ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 743/QĐ-UBND | Quảng Bình, ngày 05 tháng 04 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ LUẬT SƯ TỪ NĂM 2011 ĐẾN NĂM 2020" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Luật sư ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 28/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư;
Căn cứ Nghị định số 131/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Luật sư về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư;
Căn cứ Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18/01/2010 của Thủ Tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Công văn số 39/STP-HB ngày 20 tháng 01 năm 2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư từ năm 2011 đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” với các nội dung cơ bản như sau: I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU 1. Mục đích - Phát triển đội ngũ luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư nhằm xây dựng nghề luật sư chuyên nghiệp, chuyên nghiệp hoá đội ngũ luật sư đáp ứng ngày càng cao về dịch vụ pháp lý của cá nhân và tổ chức; tăng cường trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư trong hành nghề, đặc biệt là tuân thủ pháp luật, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật hành nghề của luật sư. - Xây dựng đội ngũ luật sư giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, thành thạo về kỹ năng hành nghề luật sư, có đủ khả năng tư vấn hoặc tham gia bào chữa các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động, đầu tư kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài và các hoạt động dịch vụ pháp lý khác cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. - Xây dựng các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu về các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động, đầu tư kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài, có khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư trong nước và nước ngoài. Đến năm 2020 có ít nhất 01 tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài. 2. Yêu cầu - Triển khai thực hiện Đề án một cách nghiêm túc, đồng bộ theo đúng lộ trình, đạt được mục tiêu đề ra. Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án phải xuất phát từ thực trạng đội ngũ luật sư và nhu cầu về tư vấn tranh tụng của các cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. - Củng cố, phát triển các tổ chức hành nghề luật sư theo hướng hình thành một số Công ty luật chuyên sâu trong từng lĩnh vực. II. LỘ TRÌNH PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ VÀ ĐỘI NGŨ LUẬT SƯ 1. Giai đoạn 2011 đến 2015 Đến năm 2015, Đoàn Luật sư tỉnh có từ 30 luật sư trở lên, có 70% được đào tạo, bồi dưỡng nghề luật sư do Học viện Tư pháp và Liên Đoàn luật sư Việt Nam tổ chức, trong đó có ít nhất 02 luật sư có trình độ trên đại học chuyên ngành Luật, có 50% luật sư có trình độ Anh văn từ chứng chỉ B trở lên và sử dụng thành thạo máy vi tính; đến năm 2015 thành phố Đồng Hới và các huyện đều có tổ chức hành nghề luật sư. 2. Giai đoạn 2016 đến 2020 - Đến năm 2020 hoạt động luật sư mang tính chuyên nghiệp và chuyên môn hoá cao, 100% luật sư được đào tạo, bồi dưỡng nghề luật sư do Học viện Tư pháp và Liên Đoàn luật sư Việt Nam tổ chức; Đoàn Luật sư tỉnh có ít nhất 50 luật sư, có 70% luật sư có trình độ Anh văn từ chứng chỉ B trở lên trong đó có ít nhất 02 luật sư thông thạo tiếng Anh, 03 luật sư có trình độ sau Đại học chuyên ngành luật. - Phát triển các tổ chức hành nghề luật sư theo hướng hình thành các công ty luật. Phấn đấu đến năm 2020 có 20 tổ chức hành nghề luật sư trong đó có ít nhất 01 tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài. III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP 1. Phát triển đội ngũ luật sư 1.1. Tiến hành rà soát nguồn nhân lực phát triển đội ngũ luật sư; tích cực tuyên truyền, vận động các sinh viên đã tốt nghiệp Đại học Luật và đã qua lớp đào tạo nghề luật sư, các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán có kinh nghiệm đã nghỉ hưu gia nhập Đoàn Luật sư. 1.2. Xây dựng chính sách thu hút những luật sư tài năng, những sinh viên giỏi đã tốt nghiệp Cử nhân Luật và đã qua lớp đào tạo nghề luật sư gia nhập Đoàn Luật sư Quảng Bình; tạo điều kiện cho những người đã qua đào tạo nghề luật sư trong việc tập sự hành nghề luật sư. Thời gian thực hiện: 2011- 2015. 1.3. Cử luật sư đi dự các lớp tập huấn về nghề luật sư do Bộ Tư pháp tổ chức; Phối hợp với Vụ Bổ trợ Tư pháp, Liên đoàn luật sư Việt Nam, Học viện Tư pháp mở khoá đào tạo nghề luật sư tại tỉnh; tập huấn nghề luật sư cho các luật sư; liên kết với các Trung tâm đào tạo tiếng Anh, tin học để tổ chức các khoá đào tạo tiếng Anh, tin học cho luật sư, người tập sự hành nghề luật sư; mở các hội thảo chuyên đề về tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và và các dịch vụ pháp lý khác. Thời gian thực hiện: 2011 - 2020. 1.4. Lựa chọn những luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh có đủ điều kiện tham gia đào tạo tại Trung tâm đào tạo liên kết theo Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2011 đến năm 2020” được phê duyệt tại Quyết định 123/QĐ-TTg ngày 18/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Có chính sách hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đào tạo đối với những người tự đào tạo và những người được cử đi đào tạo tại Trung tâm đào tạo liên kết theo Đề án để ký hợp đồng làm việc thường xuyên hoặc theo vụ việc cho một số ngành, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh. Thời gian thực hiện: năm 2011 - 2020. 2. Xây dựng các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài. 2.1. Hàng năm, rà soát, đánh giá, phân loại tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh có xu hướng phát triển chuyên sâu trong lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động và kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài. 2.2. Xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển các tổ chức hành nghề luật sư quy mô nhỏ và vừa thành các tổ chức hành nghề luật sư có quy mô lớn, chuyên sâu trong các lĩnh vực vực hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động và kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài. 2.3. Đề xuất và thực hiện chính sách khuyến khích tạo điều kiện trong việc thành lập và đăng ký hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư. 2.4. Tạo điều kiện phát triển các tổ chức hành nghề luật sư thông qua việc thực hiện chính sách giao cho các tổ chức này thực hiện các giao dịch, dự án tại tỉnh. 2.5. Đề xuất chính sách hỗ trợ cho sự phát triển của Đoàn luật sư Quảng Bình. 2.6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm giúp các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân hoạt động đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động hành nghề luật sư. Thời gian thực hiện: năm 2011 - 2020. IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp Chủ trì, phối hợp với Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh: - Xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Đề án. - Kiểm tra, đánh giá về tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân; khảo sát nguồn nhân lực đủ tiêu chuẩn luật sư, người đã được đào tạo nghề luật sư, người được miễn đào tạo nghề luật sư. - Lựa chọn cử luật sư tham gia các lớp đào tạo tại Trung tâm đào tạo liên kết theo Đề án được phê duyệt tại Quyết định 123/QĐ-TTg ngày 18/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ. - Xem xét các điều kiện và thực hiện các thủ tục đăng ký hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân. Thanh tra, kiểm tra hoạt động các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân. - Định kỳ sơ kết, tổng kết những việc đã thực hiện và đúc rút bài học kinh nghiệm tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu của Đề án. 2. Trách nhiệm của các Sở, ngành, các tổ chức và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố - Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển đội ngũ luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư đến năm 2020; dự toán ngân sách hàng năm cho việc thực hiện Đề án. - Đoàn Luật sư tỉnh: Có biện pháp thu hút người tập sự hành nghề luật sư sau khi hết thời hạn tập sự gia nhập Đoàn Luật sư tỉnh. Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thực hiện các giải pháp liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng hành nghề luật sư tại Đoàn luật sư. - Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh: Tạo điều kiện thuận lợi cho các Tổ chức hành nghề luật sư và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân trong việc làm thủ tục khắc dấu, lập các sổ sách, đăng ký mã số thuế và quản lý thuế. - Các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố: Tạo điều kiện thuận lợi và có biện pháp hỗ trợ theo thẩm quyền đối với các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân đóng trên địa bàn; phối hợp với Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư tỉnh trong việc quản lý hoạt động hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật. 3. Kinh phí thực hiện Đề án - Kinh phí thực hiện Đề án được cấp hàng năm từ ngân sách nhà nước. Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và Đoàn luật sư tỉnh lập dự toán kinh phí trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. - Thu hút, huy động sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp, luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư, cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện Đề án. Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư tỉnh và các Sở, ban, ngành, địa phương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Quyết định 1240/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án Phát triển đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng từ năm 2013 đến năm 2020
- 2 Quyết định 123/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Nghị định 131/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Luật sư về tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư
- 4 Nghị định 28/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật luật sư
- 5 Luật Luật sư 2006
- 6 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003