Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 740/QĐ-UBND

Huế, ngày 08 tháng 4 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2010 VÀ MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13 tháng 08 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ;

Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ;

Căn cứ Quyết định số 682/QĐ-UB ngày 12 tháng 3 năm 2003 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại Thừa Thiên Huế giai đoạn 2001-2010;

Căn cứ Quyết định số 1975/QĐ-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2006 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt đề cương điều chỉnh Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 149/TTr-SCT ngày 27 tháng 02 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2010 và một số định hướng đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

I. Quan điểm

- Phát triển thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế tương xứng với tiềm năng và khai thác tối đa lợi thế so sánh của các tiểu vùng trong toàn tỉnh. Phát triển thương mại trở thành đòn bẩy để phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ khác, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lao động xã hội, thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh.

- Phát triển thị trường Thừa Thiên Huế theo hướng mở cửa, gắn thị trường trong nước với thị trường ngoài nước, trước hết với thị trường vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước nhằm tổ chức tốt lưu thông hàng hoá, kích thích tiêu dùng trong dân cư, đồng thời từng bước hội nhập với thị trường thế giới theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại. Đặc biệt chú trọng việc phát triển thương mại gắn với các địa bàn kinh tế trọng điểm của tỉnh như thành phố Huế, Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

- Phát triển thương mại tỉnh thừa Thiên Huế gắn kết với sự phát triển đa dạng các loại hình sở hữu đối với doanh nghiệp thương mại, thương mại gắn với đầu tư. Quan tâm phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh, đồng thời thúc đẩy phát triển các hệ thống phân phối hiện đại, có vai trò nòng cốt, dẫn dắt thị trường để định hướng sản xuất và tiêu dùng.

- Phát triển thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Phát triển thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng hiện đại hoá và văn minh thương mại, chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, lấy thị trường đô thị làm trọng tâm, hỗ trợ thúc đẩy thị trường nông thôn.

- Phát triển thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế theo cơ chế thị trường trên cơ sở tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước, chống các hành vi kinh doanh trái phép, buôn lậu, trốn thuế và gian lận thương mại.

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm thương mại lớn của cả nước, tạo hành lang kinh tế thương mại với độ mở lớn, là hạt nhân và tuyến trục kinh tế thương mại trung tâm để làm động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Thực hiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động; góp phần cải thiện đời sống vật chất tinh thần của nhân dân với mục tiêu xoá đói giảm nghèo; giải quyết việc làm cho người lao động và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá; thực hiện có hiệu quả việc hội nhập kinh tế quốc tế theo chuẩn mực của WTO.

2. Các chỉ tiêu phát triển thương mại:

a) GDP thương mại:

- Nhịp độ tăng trưởng GDP thương mại đến năm 2020: giai đoạn 2009 - 2010: 27,2%/năm; giai đoạn 2011 - 2015: 18,4%/năm; giai đoạn 2016 - 2020: 17,7%/năm.

- Tỷ lệ GDP thương mại/GDP toàn tỉnh: năm 2010: 14,6%; năm 2015: 17,0%; năm 2020: 20,0%.

b) Kim ngạch xuất nhập khẩu:

- Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2009 đạt 140 triệu USD, năm 2010 sẽ đạt giá trị 300 triệu USD; giai đoạn 2011- 2015 tốc độ tăng bình quân đạt 20%; đạt giá trị 650 triệu USD vào năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 tốc độ tăng bình quân là 20%; đạt giá trị 1.000 triệu USD vào năm 2020.

- Kim ngạch nhập khẩu của Thừa Thiên Huế năm 2009 đạt giá trị 120 triệu USD; đạt giá trị 120 triệu USD vào năm 2010; giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng bình quân đạt 21%; đạt giá trị 540 triệu USD vào năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 có tốc độ tăng bình quân là 19%; đạt giá trị 900 triệu USD vào năm 2020.

c) Tổng mức lưu chuyển hàng hoá xã hội:

Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ xã hội và doanh thu dịch vụ của Thừa Thiên Huế đạt 9.567 tỷ đồng vào năm 2010, tăng bình quân 15%/năm trong giai đoạn 2009-2010; đạt 23.107 tỷ đồng vào năm 2015, tăng bình quân 14,5%/năm trong giai đoạn 2011-2015; đạt 56.296 tỷ đồng vào năm 2020, tăng bình quân 16%/năm trong giai đoạn 2016-2020.

III. Nội dung điều chỉnh Quy hoạch

1. Điều chỉnh quy hoạch phát triển trung tâm thương mại:

- Đến 2010, trên địa bàn tỉnh có 04 Trung tâm thương mại hạng III, trong đó xây dựng thêm 03 Trung tâm thương mại hạng III: Phong Phú PlaZa (Big C), 02 Nguyễn Tri Phương - 04 Hà Nội, trung tâm thương mại dịch vụ Phú Bài;

- Đến 2020, xây dựng thêm 6 trung tâm thương mại hạng III: TTTM thị trấn Phong Điền, TTTM thị trấn Sịa, TTTM thị trấn Tứ Hạ, TTTM thị trấn Thuận An, TTTM thị trấn Phú Lộc, TTTM tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; Cụm thương mại dịch vụ tập trung tại phường Phú Hội - phường Phú Nhuận và 01 Trung tâm hội chợ triển lãm tỉnh.

2. Điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống siêu thị:

- Đến năm 2010, trên địa bàn tỉnh có 10 siêu thị, trong đó xây dựng thêm 02 siêu thị hạng II: An Vân Dương, Đại siêu thị và trung tâm phân phối hàng hoá Phú Thái; 04 siêu thị hạng III: Trường An, Vĩ Dạ, Đống Đa, Thuận An.

- Đến năm 2020, xây dựng thêm 02 siêu thị hạng II: khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, thị trấn Phú bài; 08 siêu thị hạng III tại các khu vực sau: Nam Thuỷ An, xã Phong Hiền, xã Điền Lộc, xã Quảng Phú, xã Bình Điền, xã Thuỷ Phương, xã Vinh Thanh, xã Vinh Hiền.

3. Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới chợ:

- Đến 2010 toàn tỉnh có 165 chợ các loại. Trong đó thành phố Huế có 30 chợ; huyện Phong Điền có 19 chợ; huyện Quảng Điền có 20 chợ; huyện Hương Trà có 17 chợ; huyện Hương Thuỷ có 15 chợ; huyện Phú Vang có 31 chợ; huyện Phú Lộc có 23 chợ; huyện Nam Đông có 3 chợ; huyện A Lưới có 7 chợ.

- Đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có 167 chợ các loại. Trong đó, thành phố Huế có thêm 03 chợ (thành 33 chợ); huyện Quảng Điền giảm 01 chợ (còn 19 chợ).

4. Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới xăng dầu:

a) Hệ thống kho xăng dầu:

- Đến năm 2010: Di chuyển kho xăng dầu Ngự Bình (có sức chứa 2.500m3, diện tích chiếm đất 4.500m2) tại phường An Cựu về kho cảng xăng dầu Thuận An; nâng tổng sức chứa kho cảng xăng dầu Thuận An lên 7.000m3 với diện tích chiếm đất 19.500m2; Xây dựng kho cảng xăng dầu Chân Mây có sức chứa 7.000m3, diện tích chiếm đất 40.000m2 tại khu vực Chân Mây (Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô).

- Đến năm 2020: Xây dựng mới kho cảng đầu mối xăng dầu tại cảng Chân Mây với qui mô cấp vùng, có sức chứa từ 70.000 - 100.000 m3 đủ năng lực tiếp nhận xăng dầu từ nước ngoài và Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nâng cấp kho cảng Thuận An nhằm tăng năng lực tiếp nhận và cung cấp xăng dầu cho các tỉnh Bắc miền Trung và Lào, Đông Bắc Thái Lan.

b) Hệ thống cửa hàng xăng dầu:

- Đến năm 2010, toàn tỉnh có: 130 cửa hàng xăng dầu các loại (79 cửa hàng loại I, 49 cửa hàng loại II và 2 cửa hàng loại III).

- Đến năm 2015: xây dựng mới một số cửa hàng để thay thế các cửa hàng bị xóa bỏ, di dời; đến cuối thời kỳ 2011-2015, toàn tỉnh có tổng số: 149 CHXD (116 cửa hàng loại I, 31 cửa hàng loại II và 2 cửa hàng loại III).

- Đến năm 2020: Tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện, nâng cao chất lượng thương mại dịch vụ của mạng lưới CHXD ở vùng miền núi, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hiện đại hoá, nâng cao hơn nữa trình độ văn minh thương mại đối với các CHXD ở thành phố, ở trung tâm thị trấn, thị tứ.

5. Điều chỉnh quy hoạch hệ thống kho thông dụng:

a) Đến năm 2010: Xây dựng 02 kho dự trữ lương thực (ở huyện Hương Thuỷ và Hương Trà); 02 kho vật tư tại huyện Quảng Điền và Phú Vang.

- Xây dựng 2 kho dự trữ muối, 2 kho dầu hoả tại các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới; xây dựng kho dự trữ lương thực, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng cho các huyện miền núi để đề phòng thiên tai xảy ra.

b) Giai đoạn 2011-2020: Thực hiện việc cải tạo, nâng cấp các kho hiện có, đặc biệt hệ thống kho dự trữ quốc gia đảm bảo ổn định thị trường cho Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung, nơi thường xuyên xảy ra thiên tai lũ lụt.

6. Tổng hợp vốn đầu tư và các công trình ưu tiên:

a) Tổng hợp vốn đầu tư:

- Tổng số vốn đầu tư: của toàn ngành thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế từ nay đến năm 2020 sẽ vào khoảng 166.298-188.395 tỷ đồng.

- Vốn huy động từ ngân sách khoảng 30-32%; dân cư và doanh nghiệp 16-18%; tín dụng 13-15%; vốn nước ngoài và các nguồn vốn khác 32-35%.

b) Các công trình ưu tiên đầu tư:

* Giai đoạn đến năm 2010:

- Xây dựng 03 Trung tâm thương mại hạng III: Phong Phú Plaza (BigC); 02 Nguyễn Tri Phương - 04 Hà Nội; Trung tâm thương mại dịch vụ Phú Bài.

- Xây dựng 02 Siêu thị hạng II: An Vân Dương, Đại siêu thị và trung tâm phân phối hàng hoá Phú Thái tại Hương Sơ; 04 Siêu thị hạng III: Trường An, Vĩ Dạ, Đống Đa, Thuận An.

- Cải tạo và nâng cấp hệ thống chợ tại trung tâm đô thị lớn như thành phố Huế, khu công nghiệp Phú Bài, các huyện lỵ, thị trấn thị tứ; ưu tiên xây dựng chợ đầu mối Phú Hậu, Bình Điền. Nâng cấp chợ tạm và xây dựng các chợ mới tại vùng cao.

- Xây dựng các kho dự trữ tại các vùng cao và vùng thường xảy ra thiên tai lũ lụt, các kho xăng dầu.

* Giai đoạn 2011-2020:

- Xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm tỉnh.

- Xây dựng các trung tâm thương mại (TTTM) hạng III như: TTTM thị trấn Phong Điền, TTTM thị trấn Sịa, TTTM thị trấn Tứ Hạ, TTTM thị trấn Thuận An, TTTM thị trấn Phú Lộc, TTTM tại Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô; Cụm thương mại dịch vụ tập trung tại phường Phú Hội - phường Phú Nhuận.

- Xây dựng 09 Siêu thị tại các khu vực sau: Nam Thuỷ An, xã Phong Hiền, xã Điền Lộc, xã Quảng Phú, xã Bình Điền, xã Thuỷ Phương, xã Vinh Thanh, xã Vinh Hiền, Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Phát triển hệ thống cửa hàng bán hàng hiện đại, nâng cấp các chợ còn lại thành chợ kiên cố.

- Cải tạo và nâng cấp hệ thống chợ hiện có, ưu tiên đầu tư các chợ trung tâm thành phố Huế, các Huyện lỵ thành các trung tâm thương mại.

- Đầu tư tiếp các công trình thương mại còn lại tuỳ theo khả năng huy động vốn cho mỗi công trình và luận chứng kinh tế kỹ thuật được duyệt.

IV. Giải pháp thực hiện

1. Giải pháp huy động vốn:

Để tạo nguồn vốn cần đa dạng hoá các hình thức huy động vốn và tạo vốn trong tỉnh, mọi nguồn vốn trong và ngoài nước, các nguồn vốn thông qua thu ngân sách, các hoạt động đầu tư trực tiếp và gián tiếp của doanh nghiệp và của các tầng lớp dân cư. Bên cạnh đó cần tạo môi trường hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

2. Giải pháp phát triển thị trường:

Phát triển thị trường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế phải chú trọng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, trên cả phương diện thị trường cung ứng nguyên vật liệu, hàng hoá, dịch vụ phục vụ cho nhu cầu của sản xuất, tiêu dùng trong tỉnh và trên cả phương diện thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá do các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh cũng như thị trường xuất khẩu. Đồng thời, cần phải từng bước hình thành và phát triển các thị trường khác như: thị trường lao động, thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường khoa học - công nghệ,…

3. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực:

Để đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, cần phải thực hiện một loạt các chương trình đào tạo lại đối với số cán bộ công nhân viên đang hoạt động trong ngành thương mại. Để đào tạo có trọng tâm, trọng điểm phải tiến hành điều tra phân loại trình độ nghiệp vụ của toàn thể nhân viên và lao động hiện đang tham gia hoạt động trong ngành trên phạm vi toàn tỉnh. Từ đó, xây dựng, thực hiện chương trình đào tạo cán bộ quản lý và lao động trong ngành ở các cấp trình độ khác nhau, chuyên ngành khác nhau cho phù hợp với nhu cầu sử dụng. Tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ thông qua việc khảo sát, tham gia hội nghị, hội thảo khoa học chuyên đề trong nước cũng như các nước khác trên thế giới.

4. Giải pháp phát triển một số mặt hàng chủ lực:

a) Đối với nhóm sản phẩm thuỷ sản:

- Khuyến khích đầu tư các nhà máy, cơ sở chế biến thuỷ sản trên địa bàn đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế.

- Đẩy mạnh kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức và quản lý hệ thống nuôi trồng, sản xuất, phân phối trong nước, chú trọng thực hiện kiểm soát an toàn vệ sinh và chất lượng ngay tại khâu đầu tiên của chuỗi tiêu thụ, vùng nuôi, cảng, tàu.

- Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại tìm thị trường mới, thị trường thay thế theo hướng đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

b) Đối với ngành dệt - may, da giày:

- Ưu tiên đầu tư phát triển ngành dệt may tại khu tổ hợp dệt may, khu công nghiệp, cụm điểm công nghiệp theo hướng chuyên môn hoá, hiện đại hoá, hướng vào khâu thiết kế, tạo mẫu mốt, sản phẩm cao cấp. Chú trọng phát triển mạnh sản xuất nguyên vật liệu, phụ tùng tiến tới thay thế dần nguyên vật liệu nhập khẩu.

- Phát triển các sản phẩm may mặc mang tính dân tộc, truyền thống phục vụ xuất khẩu tại chỗ cho khách du lịch nước ngoài. Khuyến khích đầu tư xây dựng mới (có thể đầu tư nâng cấp) một số cơ sở may - dệt có qui mô lớn, hiện đại, đồng bộ để tổ chức sản xuất tập trung, tạo mô hình sản xuất vệ tinh. Thu hút đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu ngành may.

- Đào tạo và tổ chức cung cấp nguồn lao động tại chỗ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; hỗ trợ xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

c) Đối với sản phẩm vật liệu, khoáng sản, bia:

- Tăng cường chế biến sâu khoáng sản, hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô; ưu tiên đầu tư sản xuất, chế biến khoáng sản xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhà máy chế biến xỉ titan ở La Sơn, nhà máy xi măng Long Thọ II, nâng công suất nhà máy xi măng Luks, hoàn thành xây dựng nhà máy xi măng Đồng Lâm, đầu tư mở rộng nâng công suất nhà máy bia Phú Bài,…

- Phát triển nhanh các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh khi thực hiện cam kết WTO như: xi măng, khoáng sản, bia Huda, ...

- Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư hình thành những sản phẩm mới tận dụng được lợi thế về nguồn khoáng sản chất lượng cao như: cao lanh, cát thạch anh,... Lựa chọn công nghệ sản xuất tập trung hơn, đi liền với đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ; cung cấp nguồn nguyên liệu tại chỗ, các sản phẩm khác có lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh cao.

d) Đối với sản phẩm Thủ công mỹ nghệ:

- Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống; các nghề thủ công như đúc đồng, gốm sứ, mộc, chạm khảm, sơn mài, mây tre đan, thêu, dệt thảm,...; kết hợp công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại với lao động thủ công khéo tay nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu.

- Đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, đa dạng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, kể cả xuất khẩu tại chỗ. Đào tạo, nâng cao hiểu biết về thị trường, thị hiếu khách hàng để tổ chức sản xuất các sản phẩm phù hợp.

- Hỗ trợ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có lợi thế xây dựng thương hiệu, tăng cường xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới như: Mỹ, Nhật, EU,... gắn với hoạt động du lịch nhân các sự kiện quốc tế lớn tổ chức ở Thừa Thiên Huế để quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ.

đ) Đối với nhóm sản phẩm nông, lâm sản:

- Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản, các cơ sở chế biến súc sản, thực phẩm sấy khô theo công nghệ hiện đại; phát triển các cơ sở chế biến thực phẩm ăn liền theo công nghệ truyền thống; xây dựng nhà máy sản xuất cao su mủ cốm, nhựa thông, các sản phẩm từ gỗ rừng trồng.

- Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất các hàng hoá có chất lượng, năng suất và hiệu quả cao, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu như: cao su, cà phê, các loại cây nguyên liệu: giấy, sắn, cau, lạc, ớt, thanh trà, …

- Tăng cường đào tạo nâng cao trình độ quản lý kinh tế, khoa học kỹ thuật cho các cán bộ cơ sở, hợp tác xã nông nghiệp, chủ trang trại để đáp ứng được yêu cầu trong nền kinh tế thị trường.

e) Đối với dịch vụ du lịch:

- Tổ chức và khai thác tốt thị trường khách du lịch quốc tế để nâng cao giá trị, thông qua các hoạt động dịch vụ nhằm nâng mức chi tiêu của khách du lịch quốc tế dưới hình thức mua sắm hàng hoá và tiêu dùng dịch vụ.

- Xây dựng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch mạnh, chuyên sâu, đi đầu trong cả nước về khách sạn, lữ hành, vận chuyển khách du lịch, vui chơi giải trí, các trung tâm hội nghị quốc tế. Tăng cường phối hợp đồng bộ và chặt chẽ với các ngành có liên quan, địa phương trong khu vực miền Trung và các nước Lào, Thái Lan, Myanmar để khai thác tuyến hành lang kinh tế Đông Tây nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của ngành du lịch.

- Tập trung đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng các khu du lịch theo quy hoạch.

- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, hợp tác tích cực với hệ thống truyền thông trong nước và quốc tế. Mở văn phòng đại diện ở các thị trường tiềm năng, phát triển hoạt động lữ hành quốc tế.

- Xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành và đòi hỏi ngày càng cao của khách du lịch.

g) Đối với xuất khẩu sản phẩm phần mềm tin học:

Chú trọng phát triển các sản phẩm phần mềm đóng gói phục vụ xuất khẩu: games, phần mềm quản lý,... Đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ tin học. Tìm kiếm thị trường xuất khẩu phần mềm có tiềm năng như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc,…

h) Đối với phát triển xuất khẩu lao động:

- Mở rộng qui mô của các cơ sở đào tạo lao động xuất khẩu có chất lượng. Tập trung xuất khẩu lao động có chất lượng cao, trong đó chú ý xuất khẩu chuyên gia, lao động kỹ thuật, lao động thuộc ngành công nghệ thông tin.

- Mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu lao động, tăng cường đầu tư khai thác thị trường truyền thống với lao động Thừa Thiên Huế như Malayxia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản; phát triển các thị trường mới như Brunei, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Italya, Hoa Kỳ, Anh,...

- Tăng cường quản lý nhà nước, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị xuất khẩu lao động; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động.

i) Phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng:

Nâng cao chất lượng tín dụng, tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn và kiểm soát rủi ro; hoàn thiện và chuẩn hoá qui trình tác nghiệp về quản lý nghiệp vụ ngân hàng theo hướng tự động hoá; đẩy mạnh liên doanh, liên kết hợp tác với các ngân hàng, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước; phát triển hệ thống thanh toán điện tử và hiện đại hoá hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng. Khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ kinh doanh thu ngoại tệ; cung ứng dịch vụ tư vấn, hỗ trợ kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

k) Phát triển dịch vụ Y tế, Giáo dục - đào tạo:

- Nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế hiện có, tiếp thu áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hiện đại hoá trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật y tế của tỉnh để đảm bảo yêu cầu khám, chữa bệnh cho các công dân nước ngoài, thu ngoại tệ.

- Xây dựng và phát triển một số trường đào tạo tài năng và chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực có ưu thế, góp phần thực hiện chủ trương xuất khẩu dịch vụ giáo dục - đào tạo.

5. Các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại:

- Thu thập và phổ biến thông tin về thị trường một cách kịp thời cho các chủ thể kinh doanh, đồng thời làm tốt công tác dự báo để định hướng cho sản xuất và xuất khẩu, phát triển các mặt hàng mới;

- Tổ chức thị trường và xúc tiến thương mại. Hướng dẫn các doanh nghiệp đáp ứng những cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế; phối hợp, hướng dẫn doanh nghiệp, làng nghề xây dựng nhãn hiệu hàng hoá và thương hiệu sản phẩm; cung cấp thông tin thị trường, về chính sách rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu và có biện pháp cho doanh nghiệp chủ động tổ chức sản xuất, phòng tránh rủi ro.

6. Giải pháp phát triển thương mại điện tử trong hoạt động thương mại:

- Tổ chức đào tạo và thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về thương mại điện tử.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cho thương mại điện tử thông qua việc xây dựng kết cấu hạ tầng viễn thông tương thích với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế; khuyến khích phát triển công nghệ phần mềm; nhanh chóng thiết lập hệ thống thanh toán điện tử.

- Có phương án, kế hoạch thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng hình thức hoạt động thương mại mới này vào thực tiễn hoạt động.

- Hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh tham gia Sàn Giao dịch thương mại điện tử và xây dựng trang web điện tử.

7. Giải pháp tăng cường công tác quản lý và kinh doanh chợ, trung tâm thương mại, siêu thị:

- Triển khai Kế hoạch số 63/KH-UBND của UBND tỉnh về chuyển đổi mô hình quản lý chợ giai đoạn từ 2008-2010. Giai đoạn từ 2011-2015 sẽ triển khai rộng rãi việc chuyển Ban quản lý chợ sang doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ.

- Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo nghiệp vụ quản lý, kinh doanh khai thác chợ cho cán bộ trực tiếp tham gia quản lý, điều hành hoạt động chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh.

8. Giải pháp về tổ chức quản lý nhà nước và cải cách hành chính trong việc phát triển hoạt động thương mại:

Tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về thương mại thông qua việc hoàn thiện pháp luật, chính sách và cơ chế quản lý thương mại; hoạch định chiến lược và quy hoạch, kế hoạch hoá phát triển thương mại; sử dụng các công cụ như thuế để điều tiết hoạt động thương mại…

Các cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về thương mại, thị trường của tỉnh phải tập trung vào nghiên cứu dự báo thị trường, quy hoạch và kế hoạch phát triển thương mại, kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đồng thời phải gắn chặt quản lý trên phạm vi toàn tỉnh với đặc thù của các huyện và thành phố Huế.

9. Tổ chức hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế:

- Tổ chức hệ thống phân phối đơn lẻ

- Tổ chức hệ thống phân phối theo mô hình liên kết dọc

10. Giải pháp khác (vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, xây dựng và phát triển thương hiệu):

- Triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có liên quan như ISO, HACCP, GMP đối với hàng hoá xuất khẩu của tỉnh.

- Xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm; các doanh nghiệp Thừa Thiên Huế cần tập trung: Lựa chọn mô hình phát triển thương hiệu hợp lý và hình thành chiến lược tổng thể cho xây dựng và phát triển thương hiệu; Lựa chọn và phát triển các yếu tố thương hiệu; Tăng cường quảng bá cho hình ảnh thương hiệu; Không ngừng nâng cao chất lượng hàng hoá.

V. Tổ chức thực hiện

1. Sở Công Thương: chủ trì, phối hợp với các ban ngành trong tỉnh xây dựng kế hoạch, các đề án chi tiết để triển khai Quy hoạch trong từng lĩnh vực, từng giai đoạn.

- Đề xuất các biện pháp kích cầu nhằm huy động vốn cho thực hiện quy hoạch xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật thương mại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020.

- Đẩy nhanh quá trình hình thành các khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, hỗ trợ thúc đẩy phát triển các ngành nghề, làng nghề.

- Đẩy nhanh phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Phối hợp với các ngành liên quan, tích cực xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công thương.

2. Sở Kế hoạch - Đầu tư:

- Tham mưu UBND tỉnh phân bổ vốn đầu tư hàng năm cho các ngành với tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư hợp lý cho nhu cầu xây dựng các công trình thương mại trên địa bàn tỉnh.

- Trên cơ sở các chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư vào địa phương theo các Quyết định của UBND tỉnh, cần tiếp tục triển khai các hướng dẫn cụ thể và chi tiết đối với từng ngành sản xuất, từng địa bàn cụ thể. Trong đó, chú trọng đối với sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và chế biến nông sản.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Triển khai thực hiện tốt quy hoạch các vùng sản xuất với các loại sản phẩm cụ thể; cần chủ động kết hợp, thoả thuận, thống nhất với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh trong và ngoài tỉnh để xác định khả năng tiêu thụ và quy mô sản xuất cần thiết đối với mỗi loại sản phẩm cụ thể.

4. Sở Xây dựng: Tham gia đánh giá, thẩm định cấp phép đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thương mại; cùng với các ngành và địa phương bố trí hợp lý không gian sử dụng trong khuôn viên chợ, cây xanh, lối thoát nạn, cấp nước cho sản xuất, phòng cháy.

5. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại và kinh phí cho các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư của tỉnh.

6. Công an tỉnh: Đảm bảo an toàn, an ninh cho hoạt động thương mại, hướng dẫn các ban quản lý và doanh nghiệp khai thác kinh doanh tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại thực hiện các chính sách, quy định về an ninh, phòng cháy chữa cháy, trật tự xã hội,…

7. Sở Tài nguyên và Môi trường: Quy hoạch quỹ đất lâu dài cho phát triển thương mại; cùng với các ngành liên quan, đánh giá tác động môi trường của khu vực trong khuôn viên quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

8. Sở Y tế: Hướng dẫn thương nhân về pháp luật an toàn thực phẩm đối với hàng hoá tươi sống, ăn uống, thực phẩm, gia vị,… thường xuyên kiểm tra, cảnh báo về nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm.

9. Uỷ ban Nhân dân thành phố Huế và các huyện: Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, phối hợp các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư; thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình đối với hoạt động thương mại trên địa bàn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Văn hoá Thể Thao và Du lịch, Y tế; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch UBND thành phố Huế và các huyện; Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thiện

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm Quyết định số: 740/QĐ-UBND ngày 08/4/2009 của UBND tỉnh)

 

Đến năm 2010

Đến năm 2020

Hạng I

Hạng II

Hạng III

Hạng I

Hạng II

Hạng III

I. Trung tâm thương mại

 

 

 

 

 

 

1.TTTM Trường tiền Plaza (Tp Huế)

 

 

 

 

2.TTTM 02 nguyễn Tri Phương - 04 Hà Nội (Tp Huế)

 

 

XM

 

 

3.TTTM Phong phú Plaza (Tp Huế)

 

 

XM

 

 

4.TTTM dịch vụ Phú Bài (huyện Hương Thuỷ)

 

 

XM

 

 

5.TTTM thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền)

 

 

 

 

 

XM

6.TTTM thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền)

 

 

 

 

 

XM

7.TTTM thị trấn Tứ Hạ (huyện Hương Thuỷ)

 

 

 

 

 

XM

8.TTTM thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang)

 

 

 

 

 

XM

9.TTTM thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc)

 

 

 

 

 

XM

10.TTTM tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc)

 

 

 

 

 

XM

II. Trung tâm hội chợ triển lãm

 

 

 

 

 

 

1. Trung tâm hội chợ triển lãm tỉnh (An Vân Dương)

 

 

 

Xây dựng mới tại Khu quy hoạch An Vân Dương

III. Siêu thị

Hạng I

Hạng II

Hạng III

Hạng I

Hạng II

Hạng III

1. Siêu thị Xanh (Tp Huế)

 

 

 

 

2. Siêu thị Thuận Thành 1 (Tp Huế)

 

 

 

 

3. Siêu thị Thuận Thành 2 (Tp Huế)

 

 

 

 

4. Siêu thị Huế Plaza (Tp Huế)

 

 

 

 

5. Siêu thị An Vân Dương (Tp Huế)

 

XM

 

 

 

6. Đại siêu thị và trung tâm phân phối hàng hoá Phú Thái (Tp Huế)

 

XM

 

 

 

7. Siêu thị Trường An (Tp Huế)

 

 

XM

 

 

8. Siêu thị Vĩ Dạ (Tp Huế)

 

 

XM

 

 

9. Siêu thị Đống Đa (Tp Huế)

 

 

XM

 

 

10. Siêu thị Thuận An (huyện Phú Vang)

 

 

XM

 

 

11. Siêu thị Nam Thuỷ An (Tp Huế)

 

 

 

 

 

XM

12. Siêu thị xã Phong Hiền (huyện Phong Điền)

 

 

 

 

 

XM

13. Siêu thị xã Điền Lộc (huyện Phong Điền)

 

 

 

 

 

XM

14. Siêu thị xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền)

 

 

 

 

 

XM

15. Siêu thị xã Bình Điền (huyện Hương Trà)

 

 

 

 

 

XM

16. Siêu thị xã Thuỷ Phương (huyện Hương Thuỷ)

 

 

 

 

 

XM

17. Siêu thị xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang)

 

 

 

 

 

XM

18. Siêu thị xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc)

 

 

 

 

 

XM

19. Siêu thị khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô

 

 

 

 

XM

 

20. Siêu thị Thị trấn Phú Bài (huyện Hương Thuỷ)

 

 

 

 

XM

 

 

Đến năm 2010

Đến năm 2020

IV. Mạng lưới Chợ

Loại 1

Loại 2

Loại 3

Loại 1

Loại 2

Loại 3

1. Thành phố Huế

04

04

22

04

04

25

2. Huyện Hương Thuỷ

0

01

14

0

01

14

3. Huyện Phú Vang

01

01

29

01

01

29

4. Huyện Phú Lộc

01

01

21

01

02

20

5. Huyện Phong Điền

0

02

17

0

02

17

6. Huyện Quảng Điền

0

02

18

0

02

17

7. Huyện Hương Trà

01

01

15

01

01

15

8. Huyện Nam Đông

0

01

02

0

01

02

9. Huyện A Lưới

0

01

06

0

01

06

Tổng số chợ:

07

14

144

07

15

145

V. Mạng lưới xăng dầu

Đến năm 2010

Đến năm 2015

1. Cửa hàng xăng dầu

Hạng I

Hạng II

Hạng III

Hạng I

Hạng II

Hạng III

- Toàn tỉnh

79

49

02

116

31

02

2. Hệ thống kho xăng dầu

Đến năm 2010

Đến năm 2020

a) Kho xăng dầu Thuận An

Di chuyển Kho xăng dầu Ngự Bình về kho cảng xăng dầu Thuận An: 7000m3

 

b) Kho cảng xăng dầu Chân Mây

XM: 7000m3

 

c) Kho cảng đầu mối xăng dầu tại cảng Chân Mây

 

XM: 70.000m3-100.000m3

VI. Hệ thống kho thông dụng

 

 

1. Kho dự trữ lương thực tại huyện Hương Thuỷ

XM

NC

2. Kho dự trữ lương thực tại huyện Hương Trà

XM

NC

3. Kho vật tư tại huyện Quảng Điền

XM

NC

4. Kho vật tư tại huyện Phú Vang

XM

NC

5. Kho dự trữ muối tại huyện Nam Đông

XM

NC

6. Kho dự trữ muối tại huyện A Lưới

XM

NC

Ghi chú:

- XM: xây dựng mới;

- HĐ: đang hoạt động;

- NC: nâng cấp.