Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 733/2006/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG KHẨN TRƯƠNG ĐẾN NĂM 2010 ĐỂ BẢO TỒN VOI Ở VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;
Xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến các Bộ, ngành,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn trương đến năm 2010 để bảo tồn Voi ở Việt Nam gồm các nội dung chính sau đây:

1. Tên gọi: Kế hoạch hành động khẩn trương đến năm 2010 để bảo tồn Voi ở Việt Nam.

2. Mục tiêu:

- Bảo tồn, phát triển bền vững quần thể Voi hoang dã và Voi nhà hiện có ở Việt Nam, đồng thời bảo tồn bền vững sinh cảnh, nơi có quần thể Voi đang sinh sống.

- Ngăn chặn sự suy giảm số lượng Voi, bảo đảm ít nhất ở 3 khu vực có Voi sinh sống được bảo tồn, phát triển trong thế kỷ 21; bảo tồn tại chỗ những quần thể Voi có số lượng ít hiện đang bị cô lập, nhằm tạo điều kiện tối đa sống sót trong thời gian dài.

+ Giảm thiểu khả năng xung đột Voi/người tại vùng có Voi phân bố.

+ Bảo tồn và phát triển quần thể Voi nhà tại tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Đắk Nông.

+ Tăng cường tuyên truyền bảo vệ vùng sinh cảnh nơi có Voi sinh sống.

+ Tăng cường hợp tác bảo tồn liên biên giới.

3. Các hành động bảo tồn Voi:

a) Xây dựng và thực hiện 3 vùng bảo tồn sinh cảnh sống lâu dài của Voi ở các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông và Nghệ An, hiện đang có số lượng tốt nhất theo quy mô đàn, sinh cảnh, diện tích vùng sống.

b) Tổ chức các hoạt động bảo tồn tại chỗ những quần thể Voi có số lượng ít, tạo cơ hội tối đa cho Voi sinh sống trong thời gian dài. Trong trường hợp xấu nhất khi mọi nỗ lực không thực hiện được, xem xét di chuyển Voi đi nơi khác.

c) Tập trung nỗ lực để giảm thiểu khả năng xung đột tại vùng có Voi phân bố, lập phương án chi tiết thực hiện các giải pháp giải quyết cụ thể ở từng vùng.

d) Tổ chức lập hồ sơ, quản lý, gắn chíp điện tử cho Voi nhà hiện có để giám sát việc bảo vệ Voi chặt chẽ; nghiên cứu về sinh sản của Voi đã thuần dưỡng để bảo tồn và phát triển số Voi nhà hiện nay.

đ) Triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về sự cần thiết phải bảo tồn Voi trong mối quan hệ thiết yếu với môi trường sống của cộng đồng để các cộng đồng dân cư trong vùng có Voi sinh sống tham gia hành động tích cực bảo vệ loài Voi.

e) Tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật ở các tỉnh liên biên giới, ngăn chặn có hiệu quả hành động săn bắt, buôn bán Voi và các sản phẩm của Voi qua đường biên giới.

4. Kinh phí và nguồn kinh phí:

Kinh phí thực hiện kế hoạch hành động khẩn trương bảo tồn Voi từ các nguồn sau:

- Ngân sách nhà nước.

- Nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

- Các nguồn khác.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Nghệ An triển khai thực hiện nội dung kế hoạch hành động.

Cục Kiểm lâm là cơ quan giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện theo nội dung quyết định này.

Điều 3. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường căn cứ nội dung kế hoạch hành động khẩn trương đến năm 2010 để bảo tồn Voi ở Việt Nam, xây dựng các Dự án cụ thể trình phê duyệt theo quy định hiện hành và tổ chức thực hiện theo đúng tiến độ.

Các nội dung kế hoạch hành động khẩn trương đến năm 2010 để bảo tồn Voi ở Việt Nam phải được xây dựng cụ thể trong khuôn khổ các mục tiêu nêu tại Điều 1 Quyết định này.

Điều 4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối bổ sung vốn bảo đảm kinh phí triển khai thực hiện các nội dung của Quyết định này.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Nghệ An, Đồng Nai, Bình Phước, Quảng Nam, Lai Châu chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng;
- HĐND, UBND các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Nghệ An, Đồng Nai, Bình Phước, Quảng Nam, Lai Châu;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng TW Đảng;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- VPCP: BTCN, các PCN, Wetsie Chính phủ, các Vụ, Cục, TTBC;
- Lưu: VT, NN (5b). Trang (100b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng