Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 738/QĐ-BNN-KHCN

Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO, NÔNG NGHIỆP SẠCH, DANH MỤC CÔNG NGHỆ CAO ỨNG DỤNG TRONG NÔNG NGHIỆP

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Luật công nghệ cao số 21/2008/QH11 ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2017;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Điều 3. Tiêu chí xác định chương trình, dự án

1. Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là chương trình tổng thể có mục tiêu chung, giải quyết chuỗi các vấn đề trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp, trong đó gồm các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

2. Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là dự án sản xuất nông nghiệp phải đáp ứng được một trong các tiêu chí sau:

a) Dự án đầu tư thực hiện trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Khu;

b) Dự án trong Vùng Nông nghiệp ứng dụng nghệ cao đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định công nhận Vùng;

c) Dự án của doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

d) Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khác không thuộc điểm a, b, c khoản này là dự án áp dụng các công nghệ được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường thuộc Danh mục quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

3. Dự án nông nghiệp sạch

Dự án nông nghiệp sạch là dự án sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

a) Dự án thực hiện tại các cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu;

b) Dự án thực hiện tại các cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm;

c) Dự án của doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Thông tư số 50/2011/TT-BNNPTNT ngày 15/7/2011 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 69/2010/QĐ-TTg ngày 03/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

d) Dự án sản xuất sản phẩm nông nghiệp được cấp Giấy chứng nhận VietGAP theo Thông tư số 48/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt;

đ) Dự án đầu tư mới vào sản xuất nông nghiệp sạch áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cấp quốc gia hoặc quốc tế tương đương (VietGAP, GlobalGAP, ASC, IMC…).

Điều 4. Trong quá trình thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ rà soát, điều chỉnh tiêu chí chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và bổ sung danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 3 năm 2017. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng các Vụ: Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Kế hoạch, Quản lý doanh nghiệp; Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Lãnh đạo Bộ NN&PTNT;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ NN&PTNT;
- Lưu: VT, KHCN.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Xuân Cường

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÔNG NGHỆ CAO ỨNG DỤNG TRONG NÔNG NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

1. Công nghệ sinh học trong nông nghiệp

- Công nghệ lai tạo giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có ứng dụng các kỹ thuật sinh học phân tử để tạo ra các giống cây, con mới có các đặc tính ưu việt (năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu);

- Công nghệ sinh học trong sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp và môi trường: phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc điều hòa sinh trưởng, chế phẩm xử lý môi trường;

- Công nghệ sinh học trong giám định, chẩn đoán bệnh hại cây trồng, vật nuôi; công nghệ sản xuất và ứng dụng các bộ KIT chẩn đoán nhanh bệnh hại cây trồng và vật nuôi; thuốc thử, que thử, đoạn mồi, kháng thể;

- Công nghệ nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào, đột biến phóng xạ;

- Công nghệ tế bào động vật trong đông lạnh tinh, phôi và cấy chuyển hợp tử, phân biệt giới tính, thụ tinh ống nghiệm sản xuất giống vật nuôi;

- Công nghệ vi sinh, enzym và protein ứng dụng sản xuất quy mô công nghiệp các chế phẩm sinh học dùng trong dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng, vật nuôi;

- Công nghệ sinh học, công nghệ viễn thám trong quản lý và phòng trừ dịch sâu, bệnh hại cây trồng nông lâm nghiệp;

- Công nghệ sản xuất vắc - xin thú y để phòng bệnh cho vật nuôi;

- Công nghệ sinh học phân tử và miễn dịch học, vi sinh vật học trong phòng, trị một số loại dịch bệnh nguy hiểm đối với thủy sản.

2. Kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản

- Ứng dụng kỹ thuật canh tác không dùng đất: thủy canh, khí canh, trồng cây trên giá thể, màng dinh dưỡng;

- Ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển tự động, bán tự động;

- Ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới, nhà màng có hệ thống điều khiển tự động hoặc bán tự động;

- Ứng dụng công nghệ chiếu xạ, công nghệ xử lý hơi nước nóng, công nghệ xử lý nước nóng, công nghệ sấy lạnh, sấy nhanh trong bảo quản nông sản;

- Ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản và chế biến nông sản: công nghệ bao gói khí quyển kiểm soát; công nghệ bảo quản lạnh nhanh kết hợp với chất hấp thụ etylen để bảo quản rau, hoa, quả tươi; công nghệ tạo màng trong bảo quản rau, quả, thịt, trứng; công nghệ lên men, công nghệ chế biến sâu, công nghệ sinh và vi sinh sản xuất chế phẩm sinh học và các chất màu, chất phụ gia thiên nhiên trong bảo quản và chế biến nông sản;

- Ứng dụng công nghệ thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp (ICM); công nghệ sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản an toàn theo VietGAP;

- Ứng dụng công nghệ nuôi thâm canh, nuôi siêu thâm canh thủy sản;

- Ứng dụng công nghệ xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản;

3. Công nghệ tự động hóa

- Công nghệ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch nông sản;

- Công nghệ tự động hóa trong tưới tiêu, kết hợp dinh dưỡng trong canh tác cây trồng quy mô hàng hóa;

- Công nghệ tự động hóa, bán tự động trong quá trình chăn nuôi quy mô công nghiệp, thâm canh nuôi trồng thủy sản, trồng trọt;

- Công nghệ tự động, bán tự động trong đánh bắt hải sản.

4. Công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp

- Công nghệ nano trong sản xuất các chế phẩm nano như phân bón, thuốc BVTV, chế phẩm dinh dưỡng cho cây trồng vật nuôi;

- Công nghệ sản xuất giá thể, vật tư nông nghiệp, chất bảo quản, màng bao quả, màng phủ nông nghiệp, vật liệu phụ trợ cho hệ thống nhà màng, hệ thống nhà kính, hệ thống tưới;

- Công nghệ biến tính gỗ, công nghệ sấy sinh thái, công nghệ ngâm, tẩm để bảo quản gỗ; công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm bảo quản, chế phẩm chống mối, mọt thế hệ mới cho sản phẩm gỗ; công nghệ sản xuất các màng phủ thân thiện với môi trường cho sản phẩm gỗ;

- Công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa nhằm tiết kiệm nguyên liệu, thời gian và nâng cao hiệu quả sử dụng gỗ;

- Công nghệ dự báo, tích trữ và khai thác nguồn nước; công nghệ thu trữ nước để cung cấp nước ổn định, hiệu quả phục vụ đa mục tiêu;

- Công nghệ thi công công trình thủy lợi; công nghệ lọc và cấp nước ngọt cho các vùng đất nhiễm mặn, ven biển, hải đảo;

- Công nghệ vật liệu mới, giải pháp kết cấu mới, thiết bị mới phục vụ thi công công trình thủy lợi;

- Công nghệ xử lý nước thải và vệ sinh môi trường nông thôn;

- Công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý phục vụ quản lý, điều hành công trình thủy lợi, khai thác nguồn lợi hải sản, vùng nuôi trồng thủy sản, giám sát và đánh giá mùa màng./.