàng năm theo chế độ, chính sách quy định để thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu chương trình giảm nghèo bền vững; nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ thêm cho các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần giống cây trồng vật nuôi cho hộ nghèo DTTS đăng ký thoát nghèo; xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất cho ĐBDTTS ở các thôn, làng có tỷ lệ hộ nghèo cao; chủ trì phối hợp với các địa phương và các ngành tham mưu triển khai tốt công tác giao đất cho ĐBDTTS trồng rừng, chính sách giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu ban hành chính sách đào tạo nghề gắn với xuất khẩu lao động cho ĐBDTTS; tích cực thực hiện thông tin cung - cầu lao động, tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, kết nối doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với người lao động thuộc hộ nghèo, lao động ĐBDTTS để góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo; phối hợp với Sở Y tế tham mưu triển khai chính sách hỗ trợ người nghèo mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Công thương tham mưu ban hành Đề án khơi dậy và phát huy hiệu quả các làng nghề truyền thống, kết hợp với đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề truyền thống cho ĐBDTTS, đưa các làng nghề truyền thống tham gia chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái để góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho ĐBDTTS, chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Gia Lai tham mưu ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần lãi suất vay vốn sản xuất cho hộ nghèo DTTS đăng ký thoát nghèo và hộ DTTS mới thoát nghèo mang tính đặc thù của tỉnh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh và bền vững; ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các công trình bức thiết, phát huy hiệu quả nhanh; đẩy mạnh phát triển các ngành, nghề mang lại hiệu quả cao, ổn định, phù hợp với văn hóa của ĐBDTTS; tích cực phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội tuyên truyền, vận động ĐBDTTS hạn chế bán đất sản xuất, cho thuê đất sản xuất dài hạn theo hình thức tự phát.

b) Tích cực nghiên cứu, triển khai các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo và ĐBDTTS:

- Các sở, ngành của tỉnh tăng cường tham mưu thực hiện các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ cho người nghèo, ĐBDTTS được tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, hướng đến giảm nghèo đa chiều bền vững, bao gồm:

+ Bảo hiểm xã hội tỉnh: Hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, ĐBDTTS; chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các ngành, các địa phương tuyên truyền, vận động ĐBDTTS tham gia bảo hiểm y tế.

+ Sở Y tế: Quản lý, tổ chức thực hiện khám chữa bệnh cho người nghèo, người cận nghèo, ĐBDTTS; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; tăng cường tuyên truyền, vận động ĐBDTTS đi đến cơ sở y tế để khám, điều trị khi ốm đau; nâng cao tỷ lệ người nghèo, ĐBDTTS khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế; tăng cường hỗ trợ việc cung cấp dinh dưỡng cho phụ nữ nghèo, trẻ em nghèo ở vùng ĐBDTTS.

+ Sở Giáo dục và Đào tạo: Tổ chức thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho ĐBDTTS; tích cực vận động các hộ gia đình đưa con em trong độ tuổi đến trường; nâng cao chất lượng dạy và học của các trường; thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho học sinh mầm non và phổ thông người DTTS; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cấp cơ sở cho các trường tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn.

+ Sở Xây dựng: Hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; nâng cao tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở đạt chuẩn cao hơn chuẩn nghèo đa chiều; tăng cường tuyên truyền, vận động ĐBDTTS sửa chữa, nâng cấp nhà ở, đảm bảo đạt chuẩn nông thôn mới; huy động doanh nghiệp, cộng đồng, tổ chức và cá nhân, tham gia hỗ trợ cho hộ nghèo làm nhà ở.

+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ nước sạch, vệ sinh cho hộ nghèo, hộ ĐBDTTS; tích cực tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch đạt chuẩn, sử dụng hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; nâng cao tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch và hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh.

+ Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn và tổ chức thực hiện dự án tiếp cận thông tin như: tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thông tin, hỗ trợ phương tiện nghe, nhìn để phục vụ cho nhu cầu sử dụng thông tin của hộ nghèo DTTS; trang bị phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin cổ động tại huyện, xã; nâng cao tỷ lệ hộ ĐBDTTS, tỷ lệ hộ nghèo được tiếp cận thông tin, nhất là tiếp cận các chủ trương, chính sách phát luật của Đảng, Nhà nước.

+ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Gia Lai tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho hộ nghèo vay vốn làm nhà ở, thực hiện tín dụng học sinh, sinh viên, xây dựng công trình vệ sinh.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tích cực huy động nguồn lực, triển khai các giải pháp phù hợp với thực tiễn cơ sở để nâng cao tỷ lệ người dân, nhất là ĐBDTTS, hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, chú trọng đến những dịch vụ xã hội cơ bản có tỷ lệ thiếu hụt tiếp cận cao.

6. Đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư giảm nghèo:

Thực hiện đồng bộ, nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; tăng cường lồng ghép nguồn lực của các Chương trình mục tiêu Quốc gia với các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác ở địa phương để phát huy tối đa hiệu quả; ưu tiên đầu tư nguồn lực của Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững cho giảm nghèo ở khu vực có nhiều ĐBDTTS sinh sống, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, các địa phương thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm.

Các sở, ban, ngành của tỉnh và các địa phương tăng cường phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị xã hội tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, cộng đồng và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp “Quỹ vì người nghèo” và “Quỹ An sinh xã hội” cho người nghèo của tỉnh Gia Lai; tích cực tham mưu UBND tỉnh kêu gọi sự hỗ trợ, đầu tư nguồn lực cho các chương trình, kế hoạch, đề án giảm nghèo triển khai trên địa bàn tỉnh từ các tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh. Các địa phương tranh thủ nguồn lực từ doanh nghiệp, cộng đồng ở địa phương và các tổ chức nhân đạo, từ thiện để hỗ trợ hộ nghèo ĐBDTTS phát triển sản xuất kinh doanh đồng thời kêu gọi sự tham gia đóng góp của hộ nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên, hạn chế đến mức thấp nhất tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người nghèo. Nguồn vốn huy động phải được sử dụng hiệu quả, tiết kiệm và được quản lý minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị quân đội, công an đứng chân trên địa bàn tỉnh triển khai các chương trình, hoạt động đầu tư, hỗ trợ cho các địa phương, các khu vực có nhiều ĐBDTTS sinh sống phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao thu nhập cho ĐBDTTS, giảm nghèo bền vững, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

7. Tích cực tổ chức các phong trào thi đua giảm nghèo:

UBND tỉnh phát động phong trào thi đua “Gia Lai chung tay vì người nghèo” trên phạm vi toàn tỉnh, thời gian phát động phong trào thi đua từ năm 2017-2020. Giao Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, gắn với tổ chức chương trình tôn vinh các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp về nguồn lực, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo ở vùng ĐBDTTS và biểu dương, khen thưởng các địa phương, đơn vị, cá nhân điển hình tiên tiến.

Các sở, ban, ngành và các địa phương tích cực phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở triển khai các phong trào thi đua hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; phát động phong trào thi đua xây dựng thôn, làng ĐBDTTS không có hộ nghèo.

8. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát giảm nghèo:

Các sở, ban, ngành của tỉnh và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn lực đầu tư cho các chương trình giảm nghèo ở các địa phương; tăng cường phối hợp và tạo điều kiện cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội các cấp thực hiện công tác giám sát các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững và các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho ĐBDTTS.

(Có phụ lục các nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động kèm theo).

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ nội dung Chương trình hành động này, chủ động xây dựng kế hoạch và giải pháp tổ chức thực hiện cụ thể hàng năm và cả giai đoạn của cơ quan, đơn vị, địa phương mình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 05-NQ/TU đã đề ra.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện đảm bảo đúng nội dung tại Chương trình hành động này; kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

3. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan định kỳ 6 tháng (trước ngày 10/6), hàng năm (trước ngày 30/11) báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình hành động gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

 

PHỤ LỤC

CÁC NHIỆM VỤ, HOẠT ĐỘNG, GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 05-NQ/TU

TT

Nhiệm vụ/hoạt động/giải pháp

Sản phẩm đầu ra

Thời gian hoàn thành

Cơ quan chủ trì

I

Xây dựng Nghị quyết, Quyết định, Kế hoạch, Đề án:

 

 

 

1

Xây dựng Nghị quyết ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi cho hộ nghèo dân tộc thiểu số đăng ký thoát nghèo.

Nghị quyết của HĐND tỉnh

Năm 2018

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2

Xây dựng Nghị quyết ban hành Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn, làng có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Nghị quyết của HĐND tỉnh

Năm 2018

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

3

Xây dựng Nghị quyết ban hành Cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần lãi suất vay vốn sản xuất cho hộ nghèo dân tộc thiểu số và hộ dân tộc thiểu số mới thoát nghèo trong 05 năm

Nghị quyết của HĐND tỉnh

Năm 2018

Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Gia Lai

4

Xây dựng Đề án đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025

Đề án của UBND tỉnh

Năm 2018

Sở Lao động - Thương binh và xã hội

5

Xây dựng Đề án khơi dậy và phát huy hiệu quả các làng nghề truyền thống đưa các làng nghề truyền thống tham gia chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch giai đoạn 2018-2025

Đề án của UBND tỉnh

Năm 2018

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND các huyện, thị xã, thành phố

II

Nhóm nhiệm vụ về công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số:

 

 

 

1

Kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia cấp huyện, cấp xã

Văn bản kiện toàn bộ máy hoạt động

Hằng năm

Sở Kế hoạch và Đầu tư; UBND các huyện, thị xã, thành phố

2

Phân công thành viên Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh, huyện, xã phụ trách giảm nghèo ở các địa bàn

Văn bản giao nhiệm vụ

Năm 2017,bổ sung hàng năm

Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia các cấp

3

Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp

Hội nghị tập huấn

Hằng năm

Sở Lao động - Thương binh và xã hội; UBND các huyện, thị xã, thành phố

4

Đưa chỉ tiêu kết quả thực hiện giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất thực hiện công tác này; xếp loại thi đua khen thưởng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao

Văn bản hướng dẫn

Năm 2017

Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ)

5

Chỉ đạo các cơ quan thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh tập trung tuyên truyền về chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2017-2020, Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 12/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025

Văn bản chỉ đạo; tổ chức giao ban báo chí

Hằng năm

Sở Thông tin và Truyền thông

6

Xây dựng các chuyên mục về Chương trình giảm nghèo bền vững để đưa tin, tuyên truyền, khuyến khích sự chủ động tham gia của người nghèo, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh

Chuyên trang, chuyên mục

Hằng năm

Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Báo Gia Lai

7

Tổ chức đối thoại, tham vấn hộ nghèo, xây dựng nội dung thông tin về chính sách giảm nghèo bằng các hình thức phù hợp

Tổ chức đối thoại trực tiếp, phát tờ rơi, áp phích, sổ tay...

Hằng năm

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; các Đoàn thể chính trị xã hội

8

Thường xuyên, kịp thời tuyên truyền, vận động và thi đua theo từng lĩnh vực chuyên môn của các ngành, các cấp về công tác giảm nghèo bền vững

Tuyên truyền, vận động

Hằng năm

Các sở, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thị xã, thành phố

III

Nhóm nhiệm vụ giải quyết thiếu hụt về tiêu chí thu nhập cho hộ nghèo:

 

 

 

1

Hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện các chính sách khuyến nông lâm; cây, con giống cho hộ nghèo dân tộc thiểu số

Hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện

Hằng năm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2

Hướng dẫn xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện

Hằng năm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

3

Hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số và các nhóm đối tượng chính sách khác

Hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện

Hằng năm

Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Gia Lai

4

Hướng dẫn triển khai Chương trình xúc tiến đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm lâm - nông sản chủ lực của tỉnh giai đoạn 2016-2020; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm sản xuất kinh doanh cho đồng bào dân tộc thiểu số

Hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện

Hằng năm

Sở Công thương; UBND các huyện, thị xã, thành phố

5

Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế xã hội theo hướng nhanh và bền vững; đẩy mạnh phát triển các ngành, nghề mang lại hiệu quả cao, ổn định, phù hợp với văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số

Kế hoạch của UBND cấp huyện

Hằng năm

UBND các huyện, thị xã, thành phố

IV

Nhóm nhiệm vụ giải quyết thiếu hụt về các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản:

 

 

 

1

Hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số

Hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện

Hằng năm

Bảo hiểm xã hội tỉnh

2

Quản lý, tổ chức thực hiện khám chữa bệnh cho người nghèo, người cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao tỷ lệ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế

Hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện

Hằng năm

Sở Y tế

3

Tổ chức thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho học sinh mầm non và phổ thông người dân tộc thiểu số

Hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện

Hằng năm

Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND các huyện, thị xã, thành phố

4

Hướng dẫn và tổ chức triển khai, thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; nâng cao tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở đạt chuẩn cao hơn chuẩn nghèo đa chiều

Hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện

Hằng năm

Sở Xây dựng

5

Hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ nước sạch vệ sinh cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch và hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh

Hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện

Hằng năm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

6

Hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện dự án tiếp cận thông tin; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thông tin, hỗ trợ phương tiện liên lạc để phục vụ cho nhu cầu sử dụng thông tin của hộ nghèo dân tộc thiểu số; nâng cao tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo được tiếp cận thông tin, nhất là tiếp cận các chủ trương, chính sách phát luật của Đảng, Nhà nước

Hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện

Hằng năm

Sở Thông tin và Truyền thông

V

Nhóm nhiệm vụ tăng cường huy động nguồn lực phục vụ thực hiện công tác giảm nghèo:

 

 

 

1

Hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới; các thôn, làng đặc biệt khó khăn (Chương trình 135)

Hướng dẫn và tổ chức thực hiện

Hằng năm

Ban Dân tộc tỉnh

2

Tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng áp dụng Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP (Chương trình 30a)

Tổ chức thực hiện

Hằng năm

UBND các huyện: Ia Pa, Kông Chro, Krông Pa, Kbang,

3

Tham mưu UBND tỉnh cân đối bố trí kinh phí theo chế độ, chính sách quy định để thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu chương trình giảm nghèo bền vững

Văn bản tham mưu

Hằng năm

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư

4

Huy động nguồn lực các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cho mục tiêu giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số

Dự án, chính sách

Hằng năm

Các sở, ngành, đoàn thể; UBND huyện, thị xã, thành phố

VI

Tổ chức phát động các phong trào thi đua giảm nghèo; kiểm tra, giám sát, đánh giá Chương trình ở các cấp:

 

 

 

1

Tổ chức phát động phong trào thi đua “Gia Lai chung tay vì người nghèo” giai đoạn 2017-2020

Hoạt động của UBND tỉnh

Năm 2017

Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh; Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh

2

Kế hoạch hưởng ứng phong trào thi đua “Cả tỉnh chung tay vì người nghèo” của UBND cấp huyện

Kế hoạch của UBND cấp huyện

Năm 2017

UBND các huyện, thị xã, thành phố

3

Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kiểm tra, giám sát

Hằng năm

Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh; các đoàn thể chính trị xã hội; UBND các huyện, thị xã, thành phố

4

Tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU; Tổng kết Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2020; Tổng kết phong trào thi đua “Cả tỉnh chung tay vì người nghèo

Sơ kết, tổng kết

Năm 2020

Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh; Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh

5

Tham mưu UBND tỉnh tổ chức tổng kết Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU

Tổng kết

Năm 2025

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; UBND các huyện, thị xã, thành phố