Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 73/2005/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 10 tháng 11 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUI ĐỊNH VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ CÁN BỘ KHÔNG CHUYÊN TRÁCH XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân đã được Quốc hội Khóa XI, kỳ họp thứ 4, thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số: 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ, về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Nghị định số: 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ, về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức;

Căn cứ Thông tư số: 03/2004/TT-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ Nội vụ, hướng dẫn thực hiện Nghị định số: 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản: “Qui định về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn”.

Điều 2.

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

2. Bãi bỏ điểm 2 mục III trong Công văn số: 3744/UBBT-SNV ngày 28/9/2004 của UBND tỉnh Bình Thuận, về việc hướng dẫn thực hiện một số điểm trong Nghị định số: 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ, về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và Thông tư số: 03/2004/TT-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ Nội vụ, về hướng dẫn thực hiện Nghị định số: 114/2003/NĐ-CP của Chính phủ;

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã trong Tỉnh căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ (Để báo cáo)
- Cục KTVB Bộ Tư pháp (Để biết)
- TT. Tỉnh uỷ, TT.HĐND Tỉnh (Để báo cáo)
- Mặt trận và các đoàn thể Tỉnh (Để phối hợp)      
- Ban TCTU, UBKTTU (Để biết)
- Như Điều 3 (Để thi hành)
- Lưu VP, NC

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ CÁN BỘ KHÔNG CHUYÊN TRÁCH XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN.
(Ban hành kèm theo Quyết định số:73 /2005/QĐ-UBND ngày10/11/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận).

Điều 1. Đối tượng điều chỉnh

1. Đối tượng áp dụng theo Quy định này là cán bộ, công chức, và cán bộ không chuyên trách làm việc tại Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã, bao gồm:

a. Những người do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ, gồm có:

- Chủ tịch UBND;

- Phó Chủ tịch UBND.

b. Những người được tuyển dụng, giao giữ một chức danh chuyên môn nghiệp vụ thuộc UBND cấp xã (gọi chung là công chức cấp xã), gồm có:

- Trưởng công an (nơi chưa bố trí lực lượng công an chính quy);

- Chỉ huy trưởng quân sự;

- Văn phòng - Thống kê;

- Địa chính - Xây dựng;

- Tài chính - Kế toán;

- Tư pháp - Hộ tịch;

- Văn hoá - Xã hội.

c. Những đối tượng khác:

- Hợp đồng tạm thời chờ thi tuyển công chức cấp xã;

- Cán bộ không chuyên trách ở cấp xã theo quy định tại Quyết định số: 40/2004/QĐ.UBBT ngày 20/5/2004 của UBND tỉnh Bình Thuận, quy định chính sách, chế độ phụ cấp hàng tháng đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã và ở thôn, khu phố và chế độ phụ cấp kiêm nhiệm, cụ thể:

+ Phó Trưởng công an (nơi chưa bố trí lực lượng Công an chính qui);

+ Phó Chỉ huy trưởng quân sự;

+ Cán bộ kế hoạch - giao thông - thủy lợi - nông, lâm, ngư, diêm nghiệp;

+ Cán bộ lao động - thương binh và xã hội;

+ Cán bộ dân số - gia đình và trẻ em;

+ Thủ quĩ - văn thư - lưu trữ;

+ Cán bộ phụ trách đài truyền thanh;

+ Cán bộ quản lý nhà văn hóa;

+ Các cán bộ không chuyên trách giữ các chức danh: Tư pháp, phụ trách lâm nghiệp, tin học, tài chính - kế toán, công an viên chuyên trách ở xã.

- Các đối tượng tình nguyện về công tác ở cấp xã theo quy định tại Quyết định số: 43/2004/QĐ-UBBT ngày 27/5/2004 của UBND tỉnh, về việc ban hành quy chế tạm thời về quản lý, sử dụng, chế độ chính sách đối với những sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tình nguyện công tác ở xã, phường, thị trấn.

2. Những đối tượng không áp dụng theo Quy định này, bao gồm:

a. Cán bộ làm việc tại các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) của cấp xã, được quy định tại điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 2 của Nghị định số: 114/2003/NĐ-CP và điểm a, điểm k, điểm l khoản 3 Điều 2 của Nghị định số: 121/2003/NĐ-CP , cụ thể:

- Bí thư, Phó Bí thư đảng ủy, Thường trực đảng ủy (nơi không có Phó Bí thư chuyên trách công tác đảng); Bí thư, Phó Bí thư chi bộ (nơi chưa thành lập đảng ủy cấp xã);

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND;

- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân và Chủ tịch Hội Cựu chiến binh;

- Trưởng Ban Tổ chức đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và cán bộ Văn phòng Đảng ủy; hoặc các chức danh: Cán bộ làm công tác đảng vụ, cán bộ tuyên giáo hay kiểm tra (đối với nơi chưa thành lập đảng ủy cấp xã);

- Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; Phó các đoàn thể cấp xã, gồm: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh;

- Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ.

Việc xem xét, xử lý kỷ luật đối với các đối tượng nói trên được thực hiện theo các quy định tại Luật tổ chức HĐND và UBND (đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND) hoặc Điều lệ của mỗi tổ chức mà người vi phạm kỷ luật tham gia (đối với các đối tượng còn lại).

b. Cán bộ không chuyên trách ở thôn và khu phố, được quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số: 121/2003/NĐ-CP.

Việc xem xét, xử lý kỷ luật đối với các đối tượng này được áp dụng theo Thông tư liên tịch số: 01/2005/TTLT/BTTUBTWMTTQVN-BNV ngày 12/5/2005 của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Nội vụ, về hướng dẫn qui trình bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố, hoặc Quyết định số: 13/2002/QĐ-BNV ngày 06/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, về việc ban hành Qui chế tổ chức và hoạt động của thôn và tổ dân phố.

Điều 2. Những quy định về xử lý kỷ luật

1. Các nguyên tắc xem xét xử lý kỷ luật:

a. Khách quan, công bằng, nghiêm minh, đúng thời hiệu quy định.

b. Khi xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách phải thành lập Hội đồng kỷ luật, trừ trường hợp cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách phạm tội bị Toà án phạt tù mà không được hưởng án treo.

c. Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật. Nếu cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách có nhiều hành vi vi phạm thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi và chịu hình thức kỷ luật cao hơn một mức.

d. Không được có các hành vi xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật; không áp dụng biện pháp phạt tiền thay cho hình thức kỷ luật.

đ. Không áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách là nữ khi đang mang thai và cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

2. Những trường hợp bị xử lý kỷ luật:

a. Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ cán bộ, công chức quy định tại Điều 8 và Điều 9 Nghị định số: 114/2003/NĐ-CP .

b. Vi phạm những việc cán bộ, công chức không được làm quy định tại Điều 11 Nghị định số: 114/2003/NĐ-CP .

c. Vi phạm pháp luật bị Toà án tuyên là có tội, hoặc bị cơ quan có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về hành vi vi phạm pháp luật.

3. Những trường hợp chưa xem xét kỷ luật:

a. Đang trong thời gian nghỉ phép, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được người có thẩm quyền cho phép.

b. Đang điều trị tại các bệnh viện.

c. Đang bị tạm giam, tạm giữ, chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm pháp luật.

d. Nữ cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách đang trong thời gian nghỉ thai sản.

4. Những trường hợp không áp dụng các hình thức kỷ luật:

a. Vi phạm pháp luật trong trường hợp mất năng lực hành vi dân sự theo kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

b. Phải thi hành quyết định của cấp trên theo quy định tại Điều 8 của Pháp lệnh Cán bộ, Công chức.

c. Vi phạm kỷ luật trong tình thế bất khả kháng khi thi hành nhiệm vụ, công vụ, được cấp có thẩm quyền xác nhận.

Điều 3. Hình thức kỷ luật và xử lý vi phạm

1. Những cán bộ, công chức cấp xã là đối tượng được quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 1 của Quy định này, nếu vi phạm các quy định của pháp luật nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm để xem xét kỷ luật theo một trong những hình thức sau đây:

a. Khiển trách;

b. Cảnh cáo;

c. Hạ bậc lương;

d. Cách chức;

đ. Buộc thôi việc.

2. Những công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã thuộc đối tượng được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 của Quy định này, nếu vi phạm các quy định của pháp luật nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để xem xét kỷ luật theo một trong những hình thức sau đây:

a. Khiển trách;

b. Cảnh cáo;

c. Buộc thôi việc.

3. Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm, bãi miễn đối với cán bộ chuyên trách cấp xã được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật hoặc do Điều lệ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội mà người vi phạm tham gia quy định.

4. Công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức thì bị kéo dài thời gian nâng bậc lương thêm 12 tháng.

5. Cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên thì không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn ít nhất một năm, kể từ khi có quyết định kỷ luật của cấp có thẩm quyền.

6. Cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã làm mất mát, hư hỏng trang bị, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản nhà nước, thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

7. Cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã có hành vi vi phạm pháp luật trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ gây thiệt hại cho người khác thì phải hoàn trả cho cơ quan, tổ chức khoản tiền mà cơ quan, tổ chức đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật.

8. Cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã vi phạm pháp luật mà có dấu hiệu của tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

9. Cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã phạm tội bị Toà án phạt tù mà không được hưởng án treo, thì bị kỷ luật buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

10. Tạm đình chỉ công tác:

a. Trong thời gian đang bị xem xét kỷ luật, cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã có thể bị Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi chung là cấp huyện) ra quyết định tạm đình chỉ công tác, nếu xét thấy để cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc thẩm tra, xác minh hoặc có thể tiếp tục có hành vi vi phạm. Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không quá 03 tháng; hết thời hạn tạm đình chỉ công tác, nếu chưa bị xử lý thì cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã được tiếp tục bố trí làm việc thích hợp.

b. Cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã được kết luận không có lỗi, thì sau khi tạm đình chỉ công tác được bố trí trở lại vị trí công tác cũ; trường hợp cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã có lỗi và bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm có thể được xem xét, bố trí về vị trí công tác cũ.

c. Cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác, được giải quyết 50% tiền lương và các khoản phụ cấp (nếu có). Sau khi xem xét, nếu cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã không bị xử lý kỷ luật, thì được truy lĩnh phần tiền lương và các khoản phụ cấp (nếu có) còn lại trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác. Trong trường hợp này, thì thời gian tạm đình chỉ công tác được tính vào thời gian để nâng bậc lương.

Trường hợp cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã sau khi tạm đình chỉ công tác bị xử lý kỷ luật, thì không được truy lĩnh phần tiền lương và các khoản phụ cấp (nếu có) còn lại. Trường hợp này, thời gian tạm đình chỉ công tác tính cho đến khi có quyết định kỷ luật không được tính vào thời gian để nâng bậc lương.

Điều 4. Thành lập Hội đồng kỷ luật

1. Hội đồng kỷ luật (HĐKL) đối với cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã vi phạm do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập.

HĐKL có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất cho Chủ tịch UBND cấp huyện áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp đối với vi phạm của cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách thuộc quyền quản lý của cấp mình và tự giải tán sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

2. Số lượng thành viên tham gia HĐKL là 05 người, cụ thể như sau:

a. Đối với các đối tượng quy định tại các điểm b, c khoản 1 Điều 1 của Quy định này:

- Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã.

- Một uỷ viên Hội đồng là Trưởng hoặc Phó Trưởng Phòng Nội vụ & LĐTBXH cấp huyện.

- Một ủy viên Hội đồng là đại diện Ban chấp hành Công đoàn cấp xã. Trường hợp ở nơi chưa có Công đoàn cơ sở thì mời đại diện Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc cấp xã.

- Một ủy viên Hội đồng là đại diện cho tập thể cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách nơi người vi phạm đang công tác, do tập thể cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách nơi có người vi phạm kỷ luật cử tham gia.

- Một ủy viên Hội đồng là lãnh đạo trực tiếp quản lý chuyên môn nghiệp vụ của người vi phạm kỷ luật.

b. Đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 của Quy định này:

- Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện.

- Một uỷ viên Hội đồng là Trưởng hoặc Phó Trưởng Phòng Nội vụ & LĐTBXH cấp huyện.

- Một ủy viên Hội đồng là đại diện Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động cấp huyện.

- Một ủy viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo cơ quan nơi người vi phạm đang công tác, do tập thể cơ quan có người vi phạm kỷ luật cử tham gia, theo nguyên tắc sau: Nếu cấp trưởng vi phạm bị xem xét, xử lý kỷ luật thì cử cấp phó tham gia và ngược lại.

- Một ủy viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo của Phòng ban chuyên môn cấp huyện phụ trách lĩnh vực mà cán bộ đã vi phạm đến mức bị đưa ra xem xét, xử lý kỷ luật.

3. Khi thành lập HĐKL, không được cử người có quan hệ gia đình như: cha hoặc mẹ ruột, cha hoặc mẹ vợ (chồng), vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột hoặc anh, chị, em vợ (chồng) của người vi phạm kỷ luật tham gia làm thành viên của HĐKL.

4. Các thành phần có thể được mời tham dự họp HĐKL:

a. HĐKL có thể mời đại diện lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có người vi phạm kỷ luật đến dự họp.

b. Các thành phần được mời tham dự họp HĐKL nói trên, được tham gia phát biểu ý kiến và đề xuất mức thi hành kỷ luật, nhưng không được quyền biểu quyết hình thức kỷ luật.

5. Thư ký HĐKL:

a. Thư ký HĐKL là cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách thuộc bộ phận tổ chức cán bộ hoặc văn phòng của cấp xã hay cấp huyện, do Chủ tịch HĐKL chỉ định. Thư ký HĐKL không đồng thời là thành viên chính thức của HĐKL.

b. Thư ký HĐKL có nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu, hồ sơ phục vụ cho việc xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức và chịu trách nhiệm ghi biên bản cuộc họp của HĐKL.

6. Nguyên tắc làm việc của HĐKL:

a. Khách quan, công khai, dân chủ và tuân thủ đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.

b. HĐKL chỉ họp khi có đầy đủ các thành viên Hội đồng.

c. Kiến nghị của HĐKL về việc áp dụng hình thức kỷ luật, được thực hiện thông qua biểu quyết bằng phiếu kín và theo nguyên tắc đa số.

d. HĐKL họp phải có biên bản và được Hội đồng thông qua trước khi Chủ tịch Hội đồng ký duyệt.

Điều 5. Quy trình xem xét xử lý kỷ luật

1. Công tác chuẩn bị:

a. Cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách vi phạm kỷ luật phải làm bản kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật.

b. Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức hoặc chỉ đạo cho Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức cuộc họp để người vi phạm kỷ luật kiểm điểm trước tập thể cơ quan nơi người vi phạm công tác. Biên bản cuộc họp kiểm điểm phải có kiến nghị hình thức kỷ luật của tập thể cơ quan. Chủ trì cuộc họp kiểm điểm tổ chức lấy ý kiến biểu quyết kiến nghị hình thức kỷ luật đối với người vi phạm, thông qua hình thức bỏ phiếu kín.

c. Hồ sơ trình HĐKL gồm:

- Bản kiểm điểm của người vi phạm kỷ luật.

- Biên bản cuộc họp kiểm điểm của tập thể cơ quan.

- Trích ngang sơ yếu lý lịch của người vi phạm kỷ luật và các tài liệu có liên quan đến việc xử lý kỷ luật.

Những hồ sơ nói trên do Thư ký HĐKL chuẩn bị và trình ra tại cuộc họp của HĐKL.

d. HĐKL phải gửi giấy báo triệu tập cho người vi phạm kỷ luật trước ngày họp HĐKL ít nhất 07 ngày.

Trường hợp người vi phạm kỷ luật vắng mặt thì phải có lý do chính đáng. Nếu đã gửi giấy triệu tập 02 lần mà đương sự vẫn vắng mặt, hoặc trường hợp đương sự không chấp hành viết bản kiểm điểm theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, thì HĐKL vẫn họp xem xét và kiến nghị hình thức kỷ luật.

2. Trình tự họp HĐKL:

a. Chủ tịch Hội đồng tuyên bố lý do, giới thiệu các thành viên tham dự.

b. Thư ký Hội đồng trình bày trích ngang sơ yếu lý lịch của người vi phạm kỷ luật và các tài liệu có liên quan.

c. Người vi phạm kỷ luật đọc bản kiểm điểm. Trường hợp người vi phạm kỷ luật vắng mặt, thì việc đọc bản kiểm điểm của người vi phạm do Thư ký Hội đồng thực hiện.

d. Thư ký Hội đồng đọc biên bản cuộc họp kiểm điểm người vi phạm kỷ luật của tập thể cơ quan.

đ. Các thành viên Hội đồng và các đại biểu phát biểu ý kiến.

e. Người vi phạm kỷ luật phát biểu ý kiến trước khi HĐKL bỏ phiếu kín.

g. HĐKL làm việc riêng để bỏ phiếu kín kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật. Các đại biểu được mời tham dự họp HĐKL và người vi phạm kỷ luật không được có mặt trong thời gian HĐKL bỏ phiếu kín.

h. Kiến nghị về hình thức kỷ luật của Hội đồng được thông báo tại cuộc họp.

3. Trường hợp đặc biệt:

a. Trường hợp cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách vi phạm kỷ luật trong thời gian biệt phái, tăng cường thì việc xem xét, xử lý kỷ luật do HĐKL của cơ quan, đơn vị, địa phương được biệt phái, tăng cường thực hiện. Sau đó, HĐKL gửi toàn bộ hồ sơ xem xét và kiến nghị kỷ luật đến cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách vi phạm đó để quyết định kỷ luật.

b. Trường hợp phát hiện cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách đang nghỉ công tác chờ thủ tục hưu trí, nhưng đã có hành vi vi phạm kỷ luật trong thời gian thi hành nhiệm vụ, công vụ trước khi nghỉ công tác, thì vẫn tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật theo đúng Quy định này.

c. Trường hợp cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách sau khi thuyên chuyển công tác đến cơ quan, đơn vị, địa phương khác, mới phát hiện đã có vi phạm kỷ luật tại cơ quan, đơn vị, địa phương cũ, thì cơ quan, đơn vị, địa phương cũ vẫn tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật theo đúng Quy định này. Sau đó, gửi toàn bộ hồ sơ và quyết định kỷ luật đến cơ quan, đơn vị, địa phương đang quản lý cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách đó để lưu vào hồ sơ và theo dõi, quản lý.

4. Thời hạn và trách nhiệm ra quyết định kỷ luật:

a. Trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc kể từ khi kết thúc cuộc họp HĐKL, Thư ký HĐKL giúp cho Chủ tịch HĐKL có văn bản (kèm theo biên bản, các tài liệu có liên quan) gửi Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét.

b. Trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản của HĐKL (kèm theo biên bản, các tài liệu có liên quan), Chủ tịch UBND cấp huyện phải ra quyết định kỷ luật bằng văn bản.

c. Trường hợp ý kiến về hình thức kỷ luật đối với người vi phạm của Chủ tịch UBND cấp huyện khác với kiến nghị của HĐKL, nếu sau khi trao đổi, thảo luận thêm với Chủ tịch HĐKL mà vẫn không thống nhất, thì Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền quyết định hình thức kỷ luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Điều 6. Áp dụng hình thức kỷ luật

1. Hình thức khiển trách:

Áp dụng đối với cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách có hành vi vi phạm kỷ luật lần đầu nhưng ở mức độ nhẹ.

2. Hình thức cảnh cáo:

Áp dụng đối với cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách: Đã bị khiển trách mà tái phạm; hoặc vi phạm ở mức độ nhẹ nhưng khuyết điểm có tính chất thường xuyên; hoặc tuy mới vi phạm lần đầu nhưng có tính chất tương đối nghiêm trọng; vi phạm lần đầu nhưng liên quan đến tư cách, phẩm chất của cán bộ, công chức, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị và địa phương; vi phạm nghĩa vụ cán bộ, công chức liên quan đến trách nhiệm, rèn luyện, học tập, kỷ cương, tác phong của cán bộ, công chức; làm giả hồ sơ, lý lịch và sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp nhưng chưa gây hậu quả; vi phạm ở mức độ nhẹ đối với các quy định cán bộ, công chức không được làm tại Điều 11 Nghị định số: 114/2003/NĐ-CP.

3. Hình thức hạ bậc lương:

Áp dụng đối với cán bộ, công chức: Vi phạm nghĩa vụ cán bộ, công chức đang trong thời gian kỷ luật cảnh cáo mà tái phạm; liên quan đến đạo đức công vụ và vi phạm kỷ luật; làm giả hồ sơ, lý lịch và sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp để được nâng bậc lương hoặc nâng ngạch; vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ; vi phạm nghiêm trọng các quy định cán bộ, công chức không được làm tại Điều 11 Nghị định số: 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ.

4. Hình thức cách chức:

Áp dụng đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ có hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng và không thể để tiếp tục đảm nhiệm chức vụ được giao.

5. Hình thức buộc thôi việc:

a. Áp dụng đối với cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách phạm tội bị Toà án phạt tù giam.

b. Có hành vi vi phạm trong các trường hợp sau:

- Cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách đang trong thời gian thi hành một trong các hình thức kỷ luật hạ bậc lương, cách chức mà tái phạm hoặc tiếp tục vi phạm kỷ luật.

- Cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách tuy có hành vi vi phạm lần đầu nhưng tính chất và mức độ vi phạm rất nghiêm trọng, không còn xứng đáng ở trong bộ máy cơ quan nhà nước.

- Cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp để được tuyển dụng, bầu cử, bổ nhiệm.

- Cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách nghiện ma tuý.

- Cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách tự ý bỏ việc và đã được tổ chức gửi giấy gọi 03 lần mà không đến.

Điều 7. Thời hiệu xử lý kỷ luật, chấm dứt hiệu lực của quyết định kỷ luật và các quy định liên quan đến cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách bị kỷ luật

1. Thời hiệu xử lý kỷ luật quy định là 03 tháng.

2. Thời hiệu xử lý kỷ luật là khoảng thời gian tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách vi phạm, được tính từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách hoặc cơ quan điều tra, hoặc cơ quan đang sử dụng cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách xác định cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách đó có hành vi vi phạm kỷ luật, cho đến thời điểm HĐKL họp.

3. Trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp, cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm, thì thời hiệu xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 06 tháng. Quá thời hiệu xử lý kỷ luật nhưng vẫn chưa xác định được lỗi vi phạm của cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách thì chấm dứt việc xem xét, xử lý kỷ luật. Người có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật nhưng chậm thực hiện, để quá thời hiệu xử lý kỷ luật đối với người vi phạm, thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự chậm trễ này.

4. Trường hợp cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách liên quan đến vụ việc đang bị các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử, thì thời hiệu xem xét xử lý kỷ luật tính từ ngày phán quyết của Toà án về hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách có hiệu lực pháp luật.

5. Thời gian tạm thời chưa xem xét kỷ luật đối với các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 2 của Quy định này, không tính vào thời hiệu xem xét xử lý kỷ luật. Thời hiệu xem xét xử lý kỷ luật đối với các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 2 nói trên, được tính từ ngày cán bộ, công chức đi làm việc trở lại bình thường.           

6. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm về việc vi phạm thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách vi phạm kỷ luật thuộc quyền quản lý của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

7. Trường hợp phải tiến hành xem xét lại việc kỷ luật cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách thì thời hiệu xem xét xử lý kỷ luật được tính từ khi nhận được kết luận của cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, theo quy định của pháp luật.

8. Chấm dứt hiệu lực của quyết định kỷ luật:

Sau 12 tháng kể từ ngày có quyết định kỷ luật, nếu cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách không tái phạm hoặc không có những vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, thì đương nhiên được chấm dứt hiệu lực của quyết định kỷ luật.

9. Các quy định có liên quan (trừ trường hợp bị buộc thôi việc):

a. Cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách bị kỷ luật một trong các hình thức: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể được bố trí vị trí công tác cũ hoặc chuyển làm công tác khác.

b. Cán bộ chuyên trách và công chức bị kỷ luật cách chức được bố trí làm công tác khác.

c. Cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật, thì không thực hiện việc điều động, biệt phái, tăng cường, giải quyết nghỉ hưu hoặc giải quyết chế độ thôi việc.

d. Cán bộ, công chức bị kỷ luật ở hình thức hạ bậc lương, sau khi chấm dứt hiệu lực của quyết định kỷ luật thì việc nâng bậc lương do UBND cấp xã xem xét, báo cáo cho UBND cấp huyện xem xét, quyết định.

đ. Các quyết định về kỷ luật cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách phải được lưu trữ lâu dài trong hồ sơ của từng cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách và hình thức kỷ luật phải được ghi vào lý lịch cán bộ, công chức.

10. Cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách bị kỷ luật buộc thôi việc:

Cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách bị kỷ luật buộc thôi việc thì không được hưởng chế độ thôi việc theo quy định của nhà nước, nhưng được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thời gian làm việc đã đóng bảo hiểm xã hội, để được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

11. Cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách bị kỷ luật oan, sai:

Trường hợp cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, mà đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận là oan, sai thì được phục hồi danh dự, quyền lợi và được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; đồng thời được bố trí công tác phù hợp, được hưởng mức lương tương ứng với mức lương trước khi bị kỷ luật. Thời gian thi hành quyết định kỷ luật mà sau đó được kết luận là oan, sai thì được tính vào thời gian để nâng bậc lương.

Điều 8. Thẩm quyền xử lý kỷ luật

1. Việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã được thực hiện theo quy trình: Hội đồng kỷ luật xem xét, kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật, đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định.

2. Quyết định xử lý kỷ luật phải do Chủ tịch UBND cấp huyện ký ban hành theo đúng quy định.

3. Chủ tịch UBND cấp huyện khi ban hành quyết định kỷ luật phải có điều khoản ghi rõ thời gian cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách bị thi hành kỷ luật, tính từ khi ban hành quyết định kỷ luật đến thời điểm đủ 12 tháng theo quy định.

Điều 9. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại

1. Cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách khi bị kỷ luật có quyền khiếu nại theo quy định tại Điều 20 Nghị định số: 114/2003/NĐ-CP .

2. Cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách bị buộc thôi việc, sau khi khiếu nại mà vẫn bị buộc thôi việc thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án, theo quy định của pháp luật.

3. Cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách bị kỷ luật đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận hoặc Toà án phán quyết là bị oan, sai thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết luận hoặc từ ngày quyết định của Toà án có hiệu lực, Chủ tịch UBND cấp huyện (hoặc ủy quyền bằng văn bản cho Chủ tịch UBND cấp xã) có trách nhiệm công bố công khai kết luận hoặc phán quyết trên đến toàn thể cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách nơi người bị kỷ luật oan, sai công tác; việc bồi hoàn những quyền lợi chính đáng đối với cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách bị oan, sai được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

4. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo kết luận việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách tiến hành không đúng quy định về: nội dung, hình thức, quy trình, thủ tục xử lý, thì Chủ tịch UBND cấp huyện phải ra quyết định huỷ bỏ quyết định kỷ luật, đồng thời chỉ đạo tổ chức lại việc xem xét xử lý kỷ luật theo đúng quy định.

Điều 10. Điều khoản thi hành

1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt và thực hiện đúng Quy định này trong toàn thể cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách các xã, phường, thị trấn thuộc quyền quản lý.

2. Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm giúp UBND Tỉnh theo dõi và kiểm tra việc xem xét, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã, theo quy định tại Nghị định số: 114/2003/NĐ-CP , Thông tư số: 03/2004/TT-BNV và Quy định này.

3. Quá trình thực hiện, nếu có phát sinh những vướng mắc, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phải báo cáo bằng văn bản cho UBND Tỉnh (qua Sở Nội vụ), để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.