Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 731 /QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 29 tháng 02 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN PHÒNG, CHỐNG HẠN VÀ NHIỄM MẶN NĂM 2016 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 12/12/2002;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 4478/QĐ-UBND ngày 20/11/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống hạn và nhiễm mặn năm 2016 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 53/TTr-SNN&PTNT ngày 23/02/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này "Phương án phòng, chống hạn và nhiễm mặn năm 2016 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Bộ Tài chính;
- TTTU, HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, TH, KTTH, KTN.
E:\Dropbox\minh tam b\Nam 2016\Quyet dinh\02 25 phe duyet Phuong an phong, chong han va nhiem man nam 2016.doc

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Trí Thanh

 

PHƯƠNG ÁN

PHÒNG, CHỐNG HẠN HÁN VÀ NHIỄM MẶN NĂM 2016
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 731 /QĐ-UBND ngày 29 tháng 02 năm 2016 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, NGUỒN NƯỚC, DIỆN TÍCH BỊ ẢNH HƯỞNG

I. NHẬN ĐỊNH TÌNH HÌNH THỜI TIẾT VÀ DỰ BÁO NGUỒN NƯỚC NĂM 2016

1. Nhận định tình hình thời tiết

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hiện tượng El Nino tiếp tục ảnh hưởng đến nước ta và xác suất kéo dài đến hết vụ Đông Xuân 2015-2016. Tác động chung của El Nino là mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN), đặc biệt là khu vực Trung bộ thiếu hụt từ 30-50%.

Theo thống kê của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, tình hình mưa từ đầu tháng 9 đến nay tại các địa phương trên địa bàn tỉnh rất thấp, thiếu hụt từ 30-50% lượng mưa TBNN, dẫn đến dòng chảy trên các sông dao động ở mức thấp hơn TBNN từ 0,75-0,95m; nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thiếu hụt từ 20-50% so với dung tích hữu ích.

Do lượng mưa và dòng chảy ở mức thấp nên khả năng nguy cơ thiếu nước, khô hạn là rất lớn, mặn có khả năng xâm nhập sớm và sâu vào hạ lưu sông Vu Gia, Thu Bồn, Bàn Thạch.

2. Dự báo tình hình nguồn nước, nhiễm mặn

a) Đối với hồ chứa thủy lợi, đập dâng.

Quảng Nam hiện có 73 hồ chứa thủy lợi phục vụ cấp nước tưới cho khoảng 21.450ha/vụ. Hiện nay, tổng dung tích trữ tại các hồ chứa thủy lợi đạt khoảng từ 50-80% dung tích hữu ích; đặc biệt xảy ra thiếu hụt nguồn nước đối với các hồ chứa vừa và lớn. Cụ thể:

Đến 25/12/2015, chỉ có 40 hồ chứa đã tích đầy nước. Qua tính toán, đánh giá nguồn nước, các hồ chứa thủy lợi sẽ khó đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp đến cuối vụ Hè Thu năm 2016 nếu như không có mưa tiểu mãn và mưa bổ sung trong tháng 7, tháng 8.

Ngoài ra, do thiếu hụt lượng mưa, dòng chảy trên các sông, suối suy giảm, không ổn định nên các đập dâng ở khu vực miền núi, trung du có nguy cơ cao không đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.

b) Đối với hồ chứa thủy điện

Trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có 04 hồ chứa thủy điện có ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho vùng hạ du: Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4 và Đăk Mi 4.

Qua tính toán nguồn nước đối với các hồ thủy điện Sông Tranh 2, ĐăkMi4 và Sông Bung 4 đã tích nước đảm bảo theo Quy trình vận hành 1537 của Thủ tướng Chính phủ, nên cơ bản đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho vùng hạ du. Riêng đối với hồ chứa nước thủy điện A Vương hiện nay (27/01/2016) còn thiếu 14,06m nước tương ứng hơn 115,47 triệu mét khối nước; Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị Nhà máy thủy điện A Vương dừng vận hành xả nước qua phát điện đến hết ngày 29/02/2016 để nâng mực nước hồ lên cao trình được quy định tại Quy trình 1537 (tại Công văn số số 135/SNN&PTNT-CCTL ngày 26/01/2016 của Sở Nông nghiệp và PTNT). Mặt khác, vụ Hè Thu năm 2016, nếu không có mưa bổ sung thì tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn sẽ nghiêm trọng hơn.

c) Tình hình dòng chảy trên sông

Mùa lũ từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2015 trên các hệ thống sông ở Quảng Nam gần như không xuất hiện lũ. Lũ chỉ xảy ra trên một số sông suối nhỏ ở miền núi với cường suất và biên độ nhỏ.

Theo nhận định sơ bộ tình hình thời tiết của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam trong 3 tháng đầu năm 2016, dòng chảy các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam biến đổi chậm và hạ thấp dần. Mực nước trung bình tháng ở mức thấp hơn giá trị TBNN cùng kỳ. Đề phòng khả năng dòng chảy thiếu hụt nhiều so với TBNN, nguy cơ khô hạn và xâm nhập mặn sẽ cao hơn năm 2015. Hạ lưu các sông thủy triều ảnh hưởng mạnh dần từ tháng 1 đến tháng 3 và độ mặn khả năng ảnh hưởng sớm, sâu hơn so với năm 2015.

d) Tình hình xâm nhập mặn

Dòng chảy trên các sông, nhất là hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn từ đầu vụ sản xuất đến nay bị suy giảm mạnh, mực nước trên các sông đều dao động ở mức thấp, mặn xuất hiện sớm tại trạm bơm Tứ Câu vào ngày 08/01/2016 với nồng độ 0,4‰, vào ngày 10/01/2016 với nồng độ 2,1‰ và hiện tại, trạm bơm Tứ Câu (thị xã Điện Bàn) đang vận hành bơm lách triều để phục vụ sản xuất.

II. DỰ BÁO TÌNH HÌNH KHÔ HẠN NĂM 2016

1. Kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2016

Diện tích gieo trồng được tưới chủ động bằng công trình thủy lợi là 78.186,38, trong đó:

a) Vụ Đông Xuân : 39.003,89 ha

+ Lúa : 36.831,96 ha.

+ Màu  : 2.168,62 ha.

+ Nuôi trồng thủy sản : 3,31 ha.

b) Vụ Hè Thu : 39.182,49 ha

+ Lúa : 36.866,12 ha.

+ Màu  : 3.125,72 ha.

+ Nuôi trồng thủy sản : 190,66 ha.

2. Dự báo diện tích sản xuất nông nghiệp bị khô hạn năm 2016

a) Vụ Đông Xuân:

Tổng diện tích sản xuất vụ Đông Xuân 2015-2016 phải thực hiện các biện pháp chống hạn để chủ động nguồn nước cấp cho sản xuất là: 13.095ha.

b) Vụ Hè Thu:

Với tình hình thời tiết diễn ra cực đoan, nắng nóng kéo dài, không mưa, dòng chảy trên các sông suối suy giảm và nếu không có mưa tiểu mãn thì dự kiến diện tích sản xuất nông nghiệp có khả năng xảy ra khô hạn là : 17.633ha

(Chi tiết tại Phụ lục 1)

Phần thứ hai

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG HẠN, NHIỄM MẶN

Để kịp thời ứng phó với tình hình khô hạn và nhiễm mặn diễn ra trong năm 2016 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino; các địa phương và Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam tập trung thực hiện các biện pháp sau:

I. CÁC BIỆN PHÁP PHI CÔNG TRÌNH

- Tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng và dự báo của cơ quan Khí tượng thuỷ văn để kịp thời triển khai các giải pháp chống hạn, chống nhiễm mặn thích hợp, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất do hạn hán gây ra.

- UBND các cấp xây dựng phương án chống hạn cụ thể trên địa bàn; củng cố kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống hạn năm 2016 để theo dõi, chỉ đạo thực hiện kịp thời các biện pháp chống hạn có hiệu quả.

- Các đơn vị quản lý công trình thủy lợi tính toán cân đối nguồn nước cho cả năm 2016, xác định cụ thể vùng đảm bảo tưới, vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước để bố trí cây trồng phù hợp; đối với vùng trồng lúa thường xuyên bị thiếu nước, vận động nhân dân chuyển đổi sang cây trồng cạn hoặc dừng sản xuất; đối với các hồ chứa nước do Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý thực hiện xây dựng đường giới hạn cấp nước và chỉ đạo thực hiện cấp nước tiết kiệm từ đầu vụ Đông Xuân 2015-2016.

- Chỉ đạo các địa phương tập trung gieo sạ lúa trung và ngắn ngày, hạn chế tối đa giống lúa dài ngày nhằm rút ngắn thời gian tưới, tiết kiệm nước.

- Củng cố, kiện toàn các tổ thủy nông cơ sở, tăng cường công tác quản lý, điều hành, phân phối nước thông qua hoạt động của các tổ chức thuỷ nông cơ sở và các tổ chức sử dụng nước ở địa phương.

- Đối với những trạm bơm có nguồn nước bị nhiễm mặn, tăng cường theo dõi chặt chẽ lịch thủy triều, quan trắc thường xuyên độ mặn để bơm lách triều, tuyệt đối không được vận hành bơm nước có nồng độ mặn lớn hơn 0,8‰ vào đồng ruộng; thực hiện đắp các đập tạm ngăn mặn, giữ ngọt để ổn định nguồn nước cấp phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.

- Những nơi quá khó khăn nguồn nước, các địa phương hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng các giống lúa chịu hạn và chịu mặn cao nhằm hạn chế thiệt hại cho sản xuất. Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện chế độ tưới nước tiết kiệm theo phương pháp "ướt khô xen kẽ", tưới luân phiên, nhất là các hồ chứa nước có nguồn nước đang bị thiếu hụt.

- Vận động nhân dân ra quân nạo vét kênh mương nội đồng, đắp bờ vùng bờ thửa; thực hiện các biện pháp chống hạn truyền thống, tận dụng tối đa lượng nước tiêu từ các công trình thủy lợi và nguồn nước của ao hồ, sông suối để chống hạn.

- Phối hợp với các Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4, Đăk Mi 4 xây dựng kế hoạch vận hành xả nước qua phát điện hợp lý để bổ sung dòng chảy trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn nhằm đảm bảo nguồn nước cho cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất ở vùng hạ du.

II. CÁC GIẢI PHÁP CÔNG TRÌNH

1. Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Quảng Nam

a) Đối với khu vực hồ chứa:

- Đắp bờ ngăn kênh tiêu, tận dụng nước hồi quy để tưới tại các hồ có mực nước còn thấp hơn mực nước dâng bình thường, thiếu nước: Phú Ninh, Thái Xuân, Cao Ngạn, Đông Tiễn, Việt An, Trung Lộc, Cây Thông và Vĩnh Trinh.

- Lắp đặt, vận hành các trạm bơm dã chiến chống hạn cho khu tưới do hồ chứa nước Đông Tiễn, Thái Xuân, Phước Hà, Cao Ngạn, Trung Lộc, Việt An, Hố Giang, Cây Thông, Thạch Bàn, Phú Lộc và Vĩnh Trinh và cuối kênh N22-1 Bắc Phú Ninh phụ trách.

- Vận hành trạm bơm cố định chống hạn Quế Phú và An Lạc 2 để cấp nước cho khu tưới cuối kênh N22-1 Bắc Phú Ninh.

- Nạo vét bồi lấp lòng hồ chứa nước Đông Tiễn, Thạch Bàn; nạo vét bồi lấp kênh dẫn thượng lưu cống Đông hồ chứa nước Vĩnh Trinh.

- Nạo vét bồi lấp kênh chính, N1 hồ chứa nước Thái Xuân; kênh N22 Bắc Phú Ninh; kênh chính hồ chứa nước Việt An; kênh chính Tây, kênh chính Đông hồ chứa nước Vĩnh Trinh.

b) Đối với khu vực trạm bơm:

- Vận hành tăng cường các trạm bơm điện cố định để sử dụng hiệu quả nguồn nước xả qua phát điện từ các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn.

- Nạo vét khơi thông dòng chảy đoạn đầu sông Lạc Thành.

- Nạo vét kênh dẫn, bể hút các trạm bơm Ái Nghĩa, Cẩm Văn, Thái Sơn, Đông Quang, La Thọ.

- Lắp đặt vận hành các trạm bơm dã chiến chống hạn cho khu tưới do các trạm bơm điện cố định phụ trách.

- Đắp đập tạm ngăn mặn trên sông Bà Rén.

- Phối hợp với UBND thị xã Điện Bàn tổ chức đắp đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện.

2. Các địa phương

a) Thành phố Tam Kỳ

- Đối với khu vực sử dụng nước ngầm, nước nhỉ tại các địa phương: Tam Thăng, Tam Phú, An Phú chủ động ra quân nạo vét, khai thông mương lạch dẫn nước, đắp đập bổi giữ nước hồi quy và nước triều để bơm tát.

- Tổ chức lắp đặt và vận hành các trạm bơm điện, bơm dầu dã chiến tận dụng nguồn nước từ các sông, suối, ao, hồ để bơm chống hạn.

- Nạo vét kênh dẫn, bể hút và kênh tưới các trạm bơm.

- Ở những nơi vùng cát có nguồn nước ngầm, thực hiện khoan giếng lấy nước ngầm, đào ao lấy nước nhỉ để phục vụ chống hạn.

- Biện pháp chống nhiễm mặn: Đối với các khu tưới sử dụng nguồn nước từ sông Bàn Thạch, chủ động quan trắc độ mặn để thực hiện bơm lách triều. Nếu nồng độ mặn vượt quá nồng độ cho phép thì dừng bơm và chuyển sang tận dụng nguồn nước khác để tưới.

- Thực hiện đắp đập tạm ngăn mặn tại cửa vào sông Đầm để ngăn mặn, giữ ngọt ổn định nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất.

- Vận hành tăng cường các trạm bơm điện cố định.

b) Thành phố Hội An

- Dọn vệ sinh hồ chứa Lai Nghi, Cẩm Kim để tăng khả năng trữ và cấp nước phục vụ sản xuất.

- Nạo vét hệ thống kênh tiêu để tận dụng khả năng trữ nước.

- Nạo vét các ao trữ nước và đắp đập bổi ngăn mặn của xã Cẩm Kim.

- Sửa chữa các cống điều tiết, ngăn mặn để chống xâm nhập mặn.

c) Huyện Núi Thành

- Lắp đặt, vận hành các trạm bơm dã chiến chống hạn.

- Tu sửa các công trình thủy lợi bị hư hỏng, rò rỉ nước.

- Tu bổ và đắp các đập thời vụ.

- Sửa chữa công trình cấp nước sạch nông thôn.

d) Huyện Phú Ninh

- Sửa chữa công trình, nạo vét kênh mương, khai thông mương lạch, đào ao, bơm nước.

- Sửa chữa, củng cố các đập dâng, đập bổi và trạm bơm nhỏ.

- Lắp đặt các trạm bơm dã chiến ở khu vực cuối kênh Phú Ninh và tại cống áp lực các hồ chứa để tận dụng dung tích chết chống hạn.

- Đắp bờ bao và các cửa điều tiết để tận dụng lượng nước hồi quy và trữ nước khi có mưa giông.

- Vận hành tăng cường các trạm bơm điện cố định.

e) Huyện Thăng Bình

- Thực hiện đắp các đập bổi để giữ nước.

- Nạo vét kênh mương, sửa chữa các đê và para ngăn mặn.

- Lắp đặt các trạm bơm dầu dã chiến tại các khu tưới của xã: Bình An, Bình Trung, Bình Tú, Bình Phục, Bình Đào, Bình Giang, Bình Định Bắc, Bình Định Nam, Bình Phú, Bình Lãnh và Bình Trị để tận dụng nguồn nước từ các suối, mương tiêu tưới hỗ trợ chống hạn.

- Nạo vét kênh tiêu N22-5 Bắc Phú Ninh để tạo nguồn nước tưới và chống hạn cho xã Bình Giang và Bình Triều.

- Đối với khu tưới sử dụng nước nhỉ vùng cát, thực hiện đóng giếng lấy nước ngầm, vét ao để tận dụng tối đa nguồn nước ngầm phục vụ sản xuất.

- Vận hành tăng cường các trạm bơm điện cố định.

f) Huyện Quế Sơn

- Đắp đập tạm và đào kênh dẫn dòng bổ sung nguồn nước cho hồ Suối Tiên.

- Nạo vét kênh dẫn, bể hút và kênh tưới các trạm bơm.

- Sửa chữa, củng cố các đập dâng, đập thời vụ để giữ nước chống hạn.

- Lắp đặt các trạm bơm dã chiến chống hạn tại các khu tưới để tận dụng nguồn nước từ các suối, mương tiêu tưới hỗ trợ chống hạn.

- Lắp đặt các máy bơm dã chiến để tận dụng dung tích chết của các hồ chứa nước bơm chống hạn.

- Vận hành tăng cường các trạm bơm điện cố định.

g) Huyện Duy Xuyên

- Nạo vét kênh dẫn, bể hút và kênh tưới các trạm bơm.

- Nạo vét các đoạn sông bị bồi lấp lớn gây ách tắc dòng chảy vào bể hút các trạm bơm điện ven sông.

- Thực hiện đắp đập tạm trên các kênh tiêu để trữ nước bơm chống hạn.

- Lắp đặt các trạm bơm dầu, bơm điện dã chiến, di động tại các khu tưới để tận dụng nguồn nước từ các sông, suối, mương tiêu tưới hỗ trợ chống hạn.

- Lắp đặt các máy bơm dã chiến để tận dụng dung tích chết của các hồ chứa nước bơm chống hạn.

- Vùng cát Duy Nghĩa, Duy Hải: Vận động nhân dân khai thác các công trình thủy lợi đất màu bằng các hệ thống giếng khoan để tưới chống hạn cho cây trồng.

- Vận hành tăng cường các trạm bơm điện để chống hạn.

h) Thị xã Điện Bàn

- Nạo vét kênh dẫn, bể hút và kênh tưới các trạm bơm điện.

- Đắp đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện.

- Vận hành tăng cường các trạm bơm điện cố định.

- Lắp đặt các trạm bơm dầu, bơm điện dã chiến, di động tại các khu tưới để tận dụng nguồn nước từ các sông, suối, mương tiêu tưới hỗ trợ chống hạn.

i) Huyện Đại Lộc

- Nạo vét kênh dẫn, bể hút và kênh tưới các trạm bơm.

- Đắp các đập bổi trên các sông, suối, kênh tiêu để trữ nước bơm chống hạn.

- Lắp đặt các trạm bơm dầu, bơm điện dã chiến, di động tại các khu tưới để tận dụng nguồn nước từ các sông, suối, mương tiêu tưới hỗ trợ chống hạn.

- Lắp đặt các máy bơm dã chiến để tận dụng dung tích chết của các hồ chứa nước bơm chống hạn.

- Vận hành tăng cường các trạm bơm điện cố định.

- Sửa chữa công trình cấp nước sạch nông thôn.

j) Huyện Tiên Phước

- Sửa chữa các đập dâng chống rò rỉ, thất thoát nước, nạo vét kênh mương, gia cố các công trình dẫn nước bị hư hỏng.

- Lắp đặt các máy bơm dã chiến để tận dụng dung tích chết của các hồ chứa nước bơm chống hạn.

- Huy động, hỗ trợ nhân dân gia cố, sửa chữa các đập bổi chống thất thoát nước.

- Lắp đặt các trạm bơm dầu, bơm điện dã chiến, di động tại các khu tưới để tận dụng nguồn nước từ các sông, suối, mương tiêu tưới hỗ trợ chống hạn.

- Khoan giếng lấy nước ngầm chống hạn ở những nơi có điều kiện nguồn nước.

k) Huyện Bắc Trà My

- Nạo vét kênh mương, gia cố các đập bổi, đập thời vụ; sử dụng rọ thép chặn các suối, khe và dùng ống nhựa PVC dẫn nước về chống hạn cho sản xuất.

- Sửa chữa công trình cấp nước sạch nông thôn.

l) Huyện Nam Trà My

- Nạo vét kênh mương, sửa chữa công trình đập dâng kiên cố hiện có trên địa bàn huyện.

- Sử dụng rọ thép và đá hộc sửa chữa các đập bổi thời vụ chặn các suối nhỏ, dùng ống nhựa dẫn nước từ các đập bổi phục vụ tưới cho sản xuất.

- Sửa chữa công trình cấp nước sạch nông thôn.

m) Huyện Hiệp Đức

- Sửa chữa các đập bổi hiện có, đắp bổ sung đập tạm trên sông, suối và dùng ống nhựa chuyển nước chống hạn cho cây trồng và nước sinh hoạt cho nhân dân.

- Nạo vét kênh mương thông thoáng, tu bổ các đập dâng bị hư hỏng, thất thoát nước.

- Lắp đặt các trạm bơm dã chiến tận dụng nguồn nước từ các sông, suối, ao hồ nhỏ, tại cống áp lực các hồ chứa để bơm tưới chống hạn.

- Sửa chữa công trình cấp nước sạch nông thôn.

n) Huyện Phước Sơn

- Hỗ trợ ống nước, rọ thép để nhân dân tự sửa chữa, gia cố thay thế các đập tạm, ống nước đã bị hư hỏng.

- Xây dựng mới các đập thời vụ để tận dụng nguồn nước tại các khe, suối nhỏ.

- Sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng xuống cấp, gia cố sửa chữa các dập dâng, cống lấy nước, kênh bê tông và đường ống dẫn nước.

- Sửa chữa công trình cấp nước sạch nông thôn.

o) Huyện Nông Sơn

- Củng cố các đập hiện có, xây dựng mới các đập thời vụ để tận dụng nguồn nước tại các khe, suối nhỏ, dùng ống nước chuyển nước chống hạn cho cây trồng và sinh hoạt.

- Nạo vét bể hút các trạm bơm; nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; khoan giếng tận dụng nguồn nước ngầm để chống hạn.

- Lắp đặt máy bơm dã chiến tại các sông, suối và tại các hồ chứa để sử dụng dung tích chết chống hạn.

- Sửa chữa công trình cấp nước sạch nông thôn.

p) Huyện Đông Giang.

- Sửa chữa các đập dâng và các tuyến đường ống dẫn nước, kênh mương hiện bị hư hỏng.

- Vận động nhân dân nạo vét kênh mương, tháo dở các vật cản, tu sửa bờ vùng, bờ thửa để giữ nước, giảm thất thoát, tiết kiệm nước.

- Sửa chữa công trình cấp nước sạch nông thôn.

q) Huyện Nam Giang

- Đối với nước sinh hoạt: Sửa chữa các công trình cấp nước bị hư hỏng; nạo vét khơi thông làm sạch đầu nguồn; vận hành cấp nước hợp lý; vận chuyển nước đến các điểm tập thể (Trường mẫu giáo, trường nội trú...) nếu không tìm được nguồn nước.

- Đối với nước phục vụ sản xuất nông nghiệp: Vận động nhân dân nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, thực hiện các biện pháp chống thất thoát nước tại các công trình thuỷ lợi, củng cố đầu mối các đập dâng, đập bổi.

r) Huyện Tây Giang

- Đối với nước sinh hoạt: Sửa chữa các công trình cấp nước bị hư hỏng; nạo vét khơi thông làm sạch đầu nguồn; vận hành cấp nước hợp lý; vận chuyển nước đến các điểm cấp nước.

- Đối với nước phục vụ sản xuất nông nghiệp: Vận động nhân dân nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, thực hiện các biện pháp chống thất thoát nước tại các công trình thuỷ lợi, củng cố đầu mối các đập dâng, đập bổi; sử dụng ống nước, dẫn nước từ khe, suối để chống hạn cho cây trồng.

III. KINH PHÍ CHỐNG HẠN

Từ những biện pháp nêu trên, kinh phí thực hiện các công trình chống hạn và nhiễm mặn năm 2016 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được tổng hợp như sau:

ĐVT: 1.000.000 đồng

TT

Nội dung

Đơn vị tính

Khối lượng

Thành tiền

1

Nạo vét các đoạn sông bị bồi lấp để khơi thông dòng chảy; Nạo vét kênh dẫn, bể hút các trạm bơm điện cố định

m3

387.000

21.285

2

Nạo vét kênh mương các cấp

m3

102.000

5.610

3

Xây dựng, củng cố các đập thời vụ, đập bổi

Công trình

30

1.500

4

Đóng giếng khoan lấy nước ngầm

Cái

100

1.500

5

Điện năng vượt định mức các trạm bơm điện cố định

Kwh

1.338.000

2.177

6

Điện năng bơm chống hạn (máy bơm dã chiến)

Kwh

400.000

651

7

Nhiên liệu dầu diezel (máy bơm dã chiến)

tấn

118

1.227

8

Xây dựng các đập tạm ngăn mặn trên sông:

- Sông Vĩnh Điện (H. Điện Bàn)

- Sông Đầm (Tp. Tam Kỳ)

- Sông Thu Bồn (tại trạm bơm Xuyên Đông, huyện Duy Xuyên)

Công trình

 

 

 


01

01

01

2.450


1.600

350

500

9

Ống nhựa

m

3.000

150

10

Hỗ trợ kinh phí theo dõi, kiểm tra và tham mưu chỉ đạo công tác phòng, chống hạn và nhiễm mặn

 

 

100

 

Cộng

 

 

36.650

(Bằng chữ: Ba mươi sáu tỷ, sáu trăm năm mươi triệu đồng)

Nguồn vốn thực hiện Phương án này từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và một phần ngân sách tỉnh, ngân sách huyện.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. PHÂN CẤP QUẢN LÝ

1. Các địa phương và Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam xây dựng Phương án phòng, chống hạn và nhiễm mặn năm 2016 (Phương án) cụ thể, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, UBND cấp huyện phê duyệt Phương án của huyện, thị xã, thành phố và của các xã, phường, thị trấn đóng trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố; Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Phương án của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam; trong quá trình triển khai thực hiện nếu có phát sinh thêm những biện pháp chống hạn cần thiết thì phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của cấp thẩm quyền phê duyệt Phương án.

2. Tùy tình hình diễn biến thực tế của thời tiết, các địa phương, đơn vị chủ động triển khai các biện pháp công trình phòng, chống hạn thích hợp theo Phương án được phê duyệt, với phương châm “kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả”, trong đó:

- Đối với các hạng mục công trình chống hạn do địa phương thực hiện, giao UBND cấp huyện theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra cụ thể và có văn bản thống nhất thực hiện.

- Đối với các hạng mục công trình chống hạn do Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi thực hiện, giao Sở Nông nghiệp và PTNT theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra cụ thể và có văn bản thống nhất thực hiện.

- Đối với việc nạo vét lòng hồ chứa, nạo vét bồi lấp sông, bể hút, kênh dẫn khơi thông dòng chảy có khối lượng lớn, ảnh hưởng đến ổn định công trình, sạt lở bờ sông và nhất là đối với các công trình có tận thu cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường, các địa phương, đơn vị phải lập Phương án kỹ thuật, báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt trước khi thực hiện.

- Đối với các công trình chống hạn có tác động đến nhiều địa phương và có liên quan đến khu tưới của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi, giao cho Công ty tổ chức thực hiện.

II. CÁC QUY ĐỊNH VỀ HỒ SƠ THỰC HIỆN CÔNG TRÌNH CHỐNG HẠN

Nhằm bảo đảm sử dụng nguồn kinh phí chống hạn đúng mục đích, hiệu quả, các đơn vị chủ đầu tư phải thực hiện các quy định sau:

1. Đối với công trình chống hạn có tính chất xây dựng cơ bản phải lập thủ tục, hồ sơ và tổ chức thực hiện theo đúng quy định hiện hành về XDCB.

2. Trong trường hợp cần phải thực hiện khẩn cấp các công trình chống hạn nhằm hạn chế thiệt hại do nắng hạn và nhiễm mặn gây ra, các địa phương, đơn vị có liên quan báo cáo ngay cho cấp có thẩm quyền theo phân cấp để đi kiểm tra thực tế, thống nhất phương án trước khi triển khai thực hiện và tổ chức thực hiện theo Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình đặc thù.

3. Đối với việc mua nhiên liệu và các vật tư, vật liệu phục vụ công tác chống hạn phải có hóa đơn, chứng từ hợp lệ.

4. Nếu lắp đặt vận hành các máy bơm dầu dã chiến chống hạn phải có nhật ký vận hành, chủng loại máy bơm, công suất, định mức nhiên liệu, ngày tháng và số giờ vận hành, nhiên liệu tiêu hao mỗi đợt bơm tưới, tổng nhiên liệu tiêu thụ cả đợt bơm chống hạn. Sổ vận hành phải được đơn vị thực hiện công trình chống hạn lập, có xác nhận của Phòng Nông nghiệp và PTNT (phòng Kinh tế) địa phương.

5. Đối với chi phí điện năng chống hạn của các trạm bơm điện dã chiến phải có hóa đơn hợp lệ của ngành điện.

6. Đối với các trạm bơm điện cố định, nếu do lý do hạn hán phải tăng thời gian bơm và điện năng vượt định mức. Đơn vị quản lý công trình phải có định mức kinh tế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm căn cứ so sánh, cấp bù (trong trường hợp chưa có định mức, vận dụng định mức sử dụng điện của các trạm bơm điện lân cận do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi trực tiếp quản lý, vận hành).

III. CÁC YÊU CẦU VỀ HỒ SƠ, TẠM ỨNG VÀ QUYẾT TOÁN CÔNG TRÌNH CHỐNG HẠN

1. Hồ sơ tạm ứng kinh phí chống hạn

Hồ sơ tạm ứng kinh phí chống hạn gửi Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và PTNT, bao gồm:

- Tờ trình đề nghị cấp tạm ứng kinh phí chống hạn.

- Phương án phòng, chống hạn và nhiễm mặn năm 2016, kèm theo Quyết định phê duyệt phương án của UBND cấp huyện và Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam (đối với Phương án phòng, chống hạn và nhiễm mặn năm 2016 của Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam).

- Báo cáo kết quả thực hiện công tác chống hạn và nhiễm mặn đến thời điểm đề nghị tạm ứng kinh phí, kèm theo bảng tổng hợp khối lượng, kinh phí đã thực hiện các biện pháp chống hạn.

2. Hồ sơ quyết toán chống hạn

- Ngay sau khi kết thúc vụ sản xuất Hè Thu 2016, các địa phương, đơn vị phải chủ động lập hồ sơ quyết toán kinh phí chống hạn để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ kinh phí.

- Các đơn vị không được quyết toán những phần việc mang tính chất sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên công trình vào kinh phí chống hạn.

- Hồ sơ quyết toán công trình chống hạn phải bảo đảm tính trung thực, chính xác, có đầy đủ chứng từ, hóa đơn hợp lệ theo đúng quy định của Nhà nước và phải được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thẩm định.

- Hồ sơ quyết toán chống hạn gửi về Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan có liên quan trước ngày 30/10/2016, bao gồm:

* Đối với các địa phương:

+ Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện công tác chống hạn năm 2016.

+ Bảng tổng hợp quyết toán kinh phí chống hạn.

+ Quyết định của UBND cấp huyện về hỗ trợ, cấp phát kinh phí chống hạn cho các đơn vị thủy nông.

* Đối với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam

+ Tờ trình đề nghị hỗ trợ kinh phí chống hạn năm 2016.

+ Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện công tác chống hạn năm 2016.

+ Bảng tổng hợp quyết toán kinh phí chống hạn năm 2016.

3. Kinh phí hỗ trợ cho các địa phương, đơn vị:

a) Ngân sách hỗ trợ kinh phí để bù đắp các nội dung chi phí nạo vét các đoạn sông bị bồi lấp để khơi thông dòng chảy; nạo vét kênh dẫn, bể hút trạm bơm điện cố định và nạo vét kênh mương vượt định mức; chi phí đắp đập tạm ngăn mặn, giữ ngọt, đập bổi; chi phí điện năng, nhiên liệu của các trạm bơm dã chiến và tiền điện vượt định mức của các trạm bơm cố định bơm tưới trong thời gian chống hạn. Trong đó:

- Công trình, hạng mục chi phí do Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Phương án, thống nhất chủ trương và Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam tổ chức thực hiện, ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa 100% kinh phí thực hiện.

- Công trình, hạng mục chi phí do UBND cấp huyện phê duyệt Phương án, thống nhất chủ trương thực hiện, ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa 70% kinh phí thực hiện.

Riêng chi phí đắp đập tạm ngăn mặn, giữ ngọt; nạo vét các đoạn sông bị bồi lấp, kênh dẫn, bể hút có khối lượng lớn, ảnh hưởng đến ổn định công trình, sạt lở bờ sông do UBND tỉnh phê duyệt phương án kỹ thuật, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí theo giá trị quyết toán công trình hoàn thành.

b) Các nội dung chi phí mang tính chất sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn như: Sửa chữa các đập thủy lợi; sửa chữa kênh mương; sửa chữa các para ngăn mặn và các chi phí về vận chuyển, lắp đặt các trạm bơm dã chiến, tiền nhân công vận hành trạm bơm dã chiến; đóng giếng, khoan lấy nước ngầm; nạo vét ao để tận dụng nguồn nước ngầm; sửa chữa các tuyến đường ống dẫn nước từ khe, suối để phục vụ nước sinh hoạt, tưới cho cây trồng,... các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị thủy nông sử dụng ngân sách địa phương, nguồn thủy lợi phí và huy động đóng góp của nhân dân theo quy định để xử lý.

Trường hợp trong năm, nếu các huyện, thị xã, thành phố đã sử dụng trên 50% dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện công tác chống hạn, nhiễm mặn nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở báo cáo của UBND cấp huyện, đề xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT và tình hình sử dụng dự phòng ngân sách địa phương, Sở Tài chính tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét quyết định hỗ trợ cho ngân sách cấp huyện phần vượt trên 50% dự phòng ngân sách huyện.

4. Về tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho địa phương, đơn vị:

a) Đối với Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi: Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm tra nội dung chi phí chống hạn, tham mưu UBND tỉnh cấp phát kinh phí hỗ trợ theo nội dung quy định tại khoản 3, Mục III, Phần này.

b) Đối với các đơn vị thủy nông, tổ chức hợp tác dùng nước (bao gồm UBND xã, phường, thị trấn): UBND cấp huyện chỉ đạo phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT (phòng Kinh tế) thẩm tra nội dung chi phí chống hạn của các đơn vị thủy nông được ngân sách hỗ trợ theo quy định, trình UBND cấp huyện sử dụng nguồn ngân sách tỉnh tạm ứng, nguồn ngân sách huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ cho các đơn vị thủy nông, đồng thời tổng hợp báo cáo quyết toán kinh phí chống hạn (đã được thẩm tra) và kinh phí huyện, thị xã, thành phố đã chi hỗ trợ (kèm Quyết định cấp phát kinh phí hỗ trợ cho đơn vị thủy nông của huyện, thị xã, thành phố), gửi Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp trình UBND tỉnh bổ sung kinh phí cho huyện, thị xã, thành phố theo quy định tại khoản 3, Mục III, Phần này.

IV. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan thường trực, thường xuyên theo dõi, giám sát, chỉ đạo các địa phương, đơn vị về công tác chống hạn năm 2016 trên địa bàn tỉnh; tổng hợp tình hình báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết. Chủ trì làm việc với các Nhà máy thủy điện trên thượng nguồn lập kế hoạch và thống nhất chế độ điều tiết xả nước qua phát điện hợp lý nhằm bổ sung dòng chảy kiệt trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn; phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra hồ sơ chống hạn của các địa phương, đơn vị trình UBND tỉnh xem xét, quyết định cấp hỗ trợ kinh phí chống hạn.

2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh về cấp tạm ứng kinh phí chống hạn cho các địa phương, đơn vị; đồng thời kiểm tra hồ sơ quyết toán kinh phí chống hạn của các địa phương, đơn vị, làm cơ sở trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ.

3. Chủ tịch UBND cấp huyện tăng cường công tác theo dõi, chỉ đạo UBND cấp xã, HTX và các đơn vị quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn triển khai thực hiện kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả các biện pháp công trình phòng, chống hạn, chống nhiễm mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân; chỉ đạo các bộ phận có liên quan kiểm tra, thẩm tra hồ sơ quyết toán kinh phí chống hạn năm 2016; báo cáo Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị có liên quan./.

 

PHỤ LỤC 1

BẢNG TỔNG HỢP DIỆN TÍCH THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP CHỐNG HẠN VÀ NHIỄM MẶN NĂM 2016

Số TT

Tên địa phương (huyện, thành phố, thị xã), đơn vị

Kế hoạch tưới lúa năm 2016 (ha)

Diện tích chống hạn năm 2016 (ha)

Tổng số

Vụ Đông Xuân

Vụ Hè Thu

Tổng số

Vụ Đông Xuân

Vụ Hè Thu

I

Công ty TNHH MTV KTTL Quảng Nam

39.599

19.707

19.89

13.989

6.235

7.754

II

Các địa phương

34.067

17.125

16.941

14.851

6.693

9.646

1

Tam Kỳ

1.129

539

590

1.426

678

748

2

Hội An

163

90

73

575

325

250

3

Tây Giang

562

281

281

237

104

133

4

Đông Giang

820

410

410

199

80

119

5

Đại Lộc

5.007

2.504

2.504

1.363

365

998

6

Điện Bàn

5.652

2.822

2.830

1.539

458

1.081

7

Duy Xuyên

3.723

1.859

1.864

1.487

1.488

1.488

8

Quế Sơn

2.414

1.203

1.212

852

122

730

9

Nam Giang

593

303

290

167

84

84

10

Phước Sơn

523

269

254

137

37

100

11

Hiệp Đức

937

465

472

1.872

936

936

12

Thăng Bình

5.147

2.666

2.481

780

390

390

13

Tiên Phước

1.433

734

699

-

 

 

14

Bắc Trà My

1.413

739

674

318

118

200

15

Nam Trà My

400

188

213

135

55

80

16

Núi Thành

1.923

922

1.000

1.772

305

1.467

17

Phú Ninh

1.101

570

531

1.253

695

559

18

Nông Sơn

1.126

561

565

739

455

284

 

Tổng cộng

73.666

36.832

36.834

30.328

12.928

17.400