Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 74 /2005/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 06 tháng 12 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN CHUYỂN ĐỔI TỔ CHỨC QUẢN LÝ TỪ BAN QUẢN LÝ CHỢ, TỔ QUẢN LÝ CHỢ LOẠI III SANG HÌNH THỨC DOANH NGHIỆP QUẢN LÝ CHỢ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 31/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển chợ đến năm 2010;

Căn cứ Thông tư số 67/TT-BTC ngày 11/7/2003 hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho Ban quản lý chợ, doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án chuyển đổi tổ chức quản lý từ Ban quản lý chợ, Tổ quản lý chợ loại III do Ủy ban nhân dân quận, huyện hoặc xã, phường, thị trấn quản lý sang hình thức Doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý hoạt động chợ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Thương mại, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục trưởng Cục Thuế, Chủ nhiệm Liên minh Hợp tác xã thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TP. CẦN THƠ
CHỦ TỊCH




Võ Thanh Tòng

 

PHƯƠNG ÁN

CHUYỂN ĐỔI TỔ CHỨC QUẢN LÝ TỪ BAN QUẢN LÝ CHỢ, TỔ QUẢN LÝ CHỢ LOẠI III SANG HÌNH THỨC DOANH NGHIỆP QUẢN LÝ CHỢ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 74/2005/QĐ-UBND ngày 06/12/2005 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

I. MỤC TIÊU VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Mục tiêu:

Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển và khai thác có hiệu quả mạng lưới chợ; đồng thời, đổi mới về tổ chức và quản lý chợ trên địa bàn thành phố nhằm thúc đẩy mở rộng thị trường lưu thông hàng hóa, kinh doanh dịch vụ, phát triển sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân.

2. Thời gian thực hiện: chia làm hai giai đoạn:

a) Giai đoạn 1: năm 2006.

Trong năm 2006, mỗi quận, huyện chọn từ 01 đến 02 chợ loại III phù hợp quy hoạch chỉ đạo chuyển đổi thí điểm, rút kinh nghiệm, sau đó triển khai mở rộng các chợ loại III còn lại hoàn thành trong năm 2006.

b) Giai đoạn 2: năm 2007 – 2008.

Bổ sung hoàn chỉnh phương án tiếp tục chuyển đổi tổ chức và quản lý đối với chợ loại I và chợ loại II.

II. MÔ HÌNH TỔ CHỨC QUẢN LÝ, NỘI DUNG KINH DOANH KHAI THÁC VÀ QUẢN LÝ CHỢ

1. Mô hình tổ chức:

a) Doanh nghiệp được hiểu là Doanh nghiệp nhà nước, Công ty Cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Doanh nghiệp tư nhân thực hiện kinh doanh khai thác và quản lý hoạt động chợ, gọi chung là Doanh nghiệp quản lý chợ, được thành lập, đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành;

b) Hợp tác xã kinh doanh khai thác và quản lý chợ gọi là Hợp tác xã quản lý chợ được tổ chức với nhiều hình thức linh hoạt trên cơ sở vận động Ban quản lý chợ, Tổ quản lý chợ, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong chợ thành lập Hợp tác xã quản lý chợ theo nguyên tắc Luật Hợp tác xã.

Hợp tác xã thực hiện đăng ký kinh doanh, khai thác và quản lý hoạt động chợ có thể là một chợ hoặc một số chợ (liên chợ).

d) Doanh nghiệp quản lý chợ, Hợp tác xã quản lý chợ tự chủ về tài chính, tự cân đối, hạch toán thu chi, tự chịu trách nhiệm về tài chính gắn với hiệu quả hoạt động và quản lý theo pháp luật.

2. Nội dung kinh doanh khai thác và quản lý chợ:

a) Quản lý khai thác cơ sở hạ tầng trong chợ bao gồm mặt bằng, vật kiến trúc, bến bãi, kho tàng và các tài sản, phương tiện khác hiện đang sử dụng phục vụ cho hoạt động chợ;

b) Quản lý các khoản thu - chi từ hoạt động chợ theo Thông tư số 67/2003/TT-BTC ngày 11/7/2003 của Bộ Tài chính;

c) Quản lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại chợ theo Quyết định số 250/2004/QĐ-UB ngày 09/6/2004 của UBND thành phố Cần Thơ về việc ban hành Quy chế quản lý và phát triển chợ; Quyết định số 235/2004/QĐ-UB ngày 31/3/2004 của UBND thành phố Cần Thơ về ban hành Nội qui mẫu quản lý chợ trên địa bàn thành phố Cần Thơ;

d) Doanh nghiệp quản lý chợ, Hợp tác xã quản lý chợ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kinh doanh, tổ chức sắp xếp khu vực ngành hàng, khai thác có hiệu quả các dịch vụ kinh doanh; đầu tư nâng cấp, sửa chữa xây dựng cơ sở hạ tầng trong chợ theo hướng văn minh, hiện đại trình cấp thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện kinh doanh khai thác và quản lý chợ.

3. Xác định tài sản trong phạm vi chợ chuyển giao hoặc cho doanh nghiệp thuê:

a) Đất trong chợ do Nhà nước quản lý, Doanh nghiệp quản lý chợ, Hợp tác xã quản lý chợ được Nhà nước cho thuê đất thực hiện nghĩa vụ hàng năm theo quy định của pháp luật; doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý, khai thác đúng mục đích theo quy hoạch, nếu có yêu cầu thay đổi, điều chỉnh phải trình cấp thẩm quyền quyết định phê duyệt mới được triển khai thực hiện;

b) Tài sản bao gồm vật kiến trúc, kho, sân bãi do Nhà nước đầu tư hoặc huy động bằng các hình thức khác do Ban quản lý chợ, Tổ quản lý chợ giao hoặc cho thuê theo quy định hiện hành trực tiếp quản lý khai thác, đầu tư nâng cấp sữa chữa, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định; tài sản doanh nghiệp mua bán, chuyển nhượng, cho tặng, biếu hoặc các hình thức khác, doanh nghiệp quản lý theo quy định của pháp luật.

III. ÁP DỤNH CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP QUẢN LÝ CHỢ:

1. Doanh nghiệp quản lý chợ hoạt động đầu tư xây dựng chợ được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi); Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi); ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Thông tư số 67/2003/TT-BTC ngày 11/7/2003 của Bộ Tài chính và các văn bản pháp luật khác có liên quan hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho Ban quản lý chợ, Quyết định số 32/2005/QĐ-UB ngày 04/5/2005 của UBND thành phố ban hành quy định về việc áp dụng chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

2. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách hỗ trợ xây dựng chợ thực hiện theo quy định của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về Phát triển và quản lý chợ; Quyết định số 250/2004/QĐ-UB ngày 09/6/2004 của UBND thành phố Cần Thơ về việc ban hành Quy chế quản lý và phát triển chợ trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

3. Dành một tỷ lệ thích đáng từ các nguồn thu ở chợ (ngoài thuế) để tái đầu tư, sửa chữa, nâng cấp đối với các chợ phù hợp với quy hoạch nhưng chưa đảm bảo điều kiện hoạt động cần phải xây dựng thêm một số hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu; trường hợp nguồn vốn thu từ chợ và nguồn vốn huy động không đủ khả năng đầu tư thì địa phương xem xét lập thủ tục đề nghị UBND thành phố (hoặc UBND quận, huyện theo phân cấp quản lý) xem xét, hỗ trợ cụ thể theo khả năng ngân sách.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Thương mại (cơ quan chỉ đạo và tổ chức thực hiện):

Có trách nhiệm chủ động phối hợp với Liên minh Hợp tác xã và các Sở, ngành có liên quan hướng dẫn UBND quận, huyện xây dựng kế hoạch chọn chợ loại III làm điểm chỉ đạo rút kinh nghiệm và triển khai thực hiện phương án chuyển đổi tổ chức và quản lý chợ theo hình thức Doanh nghiệp quản lý chợ hoặc Hợp tác xã quản lý chợ trong năm 2006; đầu năm 2007 Sở Thương mại chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ngành có liên quan báo cáo đánh giá kết quả thực hiện và trình UBND thành phố tổ chức sơ kết mô hình để phổ biến, nhân rộng việc chuyển đổi các chợ loại I, loại II trên địa bàn.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Hướng dẫn các thủ tục cần thiết cho việc chuyển đổi từ Ban quản lý chợ, Tổ quản lý chợ sang Doanh nghiệp quản lý chợ hoặc Hợp tác xã quản lý chợ theo quy định của pháp luật;

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành chức năng đề xuất với UBND thành phố xem xét giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

3. Sở Tài chính :

- Hướng dẫn UBND quận, huyện thành lập tổ chức định giá trị tài sản do ngân sách đầu tư xây dựng chợ có giá trị còn lại; phương thức, nguyên tắc, trình tự thủ tục chuyển giao tài sản cho Doanh nghiệp quản lý chợ, bao gồm vật kiến trúc, kho tàng, bến bãi và các tài sản khác; đề xuất giải quyết các khoản nợ phải thu, phải trả thuộc trách nhiệm của Ban quản lý, Tổ quản lý chợ theo quy định trước khi giao cho Doanh nghiệp, Hợp tác xã quản lý chợ;

- Sở Tài chính phối hợp với Cục Thuế tham mưu cho UBND thành phố ban hành mức thu phí, chế độ quản lý và sử dụng tiền thu được; cung cấp mẫu biểu, chứng từ thu phí; kiểm tra sử dụng, quyết toán các chứng từ thu phí; hướng dẫn các thủ tục ưu đãi về thuế đối với đối với các Doanh nghiệp, Hợp tác xã quản lý chợ theo quy định.

4. Liên minh Hợp tác xã thành phố:

- Phối hợp với UBND quận, huyện và các Sở, ngành có liên quan xây dựng phương án tổ chức vận động thành lập Hợp tác xã chợ, đầu tư phát triển theo hướng hiệu quả, văn minh;

- Phối hợp với Sở Thương mại có kế hoạch mở lớp đào tạo quản lý chợ cho cán bộ nghiệp vụ của Hợp tác xã quản lý chợ.

5. Ủy ban nhân dân quận, huyện:

- Xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi tổ chức và quản lý chợ; tổ chức quán triệt để tạo sự thông suốt trong nội bộ, các ngành, các cấp, UBND xã, phường, thị trấn nắm rõ yêu cầu, mục tiêu, nội dung chuyển đổi mô hình quản lý từ Ban quản lý, Tổ quản lý chợ sang hình thức Doanh nghiệp hoặc Hợp tác xã quản lý kinh doanh, khai thác hoạt động chợ.

- Thành lập Ban chỉ đạo cấp quận, huyện thực hiện phương án chuyển đổi mô hình tổ chức và quản lý chợ do Phó Chủ tịch UBND quận, huyện làm Trưởng ban, Trưởng phòng Kinh tế làm Phó Trưởng ban và đại diện các Phòng, Ban có liên quan làm ủy viên. Ban chỉ đạo có trách nhiệm triển khai thực hiện phương án theo chức năng, nhiệm vụ do Chủ tịch UBND quận, huyện quy định; hướng dẫn chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn vận động tổ chức, cá nhân trong chợ thực hiện phương án trên và giúp UBND quận, huyện hoàn thành kế hoạch đề ra./.