Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 729/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 09 tháng 5 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Công văn số 413/BVHTTDL-BQTG ngày 13/02/2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, cơ quan ngang Sở thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan Ban, ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Kim Ngọc Thái

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 729/QĐ-UBND ngày 09/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. QUAN ĐIỂM:

- Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Tỉnh Trà Vinh tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

- Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

- Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, phát huy được lợi thế của tỉnh, phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến, tiêu dùng.

- Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh, con người Trà Vinh nói riêng, đất nước nói chung đến bạn bè quốc tế.

- Trong quá trình khai thác các giá trị văn hóa để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cần xem trọng công tác bảo tồn, lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị các di sản văn hóa hiện có trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa bao gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; phát thanh và truyền hình; du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân; góp phần quảng bá hình ảnh, con người Trà Vinh nói riêng, con người Việt Nam nói chung; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Mục tiêu đến năm 2020:

- Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần theo từng năm, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, trong đó đóng góp của một số ngành cụ thể như:

+ Ngành điện ảnh: Từng bước xây dựng và phổ biến các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật, có tính thương mại cao và có tính cạnh tranh trên thị trường.

+ Ngành nghệ thuật biểu diễn đạt khoảng 500 triệu đồng/năm.

+ Ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đạt khoảng 300 triệu đồng/năm.

+ Ngành quảng cáo (trên truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí, internet và quảng cáo ngoài trời) đạt khoảng 500 tỷ đồng/năm.

+ Ngành du lịch văn hóa ưu tiên phát triển ngành du lịch như: Du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh, làng nghề truyền thống và các loại hình du lịch sinh thái,… doanh thu đạt khoảng 372,6 tỷ đồng.

- Tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng của tỉnh như: Quảng cáo; phát thanh và truyền hình; thủ công mỹ nghệ đặc trưng của tỉnh như sản phẩm điêu khắc, tranh các loại, sản phẩm đan lát, chiếu, thảm, sản phẩm từ cây dừa…; các làng nghề truyền thống sẵn có của tỉnh.

- Định hướng và từng bước phát triển các ngành: Kiến trúc; thiết kế; xuất bản; mỹ thuật; thời trang trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

b) Mục tiêu đến năm 2030:

- Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa tăng nhanh, bền vững và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, trong đó đóng góp của một số ngành cụ thể như:

+ Ngành điện ảnh: Từng bước xây dựng và phổ biến các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật, có tính thương mại cao và có tính cạnh tranh trên thị trường.

+ Ngành nghệ thuật biểu diễn đạt khoảng 600 triệu đồng/năm.

+ Ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đạt khoảng 500 triệu đồng/năm.

+ Ngành quảng cáo (trên truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí, internet và quảng cáo ngoài trời) đạt khoảng 800 tỷ đồng/năm.

+ Ngành du lịch văn hóa ưu tiên phát triển ngành du lịch như: Du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh, làng nghề truyền thống và các loại hình du lịch sinh thái,… doanh thu đạt 1.000 tỷ đồng.

- Phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong nước.

III. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP:

1. Nhiệm vụ và giải pháp chung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa:

- Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho văn hóa như là một phần chiến lược kinh doanh và thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.

- Huy động sự tham gia rộng rãi, có hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, phổ biến các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

- Triển khai thực hiện chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch, đề án quy hoạch phát triển các ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực: Xây dựng kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp phục vụ cho các ngành công nghiệp văn hóa; cử cán bộ làm nhiệm vụ quản lý văn hóa tham gia các lớp tập huấn liên quan đến phát triển các ngành công nghiệp văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

- Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong chuỗi sản xuất sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa; tăng cường hợp tác, tranh thủ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của các tỉnh, thành trong nước.

- Vận động kêu gọi thu hút và hỗ trợ đầu tư: Đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng như: Du lịch văn hóa, quảng cáo, phát thanh và truyền hình, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, các trò chơi giải trí…; khuyến khích các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và ngoài nước tăng cường đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa tại tỉnh; tăng cường vai trò của các tổ chức hiệp hội ngành nghề trong việc đầu tư, hỗ trợ phát triển các hoạt động sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.

- Phát triển thị trường và tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế:

+ Từng bước hình thành cộng đồng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm dịch vụ văn hóa thông qua các hoạt động quảng bá, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm dịch vụ văn hóa của công chúng; phát huy vai trò tuyên truyền, giáo dục của các đơn vị, tổ chức văn hóa nhằm phát triển công chúng, người tiêu dùng về năng lực hiểu biết, cảm thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

+ Đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao tham gia vào thị trường văn hóa trong và ngoài nước; xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng; xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa của tỉnh ở trong nước.

2. Nhiệm vụ và giải pháp phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa cụ thể của tỉnh:

a) Điện ảnh:

- Tăng dần số lượng phim truyện Việt Nam chiếu tại rạp hát và trên Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh; phổ biến các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật cao, có tính thương mại cao, đúng quy định của Luật điện ảnh và các văn bản khác của Trung ương, của tỉnh phù hợp với thực tiễn phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam; đẩy mạnh việc liên kết sản xuất phim truyện Việt Nam, phim quảng bá nét đẹp văn hóa, hình ảnh, con người tỉnh Trà Vinh.

- Khuyến khích xã hội hóa xây dựng rạp chiếu phim tại các trung tâm, đô thị trong tỉnh, góp phần phục vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của người dân trong và ngoài tỉnh.

- Quan tâm, chú trọng đào tạo những ngành nghề: Đạo diễn, biên kịch, biên tập, lý luận phê bình, quay phim, thiết kế mỹ thuật (sân khấu), kỹ thuật - công nghệ, diễn viên…; khuyến khích các nhà biên kịch, đạo diễn phát huy tối đa tính sáng tạo trong quá trình xây dựng tác phẩm điện ảnh.

b) Nghệ thuật biểu diễn:

- Bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc kết hợp với các loại hình nghệ thuật đương đại, tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng cao, thể hiện được tính sáng tạo, độc đáo của nghệ thuật truyền thống. Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp, ưu tiên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, chương trình biểu diễn, tổ chức sự kiện.

- Khuyến khích thành lập, phát triển đơn vị nghệ thuật ngoài công lập; đẩy mạnh tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với đặc điểm từng loại hình nghệ thuật.

- Quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực những ngành nghề: Đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ thiết kế sân khấu, nhà sản xuất, nhà kinh doanh, biên kịch, nghệ sĩ biểu diễn, người dẫn chương trình... để phục vụ ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh.

c) Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm:

- Về Mỹ thuật: Quan tâm đào tạo đội ngũ họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thiết kế mỹ thuật công nghiệp, mỹ thuật ứng dụng có trình độ chuyên môn cao, có tính chuyên nghiệp, phát triển đội ngũ nghiên cứu phê bình trong lĩnh vực mỹ thuật.

- Về Nhiếp ảnh: Xây dựng bộ sưu tập về hình ảnh, văn hóa, con người Trà Vinh; thường xuyên mở các cuộc thi nhiếp ảnh về nét đẹp văn hóa, du lịch, làng nghề truyền thống, con người Trà Vinh góp phần triển lãm, tuyên truyền quảng bá hình ảnh, con người Trà Vinh nói riêng, đất nước nói chung đến bạn bè quốc tế. Ứng dụng công nghệ hiện đại tạo ra các tác phẩm nhiếp ảnh hấp dẫn, đa dạng. Đưa nhiếp ảnh của tỉnh hội nhập sâu rộng với nhiếp ảnh trong và ngoài nước.

- Về Triển lãm: Tạo điều kiện để các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, du lịch… của tỉnh tham gia các cuộc triển lãm, hội chợ có uy tín trong nước.

d) Quảng cáo: Tiếp tục triển khai cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động quảng cáo phát triển; thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động quảng cáo ngoài trời; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong quảng cáo, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ di động; tiếp tục triển khai có hiệu quả Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh; tăng cường quảng cáo ở các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trong và ngoài nước. Đa dạng hóa các hình thức quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngoài trời và trên sản phẩm, dịch vụ văn hóa, du lịch của tỉnh đảm bảo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

đ) Du lịch văn hóa:

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 20/5/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt “Đề án phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”.

- Khuyến khích phát triển các loại hình du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản và tâm linh; xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kinh doanh dịch vụ du lịch tại các địa điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh, để thu hút du khách đến Trà Vinh.

- Chú trọng việc phối hợp liên ngành, liên kết một số tỉnh, thành trong khu vực để quản lý, khai thác và phát huy một cách phù hợp các giá trị văn hóa trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá rộng rãi sản phẩm du lịch văn hóa của tỉnh trong và ngoài nước; đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch.

- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch văn hóa, đặc biệt đối với nguồn nhân lực trong quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên và nhân lực phục vụ trực tiếp khách du lịch.

IV. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN:

- Nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa.

- Ngân sách nhà nước tùy theo khả năng cân đối trong từng thời kỳ, tham gia hỗ trợ đầu tư cho hạ tầng, cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ các ngành công nghiệp văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Việc sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

- Nguồn huy động của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác đầu tư cho các công trình, dự án ứng dụng, triển khai công nghệ vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tỉnh liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch này; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch này, tổ chức sơ kết, tổng kết, định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh và trực tiếp triển khai cơ chế, chính sách, đặc biệt cơ chế phối hợp liên ngành, các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sỹ, các tổ chức, doanh nghiệp khởi nghiệp theo hướng dẫn của các Bộ, ngành có liên quan.

2. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Sở, ngành có liên quan, căn cứ khả năng ngân sách Nhà nước hàng năm, cân đối, đề xuất bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch này; hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

3. Sở Xây dựng, Sở Công Thương: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các sở, ngành tỉnh và địa phương, có trách nhiệm triển khai thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đối với các ngành thuộc lĩnh vực quản lý nêu tại Kế hoạch này.

4. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc thực hiện Kế hoạch này phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn, tình hình thực tế của tỉnh.

5. Sở Tư pháp: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện một số nhiệm vụ có liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

6. Các Sở, ngành tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch này.

7. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh: Xây dựng kế hoạch phát triển ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh trong thời gian tới.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch này tại địa phương; lồng ghép việc triển khai thực hiện Kế hoạch này với các chương trình, kế hoạch khác có liên quan trên địa bàn; kiểm tra, đánh giá và định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Kế hoạch này (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa đúng định hướng của tỉnh.

9. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ thực hiện Kế hoạch này; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia thực hiện và giám sát quá trình thực hiện Kế hoạch này./.